Một Binh đoàn Vận Tải đặc Biệt - Báo Quân đội Nhân Dân

QĐND - Tiếp tế là “tử huyệt" của Việt Minh?

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, việc cung cấp và tiếp tế cho mặt trận được coi là một trong những vấn đề khó khăn nhất. Bởi khoảng cách từ Điện Biên Phủ về Thủ đô kháng chiến Việt Bắc và các vùng hậu phương đồng bằng quá xa xôi; thời tiết đông xuân ở Tây Bắc nói riêng và lòng chảo Điện Biên Phủ nói riêng hết sức khắc nghiệt, địa hình hiểm trở… lại thêm quân địch cả dưới đất lẫn trên trời ngày đêm quấy rối. Bởi vậy kẻ thù tin rằng: Chọn Điện Biên Phủ làm tập đoàn cứ điểm để “dụ” Việt Minh kéo quân lên “nghênh chiến” chính là một địa bàn “đắc địa”, bởi vấn đề tiếp tế hậu cần sẽ là một trong những điểm “tử huyệt” của Việt Minh.

Chính tướng Na-va (Henri Navarre)-Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương-trong cuốn “Vì sao Điện Biên Phủ?” đã từng cho rằng: “Việc tiếp tế đối với địch (Việt Minh) là điều khó khăn vì phương tiện vận chuyển tiếp tế có hạn. Nếu muốn tiến công Điện Biên Phủ thì đối phương buộc phải tiếp tế vận chuyển bằng sức người rất hạn chế vì đường sá quanh đó đã bị phá hủy hoặc không có”. Còn tướng Xa-lăng, Tư lệnh chiến trường Bắc Đông Dương, cũng có ý kiến rằng: “Đối phương không thể sử dụng được một số lượng quan trọng lương thực và các vũ khí nặng vì vận chuyển khó khăn không sao khắc phục được...” v.v..

Đoàn dân công xe đạp thồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Chẳng thế mà vào đêm 24-12-1953, trong ánh lửa trại mừng lễ Thiên chúa giáng sinh tổ chức cho binh lính Pháp ở Điện Biên Phủ, viên Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương đã nói với ba quân: “Việt Minh đưa quân lên đây nhưng họ phải lo việc cung cấp quá lớn, trên một chặng đường quá dài, qua những vùng hiểm trở, nghèo xác xơ và đường giao thông hầu như không có. Vận tải của Việt Minh chỉ toàn bằng đi bộ, do “phu” gánh, nếu có vận chuyển bằng ô tô chăng nữa thì cũng phải đi trên những đoạn đường rất xấu, luôn luôn bị không quân Pháp cắt đứt...”.

Ấy thế mà 3 năm sau cuộc chiến ở Điện Biên Phủ, trong cuốn hồi ký "Đông Dương hấp hối", mặc dù được viết ra với mục đích là biện bạch cho thất bại của mình trong một năm cầm quân xâm lược ở Đông Dương, nhưng viên tướng Pháp này vẫn không thể không đổi giọng. Ông ta buộc phải nhận xét rằng: “Bộ chỉ huy kháng chiến Việt Minh đã phác họa thật hay về công việc vận chuyển của họ. Họ tin rằng, những kết quả đạt được là nhờ sự cố gắng của nhân dân chi viện quân đội. Chúng ta phải thừa nhận sự cố gắng lớn lao đó và khâm phục khả năng của Bộ chỉ huy và của Chính phủ đối phương đã biết cách đạt được kết quả đó...”.

Và trong cuốn “Trận Điện Biên Phủ” của nhà báo Pháp G.Roa thì nói cụ thể hơn: “Đã có hàng trăm tấn bom được ném xuống các tuyến giao thông và những con đường tiếp vận của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng chẳng bao giờ cắt đứt nổi những con đường ấy… Tướng Na-va bị thua chính bởi những chiếc xe đạp thồ, với những kiện hàng từ 200kg đến 320kg, được điều khiển bởi những con người ăn không thật no và ngủ thì nằm ngay trên những mảnh ni-lông trải trên đất…".

“Binh đoàn ngựa sắt” ra trận!

Tuy nhiên, để phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã chuẩn bị bảo đảm cung cấp một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, đồ dùng, thuốc men… một cách nhanh chóng và liên tục. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”, cả nước đã quyết tâm thực hiện thành công công tác vận tải, tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ. Có thể nói, trong chiến dịch này, công tác vận tải đã diễn ra như một mặt trận thực sự, với tính chiến đấu quyết liệt: Hơn 6.200 xe ô tô được huy động, 2.600 thuyền bè các loại tham gia. Đặc biệt, ra trận lần này có hơn 1 vạn con ngựa thồ và gần 21.000 chiếc xe đạp thồ được mệnh danh là “Binh đoàn ngựa sắt”, “Binh đoàn vận tải đặc biệt”...

