Môn Bắn Cung Việt Nam Nắm Bắt Cơ Hội ở Olympic

  • Bắn cung Việt Nam lâp hat-trick vàng tại SEA Games

Màn trình diễn không đến nỗi nào của các cung thủ Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 cũng như tiềm năng con người Việt Nam hoàn toàn có thể mang đến đáp án khác cho thể thao Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu giành huy chương ở Olympic. Quan trọng là nắm bắt cơ hội như thế nào.

Mở lối đi mới

Không lọt vào đấu loại trực tiếp thứ hai tại nội dung cá nhân, cũng không giành suất tham dự nội dung đôi nam nữ - đó là kết quả thi đấu tại Olympic Tokyo 2020 của hai cung thủ Việt Nam Nguyễn Hoàng Phi Vũ và Đỗ Thị Ánh Nguyệt.

Dù vậy, kết quả này cũng không làm giảm sự lạc quan vào tương lai của bắn cung Việt Nam trong việc tranh vé dự Olympic và xa hơn là tranh huy chương tại đấu trường danh giá này. Việc lần đầu tiên góp mặt tại Olympic và giành luôn 2 vé tham dự là điểm nhấn đáng nhớ trong hành trình phát triển của bắn cung Việt Nam.

Thực tế đó cũng là mong mỏi của những người đưa môn bắn cung vào Việt Nam. Đó là năm 1995, khi thể thao Hà Nội là đơn vị đầu tiên phát triển môn bắn cung. Những nhà quản lý thể thao Hà Nội khi đó đã nhận thấy tiềm năng của môn thể thao này tại Việt Nam và tin rằng bắn cung sẽ mang đến nhiều cơ hội tranh chấp huy chương ở các giải, Đại hội thể thao quốc tế. Tất nhiên, vạn sự khởi đầu nan, bắt đầu từ trang thiết bị tập luyện bởi đầu tư ban đầu cho bắn cung luôn tốn kém. Nhưng rồi với nguồn lực của mình, ngành Thể thao Hà Nội dần trang bị được những chiếc cung ở mức tạm chấp nhận được cho các cung thủ. Rồi những lần góp mặt ở sân chơi SEA Games của bắn cung Việt Nam bên cạnh nỗ lực của Tổng cục TDTT, ngành Thể thao Hà Nội trong việc phát triển môn thể thao này ra các tỉnh, thành, đến nay cũng có khoảng 17 tỉnh, thành xây dựng được hệ thống đào tạo VĐV bắn cung.

Môn bắn cung Việt Nam nắm bắt cơ hội ở Olympic -0
 Vận động viên Nguyễn Hoàng Phi Vũ và Đỗ Thị Ánh Nguyệt tập luyện tại Olympic Tokyo 2020.  Ảnh: Thu Sâm.

Đặc biệt, những năm gần đây, các cung thủ Việt Nam được đầu tư mạnh mẽ về trang thiết bị tập luyện, thi đấu với những cây cung lên tới cả trăm triệu đồng. Đội tuyển cũng được huấn luyện với chuyên gia Hàn Quốc… Không kể, các cung thủ Việt Nam cũng được tạo điều kiện tập huấn quốc tế, tại những quốc gia mạnh hàng đầu thế giới về bắn cung như Hàn Quốc. Ngay trước Giải vô địch châu Á – 2019 cũng là vòng loại Olympic Tokyo 2020, cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt và một số cung thủ khác đã được ngành thể thao Hà Nội chung sức với Tổng cục TDTT đưa đi tập huấn tại một trung tâm huấn luyện bắn cung hàng đầu tại Hàn Quốc, nơi đội tuyển quốc gia Hàn Quốc cũng đến tập luyện. Việc này góp phần giúp Đỗ Thị Ánh Nguyệt giành vé dự Olympic Tokyo 2020. Tất cả để thấy các VĐV bắn cung Việt Nam đã nhận được sự đầu tư mạnh hơn so với khoảng 10 năm trước cả về trang thiết bị và tập huấn, thi đấu quốc tế.

Ngoài 2 vé tham dự Olympic Tokyo 2020, trước đó, bắn cung Việt Nam tạo nên hàng loạt thành tích ấn tượng. Đó là tấm HCB Giải vô địch châu Á năm 2019 của Nguyễn Văn Đầy. Rồi ở sân chơi SEA Games, sau tấm HCV SEA Games vào năm 2007 tại Thái Lan, đến năm 2017 tại SEA Games 29 ở Malaysia, bắn cung Việt Nam giành 1 HCV sau 10 năm chờ đợi; đến SEA Games 30 năm 2019 tại Singapore đã giành tới 3 HCV.     

Sẽ không chỉ là một lần

Rõ ràng khi lối đến Olympic đã được mở thì bắn cung Việt Nam sẽ cần phải duy trì.

Cách đây khoảng 3 năm, trưởng bộ môn bắn cung của Tổng cục TDTT khi ấy là ông Bùi Trường Giang từng nhận định rằng tương lai của bộ môn ở các đấu trường quốc tế mang nhiều màu sắc tích cực. Rõ nhất là bắn cung Việt Nam không chỉ có lứa VĐV kỳ cựu mà còn có nhiều tay cung trẻ có thể gánh vác các nhiệm vụ quốc tế. Điều quan trọng là các lớp VĐV đã chứng tỏ môn bắn cung hoàn toàn phù hợp với thể trạng của người Việt Nam để có thể tính đường xa, không phải giới hạn mình ở sân chơi SEA Games.

