Món Nợ Cuộc đời - Tuổi Trẻ Online

Kỳ 1: Cuốn sách của cha Kỳ 2: Bức ảnh từ lòng đất Kỳ 3: Kỷ vật kể chuyện

pI5c7oP7.jpgPhóng to
Đã mấy chục năm trôi qua, đại tá Nguyễn Phú Đạt vẫn trăn trở vì chưa giao lại kỷ vật cho người lính Mỹ - Ảnh: N.Nga

Thầy giáo đứng lớp là đại tá Nguyễn Phú Đạt. Năm nay đã 83 tuổi lại vừa trải qua một cơn tai biến nhưng ông vẫn minh mẫn dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ con trong chung cư. Ai cũng nghĩ đến tuổi này với cuộc sống vui vẻ bên con cháu và học trò, chẳng còn điều gì đáng để ông bận tâm nữa. Nhưng thật ra người lính già này vẫn còn có một tâm niệm tha thiết mà chưa thể thực hiện được: trả lại những kỷ vật cho thân nhân một người lính Mỹ mà ông đang giữ gần 40 năm qua.

Kỷ vật 40 năm

Thấy có người hỏi về những kỷ vật đang giữ, ông kê chiếc ghế để đứng lên, lôi chiếc hộp đặt trên nóc tủ xuống. Chiếc hộp được khóa cẩn thận. Trong đó có hai tấm ảnh và ba bức thư của cựu binh Mỹ, thượng sĩ Steve Flaherty - một người mà ông Đạt chưa bao giờ gặp mặt. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, sau một thời gian hoạt động ở chiến trường miền Nam, ông ra miền Bắc và được điều về Ban Mỹ vận thuộc Cục Địch vận, và tham gia làm chương trình Mỹ vận bằng tiếng Anh, phát trên sóng Đài Tiếng nói VN.

Thời gian này ông đã tiếp nhận tập hồ sơ của Steve Flaherty. Tập hồ sơ gồm có hai bức ảnh chân dung được cho là của thượng sĩ Steve Flaherty và ba bức thư. Một bức gửi cho người có tên là Wath, một bức gửi cho Betty và một bức gửi cho mẹ ông ta, bà Louis C. Flaherty tại địa chỉ 1620 phố Raymond, Columbia (bang South Carolina) thu được ngày 25-3-1969. Những bức thư miêu tả chi tiết đời sống của người lính Mỹ trong trận chiến khốc liệt với những khó khăn và thiếu thốn cùng cực.

Đọc thư, ông Đạt như bắt gặp những ngày tháng gian khổ nơi chiến trường của chính mình. Mối đồng cảm khiến ông xem chủ nhân của những kỷ vật này như một người bạn mình đã quen biết.

Ông đã dùng những bức thư đó trong những chương trình phát thanh để tuyên truyền vận động lính Mỹ. Những tài liệu thu được thường bị hủy, nhưng riêng mấy bức thư và tấm hình của người lính Mỹ này khiến ông không thôi trăn trở. Đặc biệt là bức thư gửi mẹ của Steve Flaherty khiến ông Đạt trào dâng nỗi xúc động.

“Năm tôi ra miền Bắc, mẹ tôi ôm chầm lấy tôi khóc nức nở và trách sao bao nhiêu năm không gửi về cho mẹ một bức thư làm mẹ mong chờ đến nóng hết ruột gan, tôi mới hiểu được lòng người mẹ mong tin con đau đáu đến thế nào. Khi bắt gặp những bức thư gửi mẹ của Steve, tôi thật sự xúc động. Lòng người mẹ ở bất kỳ nơi nào cũng giống nhau thôi: mong chờ tin con”- ông chia sẻ.

Đã bao nhiêu năm rồi, khi cầm lại tập hồ sơ, khuôn mặt ông vẫn không giấu nổi sự xúc động. Đó chính là lý do ông coi nó là món nợ của mình suốt 40 năm qua và không thôi kiếm tìm để trao lại những kỷ vật mình đã có được.

Năm nay ông đã 83 tuổi. “Tuổi này gần đất xa trời, cuộc đời không còn gì phải trăn trở nuối tiếc. Chỉ những kỷ vật này khiến tôi không thôi day dứt. Chưa trả được nó về với người thân của Steve, tôi vẫn chưa yên lòng”- người lính già tâm sự. Để trả lại tấm ảnh và những bức thư của Steve về cho người thân của ông ta, ông Đạt đã nhờ đến một số tờ báo và Bộ Ngoại giao VN nhưng vẫn chưa có kết quả.

