Một Cái Tục, Nếu Không Bỏ đi Thì Bất Tiện: Tục Kiêng Tên - Wikisource

Hiện nay xã hội ta đương ở vào thời kỳ quá độ[1]. Có nhiều việc, đã thấy bên mới là tiện lợi mà theo rồi, song bên cũ cũng vẫn còn giữ đó. Như các nhà ở thành phố, trên bàn thờ đã có giây đèn điện năm ngọn hay ba ngọn, mà cũng còn để chơn đèn bằng đồng thắp dầu phụng theo với bộ ngũ sự cho chật chỗ; dưới bếp đã có máy nước, vặn khi nào chảy khi nấy, mà cái gàu với đôi thùng gánh nước cũng còn treo tòn ten. Những sự ấy, để yên thì thôi, chớ giở ra nói, thì ai cho khỏi phì cười, phì cười vì cái sự mình làm nó gần như là vô nghĩa.

Thuộc về vật chất, những điều chống báng nhau ấy cũng chẳng hại chi: ai rộng nhà thì chứa những chơn đèn đồng, gàu và thùng gánh nước ấy có nhiều mấy cũng chẳng đến nỗi hết chỗ ăn chỗ nằm đâu mà sợ. Duy có những điều nào chống báng[2] nhau về tinh thần, thì thật là khó lòng; bởi vì cứ giữ cái cũ hoài thì nó cứ làm ngạnh với cái mới, rồi cái mới phải mất thì giờ nhiều lắm mới làm quen với xã hội được.

Bởi vậy tôi muốn ví dụ cái mới với cái cũ ở xã hội ta ngày nay cũng như hai vợ chồng: Hai vợ chồng không vừa mắt nhau, đến nỗi làm như mặt trăng với mặt trời, muôn phần không còn phần nào ở đời với nhau được; vậy mà nói đến chuyện ly dị thì không bên nào dám hở môi, vì sợ cái tiếng dở đổ về mình, nên cứ làm thinh để đù đưa vậy thôi. Cái mới với cái cũ ở trong xã hội ta ngày nay, thật là không dung nhau, nhưng lại chưa hề quyết tuyệt nhau, khác nào như vậy?

Đối với cặp vợ chồng ấy, người ngoài ai cũng muốn thành nhân chi mỹ chớ có thành nhân chi ác[3] làm chi, nên lại cứ khuyên mỗi bên chịu mỗi chút đặng ở đời với nhau; song đến cái đã không chịu dính thì thôi, có trời xuống mà cột nó cũng không dính được, thành ra lời khuyên kia cũng vô hiệu.

Theo ý tôi, khi gặp như vậy, phải lấy sự lợi hại của đời mình làm trọng, còn miệng lằn lưỡi mối, thây kệ nó, chớ nên quản đến mà để sự lầm lỡ cho đời mình. Vậy nên, đối với vợ chồng kia, tôi khuyên họ ly dị đi, kẻ không vợ kiếm vợ khác, kẻ không chồng kiếm chồng khác mà làm ăn thể nào, thì đằng nầy, khi cái cũ với cái mới không dung nhau, tôi cũng khuyên người ta liệu mà quyết tuyệt đi, hễ lấy cũ thì bỏ mới, hễ lấy mới thì bỏ cũ thể ấy.

Như cái ý của tôi đó, chắc có nhiều người cho là cấp tấn hoặc vong bổn. Nhưng, ai nói vậy là tại họ không nghĩ cho kỹ. Chớ đã nghĩ cho kỹ, thấy chỗ nó không dung nhau là thế nào, thấy chỗ lợi hại của đời mình là thế nào, rồi tưởng cũng phải làm như lời tôi. Nếu không làm như lời tôi, thì cuộc đời lại thành ra mâu thuẫn, để ngỗ[4], chẳng có ý nghĩa gì hết.

