Một Ngày Chồng Vợ, Nghĩa Trăm Năm - Báo Khánh Hòa điện Tử
Có thể bạn quan tâm
Chẳng phải ngẫu nhiên mà khi đã thành vợ chồng, người ta gọi nhau là bạn đời, là một nửa của nhau.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà khi đã thành vợ chồng, người ta gọi nhau là bạn đời, là một nửa của nhau. Bởi lẽ, trong cuộc sống, những lúc thăng trầm, họ đã cùng nhau vượt qua. “Đôi ta như rắn liu điu/Nước chảy mặc nước, ta dìu lấy nhau” (ca dao). Tình cảm vợ chồng thật sâu nặng. Cái nghĩa ấy theo ta đến cả trăm năm…
° Tình chồng vợ
Khi được hỏi về tình vợ chồng, nhiều người bạn của tôi đã đồng ý với quan điểm: Tình vợ chồng không có sự trả giá ngang nhau, nghĩa là cho bao nhiêu thì được nhận bấy nhiêu. Những ai yêu mà biết hy sinh cho nhau, đó mới là tình yêu đích thực. Quan điểm đó không phải là lý thuyết, mà nó xuất phát từ thực tế đang diễn ra hàng ngày xung quanh ta. Chị N.M.H, ở Cam Lâm lấy chồng được 5 năm thì chồng mất. Một mình nuôi con. Chị làm đủ mọi công việc để duy trì cuộc sống. Nếu chỉ có 2 mẹ con thì đỡ vất vả, nhưng chị còn có gia đình chồng. 10 năm qua, từ khi chồng mất đến nay, chị đã ở vậy chăm sóc cha mẹ chồng, lo chu toàn cho gia đình anh. Tình nghĩa sâu nặng của chị H. đã làm cho bà con họ hàng, láng giềng gần xa khen ngợi. Bạn bè thấy chị như vậy, có người đã khuyên: “H. làm “nghĩa vụ” thế là đủ rồi, lo cho bản thân mình đi chứ!”. Chị H. chỉ cười: “Anh ấy không còn, mình phải thay anh lo việc gia đình. Mình không nỡ rời xa ông bà nội và nơi mình đã từng sống hạnh phúc này”. Ban ngày làm lụng vất vả, tối về khi trái nắng trở trời, H. lại xoa bóp cho mẹ chồng để bà qua cơn nhức mỏi. Nhiều người thấy H. coi cha mẹ chồng như cha mẹ mình, đã nói: “Gia đình bà T.- mẹ chồng H. - thật có phúc! Con dâu mà hơn cả con gái”.
Bác B.Đ, ở phường Phước Tiến, Nha Trang, mỗi lần nhớ lại thời kỳ khó khăn nhất của gia đình đều cảm thấy tự hào. Hồi ấy bác trai đi công tác xa, một nách 3 con, bác Đ đã thay chồng dạy dỗ con cái. Có lần, bác gái phải từ bỏ việc đi học ở nước ngoài để chăm lo cho gia đình, thay bác trai nuôi dạy con. Hy sinh cho gia đình, cho con cái cũng chính là bác Đ đã vì chồng mà bỏ lỡ cơ hội thăng tiến của mình. Sau này, khi bác trai trở thành cán bộ lãnh đạo, các con trưởng thành, bác Đ rất tự hào. Bác cho rằng, công lao xây dựng tổ ấm của mình bao nhiêu năm qua đã được đền đáp xứng đáng. Tình chồng vợ vì thế càng thêm gắn bó.