Rõ ràng, vấn đề hiện tại vẫn là phải tận dụng những hiệu ứng từ thành tích quốc tế gần đây để bắn cung Việt Nam có đường đi nước bước vững chắc trong đó điều tiên quyết là phải luôn có VĐV giành vé chính thức tham dự Olympic rồi sau đó là đến Olympic với tâm thế của “kẻ chinh phục huy chương” chứ không phải là “kẻ học hỏi”.

Mục tiêu ấy cũng không xa vời khi chính Tổng cục TDTT cũng nhận ra rằng bắn cung Việt Nam với nguồn VDV trẻ tài năng hiện nay hoàn toàn có thể trong diện tranh chấp huy chương Olympic cùng với cử tạ, bắn súng. Đấy cũng là những môn thể thao phù hợp với người Việt Nam để có thể hy vọng giành huy chương ở Olympic, sân chơi vốn đang quá sức với nhiều môn thể thao của Việt Nam. Sau khi trực tiếp chứng kiến các cuộc tranh tài môn bắn cung tại Olympic Tokyo 2020, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) Hoàng Quốc Vinh nhận định, màn trình diễn của các cung thủ Việt Nam tại giải càng củng cố nhận định trước đây của Tổng cục TDTT là môn thể thao này có thể cạnh tranh  huy chương tại Olympic. Ở đây, ngoài sự đầu tư cho các VĐV cũng cần sự kiên nhẫn và công phu tập luyện của các VĐV để họ đủ khả năng xử lý mọi tình huống trong thi đấu.

Trong chia sẻ gần đây, ông Đào Quốc Thắng – Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội cho rằng, ngành Thể thao Hà Nội hoàn toàn có thể góp sức bằng việc tạo điều kiện để các VĐV Hà Nội trong thành phần đội tuyển quốc gia đi tập huấn dài hạn tại Hàn Quốc. Đấy luôn là giải pháp tối ưu để nâng tầm cho các cung thủ Việt Nam, giúp họ có thể được cọ xát ở các điều kiện địa hình khác nhau, điều kiện gió khác nhau - vốn ảnh hưởng rất nhiều tới thành tích của VĐV bắn cung. Không kể về điều kiện cơ sở vật chất, “quân xanh” chất lượng cao khi tập huấn tại đây, các tay cung Việt Nam còn có thể nhận được sự hỗ trợ về ứng dụng khoa học công nghệ để kiểm soát, đánh giá chất lượng luyện tập và thi đấu. Đó cũng là những thứ đang tạo nên sự khác biệt của các cung thủ Hàn Quốc với nhiều cung thủ khác trên thế giới.

Trong khi đó, ngoài nguồn lực từ Tổng cục TDTT, các địa phương có VĐV tham gia đội tuyển quốc gia thì cũng cần đến nguồn kinh phí xã hội hóa. Liên đoàn Bắn cung Việt Nam sắp ra đời đang được kỳ vọng sẽ mang đến sức bật mới cho bắn cung Việt Nam chứ không phải là “sinh ra cho có”. Kỳ vọng có thành hiện thực hay không sẽ phải chờ những hoạt động cụ thể khi Liên đoàn ra đời.

Nhưng trước mắt, chính Tổng cục TDTT cũng như các địa phương mong muốn VĐV của mình đóng góp thành tích cho đội tuyển quốc gia sẽ phải dành nguồn lực thích đáng để đầu tư cho ít nhất là vài VĐV trọng điểm thay vì chỉ 1-2 VĐV với mục tiêu rõ ràng là giành vé dự Olympic và huy chương ở đấu trường này có thể không phải ngay ở Olympic 2024 mà bắt đầu từ Olympic 2028. Mức kinh phí chỉ 60.000 USD – 70.000 USD/năm sẽ khó tạo nên sự nhảy vọt về thành tích cho mục tiêu ở Olympic.

Đúng là đã nhìn thấy cơ hội cho bắn cung Việt Nam ở đấu trường Olympic. Nhưng tận dụng cơ hội lại là câu chuyện khác.

Đỉnh cao vẫn ở phía trước

Theo các chuyên gia, các cung thủ Việt Nam vừa dự Olympic 2020 còn rất trẻ trong đó Đỗ Thị Ánh Nguyệt mới 20 tuổi (SN 2001), Nguyễn Hoàng Phi Vũ mới 22 tuổi (sinh năm 1999) trong khi độ tuổi đạt đỉnh cao phong độ của môn bắn cung thường từ 25 đến 30 tuổi. Nhiều tay cung thậm chí còn thi đấu khi 35-40 tuổi. Bên cạnh đó, bắn cung Việt Nam còn có nhiều tay cung ở độ tuổi của Ánh Nguyệt, Phi Vũ cũng có tiềm năng phát triển đến trình độ Olympic. Thế nên, bắn cung Việt Nam cần tận dụng tốt điều này để hướng đến các mục tiêu tiếp theo ở sân chơi Olympic. (Minh Khuê)

Từ khóa » Hcv Bắn Cung đơn Nam