Móng Băng Là Gì? Cấu Tạo Và Kết Cấu Móng Băng Thế Nào? - Vnbuilder

Trong kết cấu móng bê tông cốt thép chúng ta thường bắt gặp nhiều loại móng khác nhau. Mỗi loại móng thiết kế ra phù hợp với tải trọng cũng như khả năng chịu lực của đất nền. Móng băng là một loại móng rất phổ biến thường áp dụng cho các công trình chịu tải trọng ít cũng như nền đất tốt như nhà cấp 4, biệt thự, nhà phố, hàng rào…Dưới đây là một số thông tin về móng băng, cấu tạo và kết cấu của chúng thế nào, mời các bạn tìm hiểu nhé

Nội dung bài viết

Toggle
  • Tìm hiểu về móng băng trong xây dựng
    • Móng băng là gì
    • Phân loại móng băng
    • Cấu tạo móng băng
      • + Cấu tạo đối với móng băng gạch:
      • + Cấu tạo móng băng dưới hàng cột
      • + Cấu tạo móng băng dưới tường
  • Ưu nhược điểm và ứng của móng băng
    • Ưu điểm móng băng:
    • Nhược điểm
    • Ứng dụng:
  • Sự giống nhau và khác nhau giữa móng băng và móng bè
    • Về cấu tạo:
    • Về ưu và nhược điểm
  • Quan điểm thiết kế kết cấu móng băng
    • + Đối với móng cứng:
    • + Đối với móng ( cứng hữu hạn ) mềm
  • Hướng dẫn biện pháp thi công móng băng nhà phố
    • + Công tác chuẩn bị
    • + Công tác đào hố móng và đổ bê tông lót móng
    • + Công tác cốt thép
    • + Công tác lắp dựng ván khuôn
    • + Công tác đổ bê tông
  • Tham khảo bản vẽ móng băng đã thi công thực tế
    • Bản vẽ móng băng nhà phố 2 tầng
    • Bản vẽ móng băng nhà 3 tầng
    • Bản vẽ móng băng công trình 4 tầng

Tìm hiểu về móng băng trong xây dựng

Móng băng là gì

Móng băng là loại móng thuộc móng nông, có dải dài, có thể đứng độc lập hoặc có thể giao với nhau ( cắt với nhau hình chữ thập ), móng băng dùng để đỡ tường hoặc đỡ hàng cột. Móng được thi công trên hố đào trần song song hoặc hố đào toàn bộ, sau đó lấp lại. Độ sâu chôn móng thường 1,5 đến 3m, trường hợp đặc biệt có thể đến 5m

Phân loại móng băng

+ Dựa vào vật liệu của móng được chia ra làm 2 loại:

Móng băng gạch: là loại móng được xây bằng gạch thẻ, hoặc gạch bê tông

Móng băng bê tông cốt thép: là móng được đổ bằng kết cấu bê tông cốt thép toàn khối

+ Dựa vào kết cấu móng chia ra

Móng băng dưới tường: là loại móng có thể thi công toàn khối hoặc lắp ghép

Móng băng dưới hàng cột: được thiết kế khi khoảng cách giữa các cột bé, chịu tải lớn đặt trên nền đất yếu

+ Phân loại dựa vào đặc trưng độ cứng chia ra làm 3 loại

Móng cứng: đặc điểm là biến dạng của móng rất nhỏ so với biến dạng của đất nền (hay độ cứng của móng lớn hơn độ cứng của đất nền)

Móng mềm: là loại móng có khả năng biến dạng cùng cấp với biến dạng của đất nền (độ cứng của móng nhỏ hơn độ cứng của đất nền)

Móng cứng hữu hạn: là loại móng có tính chất trung gian giữa móng cứng và móng mềm

+ Dựa vào phương vị chia ra làm 2 loại

Móng băng 1 phương: là móng được phân bố theo một phương duy nhất của ngôi nhà, các móng được bố trí song song với nhau, khoảng cách giữa các móng phụ thuộc vào việc bố trí kết cấu ngôi nhà xuống

Móng băng 2 phương: là móng được bố trí theo 2 phương chiều rộng, chiều dài ngôi nhà, các móng giao thoa với nhau, hay còn được gọi là móng trực giao

>> Xem thêm:

  • Móng cọc, Tiêu chuẩn xây dựng TCVN 205-1998, Thiết kế móng cọc
  • Móng đơn là gì? Chi tiết cấu tạo kết cấu móng đơn trong XD

Cấu tạo móng băng

+ Cấu tạo đối với móng băng gạch:

Chiều rộng đỉnh móng phải lớn hơn bề rộng của kết cấu phía trên ( ví dụ tường 110 phía trên ta xây 220, hoặc tường 220 ta xây móng 335mm)

Chiều rộng cánh đáy móng phải lớn hơn 500mm

Chiều cao mỗi bậc lấy theo chiều dày 2, 3 hàng gạch

Móng gạch cần độ sâu chôn móng hơn là độ rộng, và góc a bậc xây <300

Chiều cao bậc thường lấy 70mm – 140mm -70mm -140mm, hoặc toàn bộ 140mm

Lớp lót móng dày khoảng 50mm được làm bằng lớp cát đen tưới nước đầm kỹ

Móng băng gạch được liên kết với nhau bằng vữa xi măng cát hoặc vữa tam hợp

Kết cấu móng băng gạch chịu được tải trọng tác dụng xuống dưới 16 tấn /m2

cấu tạo móng gạch

+ Cấu tạo móng băng dưới hàng cột

Là loại móng được làm bằng kết cấu bê tông cốt thép, móng làm việc như dầm liên tục chịu phản lực của đất nền.