Con gái ông, chị Nguyễn Mai, đã bao năm chứng kiến nhiều lần cha mình thức dậy trong đêm lục chiếc hộp ra với vẻ mặt trăn trở. “Lúc nào cụ cũng chỉ muốn được gửi lại những bức thư đó. Tâm niệm này đã khiến cha tôi đau đáu bao nhiêu năm nay”- chị Mai cho biết.

Cuốn sách từ chiến trường

Không là người đi qua cuộc chiến nhưng tình cờ anh Hà Đông Minh (hướng dẫn viên du lịch của Công ty du lịch Đường Mòn Đông Dương, Q.Tân Bình, TP.HCM) lại có được những kỷ vật của một người lính. Lời gửi gắm của một phụ nữ Mỹ: “Mong anh tìm được người mà những cuốn sách này có ý nghĩa với họ để trao lại giúp tôi” đã khiến anh luôn trăn trở đi tìm chủ nhân của những kỷ vật ấy bốn năm nay.

Năm 2008, trong một lần dẫn đoàn khách Mỹ gồm 10 người đi khám phá VN, anh Minh đã được một phụ nữ Mỹ tâm sự trong cuộc chiến tranh ở VN, bà là một y tá ở chiến trường Quảng Ngãi. Một lần cấp cứu cho người lính Mỹ bị thương rất nặng, bà được người đó trao lại năm cuốn sách học y khoa viết bằng tay với tâm niệm hãy giúp anh trao lại những cuốn sách đó cho người mà nó có ý nghĩa. Đó là những quyển sách học lớp y sĩ, những dòng chữ rất đẹp, rất chi tiết về cách điều trị các bệnh lý.

Trong năm quyển sách chỉ có một quyển ghi tên Nguyễn Bá, lớp y sĩ. Thời gian cấp cứu quá gấp, bà chưa kịp hỏi tên người lính Mỹ, địa điểm có được cuốn sách. Đến lúc tìm kiếm chủ nhân của những cuốn sách kia thì người lính Mỹ nọ đã được chuyển đi nơi khác nên bà hoàn toàn mù mịt về thông tin.

Tất cả những gì bà có được là cái tên Nguyễn Bá và một lời hứa. Hết thời gian làm việc tại VN, bà trở về Mỹ, mang theo năm cuốn sách và nỗi trăn trở vì mình chưa kiếm được chủ nhân của nó. Năm 2008, sau 40 năm, bà trở lại VN để đi du lịch và mang theo năm cuốn sách kia trong hành lý của mình.

Tại VN, bà đã tâm sự với anh Hà Đông Minh, hướng dẫn viên du lịch của đoàn và nhờ anh tìm kiếm giúp bởi bà không thể ở VN lâu hơn. Anh Minh nhận lời. “Hẳn đây là những quyển sách rất quan trọng với chủ nhân của nó. Chắc người đó luôn mang theo người để học rồi chữa trị cho đồng đội của mình. Có thể người chiến sĩ là sinh viên y khoa tham gia kháng chiến, có thể là sinh viên trường quân y.

Một trong những quyển sách bị thủng một lỗ, có thể là vết đạn xuyên qua, có thể là viên đạn đó đã cướp đi mạng sống của người mang những quyển sách này. Nếu người đó đã hi sinh thì những kỷ vật này thật sự rất có ý nghĩa với người thân của họ”- anh Minh nghĩ vậy và nhận năm cuốn sách của y sĩ Nguyễn Bá từ tay người phụ nữ kia.

Vậy là từ đó đến nay, trong mỗi tour hướng dẫn du lịch, anh đều mang theo năm cuốn sách đó. Đến đâu anh cũng dò hỏi tin tức với hi vọng có thể trả lại những cuốn sách cho nơi cần nhận.

“Mỗi khi nhìn thấy những kỷ vật đó, tôi lại ray rứt với câu hỏi đưa quyển sách cho ai bây giờ. Tôi đã định đưa chúng cho bảo tàng nhưng lại nghĩ bảo tàng chỉ giữ trưng bày chứ biết có đến tay người thân của những kỷ vật không” - anh tâm sự.

Đến nay anh Minh vẫn chưa tìm được người cần trao. “Tôi đã nhận một trách nhiệm rất lớn với vong linh người đã mất và trách nhiệm với người đang sống - những người đáng ra phải đang được giữ những kỷ vật của người thân”- anh Minh trăn trở.

_____________

Kỳ cuối: “Văn phòng” kỷ vật

Từ khóa » Món Nợ Cuộc đời Là Gì