Một Hướng Mục Vụ Cho Những Người Bỏ Xưng Tội, Rước Lễ Từ Lâu

Facebook Flickr Mail Twitter Youtube Tìm kiếm 17-12-2024 Facebook Flickr Mail Twitter Youtube Sign in Welcome! Log into your account your username your password Forgot your password? Get help Password recovery Recover your password your email A password will be e-mailed to you. Giáo Phận Vinh Online Giáo phận Vinh Giáo Phận Vinh Online Giáo Phận Vinh Online Trang chủ Loan báo Tin Mừng Một hướng mục vụ cho những người bỏ xưng tội, rước lễ... Share FacebookTwitterWhatsAppEmailPrintViber

Khi tìm hiểu về các đối tượng mục vụ, chúng ta thấy một sự phong phú vì nó bao quát mọi chiều kích của cuộc sống con người liên quan đến ơn cứu độ. Một trong những đối tượng cần được ưu tiên và quan tâm cách đặc biệt trong mục vụ là những người bỏ xưng tội, rước lễ lâu năm. Sở dĩ như thế, vì những đối tượng này thường xuất hiện trong các cộng đoàn, tác động trực tiếp đến đời sống hiện tại và tương lai của chính họ cũng như cộng đoàn. Để có thể mục vụ cách hiệu quả với những người này, ta cần phải có một chương trình cụ thể và liên tục. Trước hết, ta phải hiểu được hoàn cảnh hay tình trạng sống hiện tại của họ như thế nào? Thứ đến, tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì? Tiếp theo, xem Chúa Giêsu đã phục vụ đối tượng này ra sao? Từ đó, đưa ra những cách thức mục vụ cụ thể.

1. Tình trạng sống của những người bỏ xưng tội, rước lễ lâu năm

Bỏ xưng tội, rước lễ lâu năm có nghĩa là những người này đang sống xa lánh Thiên Chúa là Cha từ bi và hay thương xót mà họ đã từng tin theo; họ không còn thấy sự cần thiết của ân sủng qua các bí tích và cũng không tin ân sủng qua các bí tích ấy có thể nâng đỡ, chữa lành hay tha thứ lỗi lầm của họ. Từ việc chối bỏ dần về một Thiên Chúa tình yêu, họ cũng từ chối hoặc không tin tưởng vai trò hướng dẫn, nâng đỡ và đồng hành của Giáo hội, của cộng đoàn và mọi người trong hành trình đức tin. Với chính bản thân họ, họ sẽ mất dần cảm thức về tội, sẽ không còn thấy mình yếu đuối cần đến sự trợ giúp từ người khác, không cảm thấy cần phải thay đổi lối sống vì lương tâm họ giờ đã trở nên trai lỳ trong sự bất toàn của mình… Nếu tình trạng này của họ mà không thể cứu vãn, chắc chắn họ sẽ đánh mất sự sống đời đời, sẽ nên gương mù gương xấu cho những người xung quanh và kìm hãm sự phát triển của cộng đoàn. Thế nhưng, cũng không loại trừ những trường hợp mà tình trạng này xảy ra như là một sự thiệt thòi đối với họ, vì nó xảy ra ngoài ý muốn của họ. Với tình trạng trên như là một lời mời gọi khẩn thiết đến các thừa tác viên mục vụ là cần phải ưu tiên và có cách thức mục vụ phù hợp, nhằm cứu chữa những con người đang “hư mất”. Để thực hiện được, thiết tưởng điều trước tiên thừa tác viên cần phải làm là tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ xưng tội, rước lễ lâu năm như vậy.

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ xưng tội, rước lễ lâu năm

Về nguyên nhân, chúng ta xét cả trên hai bình diện khách quan và chủ quan. Trên bình diện khách quan, tức do môi trường sống tác động, với sự tục hóa đang cổ vũ cho các chủ nghĩa vật chất, hưởng thụ, duy tương đối… làm bào mòn lương tâm con người. Tình trạng đó không chỉ dừng lại ở lãnh vực xã hội như thái độ dửng dưng, vô cảm… mà nó đã len lỏi vào trong đời sống tôn giáo cách tinh vi, làm cho con người mất dần cảm thức đức tin, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Nhiều trường hợp vì ảnh hưởng từ môi trường quốc gia với các chính sách đàn áp, hạn chế quyền tự do tôn giáo, từ môi trường giáo dục, kinh tế, gia đình… lại chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ xưng tội, rước lễ lâu năm và để lại hậu quả nghiêm trọng trong đời sống đức tin.