Trong nhiều việc, lấy ra một việc rất tầm thường mà nói, là sự kiêng tên[5]. Tôi xin rao trước lên một câu rằng: Kiêng tên là một cái tục cổ của nước mình, đến ngày nay vẫn còn giữ, nhưng ngày nay ta lại cũng có cần dùng những sự khác, mà những sự nầy lại tương phản với sự kiêng tên, nên hễ không bỏ cái tục kiêng tên đi, thì có điều bất tiện cho ta lắm vậy.

Kiêng tên, nói là cái tục mà vốn nó là cái lễ; lễ thì còn đáng quý hơn tục nữa. Cái lễ ấy ta bắt chước theo người Tàu, mà người Tàu bày ra cái lễ ấy rất xưa.

Trước đây độ ba ngàn năm, vua nhà Châu lập ra lễ nhạc chế độ; trước hết rất trọng sự tế tự nơi tông miếu để tôn kính tổ tiên mình. Bởi đó bày ra phép húy[6], không dám nói động đến tên tổ tiên, cũng là một cách để tỏ niềm tôn kính vậy.

Theo cái ý nghĩa đó thì chỉ kiêng tên người chết rồi mà thôi, chớ không kiêng tên người còn sống. Vả lại, sự kiêng cũng có giới hạn, không phải gặp khi nào cũng kiêng hết thảy như các đời sau. Theo lễ thì như là chỉ có lúc nói chuyện thường mới kiêng, cho nên có dạy rằng không kiêng trong khi đọc sách và viết chữ[7]. Cũng vì đó nên vua Văn Vương nhà Châu tên Xương, vua Võ Vương tên Phát, mà người nhà Châu không kiêng hai chữ ấy, trong Kinh Thi có câu Khắc xương khuyết hậu[8] và "Trường phát kỳ tường[9].

Lại theo Lễ, thì chỉ cái chữ chánh tên mới kiêng mà thôi, chớ chữ đồng âm với tên cũng không kiêng; và như cái tên đôi thì duy có khi nào gặp hai chữ ấy đi liền với nhau mới kiêng, chớ không kiêng độc chiếc một chữ[10]. Coi đó thì cái luật kiêng tên đời xưa cũng còn rộng rãi dễ chịu, không đến nỗi bó buộc quá.

Hình như hồi đầu mới đặt ra luật nầy thì duy có nhà vua mới được dùng mà thôi; những tên của nhà vua mà người trong nước phải kiêng, kêu bằng quốc húy. Nhưng đến sau rồi nhà sĩ phu cho đến thứ dân cũng được phép kiêng tên tổ tiên mình, kêu bằng gia húy, sự ấy thì tôi không rõ bắt đầu từ hồi nào. Trong kinh Lễ, chỗ thích nghĩa nhị danh bất thiên húy, có lấy cái lệ (exemple) như vầy: Như mẹ đức Khổng Tử, tên là Trưng Tại, vậy khi nào nói trưng thì chẳng nói tại, khi nào nói tại thì chẳng nói trưng[11]. Theo đó thì về đời đức Khổng, đã có gia húy rồi vậy.

Từ nhà Hán về sau, đời càng xuống chừng nào thì cái luật húy càng nghiêm chừng nấy. Như vua Hán Cao tổ tên Bang, thì đổi chữ bang làm chữ quốc; vua Đường Thái tôn tên Dân thì đổi chữ dân làm chữ nhân. Người nhà Hán không được dùng chữ bang cũng như người nhà Đường không được dùng chữ dân, mà hai chữ ấy thành ra bị bỏ đứt.

Vả lại như vua Đường Thái tôn tên Thế Dân, ấy là tên đôi theo lễ, có kiêng độc chiếc một chữ Dân đâu, vậy mà người nhà Đường phải kiêng một chữ dân, như thế muốn nói là nghiêm hơn lễ cũng được, hay muốn nói là trái với lễ cũng được.

Đến các vua đời sau, kiêng cả những chữ đồng âm, cho nên có khi vì một cái tên mà kiêng đến mấy chục chữ; lại khi đọc bắt phải trại tiếng, khi viết bắt phải bớt nét, gặp chữ chính tên thì cấm tuyệt không cho dùng. Mà có phải húy một mình tên vua thôi đâu, nào mẹ vua, nào vợ vua, cũng đều có húy cả. Cho nên có người sợ rằng nếu trong nước mà cứ một họ làm vua hoài thì có ngày phải hết chữ, chữ nào còn lại thì cũng sứt mẻ không nên thân!

