Một Dân Tộc Dốt Là Một Dân Tộc Yếu - Báo Tuổi Trẻ

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu chống nạn mù chữ là việc phải làm ngay sau chống nạn đói - Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu chống nạn mù chữ là việc phải làm ngay sau chống nạn đói - Ảnh tư liệu

“... Nền giáo dục mới đang ở thời kỳ tổ chức. Chắc chắn là bậc sơ học sẽ cưỡng bách. Trong thời hạn rất ngắn sẽ ban hành lệnh bắt buộc học chữ quốc ngữ để chống nạn mù chữ đến triệt để. Vấn đề vô cùng quan trọng ấy, chúng ta chẳng chờ đến lúc sự sinh hoạt trở nên bình thường mới giải quyết. Ngay trong hoàn cảnh eo hẹp này, chúng ta cũng quả quyết tiến hành”.

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập trong lễ quốc khánh đầu tiên 2-9-1945.

Hiệu triệu toàn dân đi học

Xác định giáo dục là nhiệm vụ vô cùng cấp bách, ngay buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu xếp chống nạn mù chữ là việc quan trọng thứ hai phải làm ngay chỉ sau việc chống nạn đói.

“Nạn dốt là một trong những phương pháp thâm độc mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn 90% đồng bào bị mù chữ. Thế mà chỉ cần học ba tháng là đọc được, viết được tiếng nước ta. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ”.

Năm ngày sau, Chính phủ ban hành ba sắc lệnh quan trọng số 17, 19 và 20 liên quan đến vấn đề giáo dục quốc dân.

Trong đó sắc lệnh số 17 ghi rõ: đặt bình dân học vụ trên toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh số 20 ghi thêm: Trong khi chờ đợi lập được nền tiểu học cưỡng bách, việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong một năm toàn thể dân chúng Việt Nam phải biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ... Ông Nguyễn Công Mỹ được cử làm tổng giám đốc Nha Bình dân học vụ.

Sang đầu tháng 10-1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh lại tiếp tục kêu gọi toàn dân chống nạn thất học: “... Hầu hết người Việt Nam còn mù chữ. Như thế thì tiến bộ làm sao được? Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập.

Một trong những việc phải thực hiện cấp tốc lúc này là phải nâng cao dân trí. Chính phủ đã ra hạn trong một năm tất cả mọi người Việt Nam phải biết chữ quốc ngữ. Chính phủ đã lập một Nha Bình dân học vụ để trông nom việc học của nhân dân.

Quốc dân Việt Nam Muốn giữ vững nền độc lập, Muốn làm cho dân giàu nước mạnh,

Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.

Những người đã biết chữ hãy dạy cho người chưa biết chữ, hãy góp sức vào Bình dân học vụ, như anh chị em trong sáu bảy năm nay đã gây phong trào truyền bá chữ quốc ngữ giúp đồng bào thất học.

Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo; các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ.

Phụ nữ lại càng cần phải học. Đã lâu chị em bị kìm hãm. Đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước có quyền bầu cử và ứng cử.

Công việc này, mong anh chị em thanh niên sốt sắng giúp sức”.

Vần Quốc Ngữ, một trong những sách giáo khoa xóa mù chữ quốc ngữ - Ảnh: Quốc Việt
Vần Quốc Ngữ, một trong những sách giáo khoa xóa mù chữ quốc ngữ - Ảnh: Quốc Việt

Những ngày đầu ở Hà Nội

70 năm đã trôi qua với bao thời cuộc biến động thăng trầm, nhưng các bậc cao niên chứng nhân lịch sử vẫn nhớ mãi lời hiệu triệu toàn dân học hành này.

Theo cựu đại sứ Võ Anh Tuấn, người thanh niên tiền phong tuổi 18 trong thời điểm năm 1945, trước đó Hội Truyền bá quốc ngữ đã nỗ lực giúp dân nghèo thất học, đến phong trào bình dân học vụ lại tiếp tục tác động sâu rộng đến toàn thể nhân dân.

“Bởi đây là kêu gọi của chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Chính phủ dân chủ đầu tiên của nhân dân. Mọi người đều ý thức diệt dốt là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong ba nhiệm vụ cấp bách diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm lúc ấy. Người có chữ nghĩ ngay đến trách nhiệm đi dạy lại. Còn người mù chữ thì hiểu mình phải đi học” - ông Võ Anh Tuấn tâm sự.