° Nghĩa trăm năm
Sáng nào cũng vậy, trong nhiều năm liền, tôi thường thấy bác X đẩy chiếc xe lăn chở bác M đi dạo trên đường biển. Hỏi ra được biết, bác M sau một lần tai biến đã liệt nửa người. Thấy chồng đang khỏe mạnh, bỗng trở thành người tàn tật, bác X vô cùng xót xa. Tuy chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhưng bác X đã xin được nghỉ trước để ở nhà chăm lo cho chồng. Công việc hàng ngày của bác X là đưa chồng đi dạo biển một vòng rồi về xoa bóp, giúp chồng vận động; lo cho chồng ăn uống, vệ sinh. Mọi việc từ A đến Z, ban ngày cũng như ban đêm, bác gái đều ở bên cạnh, chăm lo cho bác trai. Có những lúc cảm động, thấy vợ chăm mình quá chu đáo, bác trai rơm rớm nước mắt nhìn bác gái và nói: “Tôi thương bà quá vì bà không bỏ tôi trong lúc này!”. Bác gái chỉ cười đôn hậu: “Tình chồng vợ, nghĩa trăm năm mà ông. Ông như thế này, tôi càng thương chứ!”. Các con của ông bà thán phục mẹ: “Đúng là con chăm cha không bằng bà chăm ông!”.
Không phải chỉ những người vợ chăm lo cho chồng mà có không ít người chồng đã hết lòng vì vợ. Cụ V tuy bây giờ không còn, nhưng những người con của cụ thường nhắc đến những ngày người cha của mình - cụ P - chăm sóc vợ. Thời gian cụ V bị bạo bệnh khá lâu, đến hơn 10 năm. Vừa bị tâm thần, cụ V vừa bị liệt. Những lúc lên cơn, cụ V lôi tên chồng, con của mình ra la mắng, chửi rủa, mặc dù những người thân đã hết lòng chăm sóc cụ. Tuy nhà có người giúp việc, nhưng cụ ông vẫn thường đút cơm cho vợ. Tuổi già, tay run, vậy mà không bữa nào cụ ông quên nhiệm vụ cho cụ bà ăn. Cụ nói với các con: “Ba muốn đút cơm cho má để ba ép má ăn nhiều hơn. Bà ăn được nhiều nghĩa là bà khỏe hơn trước”. Buổi tối, cụ bà khẽ gọi “ông ơi”, ngay lập tức cụ ông đến bên để phục vụ. Thấy ông bà dìu nhau, những người đến thăm ai cũng cảm động. Cụ ông đã cùng cụ bà đi hết chặng đường đời vất vả, gian nan. Tình nghĩa vợ chồng sâu nặng của cụ P đối với cụ bà đã làm gương cho các con. Khi cụ P chỉ còn một mình, các con của cụ đã đền đáp xứng đáng, bằng cách luôn để cha mình vui vẻ, hưởng sự đầm ấm của hạnh phúc gia đình.
Một ngày chồng vợ, nghĩa trăm năm là thế!
MINH TRÂM
Từ khóa » Một Ngày Vợ Chồng Tình Nghĩa Trăm Năm
-
Một Ngày Vợ Chồng Trăm Ngày ân Nghĩa, Trăm Ngày Vợ Chồng ân Tựa ...
-
Đức Phật Dạy: Một Ngày Vợ Chồng, Nghìn Năm ân Nghĩa, đừng Có Hở ...
-
Nguồn Gốc Bất Ngờ Của Câu Nói: 'Một Ngày Chồng Vợ Trăm Ngày ân ...
-
Một Ngày Vợ Chồng Trăm Ngày ân Nghĩa
-
Lời Bài Hát Tình Sầu Trăm Năm 2 (Tô Ngọc Vũ)
-
Nội Thất Minh Hoa - " Nghĩa Vợ Chồng Là Nghĩa Trăm Năm. Nếu Một ...
-
TRĂM NĂM TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG.TG: NGỌC PHÚC.TB - YouTube
-
4 Câu Vọng Cổ - Trăm Năm Tình Nghĩa Vợ Chồng || Chàng Trai Hát ...
-
️ 3 Câu Chuyện Ngắn Hay Nhất Về Tình Nghĩa Vợ Chồng, Nhất ...
-
Vợ Chồng Là Nghĩa Trăm Năm - Blog Radio
-
Một Ngày Vợ Chồng Trăm Năm Tình Nghĩa. Nguồn Trác Thành Công
-
Một Số Câu Ca Dao Về Sự Thủy Chung, Nghĩa Tình Của Vợ Chồng
-
Đàn ông Ngoại Tình: Tình Nghĩa Trăm Năm Vợ Chồng Cũng Chẳng Là Gì ...