Lịch triều nước ta cũng theo luật húy ấy của Tàu. Đến triều Nguyễn lại càng nghiêm hơn. Hồi trước, đi thi, mà ai phạm húy nặng lắm, có khi bị đến tội đồ, chớ không phải dỡn.

Sự quốc húy trên đó tuy là nghiêm nhặt mà còn dễ chịu, vì nhà vua kiêng tên gì có sức ra cho nhân dân biết; lại phạm húy nặng nhẹ thế nào thì mắc tội nặng nhẹ thế nào, cũng có điều luật hẳn hòi, cho ai nấy biết mà tuân theo. Chớ đến cái gia húy, tuy không tội lệ chi, nhưng nó làm cho trong xã hội sanh ra nhiều sự rắc rối khó chịu lắm.

Sự nầy sanh ra bởi một vài ông quan to. Mấy ông thấy vua có quyền bắt người ta húy tên mình cùng tổ tiên mình, thì mấy ổng tưởng mình cũng có quyền ấy. Mấy ổng quên lửng đi rằng làm như vậy, đối với vua là tiếm.

Thuở trước ở Nam kỳ có hai ông quyền thế không kém gì vua, trước là ông Lê Văn Duyệt, sau là ông Nguyễn Tri Phương. Vì sợ hai ông ấy quá mà người Nam kỳ kiêng tên họ cho đến bây giờ: duyệt thì nói là dượt, phương thì nói là phang; nhưng bây giờ thành ra tự nhiên rồi, ít ai biết là vì kiêng tên mà nói trại như thế.

Có kẻ nói vì lòng mến phục yêu kính mà người ta kiêng tên một ông quan nào, chớ không phải vì sợ oai quyền. Nhưng trước kia ở Huế, tôi nghe những lính vì nói chạm tên quan trên mà bị đòn luôn luôn. Lại chính mắt tôi ngó thấy một ông án sát tỉnh kia, khi mới tựu lỵ, liền viết những tên ông cha mình theo cách viết quốc húy mà yết ra nơi ty niết, hầu cho ty tào biết mà tránh ghé. Lại còn truyện ông Nguyễn Thân nhơn giận viên chánh tổng nọ nói một câu xấc với tên mình mà làm án chém, thì còn ai không nghe không biết[12]? Những chứng cớ đó vừa đủ tỏ ra mấy ông quan ấy lấy quyền thế mà bắt người ta kiêng tên mình, chớ không phải vì họ kính phục đâu.

Quan lớn như vậy rồi quan nhỏ a dua, rủ nhau kiêng tên "các cụ" để được các cụ thương. Lắm khi thấy họ kiêng cữ một cách thái quá, ra tuồng như kẻ hầu người hạ trong nhà, chớ không phải là hàng quan ty thuộc nữa. Vả chăng sự kiêng tên là một cái tục, tôi đâu có phản đối; tôi chỉ phản đối sự nịnh hót đê hèn quá mà thôi.

Họ làm thét rồi các ông đại thần chỉ còn chức tước trùm trủm, chớ mất hết họ tên! Như nói với người ở gần đó, biết ông nào làm chức gì rồi, thì cử nội cái chức ra mà nói; còn được. Chớ đối với người ở đâu tới, bình nhựt có ai để ý làm chi, mà họ cứ mở miệng ra là cụ Lại, cụ Lễ… thì còn ai biết là ai? Người nghe lấy làm tức, phải hỏi cho được tên, thì họ mới rón rén lòi ra cho một cái họ: cụ Lại ấy là cụ Nguyễn mà! cụ Lễ ấy là cụ Phạm mà! Thật nó khó chịu làm sao?….

