Mối Quan Hệ Giữa Dân Tộc Và Dân Chủ Trong Tư Tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng về dân tộc, dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết quả của việc thấm nhuần những giá trị tinh hoa của ông cha trong lịch sử nước nhà, là kết quả của việc kế thừa những thành quả của nhân loại về dân chủ. Mối quan hệ biện chứng giữa dân tộc và dân chủ ở nước ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữa dân với Đảng và giữa thể chế hóa quyền lực của dân và quan hệ giữa dân với chính quyền.

Bài học lịch sử: Giữ nước bằng lòng dân

Sức mạnh của dân tộc Việt Nam là sức mạnh của dân, của chủ nghĩa yêu nước. Dân, nói theo cách nói ngày nay, là nhân dân, là toàn bộ dân cư, các nhóm xã hội được gắn kết với nhau bởi nền văn hóa chung, truyền thống lịch sử chung. Lịch sử đã chứng minh rằng, để bảo vệ được đất nước, tổ tiên ta đã đề cao và phát huy sức mạnh của dân.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thế kỷ XIII, Thượng hoàng Trần Thánh Tông cùng Hoàng đế Trần Nhân Tông đã chủ trì Hội nghị Diên Hồng nổi tiếng trong lịch sử để hỏi ý kiến các cụ bô lão: Trước nguy cơ quân giặc áp sát nơi biên ải, Đại Việt nên hòa hay nên đánh. Nhà sử học Ngô Sỹ Liên chép: “Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói “đánh”, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng”(1). Rồi ông bình thêm: “Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa của người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy”. (Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ toàn thư quyển 5). Hội nghị Diên Hồng được xem như hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử nước nhà.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói đến vai trò của dân trong bảo vệ Tổ quốc: “chúng chí thành thành”(2) (dân chúng là lớp lớp thành trì giữ nước). Trước lúc lâm chung, ngài dặn lại nhà vua Trần Anh Tông khi nhà vua trẻ đến thăm lão quốc công và hỏi kế sách giữ nước nếu giặc phương Bắc âm mưu sang xâm chiếm lần nữa: “Khoan thư sức dân làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước”(3).

Nhà chiến lược quân sự lỗi lạc, đại văn hào Nguyễn Trãi sinh thời đã “thấm” câu nho giáo “quốc dĩ dân vi bản” (nước lấy dân làm gốc) ở hai biến cố của đất nước. Đó là sự thất bại của nhà Hồ và cuộc kháng chiến chống quân Minh, lập nên nhà hậu Lê.

Vua Hồ Quý Ly mặc dù có những cải cách tiến bộ, có tài thao lược, huy động nhân tài vật lực gia tăng sức mạnh phòng thủ đất nước (đóng thuyền chiến, đúc súng thần công...) nhưng vì “chính sự phiền hà, để trong nước lòng dân oán hận”(4) nên không giữ được xã tắc, rốt cuộc sau bảy năm ngắn ngủi, vương triều nhà Hồ sụp đổ dưới ách ngoại bang. Về việc này, trong bài Quan Hải, Nguyễn Trãi đã viết: “Lớp lớp rào lim ngăn sóng biển/ Khóa sông xích sắt cũng vầy thôi/ Lật thuyền mới rõ dân như nước/Cậy hiểm không xoay ở mệnh trời”.

Nếu ở biến cố thứ nhất, Nguyễn Trãi là người chứng kiến, thì ở biến cố thứ hai, ông là người can dự, nói theo ngôn từ ngày nay, là nhân vật chủ chốt, là một trong hai nhân vật chính yếu nhất dựng nên nhà hậu Lê. Mặc dù “Bình Ngô sách” nay không còn, nhưng bằng việc lý giải nguyên nhân chống quân Minh thắng lợi trong “Bình Ngô đại cáo” có thể thấy tư tưởng trọng dân của Nguyễn Trãi: “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”(5).

Không chỉ nhìn thấy sức mạnh vô địch của dân, chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, trong những tác phẩm của ông còn toát lên tư tưởng vì dân, trọng dân, yêu dân. Ngay dòng đầu tiên của “Bình Ngô đại cáo”, ông đã khẳng định: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Trong “Chiếu về việc làm bài Hậu tự huấn để răn bảo thái tử”, Nguyễn Trãi viết: “hòa thuận tông thân, nhớ giữ một lòng hữu ái, thương yêu dân chúng, nghĩ làm những việc khoan nhân”... “mến người có nhân là dân mà chở thuyền và lật thuyền cũng là dân, giúp người có đức là trời mà khó tin không thường cũng là trời”. Tư tưởng trị quốc của ông rất rõ ràng: Ông khuyên người kế vị nhà vua muốn trị quốc thì lấy đức mà cảm hóa lòng dân, thay vì tin vào mệnh trời.

Ở một chỗ khác, ông gửi gắm tới nhà vua: “Hòa bình là gốc của nhạc... Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăm nuôi muôn dân, khiến cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là giữ được cái gốc của nhạc vậy”.

Năm trăm năm sau, dân tộc Việt Nam sinh ra người con thấm đẫm tinh thần trọng dân, vì dân của những bậc tiền bối như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể so sánh tư tưởng về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Hồ Chí Minh với các bậc tiền bối:

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói: “Chúng chí thành thành”.

Hồ Chí Minh nói: Dân trí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống nổi”. “Sự đồng tâm của đồng bào đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói: “Khoan thư sức dân làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước”.

Hồ Chí Minh nói: “Dân ta phải giữ nước ta/ Dân là con nước, nước là mẹ chung”; “nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(6).

Thấm nhuần tư tưởng chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân của Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(7); “lực lượng của dân rất to, khả năng của dân thật phi thường”. Người dặn dò cán bộ, đảng viên: Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được.

