Mối Liên Hệ Giữa đạo Phật Và Lối Sống Gần Gũi Với Thiên Nhiên
Có thể bạn quan tâm
Một người có từ tâm với thiên nhiên, với các loài động vật, thì làm sao còn có ác tâm được với người khác, với đồng loại. Người Phật tử đối với thiên nhiên như đối với mẹ mình, dựa vào thiên nhiên để nuôi dưỡng thân mình, để cầu giải thoát và giác ngộ, chớ không phải khai thác thiên nhiên để thỏa mãn lòng tham của mình…
Bài giảng Đại lễ Vu-lan 2535-1991 tại Thiền Viện Vạn Hạnh.
Sau thế chiến thứ hai, loài Người sống lo sợ một cuộc chiến tranh thế giới nguyên tử, biến quả đất thành một mùa đông giá rét vĩnh cửu, trong ấy mọi sinh vật kể cả loài Người, động vật, thực vật đều bị tiêu diệt, không một ai sống sót. Trong mấy năm gần đây, sự lo sợ một cuộc chiến tranh nguyên tử tiêu diệt nhân loại được cộng thêm với một lo sợ mới là tai họa hủy diệt môi sinh, tai họa này có thể đưa nhân loại vào cảnh diệt vong còn mau hơn tai họa chiến tranh. Như một nhà bảo vệ môi sinh học đã nói, nếu trong 50 năm nữa, thế giới không đồng loạt đứng lên bảo vệ môi sinh trên quả đất này, thời ngôi nhà chung của nhân loại có thể bị tiêu diệt, môi trường sống của chúng ta sẽ bị hủy hoại, không gì có thể cứu vãn được. Qua các tài liệu mới nhất của Tổ chức Liên Hiệp Quốc bảo vệ môi sinh và của một số Tổ chức quốc tế khác có liên quan, chúng ta có thể biết.
Hằng năm trên thế giới, hàng trăm triệu tấn đất mùn có giá trịnông nghiệp bị hủy hoại do tệ phá rừng và xử lý đất đai không hợp lý. Hàng năm trên dưới 3000 cây số vuông đất nông nghiệp màu mỡ bị mất do xây dựng nhà cửa và đường sá, chỉ tính riêng tại các nước phát triển. Ở các nước nghèo thuộc thế giới thứ ba, môi trường tự nhiên bị hủy hoại theo một kiểu khác. Nông dânđốt rừng để làm rẫy, chặt cây để có củi đun nấu; ở một số nước xuất khẩu gỗ, nạn phá rừng đạt quy mô tệ hại, vì tiến hành với phương tiện kỹ thuật hiện đại. Một thí dụ, ở Thái Lan cách đây không đầy 50 năm, diện tích rừng chiếm 80% diện tích cả nước, hiện nay, tỷ lệ đó chỉ còn lại 20%. Nhiều loại cây quý, cùng với một số chim muông, dã thú bị mất tích. Nhân dân nhiều làng lâm vào cảnh thiếu nước ăn, nước uống, chỉ còn một cách là bỏ làng ra đi. Lụt hạn thường xuyên xảy ra. Lớp màu mỡ của nhiều vùng nông nghiệp bị hủy hoại, mùa màng thất bát, khiến nông dân bị cơ cực, nghèo đói. Nói tóm lại, kể cả Bắc cũng như Nam bán cầu ở các nước phương Tây có trình độ phát triển cao, cũng như ở các nước thuộc thế giới thứ ba nghèo nàn, lạc hậu, vấn đề hủy hoại môi trường sống đều đặt ra bức xúc và cấp bách, nhất là trong những năm gần đây.
Dù cho trong thời đức Phật còn tại thế, bảo vệ môi sinh chưa đặt thành vấn đề, nhưng đức Phật với trí tuệ sáng suốt và lòng từ bi cứu khổ của Ngài, với trách nhiệm của bậc Đạo sư cần tạo ra một môi trường tu học thích hợp cho những đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài, đức Phật đã chủ động tìm cáchxây dựng cho mình và cho Hội chúng Tăng già một nếp sống hài hòa với thiên nhiên, một đạo tràng tu tập thích hợp hướng tới giác ngộ và Niết Bàn.
