Mỗi Chiếc Quần âu, áo Sơ Mi đội Thêm 1 USD, Doanh Nghiệp Dệt May ...

Chấp nhận làm hòa vốn, thậm chí lỗ

Dù có đơn hàng dồi dào song những khó khăn vẫn đang bủa vây ngành dệt may Việt Nam. Nói như các doanh nghiệp là năm nay, trở về thời kỳ đỉnh cao năm 2019 (xuất khẩu dệt may đạt 39 tỷ USD) mà một điều xa xỉ. Một trong những khó khăn với doanh nghiệp là giá cả nguyên phụ liệu đầu vào đều tăng cao.

Mỗi chiếc quần âu, áo sơ mi 'đội' thêm 1 USD, doanh nghiệp dệt may 'giật gấu vá vai' để hoạt động - Ảnh 1.

Giá nguyên liệu tăng một phần do áp lực từ giá xăng dầu tăng (Nguồn: Thông Tấn Xã Việt Nam)

Dự kiến đầu tháng 11, Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) sẽ tăng công suất hoạt động lên 80 - 90%. Song bài toán lớn nhất của VitaJean lúc này là tính toán làm sao để sản xuất mà không lỗ vốn.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VitaJean, cho hay trước thời điểm TP HCM xảy ra dịch, giá nguyên liệu bông, sợi đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện doanh nghiệp tiếp tục nhận được bảng báo giá mới là tăng thêm khoảng 5-10% so với mức giá cũ.

"Chúng tôi nhận được bảng giá mới liên tục. Nếu tính bình quân giá thành sản xuất của FOB (bao gồm toàn bộ chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu) thì đã tăng 5%", ông Việt cho biết.

Dẫn ví dụ cụ thể, lãnh đạo VitaJean cho hay, với mức tăng giá nguyên liệu như trên, giá thành sản xuất một chiếc quần âu sẽ tăng thêm 1 USD, từ 13 USD/chiếc lên 14 USD. Hay áo sơ mi từ 22 - 35 USD/chiếc cũng sẽ tăng thêm trung bình 1 USD mỗi chiếc.

Điều đáng chú ý là chi phí sản xuất tăng nhưng doanh nghiệp không tính tới tăng giá bán do thị trường mới hồi phục.

Thời điểm nhạy cảm này, nếu doanh nghiệp báo giá tăng thì sẽ mất khách hàng. Ông Việt nói, VitaJean đang chấp nhận hòa vốn, thậm chí lỗ đối với các sản phẩm đã nhận đơn hàng của đối tác. Doanh nghiệp chỉ dự tính giá mới cho các sản phẩm Xuân - Hè chưa ký.

Theo đó, VitaJean đang thực hiện tiết giảm chi phí hết mức từ hoạt động điều hành tới giao dịch, xúc tiến thương mại... "Hiện nay, chúng tôi đang cho đội ngũ quản lý làm việc từ xa, thực hiện giao dịch đàm phán hợp đồng cũng qua internet... Nói chung là mọi chi phí không cần thiết từ nay đến cuối năm sẽ cắt hết để doanh nghiệp có thể duy trì cầm cự trong giai đoạn khó khăn này", ông Việt nói.

Trong bài toán hiệu quả kinh tế, khi chi phí đầu vào tăng thì rõ ràng doanh nghiệp phải tính tới chuyện tăng giá đầu ra, song trong bối cảnh này nhiều doanh nghiệp dệt may cho rằng chưa phù hợp để điều chỉnh tăng giá đầu ra.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, so với các đối thủ cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh thì chúng ta lép vế hơn họ do chưa chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, 50% phụ thuộc nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc.

Hiện, giá sản phẩm dệt may của Bangladesh cạnh tranh hơn khoảng 10% so với Việt Nam do họ có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn cung nguyên phụ liệu. Hơn nữa, thời gian qua, nhiều khách hàng cũng thông cảm với doanh nghiệp nên khi chúng ta bị đứt gãy sản xuất họ đã không phạt chậm giao hàng.

Xuất khẩu dệt may khó cán đích 39 tỷ USD

Đây là thời điểm để ngành dệt may Việt Nam phục hồi sản xuất, kết nối bạn hàng, lấy lại uy tín với đối tác nên chưa nên tăng giá sản phẩm. Ông Hồng cho rằng khi doanh nghiệp làm tốt điều này thì lúc đó tính tới câu chuyện tăng giá cũng không quá khó khăn với khách hàng.

Mỗi chiếc quần âu, áo sơ mi 'đội' thêm 1 USD, doanh nghiệp dệt may 'giật gấu vá vai' để hoạt động - Ảnh 2.

3 kịch bản xuất khẩu dệt may trong năm 2022 (Nguồn: Vinatex)

"Nếu tổ chức sản xuất tốt, tạo được uy tín với khách hàng thì ngành dệt may Việt Nam sẽ lấy lại được đà tăng trưởng", ông Hồng nói và cho rằng quan trọng lúc này là phải kiểm soát tốt dịch bệnh, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên phụ liệu với giá cạnh tranh hơn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy giá trị xuất khẩu hàng dệt may các tháng gần đây đang có xu hướng giảm. Chỉ tính riêng trong quý III, kim ngạch giảm 23% so với đầu quý. Cộng dồn 9 tháng đầu năm, ngành dệt may xuất được được 23,4 tỷ USD, tức 60% kế hoạch của cả năm.

Mỗi chiếc quần âu, áo sơ mi đội thêm 1 USD, doanh nghiệp dệt may 'giật gấu vá vai' để hoạt động - Ảnh 3.

Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong 9 tháng đầu năm 2021. (Số liệu: Tổng Cục Hải quan, đơn vị: tỷ USD. Đồ thị: H.Mĩ)

Vì vậy, năm 2021, Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự kiến kim ngạch xuất khẩu khó đạt được mục tiêu đặt ra hồi đầu năm là 39 tỷ USD. Với kịch bản tích cực nhất là đạt khoảng 37,5 - 38 tỷ USD. Còn với kịch bản kém tích cực chỉ đạt 33,5 - 34 tỷ USD.

Tuy vậy, nhu cầu dệt may của thế giới đang được dự báo là phục hồi, tăng trưởng trở lại trong năm 2022.

Dự báo về xuất khẩu dệt may năm 2022, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra 3 kịch bản. Kịch bản cao là sản xuất trở lại từ quý IV/2021 đến quý I/2022 đã có trên 80% lao động trở lại nhà máy, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, vượt kết quả năm 2019 ở mức 39 tỷ USD.

Kịch bản trung bình là sản xuất trở lại từ quý IV/2021 đến quý I/2022 đã có trên 70% lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 38 tỷ USD.

Kịch bản thấp là quý I/2022 vẫn chưa ổn định hoàn toàn, chỉ huy động được dưới 60% lao động và mỗi quý tiếp theo tăng thêm 10%, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 36 tỷ USD.

Từ khóa » Dệt May áo Sơ Mi