Hơn 26 vạn dân công từ khắp mọi miền quê, từ vùng trung du Bắc Bộ, châu thổ sông Hồng, đến các vùng quê Bắc miền Trung… đã được huy động để vận chuyển lương thực và đạn dược ra tiền tuyến với phương tiện thô sơ. Và một trong những phương tiện vận chuyển hiệu quả nhất thời điểm đó là những chiếc xe đạp thồ. Chỉ riêng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta đã sử dụng gần hai mươi mốt nghìn (21.000) chiếc xe đạp thồ, đi dọc quãng đường hơn 1.500 cây số. Để biến một chiếc xe đạp bình thường chỉ chở được từ 1-2 người thành chiếc xe thồ, dân công và bộ đội đã buộc thêm một đoạn tre nhỏ, dài khoảng 1m, gọi là "tay ngai" để điều khiển chiếc ghi-đông (tay lái). Bên cạnh đó là một đoạn tre cao hơn yên khoảng nửa mét (50cm) để cầm vừa, được buộc vào trục yên xe. Đoạn tre có tác dụng vừa giữ thăng bằng vừa là điểm tựa để đẩy xe đi. Để tăng độ cứng của khung xe, dân công và bộ đội đã hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ. Trong khi đó, vải lự, quần áo cũ, săm cũ và cả những sợi lạt mây… được dùng để “gia cố”, tăng độ bền của săm, lốp…

Chiếc xe đạp thồ của kiện tướng Ma Văn Thắng trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh tư liệu

 

Thời gian đầu, mỗi xe thồ chỉ chở được 80kg-100kg. Về sau, trọng tải được tăng dần lên nhờ các sáng kiến cải tiến gá, buộc. Mỗi xe thồ có thể chở được 2 thùng phuy nhiên liệu loại 150 lít hoặc 15 can - 20 can loại 20 lít. Hai chiếc xe thồ “gá” lại có thể chở được 2 thương binh nặng nằm trên cáng và 4 thương binh nhẹ ngồi trên yên và poọc-ba-ga (đèo hàng). Các xe đạp có đi-na-mô phát điện còn được sử dụng để chiếu sáng cho các thầy thuốc phẫu thuật trong các trạm xá dã chiến.

Một chiếc xe đạp thồ được hoán cải, gia cố như trên có sức chở trung bình từ 200kg - 300kg, tương đương sức mang vác của 5-6 người. Xe có tốc độ nhanh hơn người mang vác đi bộ và có thể vận chuyển được các vật tư cồng kềnh, các chất lỏng như xăng, dầu và đi được trên nhiều loại đường, địa hình khác nhau mà ô tô không đi được. Lợi thế của loại phương tiện này là không cần nhiên liệu, dễ sửa chữa, dễ ngụy trang và dễ cơ động, có thể đi lẻ hoặc thành đoàn trong mọi điều kiện thời tiết. Rõ ràng, so với vận tải bằng gánh gồng, mang vác… thì xe đạp thồ chiếm ưu thế hơn hẳn. Cụ thể: So với một dân công gánh trung bình 25kg thì một xe đạp thồ có năng suất gấp 7 - 8 lần. “Kỷ lục” vận chuyển bằng xe đạp thồ thuộc về chiến sĩ dân công Cao Văn Tỵ của đoàn dân công tỉnh Thanh Hóa, với 320kg/chuyến. Sau đó, chiến sĩ Ma Văn Thắng của đoàn dân công Phú Thọ vượt lên phá kỷ lục của anh Tỵ, có chuyến chở 325kg hàng, tức là gấp 13 lần một người gồng gánh…

“Binh đoàn ngựa sắt” được biên chế thành từng đoàn theo địa phương. Mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30-40 xe, chia thành các nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc. Mỗi đoàn xe thồ có một xe chuyên chở đồ nghề, phụ tùng thay thế, bếp than để sửa chữa và vá chín. Dọc đường, “xưởng sửa chữa lưu động” này sẵn sàng thay lốp, lên vành, hàn khung để bảo đảm toàn đội không bị rơi rớt. Đêm đi, ngày nghỉ. Chiều chiều xe đã được bảo dưỡng, ra trạm nhận hàng rồi “binh đoàn ngựa sắt” lại lên đường!