Trên bình diện chủ quan, có nhiều người với thái độ sống đạo nhất thời, không có nền tảng giáo lý, không thường xuyên tham dự các bí tích, không có thực hành đạo, không đi theo đường lối của Giáo Hội… dẫn đến không còn tin tưởng ở nơi Thiên Chúa nữa. Nhiều người đặt hạnh phúc nơi những gì ngoài Thiên Chúa, nên chẳng cần gì đến sự hiện hữu của Thiên Chúa. Cũng có nhiều trường hợp vì cái tôi ích kỷ, vì sự cố chấp, vì ganh tị hiềm khích với ai đó, ngay cả với những người lãnh đạo trong Giáo hội nên đã sống tình trạng sống này.

Với những nguyên nhân dù khách quan hay chủ quan, thì cũng làm cho người tín hữu này sống xa dần với tình thương của Thiên Chúa, trở nên những đối tượng cần được chăm sóc và mục vụ. Vì thế các thừa tác viên mục vụ được mời gọi phải ưu tư và hành động, nhưng để có thể phục vụ cách hiệu quả chúng ta cần phải noi theo khuôn mẫu là chính Đức Giêsu Kitô.

3. Đức Giêsu Kitô, một thừa tác viên mục vụ trọn hảo và gương mẫu

Khi thế gian này đang lún sâu trong sự tội, Đức Giêsu đã nhập thể làm người để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho toàn thể vũ trụ, nhất là con người. Đức Giêsu đến để tỏ cho nhân loại biết về một Thiên Chúa là Cha nhân hậu từ bi, luôn yêu thương và tha thứ, mời gọi họ trở về với Người sau những lần sa ngã phạm tội (x. Lc 15,11-32). Cách đặc biệt qua những dụ ngôn về lòng thương xót trong Tin Mừng Luca chương 15, chúng ta thấy được hướng mục vụ của Đức Giêsu với những người tội lỗi như thế nào? Là Mục Tử, Người đã cất bước ra đi, chủ động đi tìm những con chiên lạc, không quản những khó khăn đêm tối, rừng núi hiểm nguy… mau mắn lên đường kiên trì tìm kiếm. Khi tìm được rồi, Người vui mừng vác chúng lên vai, âu yếm đưa về cùng đàn chiên duy nhất; cũng tương tự với hình ảnh người đàn bà thắp đèn tìm đồng xu bị mất, cất công moi móc lục lọi tìm cho được đồng xu của mình… Tất cả cho thấy Đức Giêsu đã không muốn một ai trong chúng ta phải sống ngoài tình thương của Thiên Chúa (x. Mt 18,14).

4. Theo gương Đức Giêsu Kitô, chúng ta có những cách thức mục vụ cụ thể

Công việc đầu tiên và nền tảng cho chương trình mục vụ những đối tượng bỏ xưng tội, rước lễ lâu năm đó là cầu nguyện. Chúng ta phải cầu nguyện cách đặc biệt cho các đối tượng này ở phương diện cá nhân cũng như tập thể, xin Chúa Thánh Thần xuống trên họ dồi dào hơn để thay đổi lòng họ, hoán cải và canh tân đời sống của họ. Qua việc cầu nguyện, chúng ta cũng thúc đẩy được tinh thần hiệp thông trong cộng đoàn, đồng thời cho mọi người biết được thao thức của chúng ta cũng là ý muốn của Thiên Chúa và Giáo hội Người.

Tiếp theo, chúng ta cần có những cuộc gặp gỡ, đối thoại và thăm viếng trực tiếp hay qua trung gian nhưng phải rất tế nhị. Điều quan trọng là chúng ta tạo nên một sự gần gũi, thân thiện và tin tưởng nơi họ bằng những hành động thể hiện sự quan tâm đối với họ. Từ đó, họ mới có thể chia sẻ cho chúng ta về những khúc mắc hay tình trạng thực sự trong đời sống. Khi đã được chia sẻ, chúng ta phải có thái độ sẵn sàng lắng nghe với tất cả sự tôn trọng, cũng đừng có vội kết luận, mà phải có thời gian để suy nghĩ và phân định. Một khi đã hiểu bản chất vấn đề, chúng ta cần phải giải thích cho họ theo tinh thần Tin Mừng cũng như giáo huấn của Giáo hội. Đặc biệt ta trình bày cho họ thấy được Thiên Chúa qua Giáo hội và toàn thể mọi người đang dang rộng vòng tay yêu thương chờ đón họ trở về vì phần rỗi của chính họ.

