Môn Sử: Trật Tự Thế Giới Sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai

Trang chủ / Hướng nghiệp / Bí quyết học – thi

Môn Sử: Trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai

Đăng bởi: Vũ Quang Hiển, ngày: 04/03/2013

Để học tốt môn lịch sử, một trong những vấn đề mà đội ngũ thầy, cô và anh chị em học sinh thường trăn trở là: Làm thế nào để người học có thể chủ động trong toàn bộ quá trình học hành và thi cử?

Thông qua chưong trinh tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), chúng tôi muốn hướng tới đáp ứng yêu cầu đó, trước mắt là phục vụ anh chị em học sinh tự ôn tập để có thể chủ động trong các kì thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng theo chương trình và sách giáo khoa lịch sử hiện hành.

Căn cứ vào chương trình môn lịch sử của Bộ Giáo dục và đào tạo, chúng tôi trình hướng dẫn ôn tập từng chương, trong mỗi chương có các mục: 1 – Những mục tiêu cụ thể phù hợp với yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản (thi tốt nghiệp), hoặc phân loại (thi tuyển sinh); 2 – Nội dung tóm tắt; 3 – Một số câu hỏi ôn tập.

Chúng tôi hi vọng, sự hướng dẫn này sẽ giúp các em học sinh ôn tập có hiệu quả, ngoài ra cũng có thể giúp đội ngũ thầy, cô dạy môn lịch sử một tài liệu tham khảo trong việc hướng dẫn học sinh tự học, tự kiểm tra kết quả học tập.

LỊCH SỬ THẾ GIỚI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2000

Chương I: Trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945 – 1949)

A. Mục tiêu ôn tập

– Học sinh trình bày được hoàn cảnh thời gian, địa điểm, thành phần tham dự và những quyết định quan trọng của Hội nghị Ianta và tác động của các quyết định đó đối với sự hình thành trâtị tự thế giới mới.

– Trình bày được sự thành lập, mục đích, nguyên tắc hoạt động cơ bản của Liên hợp quốc, đánh giá được vai trò của Liên hợp quốc từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

– Phân tích được đặc trưng cơ bản của thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai là chia thành hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa do hai siêu cường Liên Xô và Mĩ đứng đầu mỗi phe. Đây là nhân tố chủ yếu chi phối các quan hệ quốc tế và nền chính trị thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

– Giải thích được khái niệm: trật tự hai cực Ianta.

B. Nội dung ôn tập

I. Hội nghị Ianta (2/1945) và những thoả thuận của ba cường quốc.

1. Hoàn cảnh lịch sử:

– Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối, nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách đặt ra trước các nước Đồng minh:

  • Nhanh chóng đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa phát xít
  • Tổ chức lại trật tự thế giới sau chiến tranh
  • Phân chia thành quả giữa các nước thắng trận

– Từ 4/11/2/1945, hội nghị quốc tế được triệu tập tại Ianta (Liên Xô) với sự tham dự của nguyên thủ 3 cường quốc là Liên Xô, Mĩ, Anh nhằm giải quyết các vấn đề trên.

2. Những quyết định quan trọng của Hội nghị

– Đẩy mạnh việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật.

– Thành lập tổ chức Liên hợp quốc nhằm duy trì hoà bình và an ninh thế giới.

– Thoả thuận về việc đóng quân tại các nước nhằm giải giáp quân đội phát xít, phân chia phạm vi ảnh hưởng ở châu Âu và châu Á:

  • Ở châu Âu: quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Đông nước Đức, Đông Beclin và các nước Đông Âu; quân đội Mĩ, Anh và Pháp chiếm đóng miền Tây nước Đức, Tây Beclin và các nước Tây Âu. Vùng Đông Âu thuộc ảnh hưởng của Liên Xô; vùng Tây Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mĩ. Hai nước Áo và Phần Lan trở thành những nước trung lập.
  • Ở châu Á: Hội nghị chấp nhận những điều kiện của Liên Xô để tham chiến chống Nhật bản: 1- Giữ nguyên trạng Mông Cổ; 2- Trả lại cho Liên Xô miền Nam đảo Xakhalin và các đảo xung quanh; quốc tế hoá thương cảng Đại Liên (Trung Quốc) và khôi phục việc Liên Xô thuê cảng Lữ Thuận; Liên Xô cùng Trung Quốc khai thác đường sắt Nam Mãn Châu – Đại Liên; Liên Xô chiếm 4 đảo thuộc quần đảo Curin.
  • Quân đội Mĩ chiếm đóng Nhật Bản; ở bán đảo Triều Tiên, quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Bắc và quân đội Mĩ chiếm đóng miền Nam, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới; Trung Quốc cần trở thành một quốc gia thống nhất; quân đội nước ngoài rút khỏi Trung Quốc. Chính phủ Trung Hoa Dân quốc cần cải tổ với sự tham gia của Đảng Cộng sản và các đảng phái dân chủ, trả lại cho Trung Quốc vùng Mãn Châu, đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ; các vùng còn lại của châu Á vẫn thuộc phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây.

