MỘT BÀI THƠ HAY CỦA CHẾ LAN VIÊN VỀ BÁC HỒ | VĂN HỌC +

Chế Lan Viên không phải là một nhà thơ cách mạng đầu tiên, nhưng ông lại là một trong số những nhà thơ cách mạng nhất. Cũng như vậy, Chế Lan Viên không phải là nhà thơ tiên phong viết về Bác Hồ, nhưng lại là một trong những nhà thơ viết về Bác Hồ nhiều nhất, trí tuệ nhất. Bài thơ “Người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi” là một bài thơ viết về Bác Hồ đồng thời cũng là bài kiểm điểm cuộc đời và bản tường trình về sự nghiệp thơ ca của Chế Lan Viên.

Muốn đọc thơ về Bác Hồ, người ta lập tức tìm đến Tố Hữu. Rõ ràng Tố Hữu là nhà thơ cách mạng lớn và viết về Bác Hồ xúc động vào bậc nhất. Khi Bác mất, Tố Hữu đã khóc cùng chúng ta và kịp thời nói hộ chúng ta biết bao suy nghĩ, thổ lộ giùm chúng ta biết bao tâm trạng mà trong lúc đau thương có thể chúng ta chưa nói hết hoặc chưa nói ra được:

“Bác đã đi rồi sao Bác ơi

Mùa thu đương đẹp nắng xanh trời

Miền Nam đương thắng mơ ngày hội

Đón Bác vào thăm thấy Bác cười”

hay là:

“Ôi Bác Hồ ơi mỗi xế chiều

Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu

Ra đi Bác dặn còn non nước

Nghĩa nặng lòng không dám khóc nhiều” (Bác ơi)

Và sau khi đã nén niềm xúc động như vậy, Tố Hữu đã rất bình tĩnh, sáng suốt và sâu sắc nhắc nhở chúng ta những lời hứa đối với di chúc mà Bác Hồ để lại:

“Bác đi di chúc giục lòng ta

Cho cả muôn đời một tiếng ca

Lẽ sống niềm tin mong ước lớn

Và tình yêu nhân nghĩa bao la” (Theo chân Bác)

Không chỉ là lời hứa mà còn là lời thề, để chúng ta khắc cốt ghi tâm và tiếp nối những gì còn dang dở:

“Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn

Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn

Xin nguyện cùng người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn” (Bác ơi)

Những tiếng khóc, những tâm tình và những đánh giá rất chân thành, giản dị mà chính xác, sâu sắc như thấm từng tiếng và đi vào lòng người như vậy quả thật đã trở thành những vần “ca dao về Bác Hồ” khiến chúng ta nhớ mãi và có thể dễ dàng ngâm nga lên được mỗi khi có dịp xúc động lớn lao về người Chủ tịch đáng kính của nhân dân.

Dù vậy, thi thoảng đâu đó, chúng ta đôi lúc ngã lòng, hoài nghi, hoang mang về những tình cảm ấy… bởi tác động không đáng có của những tạp nham trong một thời đại thông tin hoặc những biến chứng tâm hồn và những khiếm khuyết về tư duy! Khi đó, những câu thơ hiền lành của Tố Hữu chưa thể cùng ta vực dậy những niềm tin đã ngã được… Phải có những câu thơ mạnh mẽ hơn, giàu suy tưởng hơn, cắt nghĩa cho chúng ta hiểu gốc rễ, ngọn nguồn, minh chứng hùng hồn cho chúng ta thấy được những vẻ đẹp tâm hồn, chiều sâu tư duy và chiều cao lý tưởng của một nhà lãnh đạo của dân tộc. Và Chế Lan Viên đã xuất hiện, làm giúp chúng ta điều đó.