Đức Phật là một bậc Giáo chủ độc nhất sinh ra dưới cây Vô ưu tại vườn Lâm-tỳ-ni, hành trì Thiền địnhcho đến giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề, thuyết pháp lần đầu tiên tại vườn Nai ở Ba-la-nại, và cuối cùngnhập Niết Bàn dưới hai cây Sa-la tại Kusinara.
Trong 45 thuyết pháp độ sanh, Ngài để lại cho chúng ta hình ảnh một bậc Đạo sư đi bộ từ làng này qua làng khác, từ đô thị này qua đô thị khác, sau khi khất thực trở về, thường ngồi trong một khu rừng gần đấy để an nghỉ hoặc thuyết pháp, hoặc ngồi Thiền cho đến chiều. Hình ảnh đó của đức Phật được ghi lại trong các câu thơ sau đây:
Một bát ăn ngàn nhà, Một thân đi vạn dặm Vì vấn đề sanh tử, Giáo hóa độ ngày qua. (Nhât bát thiên gia phạn, Cô thân vạn lý du, Kỳ vị sanh tử sự, Giáo hóa độ xuân thu).
Trong những bài thuyết pháp, Ngài thường dùng các ẩn dụ tìm thấy trong thiên nhiên, trong các động vật và thực vật và nhờ vậy các hình ảnh gợi lên rất sinh động tươi mát như chính mình sống giữa mây trời rộng rãi. Nói đến sự cách biệt giữa pháp thiện và pháp ác, Ngài dạy: “Rằng xa thật là xa khoảng cách giữa mặt đất và vòm trời. Rằng xa thật là xa khoảng cách giữa bờ bên này đến bờ bên kia. Rằng xa thật là xa, khoảng cách giữa mặt trời mọc và với chỗ mặt trời lặn, nhưng còn cách xa, cách xa hơnnữa là khoảng cách giữa pháp bậc thiện và pháp kẻ ác” (Tăng Chi tr. 410). Nói đến hương người đức hạnh là ví với hương của hoa thơm, nhưng giữa hai loại có sự sai khác:
“Không một hương hoa nào Bay ngược chiều gió thổi Chỉ hương người đức hạnh Ngược gió khắp tung bay” (Pháp Cú 52)
Đức Phật thường dùng hình ảnh biển cả để so sánh với Chánh pháp: “Này Paharada, biển lớn chỉ có một vị, đó là vị mặn. Cũng vậy, này Paharada pháp này của Ta cũng chỉ có một vị, là vị giải thoát”. (Tăng III, tr 57).
Ồn ào của người ngu, sự yên lặng của người trí được đem ra so sánh với bể cả. Biển gần bờ thời ào ào, biển ngoài khơi thời lặng yên:
“Như chính giữa trung tâm Của biển cả đại dương Sóng biển không có sanh Biển hoàn toàn đứng lặng. Cũng vậy này Tỳ kheo, Hãy đứng lặng không động, Không xôn xao bồng bột Đối sự gì ở đời”. (Kinh Tập số 920)
Đức Phật luôn luôn tán thán núi rừng, và xem núi rừng là nơi trú ẩn lý tưởng cho những vị xuất gia hành đạo.
“Làng mạc hay rừng núi, Thung lũng hay đồi cao La-hán trú chỗ nào Đất ấy thật khả ái”. “Khả ái thay núi rừng Chỗ người phàm không ưa Vị ly tham ưa thích Vì không tìm dục lạc” (Pháp Cú 98-99)
Khi Ngài thấy vị Tỳ kheo sống ở trong rừng, Ngài rất hoan hỷ:
“Ở đây này Nagita, Ta thấy một Tỳ kheo sống ở trong rừng, ngồi chưa đạt được Thiền định ở trong rừng. Này Nagita, đối với vị ấy, ta suy nghĩ: “Tôn giả này chưa đạt được Thiền định, nhưng sẽ thành tựuđược Thiền định, và sẽ bảo vệ được tâm đã được Thiền định”. Do vậy này Nagita, Ta hoan hỷ về trú xứ tại rừng của Tỳ kheo ấy”. (Tăng Chi II, tr. 336).