Tiết diện ngang móng có hình dạng hình chữ T thuận hoặc hình chữ T ngược, Phần bản cánh làm việc như bản conson ngàm vào sườn chịu uốn theo phương ngang

Cốt thép ngang chịu lực trong cánh d ≥ 10mm, @ = 100 – 200mm, và đầu thanh phải uốn móc.

Cốt dọc trong sườn bao gồm cốt đặt trong sườn và cốt đặt trong cánh. Trong móng kiểu chữ T ngược thì cốt dọc phía dưới được đặt trong phạm vị sườn ( khoảng 70%) và trong cánh (khoảng 30%).

Cốt đai bố trí trong sườn được tính toán từ điều kiện lực cắt giống cấu kiện chịu uốn và d ≥ 6mm

Khi bề rộng sườn bd ≤ 400mm thì số nhánh cốt đai n ≥ 2, khi 400 < bd ≤ 800mm thì n ≥ 3, khi bd > 800mm thì n ≥ 4

Khi móng có chiều cao h ≥ 700mm thì phải đặt thêm cốt giá lấy theo quy định

Lớp lót móng băng thường là lớp bê tông mác 100#, dày khoảng 100mm

cấu tạo móng băng dưới hàng cột

+ Cấu tạo móng băng dưới tường

Là loại móng thi công bằng bê tông cốt thép toàn khối hoặc bê tông cốt thép lắp ghép. Thường là tấm phẳng có mái dốc i > 1/3

Ở những nơi nền đất không đồng nhất, móng băng dưới tường tăng độ cứng cho móng bằng cách thêm sườn dọc, hạn chế lún không đều

Nếu xem tường chịu lực có độ cứng rất lớn trong mặt phẳng của nó, thì móng băng dưới tường chịu lực chỉ làm việc chịu uốn theo phương ngang như bản công xôn ngàm tại mép tường, cốt thép chịu lực đặt theo phương ngang, cốt phân bố theo phương dọc, cốt chịu lực trong sườn nếu có chỉ đặt theo cấu tạo

móng băng dưới tường

Ưu nhược điểm và ứng của móng băng

Ưu điểm móng băng:

Móng băng phù hợp với những công trình với tải trọng nhỏ thường T < 16 tấn /m2, tăng cường độ cứng và liên kết giữa tường và cột chắc chắn hơn

Tải trọng dồn xuống móng phân bố đều, giảm áp lực tập trung vào một điểm, giữ ổn định cho công trình

Thiết kế và thi công khá đơn giản và tiết kiệm chi phí

Nhược điểm

Móng băng không chịu được áp lực tải trọng với những công trình lớn

Dưới nền đất yếu, đất bùn không đồng đều móng băng dễ bị lún lệch, gây nguy hiểm cho kết cấu

Móng băng thuộc loại móng nông nên tính ổn định công trình kém, khả năng chống lật, chống trượt của móng chỉ ở mức tương đối khi gặp áp lực mô men ngang cao

Ứng dụng:

Với những ưu nhược điểm trên móng băng phù hợp với những công trình với tải trọng nhỏ, như nhà cấp 4, biệt thự, nhà phố thấp tầng ( thường 5 tầng trở xuống ), hàng rào, nhà bảo vệ, nhà kho…

Sự giống nhau và khác nhau giữa móng băng và móng bè

Về cấu tạo:

Móng băng và móng bè khá tương đồng về hình dáng cấu tạo, đều là móng có sườn dưới hàng cột hoặc tường.