3. Nhận xét:

– Thực chất của Hội nghị Ianta là sự phân chia khu vực đóng quân và khu vực ảnh hưởng giữa các nước thắng trận, có liên quan tới hoà bình, an ninh và trật tự thế giới về sau.

– Những quyết định quan trọng của Hội nghị và những thoả thuận sau đó trở thành khuôn khổ của trật tự thế giới mới (trật tự hai cực Ianta). Theo đó, thế giới được chia thành hai phe do hai siêu cường đứng đầu mỗi phe, đối đầu gay gắt trong gần 4 thập niên, làm cho quan hệ quốc tế luôn trong tình trạng phức tạp, căng thẳng.

II. Sự thành lập Liên hiệp quốc

1. Sự thành lập:

– Đầu năm 1945, khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, các nước đồng minh và nhân dân thế giới có nguyện vọng gìn giữ hoà bình, ngăn chặn chiến tranh thế giới.

– Tại Hội nghị Ianta (2/1945), ba cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh nhất trí thành lập một tổ chức quốc tế nhằm gìn giữ hoà bình, an ninh thế giới.

– Từ ngày 25/4 đến 26/6/1945, đại biểu 50 nước họp tại Xan Phranxicô (Mĩ) thông qua bản Hiến chương và tuyên bố thành lập tổ chức Liên hợp quốc. Ngày 24/10/1945, với sự phê chuẩn của Quốc hội các nước thành viên, bản Hiến chương chính thức có hiệu lực.

2. Mục đích:

Hiến chương là văn kiện quan trọng nhất của Liên hợp quốc nêu rõ: Mục đích của Liên hợp quốc là duy trì hoà bình, an ninh thế giới, phát triển các quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.

3. Nguyên tắc hoạt động:

– Tôn trọng quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.

– Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước.

– Không can thiệp vào công việc nội bộ của bất cứ nước nào.

– Giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình.

– Chung sống hoà bình và sự nhất trí giữa năm nước lớn (Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp và Trung Quốc)

4. Các cơ quan của Liên hợp quốc

Hiến chương còn quy định bộ máy tổ chức của Liên hợp quốc gồm 6 cơ quan chính như: Đại hội đồng, Hội đồng bảo an, Ban thư kí, Hội đồng kinh tế xã hội, Hội đồng Quản thác, Toà án Quốc tế.

5. Vai trò của Liên hợp quốc

– Là diễn đàn quốc tế vừa hợp tác và đấu tranh nhằm duy trì hoà bình và an ninh thế giới.

– Có nhiều cố gắng trong việc giải quyết các vụ tranh chấp và xung đột ở nhiều khu vực, nhiều quốc gia, tiến hành giải trừ quân bị, hạn chế chạy đua vũ trang, nhất là các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt; có nhiều cố gắng trong việc giải trừ chủ nghĩa thực dân.

– Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế, giúp đỡ các dân tộc về kinh tế, văn hoá, giáo dục… Liên hợp quốc còn có nhiều chương trình hỗ trợ, giúp đỡ các dân tộc kém phát triển, các nước đang phát triển về kinh tế, văn hoá, giáo dục, nhân đạo…

– Tuy nhiên, bên cạnh đó, Liên hợp quốc cũng có những hạn chế, không thành công trong việc giải quyết xung đột kéo dài ở Trung Đông, không ngăn ngừa được việc Mĩ gây chiến tranh ở I-rắc…

– Để thực hiện tốt vai trò của mình, Liên hợp quốc đang tiến hành nhiều cải cách quan trọng, trong đó có quá trình cải tổ và dân chủ hoá cơ cấu của tổ chức này.

– Đến năm 2006, Liên hợp quốc có 192 quốc gia thành viên. Từ tháng 9/1977, Việt Nam là thành viên 149 của Liên hợp quốc.

III. Sự hình thành hai hệ thống xã hội đối lập*

Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trên thế giới diễn ra nhiều sự kiện quan trọng với xu hướng hình thành hai phe: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa – đối lập gay gắt với nhau về chính trị và kinh tế.

– Về chính trị:

  • Mĩ, Anh và Pháp tiến hành hợp nhất các khu vực chiếm đóng của mình; thành lập Nhà nước Cộng hoà Liên bang Đức (9/1949). Tháng 10/1949, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Đức ra đời. Trên lãnh thổ nước Đức hình thành hai nhà nước với hai chế độ chính trị khác nhau.
  • Trong những năm 1945 – 1947, các nước Đông Âu tiến hành nhiều việc quan trọng như: xây dựng bộ máy nhà nước dân chủ nhân dân, cải cách ruộng đất, ban hành các quyền tự do dân chủ v.v..