Ở đây chúng ta chỉ cần nghe một số bài kệ, bài thơ của các vị Đại đệ tử đức Phật, khi đã chứng quả, nói lên lời ca tụng núi rừng để nhận thức rằng đời sống giữa rừng núi với thiên nhiên là những trú xứ, là những môi trưòng thích hợp nhất để thành tựu chánh trí. Ngài Sabbaka tuyên bố:
“Khi ta thấy con cò, Trươg đôi cánh trắng tinh Sợ hãi đám mây đen Tìm chỗ kín ẩn nấp, Khi ấy chính con sông A-ja-ta-ra-ni Đem hoan hỷ cho ta. Ai lại không thích thú, Khi thấy ở tại đây Trên cả hai dãy bờ Có hàng cây Jam-bu Làm chói sáng bờ sông, Sau lưng cái hang lớn. Hãy nghe những con nhái Khéo thoát nhửng đàn rắn Kêu lên niềm hoan hỷ Với tiếng kêu nhẹ nhàng. Nay không phải là thời Buông thả với núi rừng Thật an ổn con sông A-ja-ta-ra-ni Thoải mái và an lành Thật an vui thích thú”. (Trưởng Lão Tăng kệ tr. 134)
Ngài Kassapa, sống trọn đời ở rừng núi nói lên vì sao ngài ưa thích núi rừng:
“Khu đất thật khả ái Với những vòng tràng hoa Hoa tên Ka-ra-ri Trải rộng ra cùng khắp, Với voi rú khả ý Đôí núi ấy ta thích. Những hồ nước trong mát Tuyệt đẹp màu mây xanh Che tán bởi loại bọ Tên kẻ chăn In-da Những ngọn núi đá ấy Làm tâm ta thích thú. Giống đồi mấy xanh biếc Ví tháp đẹp lâu đài Với vượn hú khả ý Đồi núi ấy ta thích. Được mưa ướt thấm nhuần Đât bằng thật khả ý Đồi núi được ẩn sĩ Làm thành nơi trụ xứ Vẳng lên tiếng chim công Đồi núi ấy ta thích. Tràn đầy hoa cây gai, Như trời phủ làn mây Đầy mọi loài chim chóc Đồi núi ấy ta thích. Dưới tảng đá hang đá Có nước suối trong chảy Có khỉ và có nai Lai vảng sống gần bên Cỏ cây bao trùm nước Đồi núi ấy ta thích”. (Trưởng Lão Tăng Kệ, 252 -253)
Người Phật tử không những xem thiên nhiên như người mẹ hiền nuôi dưỡng mình bằng thức ăn, áo mặc, nhà ở v.v. . . mà còn xem thiên nhiên như là một nguồn bất tận những cảm hứng hướng thượng, giác ngộ giải thoát. Hoa rụng, lá rơi mùa Đông qua, mùa Xuân lại. Đó phải chăng là những bài học sinhđộng của thiên nhiên dạy chúng ta về cuộc đời là vô thường, mọi pháp là vô ngã, không xứng đáng cho con người phải tham đắm.
Các Thiền sư ngộ đạo đời Lý, đời Trần đã để lại cho chúng ta những bài thơ tả cảnh thiên nhiên, lời lẽ hay, hình ảnh đẹp, ý tứ sâu xa tuyệt vời.
Chúng ta hãy cùng nhau thưởng thức lại bài thơ của Thiền sư Mãn Giác đời Lý:
“Xuân khứ bách hoa lạc, Xuân đáo bách hoa khai Sự trục nhãn tiền quá Lão tùng đầu thượng lai Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”. (Xuân đi trăm hoa rụng, Xuân tới trăm hoa cười Trước mắt việc đi mãi Trên đầu già đến rồi Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết Đêm qua sân trước một cành mai).
