MỘT MÙA XUÂN NHO NHỎ - - Huyện Như Thanh

Với 35 năm trong sự nghiệp trồng người, chị luôn là cô giáo mẫu mực, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, sống nhân ái, chan hòa, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Chị quả là một mùa xuân nho nhỏ, đã góp phần vào mùa xuân lớn của quê hương đất nước.

            Tôi đến thăm gia đình chị vào một ngày cuối thu, ra đón tôi với thái độ cởi mở, chân thành, qua những lời tâm sự tôi như được trở về với hành trình 35 năm của một cô giáo luôn gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

            Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm chuyên ngành Lịch sử - Chính trị năm 1984, chị nhận quyết định về công tác tại trường Phổ thông cơ sở Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, có thể gọi đây là nơi “Thâm sơn cùng cốc”, khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và trách nhiệm của bản thân, chị đã vượt qua và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Hết nghĩa vụ 3 năm ở Thường Xuân, chị chuyển về huyện nhà (huyện Như Xuân) công tác tại trường PTCS Bình Lương, nơi đây cũng là một trong những ngôi trường khó khăn của huyện. Hơn 10 năm công tác tại huyện Như Xuân, chị luôn duy trì là giáo viên giỏi cấp huyện và được chọn làm cốt cán bộ môn; ngoài công việc của ngành và nhà trường giao, chị đã giành nhiều thời gian hướng dẫn học sinh nắm bắt kiến thức về lịch sử Việt Nam qua từng bài học cụ thể, giúp cho các em có những tiết học thật sôi nổi, hứng thú.

Năm 1999, do điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn, chị được cấp trên tạo điều kiện về huyện Như Thanh và nhận công tác tại trường THCS Phú Nhuận. Đây là ngôi trường có truyền thống trong phong trào “dạy tốt, học tốt” của huyện, với tinh thần tích cực học hỏi và không ngừng phấn đấu, ngay ở ngôi trường này chị cũng đã gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp của mình. Ngoài chuyên môn, chị có gần 10 năm giữ chức vụ Chủ tịch Công đoàn, luôn là sợi chỉ đỏ đáng tin cậy để tạo nên khối đoàn kết thống nhất trong nhà trường.

            Năm 2009, chị chuyển công tác về trường THCS Xuân Thọ (nay là trường TH&THCS Xuân Thọ) và gắn bó với mảnh đất, con người và ngôi trường này đến ngày hôm nay. Với vai trò là tổ trưởng chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm lớp, cốt cán bộ môn của huyện cùng với kinh nghiệm nhiều năm công tác ở vùng khó khăn, chị đã vận động giáo viên trong tổ, trong trường quyên góp sách vở, quần áo và mang đến từng gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ cho các em. Liên tục được giao ôn luyện học sinh giỏi 2 môn (môn GDCD, môn Lịch sử) chị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chị miệt mài ôn luyện, không quản thời gian, nhiều hôm ở lại khu nội trú chị nấu cơm cho các em học sinh ăn để học buổi tối, trích một phần quỹ lương nho nhỏ để mua tài liệu cho các em ôn luyện. Đáp lại tấm lòng, sự tâm huyết, trách nhiệm của cô, các em học sinh ở vùng khó nơi đây đã đem về những giải học sinh giỏi cấp tỉnh đầy ấn tượng.

            Cô giáo Nguyễn Thị Hiệp, một người phụ nữ giản dị, chân chất, nhưng có tấm lòng nhiệt huyết đã thổi bùng ngọn lửa đam mê vào các thế hệ học trò, đặc biệt là trong tâm hồn các em học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Giữa cuộc sống đời thường với bao bộn bề gian khó, người phụ nữ, nhà giáo ấy luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với 10 giải học sinh giỏi cấp tỉnh (trong đó có 02 giải nhì), 30 giải học sinh giỏi cấp huyện, chị đã góp một phần nhỏ vào thành tích chung của giáo dục huyện nhà. Chỉ còn vài tháng nữa là chị về nghỉ hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội, nhưng trong con người chị vẫn đang cháy bỏng ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết với nghề “trồng người”. Nhà thơ Thanh Hải viết mấy vần thơ, mà trong đó như có bóng dáng của chị “Người chiễn sỹ thầm lặng trên mặt trận Văn hóa”:

“Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

Từ khóa » Mot Mua Xuan Nho Nho Thanh Hoa