– Về kinh tế:

  • Sau chiến tranh, Mĩ đề ra “Kế hoạch phục hưng châu Âu” (còn gọi là “Kế hoạch Mácsan”), nhằm viện trợ các nước Tây Âu khôi phục kinh tế, đồng thời tăng cường sự chi phối của Mĩ đối với các nước này. Nhờ đó, nền kinh tế các nước Tây Âu phục hồi nhanh chóng.
  • Chủ nghĩa xã hội vượt ra khỏi phạm vi một nước và trở thành hệ thống thế giới. Năm 1949, Hội đồng tuơng trợ kinh tế được thành lập. Thông qua đó, sự hợp tác về chính trị, kinh tế, mối quan hệ giữa Liên Xô với các nước Đông Âu ngày càng được củng cố, tăng cường hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, ở châu Âu xuất hiện sự đối lập về chính trị và kinh tế giữa hai khối: Tây Âu tư bản chủ nghĩa và Đông Âu xã hội chủ nghĩa.

C. Câu hỏi ôn tập

Câu 1. Nêu những quyết định quan trọng của Hội nghị Ianta (2/1945) và phân tích hệ quả của những quyết định đó.

Câu 2. Trình bày sự thành lập, mục đích, nguyên tắc hoạt động và vai trò của Liên hợp quốc.

Câu 3. Nêu những biểu hiện của sự xác lập hai hệ thống xã hội đối lập trên thế giới trong thời gian 1945 – 1949.

Xem tiếp bài 2: Liên Xô và các nước Đông Âu (1945 – 1991), Liên bang Nga (1991 – 2000)

____________

* Phần này thuộc Chương trình nâng cao

Các tin khác: » Thi THPT 2020: Lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT » Còn hơn 2 tuần nữa thi tốt nghiệp THPT 2020, thí sinh nên làm gì và học như thế nào? » Thời gian nhận giấy báo dự thi, cách tra cứu thông tin trên Cổng thông tin Kỳ thi tốt nghiệp THPT » Đăng ký nguyện vọng như thế nào để cơ hội trúng tuyển đại học cao nhất » Top 14 điều bạn cần ghi nhớ để vượt qua kì thi THPT năm 2020 » Trọn bộ bí kíp mùa thi » Ổn định tâm lý mùa thi » Bí quyết ôn thi tổ hợp các môn xã hội hiệu quả » Chương trình tư vấn trực tuyến: Đồng hành cùng thí sinh ĐKDT, ĐKXT năm 2018 » Sơ đồ tư duy giúp học sinh ôn thi môn Ngữ văn lớp 12
    Tin tức THPT
  • Thông báo tuyển sinh
  • Bồi dưỡng kiến thức
  • Đại học
  • Thông tin tuyển sinh
  • Ngành đào tạo
  • Đào tạo ngành 2 (bằng kép)
  • Thông tin cần biết
  • Sau đại học
  • Thông tin tuyển sinh
  • Chương trình đào tạo
  • Bổ túc kiến thức
  • Thông tin cần biết
  • VỪA LÀM VỪA HỌC
  • Tuyển sinh VLVH
  • Thông tin cần biết
  • Hướng nghiệp
  • Chọn ngành, chọn nghề
  • Bí quyết học – thi
  • Sức khoẻ mùa thi
  • Tra cứu kết quả
  • Học tại USSH
  • Tại sao chọn USSH
  • Môi trường học tập
  • Học phí - Học bổng
  • Ký túc xá

Liên kết nhanh

THÔNG TIN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN NĂM 2024 THÔNG TIN TUYỂN SINH SAU ĐẠI HỌC NĂM 2024 THAM KHẢO ĐIỂM TRÚNG TUYỂN CÁC NĂM

Tin nổi bật

  • Thông báo kết quả thi và ngưỡng điểm xét giải thi Olympic bậc THPT các môn Ngữ văn, Lịch sử năm học 2024-2025 của Đại học Quốc gia Hà Nội 15/11/2024
  • NHỮNG LƯU Ý KHI THAM GIA KỲ THI OLYMPIC VNU NĂM 2024-2025 23/10/2024
  • Tra cứu SBD, phòng thi, địa điểm thi Olympic bậc THPT các môn Ngữ văn, Lịch sử năm 2024-2025-ĐHQGHN 19/10/2024
  • THÔNG BÁO LỊCH PHỎNG VẤN THẠC SĨ ĐỢT 2 NĂM 2024 14/10/2024
  • THÔNG BÁO TUYỂN SINH ĐẠI HỌC VỪA LÀM VỪA HỌC NĂM 2024 11/10/2024

Thống kê

Tổng truy cập 14.420.130 Trực tuyến 000048 Môn Sử: Trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai 1Bạn cần hỗ trợ tuyển sinh?

Từ khóa » Thế Giới 2 Cực Ianta Là Gì