Một Bản án Giơ Cao, đánh Quá… Khẽ!

Hiện nay, loại tội phạm "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" và đòi nợ theo kiểu xã hội đen đã và đang trở thành hiện tượng bức bối tại nhiều địa phương. Trước tình hình đó đòi hỏi các cơ quan pháp luật cần tăng cường, áp dụng các biện pháp mạnh để điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm loại tội phạm này  nhằm răn đe những đối tượng khác. Thế nhưng, tại vài địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng "ông nói gà, bà nói vịt" theo kiểu cơ quan Công an điều tra, phát hiện còn Tòa án thì xử theo kiểu "giơ cao" nhưng đánh "quá khẽ" và dưới đây là một điển hình.

Theo hồ sơ vụ án, tháng 8-2018, Đoàn Việt Đức (1977, trú P. Phù Đổng, TP Pleiku, Gia Lai) bàn bạc với Nguyễn Bảo Ngọc (1981, trú TP Hà Nội), Phạm Công Thạnh (1996), Nguyễn Văn Tiến (1996), Lê Vạn Ngọc (1997, cùng trú P. Trà Bá, TP Pleiku) mở hiệu cầm đồ Phát Lộc để cho vay tiền dưới hình thức cho vay thế chấp giấy tờ tùy thân, giấy tờ ô-tô, xe máy. Các đối tượng thỏa thuận hình thức ăn chia, Đức hưởng lợi 70%, những người còn lại 30% sau khi trả lương cho những đối tượng làm công.

Thực hiện ý định này, Đức thuê nhà tại địa chỉ 378-Nguyễn Chí Thanh (TP Pleiku) với giá 4,5 triệu đồng/tháng rồi nhờ người khác đứng tên xin cấp giấy phép kinh doanh. Ngày 3-10-2018, dịch vụ cầm đồ Phát Lộc được UBND TP Pleiku cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 39A8011249 với ngành nghề kinh doanh, gồm: mua bán hoa tươi, bán lẻ rượu bia, thuốc lá; dịch vụ cầm đồ… Sau khi cấp giấy phép, Đức đầu tư tiền vốn để các nhân viên dịch vụ cầm đồ Phát Lộc cho vay tiền dưới hình thức cho vay thế chấp giấy tờ tùy thân (sổ hộ khẩu gia đình, CMND, giấy phép lái xe…) với lãi suất 10.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (tương đương 30%/tháng và 360%/năm) và vay thế chấp giấy đăng ký ô-tô, xe máy với mức lãi 2.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Khách hàng vay phải đóng lãi suất 10 lần và phải trả lãi trước cho lần vay đầu tiên được trừ vào số tiền gốc.

Đức không trực tiếp quản lý điều hành mà giao cho Nguyễn Bảo Ngọc quản lý, ghi chép, theo dõi hoạt động cho vay và thu lãi của khách hàng. Quá trình hoạt động, ngày 15-3-2019, Nguyễn Văn Tiến bị CQĐT Công an TP Pleiku bắt tạm giam về hành vi: "Cố ý gây thương tích" nên nghỉ làm. Đến ngày 15-11-2019, được sự đồng ý của Đức, Ngọc thuê Nguyễn Đắc Duy Hòa giá 4 triệu đồng/tháng để cùng Lê Vạn Ngọc, Phạm Công Thạnh thực hiện việc thả, dán tờ rơi, xác minh địa chỉ, thông tin người vay tiền, thu tiền lãi, xử lý "nợ xấu". Đến ngày 3, 13, 23 hàng tháng, Đoàn Việt Đức đến cửa hàng Phát Lộc đối chiếu "công nợ". Tiền lãi thu được từ các khoản vay sau khi trừ các chi phí, Đức lấy 7 phần, 3 phần còn lại được Nguyễn Bảo Ngọc, Phạm Công Thạnh chia nhau.

Trong quá trình điều tra, lực lượng Công an xác định với khoản lãi thu từ việc cho vay thế chấp đăng ký xe thì Đức hưởng 100%. Ngày 5-1-2020, khi các đối tượng đang thực hiện hành vi cho vay tiền tại cơ sở cầm đồ Phát Lộc đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai bắt quả tang. Tiến hành khám xét chỗ ở của Đoàn Việt Đức, lực lượng CA đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Căn cứ vào sổ sách do Nguyễn Bảo Ngọc ghi theo dõi quá trình cho vay, thu lãi và lời khai của những đối tượng liên quan, CQĐT xác định: Đoàn Việt Đức đầu tư số tiền 1.360.000.000 đồng vào hoạt động cho vay lãi nặng. Từ tháng 10-2018 đến ngày 5-1-2020, các đối tượng đã cho 686 lượt khách vay tiền với số tiền hơn 8 tỷ đồng và số tiền lãi thu được hơn 5,1 tỷ đồng. Sau khi trừ số tiền lãi được sự cho phép của pháp luật hơn 292 triệu đồng, Đức cùng đồng bọn thu lợi bất chính số tiền hơn 4,89 tỷ đồng. Trong đó, Đức thu lợi hơn 3,4 tỷ đồng.

Với hành vi phạm tội được làm rõ như vậy, tại phiên tòa ngày 22-4-2022 của TAND tỉnh Gia Lai, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đoàn Việt Đức 9 tháng tù; Nguyễn Bảo Ngọc 18 tháng tù, Nguyễn Văn Tiến 10 tháng tù, Phạm Công Thạnh 9 tháng 15 ngày tù. Nhận thấy mức án của TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt các bị các trong đường dây cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự do Đoàn Việt Đức cầm đầu là chưa tương xứng với mức độ phạm tội của từng bị cáo nên ngày 19-5-2022, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Đoàn Việt Đức.

Theo quyết định kháng nghị: bị cáo Đức với vai trò chủ mưu cầm đầu; có nhân thân xấu (đối tượng có tiền án, tiền sự về tội: "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" và "Xâm hại đến sức khỏe của người khác"; thu nhập bất chính với số tài sản lớn hơn những bị cáo khác. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Đức 9 tháng tù. Mức án này thấp hơn so với các bị cáo khác có vai trò giúp sức, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là chưa phân hóa vai trò đồng phạm trong vụ án, chưa đánh giá hết tính chất, mức độ nguy hiểm, chưa tương xứng với hành vi phạm tội của Đoàn Việt Đức.

Từ cơ sở đó, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng quyết định kháng nghị đối với Bản án số 28, ngày 22-4-2022 của TAND tỉnh Gia Lai. Theo đó, đề nghị Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm lại vụ án theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Đoàn Việt Đức. Nội dung kháng nghị thể hiện đầy đủ những cơ sở của pháp luật và yêu cầu quá trình xét xử phúc thẩm cần có sự nghiêm minh hơn nhằm đảm bảo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Thế nhưng, những đề nghị trên vẫn bị Tòa án cấp phúc thẩm bác bỏ. Tại phiên tòa ngày 8-7-2022, Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng vẫn tuyên y án (9 tháng tù) đối với Đoàn Việt Đức.

Qua 2 bản án trên, dư luận đã có nhiều phản ánh trái chiều như: pháp luật vẫn còn nương tay với loại tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; hai bản án đều tuyên theo kiểu "giơ cao, đánh quá khẽ".

M.T

Từ khóa » Khẽ Giày