Một Cách Giải Mã Hoa Văn Trống đồng Ngọc Lũ Của Nền Văn Hóa ...
Có thể bạn quan tâm
- Việc chế tác trống đồng Đông Sơn dùng vào mục đích sử dụng như thế nào?
- Hình dáng của trống đồng lấy từ hình thù nào trong sinh hoạt của con người Việt cổ? Điều đó chứng minh cho nguồn gốc xuất xứ của trống đồng đầu tiên ở vùng Đông Nam Á.
- Hoa văn bí ẩn trên trống đồng Ngọc Lũ có phải là hình kỳ bá hay không?
- Mặt trời ở trung tâm trống đồng biểu tượng gì?
- Tại sao trống đồng Ngọc Lũ lại có 14 tia mặt trời xen kẽ 14 hình tam giác? Biểu tượng đó có ý nghĩa gì?
- Vòng thứ 12 tại sao lại có 12 vũ nữ đội mũ lông chim; còn 1 vũ nữ bé nhỏ lại không đội mũ lông chim?
- Trong chiếc nhà sàn có 2 em bé, một nam, một nữ đang chơi trò gì?
- Vòng thứ 2 tại sao linh vật chỉ có 20 con hươu và 14 con cò con?
- Câu hỏi bí ẩn tôi (tác giả Lê Đình Quý) đưa ra là một giả thuyết để giải thích nguồn gốc xuất xứ những hoa văn trang trí trên mặt trống và dưới tang trống.v.v…
Sau một thời gian dài nghiên cứu, tôi (tác giả) đưa ra giả thuyết mới này nhằm giải thích , khám phá những những bí ẩn mà ông cha ta sáng tạo nên và đã chế tác một sản phẩm văn hóa cao nhất trong thời đại đồ đồng của nhân loại như sau:
Trong thời kỳ lịch sử hoang sơ và mông muội, các bộ tộc càng đông con trai thì sức mạnh càng lớn. Vì do như vậy cho nên các vùng dân tộc Nam Á đều thờ chung một vị thần mà ít học giả nghiên cứu đó là “Thần Sinh dưỡng”. Có một số nước như: Ấn Độ, Thái Lan, Malaixia, Inđônêia, Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc… đều thờ vị thần này.
Tác giả đã nghiên cứu phần lớn các điệu múa trong hội mùa xuân của các dân tộc nhất là dân tộc Thái có điệu “kin chiêng Booc may”, (có nghĩa là “mùa xuân ăn chơi hoa rừng”). Đây là một loại lễ hội có tính phồn thực, mỗi năm tổ chức một lần vào đầu mùa xuân (có thể là tháng 2 hoặc tháng 3). Dân tộc Mường còn có điệu “pồn bông” (tức là chơi hoa); dân tộc Kinh còn có các trò như: trò chơi đánh đu ngày tết, trò ông Đúc, bà Đúc, trò đâm mẹt… đều mang ý nghĩa phồn thực; phản ánh ước vọng phát triển sinh sôi giống nòi, mùa màng trong dịp đầu xuân; thể hiện ước nguyện muốn có nhiều đàn ông, con trai (giống đực) trong bộ tộc. Từ ý niệm này, có thể hiểu người Việt xưa coi trống đồng là một biểu tượng của vị “Thần dưỡng sinh”; là nhạc khí thiêng liêng một năm chỉ đem ra đánh một lần vào dịp lễ hội cầu phồn thực mùa xuân của người Việt cổ. Chính vì vậy, trống đồng là loại nhạc cụ linh thiêng được thờ trang trọng ở các bộ tộc quyền uy.