Móng băng có sườn với bản cánh hình chữ T, trong khi đó móng bè với bản cánh đổ trải dài toàn bộ nền

mặt bằng móng bè
Móng bè

Về ưu và nhược điểm

Móng băng và móng bè đều có ưu và nhược điểm khá giống nhau như chịu tải trọng bé, khả năng giữ ổn định công trình kém, không phù hợp với những nền đất yếu, đất bùn

Ứng dụng: cả 2 móng phù hợp với những công trình nhỏ như nhà cấp 4, biệt thự, nhà phố thấp tầng, hàng rào, nhà bảo vệ, nhà kho…Tuy nhiên móng bè chỉ phù hợp với những công trình với mật độ xây dựng thấp

Quan điểm thiết kế kết cấu móng băng

+ Đối với móng cứng:

Xem móng như là dầm liên tục, chịu tác dụng của tải trọng của phản lực đất nền, các gối tựa là các cột ( như dầm sàn lật ngược )

Tính dầm móng: tính nội lực M, Q dầm móng bằng các phương pháp cơ học kết cấu, hoặc các chương trình kết cấu dưới sự hỗ trợ máy tính

Tính cánh móng: cắt theo phương ngang của móng một dải có bề mặt b=1m, sơ đồ tính toán là dầm consol ( xem cánh móng ngàm ở mép dầm ) chịu tải trọng phản lực đất phân bố đều

+ Đối với móng ( cứng hữu hạn ) mềm

Với móng loại này tính toán theo lý thuyết kết cấu dầm và bản trên nền đàn hồi là hợp lý nhất. Hiện nay có 3 phương pháp cơ bản như sau:

Dựa theo lý thuyết biến dạng cục bộ ( mô hình E.Winkler )

Dựa vào lý thuyết biến dạng đàn hồi toàn bộ ( mô hình M.I.Gorbunov-Poxadov )

Dựa vào lý thuyết biến dạng nền tổng hợp

Hướng dẫn biện pháp thi công móng băng nhà phố

Để thi công móng băng đạt hiệu quả tiến độ và chi phí và an toàn, đòi hỏi người thi công phải nắm vững và đưa ra được biện pháp thi công hợp lý, dễ làm, dễ áp dụng

biện pháp thi công móng băng

+ Công tác chuẩn bị

Chuẩn bị đầy đủ máy móc thiết bị dụng cụ thi công móng bao gồm: máy đào, xẻng, quốc, máy bơm nước, máy trộn bê tông…

Chuẩn bị tập kết vật tư gồm: thép, xi măng, cát vàng, đá, nước, ván khuôn…

Chuẩn bị nhân công thi công theo tiến độ và biện pháp thi công

+ Công tác đào hố móng và đổ bê tông lót móng

Nhà thầu thi công có thể sử dụng máy đào kết hợp với nhân công thủ công đào và sửa hố móng đúng theo vị trí bản vẽ và theo biện pháp thi công. Hướng đào từ trong ra ngoài, một phần đất bỏ đi và một phần đất giữ lại để sau này lấp lại móng.

Sau khi đào móng đến đâu ta tiến hành đầm nền và đổ bê tông lót móng đến đó. Lưu ý trong quá trình thi công hố móng nếu có nước thì phải bơm hút cho sạch, mới thực hiện công việc tiếp theo

+ Công tác cốt thép

Thợ thép tiến hành gia công và lắp đặt cốt thép đúng như bản vẽ, đúng vị trí, đúng số lượng. Lưu ý việc cắt và nối thép sao cho đúng tiêu chuẩn và đúng theo cấu tạo, tiết kiệm thép tránh cắt vụn nhiều đề C bỏ đi

+ Công tác lắp dựng ván khuôn

Lắp dựng ván khuôn là khâu rất quan trọng, rất nhiều thợ thi công chủ quan ở khâu này. Việc thi công ván khuôn sao cho đúng định hình, chắc chắn, ổn định không được để hở tránh việc mất nước xi măng khi đổ bê tông. Công tác chống cốp pha cần phải cẩn thận chống trượt, chịu được áp lực khi đổ bê tông

+ Công tác đổ bê tông

Sau khi lắp dựng và nghiệm thu cốp pha đủ yêu cầu đề ra, chúng ta tiến hành đổ bê tông cho móng. Nếu có thể thì nên đổ bê tông tươi thương phẩm cho đảm bảo, hoặc không thì chúng ta có thể trộn bê tông bằng máy trộn kết hợp với thủ công. Biện pháp đổ có thể là bơm hoặc bằng nhân công thủ công.

Lưu ý: trong quá trình đổ phải luôn luôn kiểm tra côt pha có bị biến dạng, sai lệch so với kết cấu hay không để có biện pháp điểu chỉnh và gia cố ngay kịp thời. Hướng đổ bê tông nên từ xa đến gần, từ trong ra ngoài, trong quá trình đổ phải đầm bê tông đến khi bê tông lấp đầy khuôn ván, tránh hiện tượng rỗ bê tông ảnh hưởng đến chất lượng kết cấu công trình

Tham khảo bản vẽ móng băng đã thi công thực tế

Bản vẽ móng băng nhà phố 2 tầng

mặt bằngmóng băng nhà 2 tầng
mặt cắt móng băng nhà 2 tầng

Bản vẽ móng băng nhà 3 tầng

bản vẽ móng băng nhà 3 tầng
chi tiết móng băng nhà 3 tầng

Bản vẽ móng băng công trình 4 tầng

bản vẽ móng băng nhà 4 tầng
mặt cắt móng băng nhà 4 tầng

Từ khóa » Cấu Tạo Cốt Thép Móng Băng