Mối Nguy Can Lệch, Cứng Khớp Sau Gẫy Xương Do Bó Thuốc Nam Tại Nhà

Chị Vàng Thị S. đến bệnh viện với tình trạng cổ tay trái biến dạng, lệch trục, vận động hạn chế khi gấp, không ngửa tay được, đầu dưới xương quay biến dạng, không dạng được khớp vai. Chị S. cho biết bà bị ngã từ 2 tháng trước, sau ngã tay trái sưng đau, Gia đình đưa đi lấy lá thuốc đắp, bó tại nhà. Sau đắp, bó thuốc đến nay cẳng tay trái bà biến dạng và gần như không vận động được vì vậy bà đến bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn khám và điều trị. Sau khi thăm khám và chụp X-quang cho thấy hình ảnh gãy đầu dưới xương quay, diện gãy di lệch, can lệch, cứng khớp. Chị Vàng Thị S. được chuyển vào khoa Ngoại tổng hợp điều trị phẫu thuật gãy xương sau can lệch.

Sau phẫu thuật hiện sức khỏe chị Vàng Thị S. ổn định. Người bệnh được tập vận động, phục hồi chức năng sớm. Cẳng - bàn tay của người bệnh đã phục hồi được các chức năng gấp – duỗi, tuy nhiên trong thời gian tới cần tiếp tục được tập phục hồi chức năng cơ xương khớp để vận động tay trái trở về bình thường.

Theo Bs. Vũ Văn Đại, Phó Giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp cho biết: “Khoa Ngoại tổng hợp bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn đã tiếp nhận rất nhiều ca bệnh có biến chứng can lệch, cứng khớp, vận động giảm và hạn chế do chấn thương đến muộn, Bệnh nhân và người nhà tự đắp thuốc, bó lá không rõ nguồn gốc và không được xử trí đúng quy trình, điều này gây thiệt hại về sức khỏe, thời gian, kinh tế cho bệnh nhân, chưa kể có những trường hợp bỏng thuốc gây hoại tử vùng da bó thuốc, thậm chí có trường hợp mắc nhiễm khuẩn huyết sau bỏng nặng khi tự ý đắp và bó thuốc tại nhà”.

Qua đây bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn cũng mong muốn các anh chị, các bạn chia sẻ và tuyên truyền rộng rãi đến bà con nhân dân không tự ý bó, đắp thuốc sau các tai nạn, chấn thương có tổn thương gân xương để tránh các biến chứng xấu có thể sảy ra. Hãy đưa người thân, bệnh nhân đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất./.

Từ khóa » Di Lệch Xương