Cảnh xuân đến xuân đi, hoa nở, hoa tàn, mọi sự việc ở đời trôi qua trước mắt, và tóc của người trên đầu bạc dần. Trong bức tranh toàn cảnh vô thường đó, Thiền sư vẫn cảm nhận sự sống là bất diệt trong cảnh hoa mai nở sau đêm xuân tàn.
Trần Nhân Tôn là ông vua kiêm Thiền sư đời Trần. Cảnh vật trong nhiều bài thơ của vua có màu sắc hư hư thực thực, phản ảnh chân lý vô thường, vô ngã của đạo Phật. Như bài Thiên Trường Văn Vọng sau đây;
“Thôn tiền thôn hậu đạm tự yên Bán vô bán hữu tịch dương biên . Mục đồng địch lý ngưu quy tận Bạch lộ song song phi hạ điền”.
Dịch:
Trước xóm sau thôn tựa khói lồng, Bóng chiều dường có lại dường không Mục dồng sáo vẳng trâu về hết Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
Cảnh sau hay trước thôn mờ ảo như trong khói, dường như có dường như không trong bóng chiều tà, theo tiếng sáo của Mục đồng đã đón trâu về hết nhưng đồng ruộng lại rộn lên với đàn cò từng đôi từng đôi bay xuống đậu trên cánh đồng.
Đạo Phật vừa đề cao một nếp sống hài hòa với thiên nhiên, vừa đề cao một nếp sống hài hòa với con người. Khi được Dandapani hỏi Ngài thuyết giảng những gì, đức Phật liền tuyên bố: “Theo lời dạy của Ta, trong thế giới với chư Thiên, ác ma và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không tranh luận với một ai ở đời”. (Trung Bộ III 109-l09s). Một câu tuyên bố nữa nói lên thái độ không tranh chấp của đức Phật: “Này các Tỳ kheo Ta không tranh chấp với đời, chỉ có đời tranh chấpvới Ta. Người nói pháp không có tranh chấp với một ai ở đời”. (Tương ưng III, 165) .
Từ nếp sống hài hòa với thiên nhiên, với con người, đạo Phật tiến tới bước nữa, đề cao lòng từ bi đối với loài vật và cây cỏ, một thái độ tạo nên sự thông cảm giữa loài Người, loài vật và thiên nhiên. Trong kinh Thừa Tự, Trung Bộ I số 3, đức Phật dạy không nên đổ đồ ăn dư thừa trên cỏ xanh và trong nước có côn trùng, sợ làm hại cỏ và côn trùng. Ngài dạy các đệ tử xuất gia phải dùng vải lọc nước để ngăn chặn giết hại các sinh vật. Trong thời kỳ mùa mưa an cư kiết hạ, đức Phật khuyên các Tỳ kheo không nên đi ra ngoài vì sợ dẫm dạp trên cỏ cây hoặc các loại côn trùng nẩy nở rất nhiều trên đất và trong không khi ẩm ướt. Ngài xác nhận không sát sanh là bố thí không sợ hãi, bố thí không hận thù, bố thíkhông làm hại: “Vị thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, đem không sợ hãi cho vô lượng chúng sinh, đem không hận thù cho vô lượng chúng sinh, đem không làm hại cho vô lượng chúng sinh”. (Tăng Chi III, 229) Ngài tuyên bố rất rõ, Ngài không chấp nhận vì Ngài hay vì đệ tử của Ngài mà giết hại các chúng sinh để cúng dường đồ ăn.