Cuối cùng, sau những gì đã tìm hiểu, tiếp cận và chia sẻ, chúng ta hãy mời gọi họ đến với bí tích Hòa Giải, để được giao hòa với Thiên Chúa và mọi thụ tạo, đặc biệt là rước Chúa Giêsu vào lòng qua bí tích Thánh Thể. Qua đó, Người ngự trong họ, đồng hành và yêu thương họ, giúp họ sống một đời sống mới, một quyết tâm mới hướng đến hạnh phúc vĩnh cửu và giúp phát triển cộng đoàn giáo xứ…

Một điểm nữa cũng đáng chúng ta phải quan tâm và duy trì trong khi mục vụ cho những đối tượng này là không dừng lại ở việc đã làm trên, mà cần phải tiếp tục duy trì sự đồng hành của chính chúng ta và cả cộng đoàn, mời gọi họ tham gia tích cực vào những sinh hoạt trong giáo xứ cũng như hội đoàn, hướng dẫn họ để họ tiếp tục trở nên nhân chứng lòng thương xót Chúa đối với những người khác đang sống trong tình trạng như họ.

Chúng ta, những thừa tác viên mục vụ theo gương Đức Giêsu vì phần rỗi các linh hồn và vì sự phát triển hiệp nhất trong cộng đoàn, cần phải ưu tiên hơn đối với những người bỏ xưng tội, rước lễ lâu năm. Chúng ta hãy mau mắn lên đường đi tìm từng đối tượng một, hãy kiên nhẫn trong ơn Chúa nâng đỡ để thực hiện theo các tiến trình mục vụ trên, giúp họ giao hòa với Thiên Chúa và mọi người, được đón nhận bí tích Thánh Thể là nguồn lương thực đảm bảo và nuôi sống họ trên đường tiến về quê hương vĩnh cửu là Nước Trời.

John Phạm Nguồn: nguoitinhuu.org

CÙNG CHUYÊN MỤCBÀI MỚI ĐĂNG

Truyền giáo tại Á châu, một cuộc hội nhập văn hoá theo bước chân của những chứng nhân vĩ đại của đức tin

Vài thống kê về Giáo hội Công giáo nhân Ngày Thế giới Truyền giáo

Giáo hội Công giáo Ba Lan có 1.662 thừa sai tại nước ngoài

Các bài suy niệm Chúa nhật Truyền giáo – 2024

Diễn văn của Đức Phanxicô dành cho các giáo sĩ, tu sĩ và nhân viên của Giáo hội Bỉ

Số người lớn rửa tội gia tăng ở Pháp

Donate

XEM NHIỀU TRONG TUẦN

BÀI MỚI

Thánh lễ trong Năm Thánh

Giới thiệu sách: Hồn đất nắn hồn người

Sứ điệp của Đức Thánh cha cho Ngày Thế giới Hòa...

Người Pháp nói Đức Phanxicô đã đúng khi thích Corsica hơn...

Bài giảng Đức thánh cha – Chúa nhật 3 mùa Vọng...

Thông báo: Khai mạc Năm Thánh 2025

Hội Ái Hữu Vinh – Hà Tĩnh Bắc Cali mở tiệc...

Giáo xứ Phan Thôn chầu lượt nhân dịp 10 năm thành...

Xem thêm

Liên hệ

Ban Truyền thông Xã hội Giáo phận Vinh Địa chỉ: Tòa Giám mục Xã Đoài Nghi Diên - Nghi Lộc - Nghệ An Email: vinhconggiao@gmail.com hoặc gpvinh@gmail.com

Radio Công giáo Việt ngữ

Nghe Radio Veritas Asia (Việt ngữ) - Trực tiếp Nghe Radio Veritas Asia (Việt ngữ) - Hôm nay

Hỗ trợ chúng tôi

Giáo phận Vinh OnlineWEBSITE GIÁO PHẬN VINHTrang thông tin chính thức của Giáo phận Vinh do Ban Truyền thông Xã hội của Giáo phận đảm nhiệm. Mọi tin, bài, thư từ, ý kiến đóng góp, v.v.. xin vui lòng gửi về địa chỉ email dưới đây.Email biên tập: vinhconggiao@gmail.com © 2017 - Giáo phận Vinh Network

Từ khóa » Cách Xưng Tội Giáo Phận Vinh