Nhưng có một điều lạ là ngay từ đầu, thanh niên thi sĩ Chế Lan Viên chưa phải là một người cách mạng. Người thanh niên Chế Lan Viên, thi sĩ Chế Lan Viên, cũng như biết bao người thanh niên, thi sĩ dưới chế độ Pháp thuộc lúc bấy giờ, chưa suy nghĩ xa xôi gì đến một cuộc cách mạng, đến sự cần thiết phải có một lãnh tụ và sự tất yếu phải có một cuộc đổ máu mặc dù đang sống trong một cái cũi của cả nghệ thuật lẫn nhân sinh… Người thi sĩ thanh niên ấy muốn làm thơ theo trào lưu thơ ca nhạc họa lúc bấy giờ, trào lưu của những nhà thơ lãng mạn, tiền chiến, thơ mới. Anh ta đi đào bới những thứ cảm xúc kỳ lạ, kinh dị để rồi sáng tạo nên những vần thơ quỷ quái, ma mị. Thế là, tập thơ “Điêu tàn”, thế giới của những bài thơ nói về đầu lâu, xương thịt ra đời do tâm hồn và trí tuệ của người thi sĩ 17 tuổi – Chế Lan Viên viết ra. Chế Lan Viên, có lẽ là nhà thơ kinh dị viết về ma quỷ đầu tiên và thành công nhất của thơ ca hiện đại Việt Nam. Không biết anh ta đã gặp ma chưa nhưng những gì anh ta nói về ma thì thật phong phú, đa dạng và sinh động. Tác phẩm đầu tay và cũng là “cương lĩnh cuộc sống” đầu tiên của Chế Lan Viên là tập thơ “Điêu tàn”. “Điêu tàn” là tập thơ viết về dân tộc Chiêm Thành, một dân tộc đã bị tiêu vong. Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, tự nhận bút danh ấy có nghĩa là bông hoa lan trong vườn họ Chế, mà họ Chế là dòng họ vua chúa của Chiêm thành (Chế Bồng Nga, Chế Mân…). Tuy viết về ma quỷ viết về một dân tộc khác, nhưng “Điêu tàn” vẫn là kiệt tác của Chế Lan Viên, một nhà thơ Việt Nam, bởi nó nói lên ba tiếng nói của người dân Việt Nam mất nước. Một là, tiếng nói phản ánh sự bế tắc của người thanh niên Việt Nam thời Pháp thuộc, không tìm thấy cái hay cái đẹp trong cuộc sống đời thực cho nên phải tìm đến những thế giới ảo ảnh. Hai là tiếng nói yêu nước thầm kín của người dân mất nước, mượn chuyện mất nước của một dân tộc khác để nói sự mất nước của dân tộc mình. Ba là sự giữ gìn và phát triển đến những đỉnh cao của ngôn ngữ tiếng Việt. Như vậy, tuy chưa phải là nhà thơ yêu nước một cách tự tin, rõ ràng, nhưng Chế Lan Viên đã là một nhà thơ yêu nước thầm kín rồi.

Từ đó, người thanh niên yêu nước thầm kín và kỳ lạ ấy sau khi nghe câu chuyện về một người thanh niên yêu nước nồng nàn khác đã tỉnh ngộ ra những điều thật sự xúc động và thấm thía. Hãy nghe anh ta tự sự trong bản kiểm điểm này “Người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi”.

Trước tiên, người thanh niên Chế Lan Viên cũng như nhiều người thanh niên khác có rất nhiều mộng mơ và theo đuổi những đam mê rất năng động, lạc quan của giới trẻ. Những cuộc dạo chơi thăm thú danh lam thắng cảnh quê hương hay chìm đắm trong những chuyện tình lãng mạn hoặc nung nấu những dự định kim tiền… là những điều rất thường của thanh niên mọi thời. Chế Lan Viên cũng vậy. Nhưng sau khi biết về câu chuyện của những người khác, những người đó cũng từng qua tuổi thanh niên, cũng có những đam mê nhưng những đam mê hoàn toàn khác… người thanh niên Chế Lan Viên, tự so sánh và trong sự so sánh là sự cắn dứt khôn nguôi:

“Những năm ấy tôi đi giữa lòng Hà Nội

Không hay trong xà lim anh Hoàng Văn Thụ đang nằm

Không biết anh Trần Đăng Ninh bị cùm tay mỗi tối

Không hay trên biên thùy Bác đã dừng chân

Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp

Có hay đâu hang Pắc Bó gió lùa

Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép

Mảnh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ”[1]

Thanh niên là một độ tuổi độ tuổi náo nức những đam mê hoài bão nhưng những đam mê hoài bão đó cần được nâng niu bởi những tư duy thực tiễn giải quyết khó khăn chung của mọi người và nên được trau chuốt bởi mục tiêu làm tốt đẹp hơn cho số đông, chứ không nên chỉ khuôn khổ cho sở thích cá nhân và cảm tính nhỏ hẹp. Ở một lần khác, Chế Lan Viên thực thà viết :