Ngài khuyên các đệ tử tại gia của Ngài không nên làm nghề buôn bán người hay buôn bán thịt. Trong đạo Phật có những tập tục nói lên truyền thống thương người, thương vật, thương cây cỏ của người Phật tử: Truyền thống thả chim, thả cá, phóng đăng, ăn chay, thọ bát quan trai là những hình ảnh tuyệt đẹp của lòng từ bi thương người, thương vật của đạo Phật. Để nuôi dưỡng lòng từ bi ấy, đức Phật dạy các đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài phải hành trì Bốn vô lượng tâm: Tu tập lòng từ để đối trị lòng sân,tu tập lòng bi để không hại người hại vật, tu tập lòng hỷ để trừ diệt lòng ganh ghét và tu tập hạnh xả đểđoạn diệt hận thù.
Chính từ, bi, hỷ, xả là bốn sức mạnh xây dựng sự thông cảm giữa người và người, giữa người và thiên nhiên, giữa người với loài vật. Và xây dựng được một môi trường như vậy thật là tốt đẹp cho hành tinh của chúng ta trong quá khứ cũng như trong hiện tại, thay vì phát động những cuộc chiến tranh, hủy diệt con người, hủy diệt động vật và hủy diệt thiên nhiên. Những lời dạy về lòng từ lòng bi thật là rộng rãibao la, bao trùm mọi loại mọi sinh vật, như kinh Từ Bi trong Tiểu Bộ Kinh số 196 -152 trình bày:
“Mong tât cả những ai, Hữu tình có mạng sống Kẻ yếu hay kẻ mạnh Không bỏ sót một ai, Thân dài hay thân ngắn, Trung thấp loại lớn nhỏ, Loài được thấy, không thấv, Loài sống xa, không xa, Các loài hiện đang sống, Các loài sẽ được sanh, Mong mọi loài chúng sinh Sông hạnh phúc an lạc. Mong rằng không có ai, Lường gạt lừa dôí ai, Không có ai khinh mạn Tại bât cứ chỗ nào, Không vì giận hờn nhau Không vì tưởng chống đối Lại có người mong muốn Làm đau khổ cho nhau. Như tấm lòng người mẹ Đối với con của mình Trọn đời lo che chở Con độc nhất mình sanh. Cũng vậy đối tât cả Các hữu tình chúng sinh Hãy tu tập tâm ý, Không hạn lượng rộng lớn; Hãy tu tập từ tâm Trong tất cả thếgiới. Hãy tu tập tâm ý Không hạn lượng rộng lớn Phía trên và phía dưới Cũng vậy cả bề ngang Không hạn chếtrói buộc Không hận không thù địch. Khi đứng hay khi đi Khi ngồi hay khi nằm Lâu cho đến khi nào Khi đang còn tỉnh thức Hãy an trú niệm này Nếp sống này như vậy Được đời đề cập đến Là nếp sống tối thượng…”
Đức Phật dạy người tu tập lòng từ có được những lợi ích như sau: “Ngủ được an lạc, dậy được an lạc, không có ác mộng, được người khác ái mộ. Được loài phi nhân yêu kính, được loài Trời gia hộ”. (Tăng Chi III, tr 11)
Một người có từ tâm với thiên nhiên, với các loài động vật, thì làm sao còn có ác tâm được với người khác, với đồng loại. Người Phật tử đối với thiên nhiên như đối với mẹ mình, dựa vào thiên nhiên để nuôi dưỡng thân mình, để cầu giải thoát và giác ngộ, chớ không phải khai thác thiên nhiên để thỏa mãn lòng tham của mình…
Phật tử đến với thiên nhiên như ong với hoa, hút nhụy của hoa nhưng không làm hại đến sắc và hương (Kinh Pháp Cú kệ số 49).
“Như ong chỉ lấy nhụy Không hại hương sắc hoa, Cũng vậy vị Sa-môn Ra vào giữa thôn làng”.