Mấy ông quan nhỏ đó có học chớ phải không sao mà không biết? Kiêng tên phải tùy từng lúc, không ai kiêng dại kiêng dột như vậy bao giờ. Hãy mở sách Luận ngữ ra mà coi: Hồi đức Khổng sai Tử Lộ hỏi bến đò nơi Trường Thơ và Kiệt Nịch, Trường Thơ thấy Tử Lộ thì hỏi rằng: Chớ cái người cầm xe đó là ai? Tử Lộ trả lời rằng: ấy là Khổng Khưu. - Đó, rất đỗi đối với tên trai cày (Trường Thơ) mà Tử Lộ còn phải xách quai nôi thầy mình ra, huống gì là ai. Phải chi mấy ổng làm Tử Lộ thì mấy ổng đã nói rằng: ấy là cụ Thượng Binh! - Bởi vì đức Khổng từng có làm Tư khấu nước Lỗ, cũng như Thượng thơ bộ Binh bây giờ vậy.

Lại nên đọc luôn đến chỗ nầy nữa. Cũng Tử Lộ ấy, có khi nói thông, có khi lại nói bất thông. Là khi thầy ta đi lạc sau đức Khổng, gặp ông già quảy giỏ cỏ bằng cây gậy, liền hỏi rằng: Nhà ngươi có thấy phu tử chăng? Hỏi bất thông như vậy thì bị mắng liền! Ông già bảo cho: Tay chưn chẳng siêng, năm giống thóc chẳng phân biệt, ai là phu tử?" Tử Lộ xưng phu tử với ông già đó, cũng như ta đây, thường có kẻ xưng cụ lớn hay là quan lớn trổng với mọi người, tiếc không có ông già quảy giỏ cỏ ấy ổng mắng cho!

Sự kiêng tên đã sanh ra lắm điều rắc rối khó chịu như đã nói trên kia; mà còn cái người có tên được kiêng, cũng chẳng thấy gì thêm vinh hiển, chỉ tổ làm trò cười thì có. Như các quan ở Hà Đông kiêng tên ông Hoàng Trọng Phu, đổi chữ phu làm cu li, rồi trong khi đánh tổ tôm, họ nói với nhau: Bài không có một cu li nào! Lại như ở Huế kiêng tên ông Nguyễn Hữu Bài, nói trại ra bời, rồi trong khi đánh tổ tôm, cũng thường dùng tiếng bời mà đùa bỡn. Thế thì chi bằng đừng kiêng là hơn, khỏi có sự kính cẩn là danh mà khinh lờn là thiệt ấy.

Nói về gia húy thì có sự con cháu kiêng tên ông bà cha mẹ, nghe chánh đáng hơn, chánh đáng hơn mấy người có thế lực bắt kẻ khác phải kiêng tên mình và tên ông bà cha mẹ mình. Con cháu kiêng tên ông bà cha mẹ, cũng do cái lòng sùng kính tổ tiên mà ra. Cái tên của tổ tiên, mình không dám xách ra mà nói, ấy là coi tổ tiên cũng như thần minh vậy.

Người nhà Hán có câu nói rằng: Nghe sự quấy lỗi của người khác cũng như nghe tên của cha mẹ mình: tai có thể nghe mà miệng không có thể nói[13]. Lời ấy tỏ ra cái tâm lý người ta lấy sự kiêng tên làm biểu hiệu cho sự kính cha mẹ là do tập quán mà đã thành ra tự nhiên rồi.

Trong nước ta ngày nay, trừ ra nhà nào dốt nát quá không kể, còn nhà nào có ăn học, biết lễ nghĩa đôi chút, vẫn giữ theo tục ấy, con cháu đều kiêng tên ông bà cha mẹ mình. Vậy thì nó là cái tục tốt, để tỏ niềm kính trọng tổ tiên, có việc gì mà phải bỏ? Nhưng, ngặt vì có hai việc trái hẳn với cái tục ấy, cho nên nó mới thành ra vấn đề cho tôi bàn luận hôm nay.

Theo tục kiêng tên, thì cái tên của ông bà cha mẹ ta, ta không nên nói đến; nhưng trong xã hội ta hiện thời có hai việc lại nhè buộc ta dầu có gặp tên ông bà cha mẹ cũng phải nói ra!