Đường ra trận “anh hò chị hát”…

Trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu, sau khi miêu tả những hy sinh vô bờ bến của người chiến sĩ ngoài mặt trận: Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng, chí không mòn/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua lưới thép gai/ Ào ào vũ bão/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt còn ôm… nhà thơ đã miêu tả những gian lao vất vả và tinh thần lạc quan của lực lượng dân công hỏa tuyến:

Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ

Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát

Dù bom đạn xương tan, thịt nát

Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…

Có thể nói dù rất gian khổ, vất vả, nhưng đoàn quân của “binh đoàn ngựa sắt” vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Mỗi khi gò lưng đẩy những chiếc xe chở hàng tạ hàng lên đèo, lên dốc… là trong đoàn lại cất tiếng hò dô sau này đã trở thành “đặc sản” văn hóa Hò lơ… hò lờ trên đường ra hỏa tuyến Điện Biên: Ai sinh ra chiếc xe thồ/ Trập trùng đèo dốc, lần mò suốt đêm… hò lớ… hò lờ...Đặc biệt, cũng có lúc ngẫu nhiên, nhiều đoàn xe thồ gặp nhau. Thế là nổi lên với bao tiếng hò, tiếng hát với đủ các thổ âm từ giọng chắc khỏe miền Thanh - Nghệ - Tĩnh, đến giọng tình tứ, ngọt ngào của anh chị em đất chèo “Tứ chiếng” hoặc miền quan họ quyến luyến, hay chất giọng dập dìu của xứ Mường, xứ Thái…

Đây là câu hò giục giã lên đường:

Mau lên, hỡi bạn xe thồ.

Đường ra mặt trận vui mô cho bằng

Vượt đèo qua suối băng băng

Xe thồ đè bẹp xe tăng quân thù...

Đây là rộn ràng tiếng hò mỗi khi qua đèo dốc cao:

Binh đoàn thiết mã - xe thồ

Trập trùng đèo dốc, lần mò suốt đêm

Hò dô ta... này...

... Khuỳnh khuỳnh một chiếc tay ngai

Đèo cao - đẩy vượt, suối dài - vác qua.

Dù cho mưa rét, phong ba,

Lương thực đạn dược phải đủ để quân ta diệt thù

Hò dô ta... này...

Lại có cả bài “nhạc chế” từ bài "Hò kéo pháo" của nhạc sĩ Hoàng Vân “vận dụng” cho dân công xe thồ: Đoàn “tay ngai” nào! Cố gắng ta vượt qua đèo/ Đoàn “tay ngai” nào/ Cố gắng ta vượt qua suối...

Vui nhất là những khi cánh xe thồ mà đa phần là đàn ông, gặp đoàn chị em dân công với đôi bồ gồng gánh vất vả nhưng luôn sẵn sàng chọc ghẹo nhau và những câu hò tình tứ:

Quê em, đất nhãn Hưng Yên,

Vượt qua vùng địch, em lên với chàng...

... Trăng lên đỉnh núi, trăng tà,

Em đi tiếp vận, xa nhà vẫn vui...

Thậm chí, có anh dân công một lần tình cờ nhìn thấy Đại tướng Tổng Tư lệnh Mặt trận đi thị sát chiến trường, đã mạnh dạn xin được bắt tay Đại tướng và câu chuyện đã được Đại tướng kể lại trong hồi ký của mình rằng: Một anh dân công còn trẻ không biết nhìn thấy tôi từ lúc nào, đón đợi tôi bên kia cầu. Anh nói với tôi bằng một giọng mạnh dạn: “Đề nghị anh cho em bắt tay anh một cái”. Tôi vui vẻ bắt tay anh và biết anh quê ở Thanh Hóa! Lại có chàng thanh niên là Đào Phương, một thị dân ở Thanh Hóa đã ngày đêm vận động khu phố anh tham gia vào đội quân xe thồ hỏa tuyến. Sau một thời gian ngắn, anh tập hợp được gần 50 người, lập thành một đại đội do anh làm đại đội trưởng. Kháng chiến thành công, Đào Phương đã viết một cuốn tự truyện đặc sắc “Thồ hàng lên Điện Biên” được đông đảo các thế hệ bạn đọc yêu thích...

Có thể nói, đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên Phủ là một điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới. Đây là minh chứng sinh động cho tinh thần và ý chí quyết tâm không có gì lay chuyển được của một dân tộc trong cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự do. Nên nhớ rằng, hầu như tất thảy những chiếc xe thồ ấy đều được huy động từ các gia đình và vào thời điểm ấy thì đó là một tài sản rất lớn. Và vì vậy, câu chuyện về “Binh đoàn vận tải đặc biệt” ở Điện Biên Phủ là câu chuyện về sức sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân; là tinh thần lạc quan cách mạng, ý chí kiên cường vượt lên gian khổ hy sinh, trong đó có sự hy sinh những tài sản cá nhân cho sự nghiệp cách mạng, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và niềm tin sắt đá vào chiến thắng!

TẦM THƯ

Từ khóa » Tả Chiếc Xe đạp Thồ Trong Viện Bảo Tàng