Trống đồng Ngọc Lũ đang trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Giải mã một số hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ
Trống đồng Ngọc Lũ là một loại nhạc khí cổ nhất của hệ Đông Sơn thuộc Heger loại 1. Trung tâm mặt trống được đắp nổi cao nhất đó là biểu tượng của Thần Cha, là Thần Sinh Dưỡng thuộc khí dương. Tang trống được lấy từ hình sọt bát chỉ có ở Thanh Hóa, Nghệ An làm biểu tượng cho Thần Dưỡng là Mẹ thuộc Âm. Tại sao người Việt cổ lại lấy hình sọt bát làm biểu tượng cho Thần Dưỡng- Mẹ? Có thể vì sọt đựng bát để cho con người ta ăn cơm, đó là dưỡng cho sự sống; nên 4 cái quai của trống đồng có mang dấu tích của vật liệu từ đồ đan tre nứa mà ra. Điều này chứng tỏ nguồn gốc của trống đồng ở vùng Đông Sơn- Thanh Hóa- Việt Nam. Trên cả nước Việt nam chỉ có vùng Thanh Hóa- Nghệ An mới có chiếc sọt bát mang hình này(ngày nay thỉnh thoảng người dân vẫn bán ở các chợ quê).
Trên hoa văn của trống đồng Ngọc Lũ còn có nhiều chi tiết liên quan đến tập tục miền quê Thanh Hóa. Trong thổ ngữ ở Thanh Hóa “hạt gạo” còn được gọi là “hột cấu”; đẻ ra thằng cu (con trai) còn gọi là “thằng cò” (được hiểu nôm na là nòi nhà cò). Tại sao người Việt cổ lại để hình tượng con cò trên mặt trống đồng như một linh vật biểu tượng của văn hóa Hùng Vương? Trên thực tế, ở nơi nào có đàn cò kiếm ăn thì nơi đó có lúa nước mọc. Người Việt theo cò để hái lượm lấy lúa nước làm nguồn lương thực chính của bộ tộc và họ cất trong hang đá để dự trữ dùng dần.
Mặt trống đồng Ngọc Lũ.
Con số 14 trên mặt trống đồng của các tia mặt trời và trên vòng thứ 2 có 8 con cò con và 6 con cò con, cộng lại cũng bằng 14. Con số này nó biểu tượng cho sự hòa đồng âm và dương. 20 con hươu đực và cái – đó là hình tượng chính của vòng thứ 2 trên trống đồng Ngọc Lũ có thể tượng trưng cho các cặp nam nữ có 20 ngón tay ôm vào nhau. Con cò con là con số hòa đồng mong ước sinh ra “thằng cò” mà mọi người trong bộ tộc rất mong đợi. Trong đời sống của người Việt cổ, người ta sống bằng 2 phương thức hái lượm và săn bắn là chủ yếu. Có thể con hươu được coi là biểu tượng cho phương thức săn bắn. Còn con cò có thể là biểu tượng của việc hái lượm và sinh sôi nảy nở. Vì thế trong vòng này của trống đồng Ngọc Lũ chỉ có 2 loài vật: hươu và cò.
Hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ.
Nghiên cứu vòng trang trí thứ nhất là đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt cổ đó là các vũ nứ đang múa xung quanh các vị thần ở tâm, biểu tượng cho Thần Sinh- Cha là mặt trời. (Ở dân tộc Thái có tục lấy cây hoa đồng tiền làm biểu tượng cho đoàn người đi xung quanh theo hướng ngược chiều kim đồng hồ tức là thuận chiều quay của trái đất. 12 cô vũ nữ biểu tượng cho 12 tháng trong năm, còn em bé không đội mũ lông chim đi theo đoàn múa là biểu tượng cho tháng nhuận trong năm). Cũng trong vòng này bên cạnh đoàn múa là một dàn cồng có một nhạc công đang chơi đó là một bà đỡ đẻ đang nâng một thằng cò trên đầu. Sau đoàn vũ nữ có 4 nhạc công đang chơi trống đồng. Trống đồng được đào chôn xuống đát vì muốn âm thanh của trống thuộc Cha hòa đồng vào âm khí của lòng đất- Mẹ để đứa con sinh ra không bị tật nguyền. Bên cạnh nhà sàn có hai em bé đang chơi trò chơi khai hoa kết quả mà trẻ em mục đồng ngày nay ở làng quê còn lưu lại; chúng nhảy qua các độ cao dần để trổ tài. Bên cạnh nhà sàn đó còn có đôi trai gái đang làm lễ giao cấu tức là giã gạo trước khi cô dâu lên nhà sàn. Điều này thể hiện ý niệm vợ chồng lấy nhau phải giao cấu để có con (người Thanh Hóa hay gọi là hột cấu).