Nguyễn Trãi nói đến “nhân dân bốn cõi một nhà” làm nên thắng lợi chống quân Minh. Hồ Chí Minh nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.

Tư tưởng “quốc dĩ dân vi bản (nước lấy dân làm gốc), “Dân vi bang bản, bản cố bang ninh” (Dân là gốc của nước, gốc vững thì nước yên) được Hồ Chí Minh “diễn nôm” cho mọi người dễ nhớ, dễ vận dụng: “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(8). Tuy nhiên, ở đây không chỉ thuần túy là “diễn nôm”, mà đã có sự nhận thức khác hơn, tiến bộ hơn so với nho giáo về “dân”. Nếu trong quan niệm của nho giáo, dân - trong quan hệ với vua - là tôi, là đối tượng để và được người cai trị chăn dắt thì trong quan niệm của Bác “gốc”/dân là trung tâm. Tất cả vì “gốc”, làm cho “gốc” vững vàng, có vậy, quốc gia mới bền/trường tồn. Dân là chủ. Những người làm việc trong bộ máy nhà nước, từ Chủ tịch nước trở xuống là đầy tớ của dân. Bác kịch liệt lên án thói quan cách mạng: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đầy tớ cho dân”(9).

Dân tộc và dân chủ trong thời đại Hồ Chí Minh

Tư tưởng dân là chủ của Hồ Chí Minh có được còn là do Người đã tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của loài người. Những thành quả của trào lưu khai sáng là những tư tưởng để xây dựng nên bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 của nước Pháp cũng như Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và âm hưởng của chúng tác động mạnh mẽ đến Bản Tuyên ngôn độc lập của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945 do chính Hồ Chí Minh tuyên đọc:

“Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy ở trong Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Sự “suy rộng ra” của Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập là nhằm tuyên bố “thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp”; “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành nước tự do, độc lập”. Đó là đối ngoại, còn đối nội, đó là sự xác định Việt Nam là một nước mà trong đó người dân có quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, bình đẳng về quyền lợi. Vậy làm thế nào để lời tuyên ngôn này trở thành hiện thực?

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Thứ nhất, quan hệ giữa dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với Quốc tế cộng sản, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin là vì Quốc tế cộng sản ủng hộ các nước thuộc địa: “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại!”. Người tìm thấy ở đó cẩm nang để giải phóng dân tộc mình. Giải phóng dân tộc là mục tiêu. Cẩm nang không phải là mục đích tự thân. Cẩm nang là phương tiện. Đầu tiên là thế! Chọn chủ nghĩa Mác - Lênin là chọn phương tiện để giải phóng dân tộc. Sau đó, sức hấp dẫn của chủ nghĩa Mác - Lênin, của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, đã dẫn đến việc Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn mô hình chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Người cho rằng, độc lập là “không có gì quý hơn” nhưng độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì nếu dân không được hưởng hạnh phúc! Thế nên, độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu tối thượng.

Thứ hai, quan hệ giữa dân với Đảng

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(10). Những lời trên đây đã nêu rõ Đảng là của nhân dân. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam nêu: Đảng “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”.

Nhân dân là những ai? Bác định nghĩa: “Nhân dân là bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử khác yêu nước”(11). Đảng của Hồ Chí Minh là đảng nào? Bác trả lời: “Đảng của tôi là Đảng Việt Nam”. Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói vậy không phải chỉ là sách lược mà lời nói đó thấm đượm tinh thần Đảng là của nhân dân Việt Nam, của toàn thể dân tộc Việt Nam. Đảng không có mục đích tự thân. Ngay khi chính quyền còn trong trứng nước, Người đã nhắc nhở, ngăn ngừa: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân...”(12). “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”(13).

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng chính là thực hiện di huấn của Người, đặt đúng trở lại mối quan hệ giữa dân với Đảng trong tình hình hiện nay của đất nước.

Thứ ba, thể chế hóa quyền lực của dân và quan hệ giữa dân với chính quyền

Một ngày sau khi nhắc lại “tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được” của người dân, ngày 03-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghĩ ngay đến việc phải thể chế hóa những quyền lực ấy. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng: “Chúng ta phải có một bản Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội với chế độ phổ thông đầu phiếu”(14). Ngày 06-01-1946, toàn thể nhân dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử tự do lựa chọn những đại diện của mình vào Quốc hội của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Gần một năm sau, ngày 09-11-1946, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước ta. Điều thứ 1 Hiến pháp tuyên bố: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”.

Với việc thông qua bản Hiến pháp năm 1946, Việt Nam chính thức xác nhận việc xây dựng nhà nước pháp quyền trong lịch sử. Quyền lực của nhà nước về bản chất là quyền lực của nhân dân. Quyền lực của dân là nền tảng của quyền lực nhà nước. Nhà nước thực hiện những chức năng do dân ủy quyền. “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, tư tưởng ấy, tinh thần của bản Hiến pháp 1946 là cái bất biến trong tất cả các bản sửa đổi Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và đặc biệt được nhấn mạnh trong bản Hiến pháp năm 2013./.

--------------------------------------------

(1) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr. 53. (2, 3) Trích “Thành trì lòng dân”, Lao Động cuối tuần, ngày 29-3-2013. (4, 5) Bình Ngô đại cáo, Wikisource.org (6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4 (1945-1946), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 64. (7) Sđd, Tập 10, tr. 453. (8) Sđd, Tập 5, tr. 502. (9) Sđd, Tập 7, tr. 434. (10) Sđd, Tập 15, tr. 611-612. (11) Sđd, Tập 8, tr. 264. (12, 13) Sđd, Tập 4, tr 64-65, tr. 65. (14) Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1982 và Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 11.

Theo Tạp chí Cộng sản

Từ khóa » Tính Dân Tộc Dân Chủ Là Gì