MỖI TUẦN MỘT NHÂN VẬT: BÚN ỐC CHUỐI ĐẬU

“Nhưng mà đẹp mắt hơn và được nhiều người thèm hơn nữa có lẽ là bún ốc. Đó là một thứ quà, có thể bảo là đã đạt được tới cái đích nghệ thuật ăn ngon của người Hà Nội.”

“Ăn xong một mẹt bún như thế, nhiều khi chảy nước mắt ra, như khóc. Nhất là các bà các cô thì ngượng quá, nhưng có biết đâu rằng nhiều khi giọt lệ đó, có người lại còn thấy ý nghĩa hơn giọt lệ tình, mà ta vẫn thấy nhắc nhở trong những tiểu thuyết hạ giá ca tụng những mối tình đau ốm.”

Một cách chân thực nhưng đầy tinh tế, đấy là cách mà Vũ Bằng kể về bún ốc trong “Món ngon Hà Nội”. Hẳn tác giả phải yêu quý và tận hưởng món ăn này như thế nào mới có thể viết ra được vậy. Nhưng ai ở Hà Nội, ai đã trót yêu Hà Nội mới thấy đồng cảm với Vũ Bằng. Rằng ông viết không một chút tâng bốc hay điêu toa.

So với phở, với bún chả, với bún đậu mắm tôm, thì bún ốc không thể nổi tiếng bằng, hoặc có chăng, thì cũng như bao món ăn đặc trưng khác của xứ Bắc. Nhưng điều khiến bún ốc luôn nằm trong trái tim người Hà Nội có lẽ là vì nó dễ dàng biến thể thành nhiều loại, phù hợp với cả mùa nóng và mùa lạnh.

Đầu tiên phải kể đến là bún ốc nguội – thức quà nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa cho mùa hè nắng gay gắt. Một món ăn tưởng chừng như đơn giản với vài ba nguyên liệu, ngay cả “nhân vật chính” cũng chỉ là ốc bươu đầy nơi đồng ruộng. Nhưng dưới ngòi bút Vũ Bằng, bún ốc nguội đã được “thay da đổi thịt”, khiến người đọc không khỏi xuýt xoa thì thèm thuồng mùi vị đó:

“ Ấy là vì cái món ốc lõng bõng trong bát giấm nó quyến rũ người ta một cách thi vị quá: ốc béo cứ mọng lên; bỗng đậm, lại loáng thoáng dăm nhát khế, vài cái dong cà chua ngầy ngậy; nhưng tất cả những thứ đó có thấm vào đâu với làn váng nổi lên trên liễn giấm, óng a óng ánh vàng thắm như vóc nhiễu…”

Ngon là vậy, nhưng có lẽ bún ốc nguội chỉ ngon khi ta ngồi bên đôi quang gánh vỉa hè, hít hà cái không khí của phố cổ Hà Nội. Còn mà nói để đưa đi mọi nơi, nấu được ở mọi gian bếp, thì duy chỉ là bún ốc chuối đậu là phù hợp hơn cả. Tuy nhiên, để nấu được món ăn này lại là cả một quá trình kỳ công và qua nhiều bước

Bún ốc chuối đậu xuất phát từ vùng quê các tỉnh miền Bắc, nơi dễ dàng kiếm ra đủ nguyên liệu để làm. Ốc để nấu bún là loại ốc bươu phổ biến nơi đồng ruộng. Ốc bắt về ngâm nước gạo có pha ớt trong khoảng 30 phút để nhả hết nhớt và bùn đất. Sau khi luộc chín, thịt ốc được khều ra cho vào bát, ướp với ít nghệ tươi giã nhuyễn. Nước luộc ốc lắng cho hết cặn, đun sôi, nêm giấm bỗng, sấu hoặc me và các loại gia vị.

Chuối xanh tước bỏ lớp vỏ mỏng bên ngoài, thái thành từng lát vừa ăn, ngâm trong nước muối cho khỏi bị thâm. Thịt ba chỉ xào cùng nghệ tươi. Đậu phụ cắt miếng vuông, rán giòn.

Trên chảo dầu, phi hành, cho ốc vào đảo đều với ít gia vị, sau đó cho tiếp chuối xanh vào. Tiếp đến cho thịt lợn, đảo thật đều. Toàn bộ phần nhân đã xào cho vào nồi nước ốc chua, đun lửa nhỏ để chín mềm và thấm gia vị. Nồi ốc chuối đậu ngon sẽ có độ sánh, màu vàng ngon mắt và vị chua dịu, chuối chín có vị bùi chứ không bở, ốc béo và giòn. Bún tươi và rau sống như xà lách, tía tô, kinh giới, bắp chuối, rau muống bào… ăn kèm để thực khách không bị ngán.

Một món ăn thôi, mà như gói cả làng quê Bắc Bộ vào trong đó. Với mục tiêu đem trọn vẹn Hà Nội đến với khách hàng, Đậu Homemade cũng không ngại kỳ công để nấu được món Bún ốc chuối đậu. Hi vọng rằng khi thực khách dùng thử sẽ thấy đậm đà tình cảm và trọn vẹn tinh hoa ẩm thực dân tộc.

Đã đọc đến đây rồi, mà lại không ghé Đậu để ăn, thì thật là đáng tiếc. Mà bỏ qua Bún ốc chuối đậu thơm ngon, độc đáo, và đầy tinh tế thì còn đáng tiếc hơn. 

Từ khóa » Bún ốc Chuối đậu ở Sài Gòn