“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con

Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp

Một túp lều yên rủ bóng xuống tâm hồn

… Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ

Tìm đường đi cho dân tộc theo đi”

(Người đi tìm hình của nước)

Hết suy tư về tâm tình hào hoa nhưng mờ nhạt ấy của người thanh niên, Chế Lan Viên lại suy nghĩ về những điều lạc lối của một nhà thơ nói riêng và một nền tư duy nói chung. Điều lạc lối ấy biểu hiện đầu tiên ở chỗ vốn là một nhà thơ, người “thư ký trung thành của thời đại” (Gorki), mà lại “quan liêu” sao nhãng với cuộc đời, không biết “nói lên tiếng kêu đau khổ của kiếp sống lầm than” (Nam Cao) mà lại rảnh rỗi đi tìm kiếm những cuộc sống ma mị những “đấng vô hình sương khói xa xôi”.

“Đất nước sắp đổi thay rồi mà tôi chẳng biết

Người thay đổi đời ta đã về kia, ta vẫn không hay

Tôi vẫn khép phòng văn hì hục viết

Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày”

Điều lạc lối thứ hai thể hiện ở chỗ là một người dân hơn nữa là một người dân ưu tú nhưng lại không biết đến những biến động to lớn của thời đại, không quan tâm tới đời sống nhân dân, vận mệnh dân tộc:

“Chớ bao giờ quên nỗi chua cay của một thời thơ ấy

Tổ quốc trong lòng ta mà có cũng như không

Nhân dân ở quanh ta mà ta chẳng thấy

Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng!”

Điều lạc lối thứ ba là tìm đến những con đường ứng phó với thời cuộc và giải quyết những vấn đề nhân sinh một cách sai lầm. Đó là những con đường trốn tránh thực tại, gửi gắm tâm tư vào những vần thơ mơ hồ ảo não cũng như ký thác vào những cuộc sống mà như Nam Cao nói là “sống mòn”, Chế Lan Viên sám hối thay cho những nhà thơ mới:

“Ta làm con nai lạc giữa rừng thu

Làm hổ sa cơ giận vườn bách thảo

Làm bóng ma Hời sờ soạng đêm mơ

Làm tất cả! chỉ trừ không đổ máu!”

Thanh niên là những người nao nức ước mơ hoài bão nhưng cũng là những người băn khoăn mơ hồ với cuộc sống mà họ mới bắt đầu vào cuộc. Họ là những người dễ lạc lối nhất. Tố Hữu là người giác ngộ cách mạng rất nhanh để tìm đến sức mạnh của đoàn thể, nhưng cũng không đi tắt qua được thời kỳ này:

“Đâu những ngày xưa, tôi nhớ tôi

Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời

Vẩn vơ theo mãi vòng quanh quẩn

Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời”

(Nhớ đồng)

Và tất cả những điều chân thực kể trên, những bế tắc của người thanh niên, những lạc lối của người trí thức được nhắc đến như một phông nền để Chế Lan Viên nói về sự giác ngộ của ông từ khi biết đến Bác Hồ được dễ dàng hơn. Đó là giác ngộ về hình ảnh của Bác Hồ, một con người luôn nồng nàn yêu nước và giữ vững truyền thống văn hóa dân tộc:

“Nở trắng hoa kim anh trên biên giới, Bác về

Xa nước ba mươi năm một câu Kiều, Người vẫn nhớ

Mái tóc Bác đã phai màu quá nửa

Lòng son ngời như buổi mới ra đi”

Không chỉ giữ vững mà Bác Hồ còn đem lại sức sống cho văn hóa và con người Việt Nam:

“Người đánh thức hồn dân tộc đã về kia. Ta nghe bừng tỉnh dậy

Câu quan họ, xẩm xoan xưa vứt ngã ba đường

Điệu lục bát và màu nâu nơi ruộng rẫy

Bức tranh làng Hồ và cô Tố nữ dáng quê hương”

Hơn nữa, Bác Hồ còn là người kiến thiết nên tương lai của dân tộc Việt Nam:

“Người đánh thức tương lai đã về kia, Bác hôn lên hòn đất

Nghe trong tay trở dậy những thành đồng

Nghe thay đổi cả vóc hình Tổ quốc

Chừng Điện Biên rực lửa đã nằm trong”

Mỗi khi nghĩ về Bác Hồ, Chế Lan Viên không quên soi vào cuộc đời bản thân ông để kiểm điểm lại những điều bế tắc và lạc lối mà ông không hề ưng ý. Ông tự trách bản thân đã u mê với những sở thích lầm lỡ của trí thức tiểu tư sản thờ ơ với cuộc sống nhân dân vận mệnh dân tộc để nuôi những sở thích mộng mị vẩn vơ:

“Tôi ở đâu? Đi đâu? Tôi đã làm gì?