Đối với người xuất gia, đức Phật đặc biệt chú trọng sự im lặng để có thể tập trung hành Thiền, tu tậpquán hạnh. Hội chúng Tỳ kheo của đức Phật là một hội chúng thanh tịnh, ưa thích im lặng, tránh xa ồn ào. Đức Phật khuyên các vị Tỳ kheo nên lựa một trụ xứ “Không quá xa, không quá gần, thuận tiện cho đi và đến. Ban ngày không đông đúc, ban đêm không ồn ào. ít xúc chạm với ruồi muỗi, gió , sức nóng mặt trời và các loài rắn rít…” (Tăng Chi III, tr. 314). Vua Ajatasattu với lời giới thiệu của jivaka đi đến yết kiến đức Phật. Khi đi gần đến hội chúng Tỳ kheo 1250 người mà không có tiếng động, tiếng đằng hắng, vua liền lo sợ không biết Jivaka có bội phản mình không. Khi được Jivaka giải thích Hội chúng của đức Phật tôn trọng sự im lặng như vậy đó, vua mới yên tâm đi đến yết kiến đức Phật. Một thời gia chủSandhana (Trường Bộ số IV, tr. 38), đến viếng thăm hội chúng của tu sĩ ngoại đạo. Sandhana ghi nhậnsự sai khác của hai hội chúng: “Thật sai khác thay, khi các tôn giả ngoại đạo hội họp lại, quy tụ lại, ồn ào, cao giọng, lớn tiếng, họ sống bàn cãi những vấn đề phù phiếm…
Thật sai khác thay, Thế Tôn an trú các nhàn tịnh xứ, núi rừng tịch mịch, xa vắng ít tiếng động, có gió đồng thổi, lánh xa mắt người đời, thích hợp cho sự tĩnh tu”. Vua Pasenadi nước Kosala chứng kiến các buổi thuyết pháp của Thế Tôn có hàng trăm người dự. Nếu có người ho lên một vị ngồi bên trên khẽ đập vào đầu gối và nói: “Tôn giả hãy im lặng, Tôn giả chớ có làm ồn, Thế Tôn bậc Đạo sư của chúng tađang thuyết pháp”. Cả một hội chúng đông người, trân trọng im lặng lắng nghe lời giảng pháp của Thế Tôn, hình thành một bầu không khí học tập tuyệt diệu cho các Phật tử. Đức Phật khuyến khích các đệ tửxuất gia của Ngài sống đời sống ít dục, biết đủ. Ngài dạy các Tỳ kheo, như lý quán sát thọ dụng y phục, “chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của muỗi, gió, sức nóng mặt trời các loài bò sát thọ dụng các món ăn khất thực, chỉ để thân này được sống lâu và để bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ cho Phạm hạnh… thọ dụng sàng tọa chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi muỗi, gió, sức nóng mặt trời… chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh…. thọ dụng các dược phẩm trị bệnh, chỉ để ngăn chận các cảm giác thống khổ đã sanh, để được ly khổ hoàn toàn…” (Trung Bộ I, tr. 98). Chỉ với một nếp sống ly dục tri túc như vậy người hành giảmới sống một đời sống lành mạnh hướng thượng, đạt đến giác ngộ giải thoát.
Như vậy, đạo Phật tán dương một nếp sống hài hòa với thiên nhiên, hài hòa với loài Người, tán thánlòng từ bi, khích lệ thương người thương vật, đề cao hạnh thiểu dục tri túc, sống đời sống lành mạnh và giản dị, với mục đích xây dựng một môi trường tu học lý tưởng cho người đời cũng như cho người xuất gia.
Phật tử chúng ta ngày nay hãy học theo nếp sống của đức Bổn Sư, hãy sống gần thiên nhiên, yêu thiên nhiên, gần cỏ cây hoa lá, thở hít khí trời trong sạch và nếu có thể thì sống xa lánh những nơi ồn ào, bụi bặm. Dù có phải sống giữa thành phố, như Thành phố Hồ Chí Minh này, nếu có chút đất gần nhà thì hãy trồng cây, tạo bóng mát. Hãy đưa thiên nhiên vào tận trong nhà, lên lầu với những giàn hoa, những cây cảnh. Đặc biệt là các chùa, Thiền viện, quý vị Hòa thượng, Thượng tọa hay Đại đức trụ trì, quý Sư bà,Ni cô hãy tạo mỗi cảnh chùa thành như một ốc đảo yên tịnh sạch sẽ, đầy hoa lá và gió mát trong cái thành phố ồn ào và đông dân này, làm như vậy, tức là truyền đạo và hành đạo, vì yên tĩnh ở ngoại cảnhdẫn tới yên tĩnh trong tâm hồn. Yên tĩnh trong tâm hồn là giải thoát, là tự do tự tại.
