Một Hành Trình Vinh Quang Và Sáng Tạo

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (4/4/1957 - 4/4/2017), phóng viên báo Sức khỏe&Ðời sống có cuộc trò chuyện ngắn với nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) về quá trình xây dựng và phát triển của Hội trong 60 năm qua.Nhà thơ Hữu Thỉnh.

Nhà thơ Hữu Thỉnh.

PV: Tính đến nay HNVVN vừa tròn 60 tuổi, đúng một chu kỳ thời gian đã đi qua, với tư cách là người đứng đầu Hội, xin nhà thơ cho biết đôi điều cảm nghĩ của mình về 60 năm xây dựng và phát triển của Hội.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: 60 năm so với lịch sử dân tộc và lịch sử văn chương Việt chưa phải là quãng thời gian dài, nhưng so với lịch sử của một hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp như HNVVN thì đấy là một chặng đường dài xây dựng và phát triển. Quãng thời gian đáng kể ấy đã tạo nên bao cung bậc cảm xúc, gây bao dấu ấn khó quên đối với mỗi người cũng như các thế hệ nhà văn. Có thể nói 60 năm qua đối với mỗi hội viên của HNVVN đều có những kỷ niệm buồn vui, những ký ức ngọt ngào mà sâu lắng, những thời khắc hào hùng mà lãng mạn, những giây phút cam go mà anh dũng,... trong những năm tháng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương, đất nước, giành độc lập tự do cho dân tộc trước đây, cũng như trong các thời kỳ hòa bình dựng xây đất nước.

Có thể nói nền văn chương cách mạng Việt Nam trong 60 năm qua là một hành trình đầy vinh quang và sáng tạo, một dòng chảy liên tục không ngừng nghỉ mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là sự gắn kết giữa văn chương với cội nguồn dân tộc, với nhân dân và số phận của đất nước. Trong bất cứ thời khắc biến thiên nào của lịch sử dân tộc, văn chương luôn có mặt, luôn là người đi tiên phong mang tính dự báo cao cho những đổi thay về số phận của dân tộc, nhân dân và đất nước.

Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” 3 năm, những người cầm bút viết văn của nước ta chính thức có một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của riêng mình, đấy là HNVVN, được thành lập ngày 4/4/1957.

Tuy nhiên dòng chảy của nền văn chương cách mạng phải được tính từ năm 1943, bắt đầu với Đề cương Văn hóa Việt Nam của Đảng chính thức ra đời. Từ đấy đội ngũ các nhà văn Việt Nam đã sống, chiến đấu, lao động và sáng tạo nghệ thuật trên tinh thần của bản đề cương ấy. Điều ấy cho thấy văn chương cách mạng thực sự có sức cảm hóa và chinh phục to lớn. Bản Đề cương Văn hóa Việt Nam và phong trào văn chương cách mạng thực sự là một làn gió mát đem lại luồng sinh khí mới cho những người cầm bút những năm nửa đầu thế kỷ XX.

Từ đấy cho đến khi HNVVN được chính thức thành lập (ngày 4/4/1957) và suốt cả chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, nguồn mạch chủ đạo của nền văn chương cách mạng là không ngừng sáng tạo trên con đường đồng hành cùng dân tộc, đất nước và nhân dân. Ban Chấp hành Khóa I của HNVVN là những gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà văn trưởng thành từ trước Cách mạng Tháng Tám và trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp. Đây có thể được coi là “thế hệ vàng” đầu tiên của văn học cách mạng, vì họ đã để lại dấu ấn mang tính kiến tạo của HNVVN trong tiến trình lịch sử hiện đại của văn chương nước nhà.

PV: Nhiều người cho rằng sở dĩ HNVVN hôm nay quy tụ gắn kết được hội viên nhờ có đầu tư chiều sâu thông qua việc cấp phát các ấn phẩm của Hội như Tuần báo Văn nghệ, Tạp chí Thơ, Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm,... Nhưng hiện nay do không còn những thứ ấy liệu hội viên có còn mặn mà với Hội nữa không, thưa nhà thơ?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Đây là một câu hỏi khá thú vị vì nó nói trúng tâm trạng hẫng hụt của một bộ phận hội viên hiện nay. Nhưng về lâu dài, cũng như về toàn cục không hẳn là như thế. Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Dự án hỗ trợ sáng tạo nhiệm kỳ 5 năm 2015-2020. Hiện nay hai Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bộ Tài chính đang soạn thảo thông tư để cấp số tiền đã được duyệt cho các hội. Hy vọng một thời gian ngắn nữa, việc cung cấp miễn phí các ấn phẩm của Hội cho hội viên sẽ trở lại bình thường. Bên cạnh đó, Hội còn hỗ trợ nhà văn công bố sáng tác của mình cả trong và ngoài nước, hỗ trợ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ như mở các hội nghị văn học, hội nghị nhà văn trẻ, mở các trại sáng tác, mở các cuộc thi tiểu thuyết dài hạn và hàng năm xét trao giải thưởng cho các tác phẩm tiêu biểu về thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, lý luận - phê bình và văn chương dịch, hỗ trợ mở các cuộc giao lưu trong nước và quốc tế để các nhà văn trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau qua thực tế sáng tác của mỗi người,...