Đời thấp thoáng sau những trang sách Phật

Đất nước đau dưới gót bầy ngựa Nhật

Lạc giữa sao trời, tôi vẫn còn mê…”

Ông tự nhận ra khiếm khuyết trong thơ ông những thứ mà không thể giúp tác phẩm của ông trở thành những tác phẩm chân chính:

“Chưa có gì dính líu giữa thơ tôi và truyền đơn Bác viết

Tôi không biết khi Bác đau phải ăn một nắm lá rừng

Trong nước mắt thơ tôi, tôi chưa ngờ chất thép

Chưa thấy trong máu mình sắp cuộn máu nhân dân”

Và thế là Bác Hồ đã trở thành người thay đổi đời ông, người thay đổi thơ ông. Sự thay đổi ấy được thực hiện bằng sự giản dị, chân chính của tư cách người cách mạng.

“Ôi giữa lòng ta, Bác đến tự hồi nào?

Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc

Một buổi sáng, nhìn lòng ta, ta thấy Bác

Nước mắt ràn, ta cảm hết ơn sâu”

Sự thay đổi ấy giúp cho một con người từng mộng mị vẩn vơ theo đuổi những khoái lạc tinh thần đơn giản trở thành những con người mạnh mẽ, gần gũi với đồng loại và có ích cho nhân dân.

“Ấy là khi ta có thể nhảy vào đồn mà không sợ lửa

Ăn một miếng khoai bùi ta cảm thấy là ngon

Khi riêng tây, ta thấy mình xấu hổ

Khi nhìn đời, mỗi lá mỗi tơ non”

Sự thay đổi ấy giúp cho con người vốn chỉ thấy cái đẹp ở thế giới ảo ảnh nay trở lại đời sống quần chúng mà nhận ra vô vàn cái đẹp của tình người, của cuộc đời, của thiên nhiên cho dù đó là những cái đẹp đơn sơ mộc mạc nhất.

“Khi uống ngụm nước trong, lưỡi ta không còn đắng chất thị thành

Đời tươi mát như ao sen mùa hạ”

Lớn lao hơn nữa là sự thay đổi ấy đã giúp chúng ta có được một nhà thơ cách mạng, một nhà thơ yêu nước nồng nàn, yêu cuộc sống chứa chan, nhà thơ Chế Lan Viên.

“Anh em bốn bên mà ta ở giữa

Có được trái cây thơ, ta biết quí cả mùa lành

Khi ta muốn thơ ta thành hầm chông giết giặc

Thành một nhành hoa mát mắt cho đời

Khi mỗi bước đi lên của lòng ta đều thấm tình giai cấp

Ta biết trong đời ta Bác đã đến rồi”

Người ta thường nghĩ thơ là sự ướt át của tâm hồn nhưng quên mất rằng thơ ca máu của tim và chất xám của khối óc. Những bài thơ hay là sự chiêm nghiệm của tác cả về diễn biến tâm hồn, quá trình tư duy và thực tiễn trải nghiệm của tác giả. Những định lý là kết quả thí nghiệm của nhà toán học, những định luật là thành tựu thí nghiệm của nhà vật lý nhà hóa học, những bài thơ là thực nghiệm nhân sinh của các nhà thơ. Chế Lan Viên là nhà thơ trải qua nhiều phong cách thơ, nhưng tựu chung thơ ông chất chứa tư duy, trí tuệ và là kỳ công của những thực nghiệm đời sống. Thơ ông viết về Bác Hồ thuyết phục người ta chẳng những bằng sự xúc động cao độ mà còn là sự tư duy sâu sắc.

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Liên quan

Từ khóa » Nhân Dân Quanh Mình Mà Có Cũng Như Không