Một Năm Covid-19 Khuynh đảo Thế Giới

Đã 12 tháng trôi qua kể từ khi Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, rồi lan rộng ra toàn cầu, trở thành một cuộc khủng hoảng y tế. Đại dịch đã khiến hơn 1,6 triệu ca tử vong, hơn 73 triệu ca nhiễm và con số vẫn tiếp tục tăng. Các biện pháp phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh đã tàn phá nền kinh tế thế giới, việc làm và những mối quan hệ xã hội gắn kết con người với nhau. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi Covid-19 là chu kỳ "hoảng loạn - lãng quên". Mô hình điển hình của chu kỳ này là một loại bệnh truyền nhiễm bùng phát, chính phủ và giới chức y tế các nước phản ứng với hàng loạt chính sách, dịch bệnh được kiểm soát và biến mất, con người quên nó đi. Sau đó, chu trình trên tiếp tục lặp lại. Trước năm 2020, mô hình dự báo tinh vi nhất cho thấy một đại dịch tương tự cúm Tây Ban Nha năm 1918 có thể giết chết 71 triệu người trên toàn thế giới và làm giảm 5% GDP. Số người chết do Covid-19 có vẻ thấp hơn nhiều, nhưng ảnh hưởng đến GDP lại lớn hơn. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 6, đến cuối năm 2020, GDP thế giới có thể thấp hơn khoảng 8% so với khi không có đại dịch. Thay vì tăng 3%, GDP sẽ giảm khoảng 5% - lớn nhất kể từ sau Thế chiến II. Năm 2009, khủng hoảng tài chính chỉ khiến GDP toàn cầu mất 0,1%. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình sẽ giảm năm nay, lần đầu tiên trong ít nhất 60 năm. 89 triệu người sẽ bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực, tăng 15%. Nợ công tăng vọt. IMF dự báo tỷ lệ tổng nợ công trên GDP của các nền kinh tế tiên tiến sẽ tăng từ 105% vào năm 2019 lên 132% vào năm 2021. Trong báo cáo của hai nhà kinh tế học thuộc Đại học Harvard David Cutler và Lawrence Summers, đăng hồi tháng 10 trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, họ gọi Covid-19 là virus 16 nghìn tỷ USD. Đây là thiệt hại kinh tế ước tính của đại dịch đối với riêng nước Mỹ. Nó lớn hơn cả giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 14,3 nghìn tỷ USD của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Báo cáo cho rằng "thiệt hại kinh tế to lớn của Covid-19 là động lực thúc đẩy việc suy nghĩ lại một cách cơ bản vai trò của chính phủ trong công tác chuẩn bị đối phó đại dịch". Một nghiên cứu hồi tháng 7 của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng suy thoái kinh tế từ đại dịch Covid-19 có thể đẩy 130 triệu người đến cảnh chết đói vì nó phá vỡ chuỗi cung ứng thực phẩm. Về chính trị, một trong những tác động lớn nhất của Covid-19 là nó làm gia tăng sự phụ thuộc của các nước vào những tổ chức quốc tế như WHO, theo tiến sĩ Begum Burak từ Đại học Marmara ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, sức tàn phá khủng khiếp của đại dịch đã thúc đẩy các quốc gia tăng cường hợp tác với nhau nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực. Khi vaccine Covid-19 được điều chế thành công, nhu cầu hợp tác nhằm phân phối vaccine tới khắp thế giới càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, sau khi đại dịch trôi qua, các nước được cho là sẽ theo đuổi những chính sách kinh tế khép kín hơn. Hợp tác kinh tế có thể giảm trong khi hợp tác về khoa học sẽ gia tăng. Một tác động khác của đại dịch đối với quan hệ đối ngoại nằm ở những tiến trình ngoại giao. Trước Covid-19, các vấn đề liên chính phủ thường được tham vấn trực tiếp. Tuy nhiên, trong và sau đại dịch, vai trò của công nghệ và Internet đã trở nên quan trọng hơn. Các hội nghị trực tuyến ngày nay chiếm ưu thế hoàn toàn trong quan hệ ngoại giao quốc tế. Về quan hệ các nước, Covid-19 đã đặc biệt khoét sâu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, tiềm ẩn nguy cơ nổ ra một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" giữa hai cường quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Bắc Kinh giấu giếm thông tin khi dịch mới bùng phát, khiến Covid-19 lan rộng ra toàn cầu. Ông thậm chí gọi nCoV là "virus Trung Quốc". Bắc Kinh trong khi đó một mực bác bỏ. Hàng loạt cuộc khẩu chiến đã nổ ra giữa đôi bên liên quan đến đại dịch.

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự gián đoạn hệ thống giáo dục lớn nhất trong lịch sử, ảnh hưởng tới gần 1,6 tỷ người học trên toàn cầu tại hơn 190 nước trên tất cả các châu lục. Việc đóng cửa trường học và những không gian học tập khác tác động tới 94% số học sinh, sinh viên toàn thế giới. Tỷ lệ này lên đến 99% tại các nước có thu nhập thấp và dưới trung bình, theo báo cáo hồi tháng 8 của Liên Hợp Quốc. Cuộc khủng hoảng làm trầm trọng thêm sự chênh lệch về giáo dục khi nó làm giảm cơ hội tiếp cận của trẻ em, thanh thiếu niên và cả người lớn ở những nhóm dễ bị tổn thương nhất như người nghèo, người sống ở vùng nông thôn, người tị nạn, người khuyết tật... Giới chuyên gia cảnh báo hệ lụy của việc không thể duy trì học tập có nguy cơ kéo dài nhiều thế hệ, xóa bỏ những tiến bộ giáo dục đã đạt được trong nhiều thập kỷ. Nhưng mặt khác, Covid-19 cũng kích thích đổi mới trong ngành giáo dục. Nhiều phương pháp tiếp cận sáng tạo được thúc đẩy như học tập qua radio, truyền hình. Hàng loạt giải pháp đào tạo từ xa được phát triển nhờ phản ứng nhanh chóng của chính phủ và các đối tác giáo dục trên khắp thế giới nhằm hỗ trợ nền giáo dục đa sắc thái.

Từ khóa » Tác Hại Của Covid 19 đối Với Thế Giới