Một là việc học quốc ngữ. Học quốc ngữ, nhứt là trong khi học vần, phải đọc tiếng nào đúng tiếng ấy, không được trại ra. Nếu đọc trại qua tiếng khác, thì về sau ráp vần lộn bậy hết. Sự ấy đã chắc như đinh đóng rồi, tưởng không còn ai cãi chối được nữa.

Vậy thì, thử lấy ra một cái lệ mà nói cho dễ nghe: Xưa nay xứ ta, nếu ai có gia húy là Ca thì thường nói trại là cơ; gia húy là An thì nói trại là yên. Nhưng ngày nay, nếu có đứa con nít, cha nó tên Ca, mẹ nó tên An, thì chúng ta hầu bảo nó phải kiêng cách nào? Nếu đọc an ra yên thì lộn với vần yên, đọc ca ra cơ thì lộn với vần cơ, rồi bữa sau nó làm thế nào mà ráp vần cho trúng được? Một việc đó, nếu còn giữ cái tục kiêng tên, thì tôi chẳng biết làm thế nào cho trôi được!

Hai là việc đặt tên đường phố. Cái nầy thì rõ là ta bắt chước lối tây. Theo thói tây, trong nước có người nào có công lao danh vọng thì sau khi chết dùng cái tên người ấy mà đặt cho con đường phố (rue)[14] nào, hoặc cái cầu, cái trường học nào… để người ta kêu đến luôn cho khỏi quên. Hiện trong các thành phố ta, cũng đã có nhiều con đường hoặc trường học được đặt tên bằng tên của những danh nhân ta thuở trước. ấy là như đường Tổng đốc Phương ở Chợ Lớn, trường học Nguyễn Trường Tộ ở Nghệ An.

Vậy nếu còn theo tục kiêng tên thì con cháu ông Tổng đốc Phương và con cháu ông Nguyễn Trường Tộ mới làm thế nào? Không lẽ cái tên ông cha mình, thiên hạ đem biểu dương ra mà mình lại đem vùi giập đi không nói tới. Còn như họ cũng như ai, cứ kêu đường phố Tổng đốc Phương, trường học Nguyễn Trường Tộ, thì trong khi cái tục ấy chưa được tuyên bố bị trừ phế, e có người lại viện lấy mà trách họ bất hiếu với ông cha. Rõ thật ngặt cha chả là ngặt!

Có ai dám chủ trương rằng người Việt Nam rày về sau không cần học quốc ngữ nữa không? Có ai dám đứng lên phản đối cái cách lấy tên danh nhân mà đặt tên cho đường phố và trường học không? Bằng không thì phải bỏ cái tục kiêng tên đi, nếu để vậy thì nó ngại cho kẻ làm con làm cháu đã đành, mà cũng ngại cho cuộc tấn hóa của một dân tộc nữa.

Sách Trung dung có nói rằng: Đạo cùng làm mà chẳng trái nhau[15]. Theo ý nghĩa câu ấy, có thể nói rằng: Học quốc ngữ cứ học, đặt tên đường phố cứ đặt, mà kiêng tên cứ kiêng. Nhưng trời ôi! cái lẽ mầu nhiệm quá sức hiểu của tôi đó, tôi không biết làm thế nào hiểu được? Tôi chỉ thấy hai bên nó trái lè nhau: hễ kiêng tên thì đừng học quốc ngữ, đừng lấy tên người mà đặt tên đường phố; còn như muốn học quốc ngữ, muốn lấy tên người mà đặt tên đường phố, thì phải bỏ tục kiêng tên.

Vì sự bất tiện như tôi đã nói trong bài nầy, và cũng vì sự học quốc ngữ là cần, sự đặt tên đường phố đã được công nhận là một cách kỷ niệm tốt, tôi xin kết luận rằng bỏ tục kiêng tên đi là phải; trừ ra cái lệ quốc húy là lệ riêng của nhà vua, tôi không nói đến.

Phan Khôi

Từ khóa » Cái Bo đì