Hà Nội có mặt bằng dân trí cao vào thời điểm ấy, nhưng nhiều lớp bình dân học vụ vẫn được khai giảng trong nhiệt huyết bừng bừng khắp trong ngoài thành phố. Họ dạy cho người lao động mù chữ, người già cả quá tuổi đi học và cả trẻ em nghèo khó không được đến trường.

Ông Nguyễn Tiến Hà năm nay đã ở tuổi 88, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Giáo dục, kể mình chính là người trong cuộc của cả Hội truyền bá chữ quốc ngữ lẫn phong trào bình dân học vụ.

Trước Cách mạng Tháng Tám, ông học tú tài ở Trường Louis Pasteur Hà Nội, rất hào hứng tham gia dạy chữ giúp dân nghèo buổi tối. Khi Chính phủ mới kêu gọi quốc dân chống thất học, ông lại tiếp tục hưởng ứng.

Lớp xóa mù chữ của ông Hà mở ngay trong Trường Công Ích, phố Bạch Mai. “Có nhiều chuyện bây giờ thấy buồn cười nhưng lại đi vào lòng dân thời điểm ấy.

Để kêu gọi người mù chữ đi học, người ta đã viết các khẩu hiệu: Lấy chồng biết chữ là tiên/ Lấy chồng không chữ như duyên con bò” - ông Hà kể lớp mình có vài chục học sinh mà chủ yếu ở tuổi thanh niên, kể cả người đã trung niên, già cả. Bà thì bán hàng rong, anh thì kéo xe, bán báo, đánh giày...

19g, họ lục tục kéo đến. Ông Hà mua viên mực, hòa sẵn bình lớn, rót ra chai lọ cho từng người. Vì ở Hà Nội nên lớp ông Hà “khấm khá” hơn nhiều nơi khác nhờ có vở bút, dù đó là cây bút chấm mực và vở là các tờ giấy rời rạc được ghép lại bằng kim chỉ.

Sách giáo khoa đầu tiên mà ông dạy là cuốn Vần quốc ngữ dạy theo phương pháp mới của Hội truyền bá chữ quốc ngữ do ba ông Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn và Vũ Hy Trác biên soạn.

Lời tựa cuốn sách ghi rõ mục đích vì người thất học chứ không dành cho trường lớp đàng hoàng: “Sách vần đã có nhiều. Cũng có nhiều quyển có phương pháp, nhưng cốt để dạy trường công hay tư mà học trò có nhiều thì giờ để học, và thầy giáo là những người đã quen nghề dạy.

Mục đích chúng tôi là làm một quyển vần để dạy dễ dàng, vì Hội Truyền bá học quốc ngữ phải chú ý tới những người quá tuổi đi học trường và tất cả những người vì hoàn cảnh không đi trường được. Những đặc điểm của quyển sách này là dùng hết mọi phương diện của sự ký ức: nhớ vì tập quán, vì hình tương tự, vì tiếng tương tự, nhớ bằng tai, bằng mắt, bằng tay...

Nói tóm lại sách này nội dung xem ra rườm rà, có nhiều điều nhắc đi nhắc lại, xem qua tưởng không có thứ tự chi cả. Nhưng mà chúng tôi cố ý làm như thế vì những lời lẽ đã kể trên.

Sau này, sách lại cốt để cho thầy giáo, mà cốt nhất là để cho hết thảy mọi người biết đọc biết viết có thể dùng nó mà làm thầy được. Còn những người đã quen với nghề dạy thì cũng nên theo phương pháp dùng trong này, nhưng cũng mặc lòng thêm bớt.

Sách gồm 40 bài. Đối với trẻ nhỏ thì một ngày dạy một bài; còn đối với người lớn thì có khi một ngày hai bài cũng được...”.

Ông Hà tâm sự ngày khai giảng không có nghi lễ rườm rà nhưng rất xúc động. Ông đọc cho cả lớp nghe bài thơ Quốc ngữ, chữ nước nhà: “...

Ta vốn họ Hồng Bàng thuở trước/ Kể từ khi dựng nước đến nay/ Tiếng ta ngày một thêm hay/ Chữ ta, quốc ngữ, gần đây mới thành/ Học vừa tiện vừa nhanh vừa dễ/ Mấy tháng trời có kể là bao...”.

____________

Kỳ tới: Lớp học dưới tán rừng U Minh

 

Từ khóa » Một Dân Tộc Dốt Là 1 Dân Tộc Yếu