Vòng ngoài cùng là cảnh thanh bình của trời Lạc Việt chỉ có cò bay và đậu, nó là linh vật của thời đại Hùng Vương được tôn thờ trên các mũ lông chim.
Trong trang trí trên trống đồng thường có các hình tròn đồng tâm có tiếp tuyến đó là biểu tượng của thần Sinh và Dưỡng chứ không phải là hình kỳ hà như một số giả thuyết đưa ra trước đây. Vòng tròn đồng tâm là biểu tượng cho cặp vú của Thần Dưỡng là Mẹ; còn tiếp tuyến là dương thực khí biểu tượng cho Thần Sinh là Cha. Có lẽ vì vậy người Việt có câu “ cha sinh- mẹ dưỡng”. Trên tang trống là Thần Dưỡng nên các trang trí đều nói lên cảnh chiến thắng giặc để bảo vệ bộ tộc cũng mang ý niệm Dưỡng.
Từ sự phân tích và giải mã hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ trên, ta thấy trống đồng Ngọc Lũ là một bảo vật đặc biệt linh thiêng của người Việt. Ở đó hội tụ cả một nền văn minh có niên đại cách đây đã trên 2.500 năm. Trống đồng Ngọc Lũ là biểu tượng cường thịnh của nền văn hóa Đông Sơn. Ở đó có đầy đủ yếu tố kỹ thuật đúc đồng, trình độ mỹ thuật và chế tác đồ đồng rất cao mà ngày nay chúng ta vẫn vô cùng thán phục. Trống đồng Ngọc Lũ hay trống đồng Đông Sơn đều là dấu ấn đặc biệt của thời đại các Vua Hùng dựng nước.
Tác giả: Lê Đình Quý- Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian
Minh Vượng (biên tập và giới thiệu)
Nguồn:
- Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Trống đồng với văn hóa Việt Nam”- Hà Nội – 2008.
Từ khóa » Hoa Văn Trống đồng
-
Ý Nghĩa 6 Họa Tiết Trống đồng đơn Giản Và đôi Nét Về Trống đồng Hiện ...
-
580. Khảo Cứu Về Trống đồng Và Hoa Văn Trống đồng Đông Sơn
-
Ý Nghĩa Hoa Văn Trống đồng Và Những điều Chưa Biết
-
Họa Tiết Trống Đồng! | Nghệ Thuật Chữ Viết, Ý Tưởng Hình Xăm, Khảo ...
-
'Đọc' Những Họa Tiết, Hình Tượng Trên Trống đồng Đông Sơn
-
Ý Nghĩa Họa Tiết Mặt Trống đồng
-
Lý Giải ý Nghĩa Họa Tiết Trên Trống đồng Đông Sơn - Thư Viện Gỗ
-
Giải Mã Họa Tiết Trống đồng Đông Sơn - VnExpress Du Lịch
-
Trống đồng Đông Sơn - Biểu Tượng Của Nền Văn Minh, Văn Hóa Âu ...
-
Hoa Văn Trên Trống đồng Đông Sơn - Văn Nghệ Thái Nguyên
-
Hoa Văn Về đề Tài Hiện Thực (Phần 1) - MyThuatMS
-
Trống đồng Đông Sơn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Hoàng Hạ (trống đồng) – Wikipedia Tiếng Việt