Tất cả vấn đề là chư Tăng Ni có ý thức đầy đủ, tạo ra cho mọi Phật tử một môi trường tốt nhất, có đạo vịnhất giúp cho sự tiến bộ trí tuệ và cuộc sống an lạc của mọi người đến chùa. Đó là sự hòa hợp tốt đẹpgiữa môi trường thiên nhiên và môi trường nhân văn. Tất nhiên, cảnh chùa tọa lạc ở một nơi phong cảnh đẹp đẽ, thoáng mát, nhiều hoa lá đã là một ốc đảo thanh tịnh đối với những người thế tục rồi. Nhưng cảnh chùa đó lại thêm tiếng mõ nhịp đều, tiếng chuông ngân nga trầm bổng, tiếng tụng kinh, niệm Phật và nhất là sự hiện diện của chư Tăng Ni, nghiêm trang và giải thoát, đầy đủ uy nghi và đức hạnh, nói ra những lời lẽ đầy lòng từ bi và chói sáng trí tuệ. Chúng tôi tin rằng quý vị Tu sĩ trụ trì sinh hoạt ở các chùa và Thiền viện chúng ta có khả năng và ý thức tạo ra, sắp xếp được một môi trường có đầy giá trị trí tuệ như vậy.
Tiện đây, tôi xin phát biểu vài ý kiến về một vấn đề có quan hệ tới môi trường và cảnh trí của chùa chiền Phật giáo. Đó là vấn đề hái lộc vào dịp Tết Nguyên đán. Chữ Hán Ital là điều phúc, điều tốt lành, theo đạo Phật làm điều thiện, điều phải; ngày hôm nay thì sẽ hái lộc mai sau, tức là được quả báo tốt lànhsau này. Hái Lộc không phải là, từng đoàn người, đoàn người đến chùa, hái trụi lá trong vườn chùa! Chúng tôi không rõ từ đâu, dựa vào kinh điển Phật giáo nào, mà người ta bày vẽ ra một nhận thức và tập quán sai lầm về hái lộc như vậy. Tôi đề nghị thay tập quán phá cây, phá vườn chùa trong dịp Tết bằng phong trào đem cây mới đến trồng ở vườn chùa gọi là trồng lộc. Có những cây có tên rất đạo vịnhư cây Phật thủ, Thất Phật, cây La-hán v.v… Các chùa nên ươm sẵn những loại cây có tên như thế, để vào dịp Tết, Phật tử có thể bỏ công đến trồng ở vườn chùa. Nếu Phật tử có vườn nhà, thì nên ươm sẵn những loại cây như vậy, rồi vào dịp thuận tiện đem đến trồng ở chùa. Chúng tôi không quên nhắc tới cây mít, thường được trồng nhiều ở các chùa Việt Nam và Trung Hoa. Cây mít, người Trung Quốc gọi là ba la mật, nguyên chữ Phạn là Paramita. Còn người Việt Nam chúng ta thì gọi là cây mít. Ở các chùa ngoài Bắc từ lâu có tập tục dùng gỗ mít làm mõ và các đồ dùng để thờ, xem gỗ mít như là gỗ thiêng vậy.
Quý vị Phật tử, không phải chỉ riêng trong những ngày Tết, suốt năm, vào những dịp thuận tiện hãy trồng lộc thay vì hái lộc, không phải chỉ trồng ở chùa mà trồng cả ở vườn nhà, không phải chỉ cây mít, cây Thất Phật, cây La-hán mà tất cả mọi thứ cây có thể trồng được. Bởi lẽ, ở đâu có cây thì ở đấy có bóng mát, có gió, có hoa, có chim muông, có sự sống.