Như vậy chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan và sáng tỏ là sự hỗ trợ của Hội không chỉ bó gọn ở việc cấp phát một số ấn phẩm như vừa đề cập ở trên. Mặt khác cũng phải thấy rằng sự hỗ trợ ấy không phải lúc nào cũng diễn ra như nhau và các mặt hỗ trợ không nhất thiết phải cào bằng. Việc cấp phát một số ấn phẩm báo và tạp chí chỉ là một trong rất nhiều mặt hỗ trợ khác nhau từ phía Hội.

Vả lại, văn chương trong cơ chế thị trường buộc phải chấp nhận sự nghiệt ngã của cơ chế ấy. Đối với phần lớn các hội viên của chúng ta hôm nay, gắn bó với HNVVN không hẳn vì mấy tờ báo, tạp chí hay là sự đầu tư nào đấy từ phía Hội, mà họ gắn bó chủ yếu vì khát vọng sáng tạo, vì lòng đam mê văn chương, muốn hướng cõi lòng mình vào thú tiêu dao thanh bạch, muốn rong ruổi tâm hồn mình trong miền sâu thẳm của CÁI ĐẸP bao la, khôn cùng.

Tôi chỉ đơn cử, mấy năm hòa bình ngắn ngủi ngay sau ngày thành lập (1957-1964), khi ấy, kinh tế còn vô cùng khó khăn, HNVVN làm gì đã có kinh phí để đầu tư cho hội viên như sau này, nhưng với sự đam mê văn chương của mỗi nhà văn đã kịp cho thấy sức sáng tạo to lớn qua nhiều tác phẩm văn học vừa mới mẻ vừa có sức sống bền lâu như: Sống mãi với Thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, Sông Đà của Nguyễn Tuân, Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Mùa lạc, Xung đột của Nguyễn Khải, Trăng sáng, Đôi bạn của Nguyễn Ngọc Tấn (tức Nguyễn Thi), Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên, Riêng chung của Xuân Diệu, Phất của Bùi Huy Phồn,...

Những tác phẩm văn chương nói trên đã tạo được ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống xã hội của đất nước lúc bấy giờ. Và trong những năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ vô cùng ác liệt, cho đến những ngày hòa bình dựng xây đất nước, không phải lúc nào Hội cũng có đủ kinh phí để hỗ trợ, đầu tư chiều sâu cho hội viên, nhưng đội ngũ các nhà văn trưởng thành trong giai đoạn ấy ngày càng đông đảo và sung sức hơn mà chúng ta thường gọi là thế hệ nhà văn chống Mỹ. Thậm chí trong số họ không ít người đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường như: Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong,... Cùng với những người còn sống họ đã tạo nên một thế hệ nhà văn thật sự bề thế, đã trở thành những “rường cột” của nền văn học nước nhà như: Nguyễn Minh Châu, Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng, Phạm Tiến Duật, Lê Văn Thảo, Ma Văn Kháng, Đỗ Chu, Anh Đức, Thanh Thảo, Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Nguyễn Đức Mậu, Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân, Trần Đăng Khoa, Chu Lai, Thanh Quế, Trần Nhuận Minh, Y Phương, Thi Hoàng,...

Chính thế hệ nhà văn trưởng thành từ đạn bom, máu lửa chiến trường của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mặc dù Hội không hỗ trợ được là bao, nhưng họ đã làm nên một “thế hệ vàng” thứ hai đối với nền văn chương nước nhà. Họ đã để lại một gia tài văn chương hết sức đồ sộ, góp phần đưa văn chương nước nhà phát triển không ngừng, có thể sánh ngang với bất cứ nền văn chương nào trên thế giới.

PV: Vâng! Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ đã có những chia sẻ đầy tâm huyết.

Từ khóa » Vinh Quang Sáng Tạo