Hôm nay là ngày lẽ Vu-lan, ngày lễ báo đáp Bốn trọng ân của người Phật tử, ngày Lễ báo hiếu đặc biệtcủa những con người có tâm hiếu đạo. hôm nay cũng là Tự tứ của chúng Tăng sau ba tháng an cưnhập hạ, được gọi là ngày Hoan hỷ của chư Thiên và loài Người, vì được chứng kiến ba tháng nhiệt tâm tinh cần tu học của chư Tăng, Ni. Đức Phật dạy báo ân và báo hiếu không có gì tốt đẹp hơn là giúp đỡ mọi người mọi loài được nghe lời Phật dạy, được thực hành điều lành điều thiện về thân về lời và về ý. Và muốn vậy, trước hết chúng ta hãy cùng nhau cố gắng xây dựng Thiền Viện Vạn Hạnh này thành một môi trường tốt đẹp cho chư Tăng và các Phật tử tu học. Một môi trường trong ấy các Phật tử có thể đến lễ Phật, tụng kinh, ngồi Thiền, nghe pháp, thọ Bát quan trai, dự các buổi thuyết giảng, xem các cuộc triển lãm, tham dự các buổi trình diễn văn nghệ, làm một số công tác cứu tế xã hội v.v . . . một môi trường tu học thích hợp và đem lại lợi ích cho mọi người đến Thiền viện, không những vậy, những Phật tử tại gia về tại gia đình của mình cũng cố gắng xây dựng gia đình của mình thành một môi trường thích hợp, đúng với tinh thần đạo, xây dựng những môi trường riêng biệt như thế nào, chúng ta đem đạo Phậtvào đời vào với gia đình chúng ta và giúp cho mọi người trong gia đình hưởng thọ những ảnh hưởng tốt đẹp của đạo Phật. Làm được như vậy chúng tôi nghĩ rằng chúng ta dã đóng góp một phần vào trách nhiệm bảo vệ môi sinh. Đây cũng là một cử chỉ tốt đẹp, có nhiều ý nghĩa nhất để báo đáp bốn trọng ân, báo hiếu cha mẹ và bà con trong bảy đời, nhân dịp Vu lan về và ngày Tự tứ hoan hỷ.
Theo THƯ VIỆN HOA SEN
Tags: Phật giáo, Đạo đức môi trường, Con người và thiên nhiênRedsvn
Từ khóa » Gần Gũi Với Tự Nhiên
-
Vì Sao Gần Gũi Với Thiên Nhiên Lại Tốt Cho Sức Khỏe? | Vinmec
-
Ích Lợi Của Việc Sống Gần Gũi Với Thiên Nhiên
-
Những Lý Do Vì Sao Bạn Nên Gần Gũi Với Thiên Nhiên Hơn
-
Vì Sao Gần Gũi Với Thiên Nhiên Giúp Bạn Sống Lâu, Hạnh Phúc?
-
Khỏe Hơn Khi Gần Gũi Với Thiên Nhiên
-
Cuộc Sống Gần Gũi Thiên Nhiên Trong Khu Vườn 2500m2 Của Cô Gái ...
-
Gu Sống Mới Gần Gũi Với Thiên Nhiên - Hànộimới
-
GẦN GŨI VỚI THIÊN NHIÊN GIÚP TRẺ HẠNH PHÚC VÀ KHỎE ...
-
GẦN GŨI VỚI THIÊN NHIÊN Tiếng Anh Là Gì - Trong Tiếng Anh Dịch
-
Môi Trường Gần Gũi Thiên Nhiên - TomoWorld
-
Mẹo Khiến Ngôi Nhà Trở Nên Gần Gũi Với Thiên Nhiên | VOV.VN
-
Du Lịch Gần Gũi Với Thiên Nhiên - Báo Lâm Đồng điện Tử
-
Gần Gũi Với Thiên Nhiên Tiếng Anh Là Gì
-
Những Bạn Trẻ Chọn Lối Sống Gần Gũi Thiên Nhiên - Báo Tuổi Trẻ