Một Ngày đi 7 Chùa ở Hưng Yên - VnExpress Du Lịch

Từ Hà Nội, du khách di chuyển theo hướng cầu Thanh Trì về Ecopark hoặc đi thẳng đường đê Bát Tràng. Điểm dừng chân đầu tiên là cụm đền Đa Hòa – Dạ Trạch – Hàm Tử Quan, thuộc huyện Khoái Châu. Trong đó Đền Đa Hòa là nơi thờ Chử Đồng Tử, một trong "tứ bất tử" của tín ngưỡng Việt Nam. Diện tích đền rộng 18.720 m2, bao phủ bởi bốn bề cây cổ thụ sum xuê xanh tốt, toát lên vẻ cổ kính, linh thiêng.

Đền nằm trên một khuôn viên rộng có nhiều cây xanh cổ thụ bao bọc. Ảnh: Ngọc Diệp

Đền nằm trên một khuôn viên rộng có nhiều đại thụ. Ảnh: Ngọc Diệp

Ngọ môn gồm 3 cửa: cửa chính là tòa nhà ba gian cao rộng, trên đỉnh nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt (chỉ mở cửa vào đại lễ); hai cửa bên để đón khách gần xa. Qua sân là đến tòa Ðại tế, Thiêu hương, cung Ðệ nhị, cung Ðệ tam và Hậu cung.

Tổng thể kiến trúc gồm 18 công trình lớn nhỏ, mái lợp ngói với đầu đao được vát cong tựa như những mũi thuyền, tượng trưng cho 18 đời vua Hùng. Toàn bộ phần mái 2 tầng có 8 mái cong, lợp ngói vảy cá. Đầu đao cong được đỡ bởi 8 cột gỗ vuông ở 4 góc nhà. Các đấu kê, xà ngang cách điệu bằng những con kỳ lân.

Nhiều du khách tới đây đã chụp cho mình những tấm ảnh đẹp. Chị Phạm Thị Hồng Thu, Hà Nội chia sẻ rằng rất ấn tượng với hệ thống đền chùa đồ sộ tại Hưng Yên. "Không phải nơi nào cũng có diện tích đền rộng như vậy. Cảm giác trân quý và muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc này nên tôi đã chuẩn bị một bộ áo dài thật phù hợp trước khi tới đây", chị Thu cho hay.

Từ đền thờ Chử Đồng Tử, du khách tiếp tục di chuyển sang thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, cách điểm đầu tiên chưa đến 3 km. Tại đây, du khách có thể cùng lúc tham quan hai ngôi đền nằm sát nhau: Đền Hóa Dạ Trạch và đền thờ Triệu Việt Vương.

Đền thờ Triệu Việt Vương nằm phía sau Đền Hóa Dạ Trạch. Ngôi đền rộng 148m2, phục dựng trên nền gạch cũ sau nhiều lần bị quân giặc phá hủy. Khuôn viên chia làm 3 phần: dãy tả vu, hữu vu và đền thờ chính, có bài trí bình phong, giếng ngọc, chuông đồng đặc sắc. Ảnh: Ngọc Diệp

Đền thờ Triệu Việt Vương nằm phía sau Đền Hóa Dạ Trạch. Ảnh: Ngọc Diệp

Hai ngôi đền này hấp dẫn khách tham quan bởi kiến trúc "tiền nhất, hậu đinh", tức chia thành 3 khu tiền tế, trung từ, hậu cung. Trong đó, đền thờ Triệu Việt Vương nằm phía sau Đền Hóa Dạ Trạch. Ngôi đền rộng 148 m2, phục dựng trên nền gạch cũ sau nhiều lần bị quân giặc phá hủy. Khuôn viên chia làm 3 phần: dãy tả vu, hữu vu và đền thờ chính, có bài trí bình phong, giếng ngọc, chuông đồng đặc sắc.

Di chuyển về TP Hưng Yên, du khách tham quan tiếp các di tích văn hóa đền chùa như: đền Mây, đền Đào Nương, đền Trần, đền Mẫu... Nếu may mắn, du khách còn có cơ hội trải nghiệm những làn điệu trống quân đậm đà bản sắc địa phương. Phần lớn di tích đền chùa đều phân bố trong khu vực trung tâm thành phố nên không khó tìm kiếm. Đừng quên kết hợp thưởng thức đặc sản của tỉnh để có trải nghiệm trọn vẹn.

Ẩm thực Hưng Yên khá đa dạng và phong phú. Bạn có thể thưởng thức các món ăn như: gà Đông Tảo, bún thang, nhãn lồng, sen,... Đặc biệt, đến Hưng Yên vào mùa này, bạn đừng quên ghé vườn cam ngọt đang vào mùa, để mua được cam với giá tận gốc.

Vườn cam nằm ở xã Quảng Châu, TP Hưng Yên. Cam Hưng Yên có chất lượng vượt trội, vỏ mỏng, vị ngọt thanh, mùi thơm mát đặc trưng so với cam trồng ở vùng khác.

Vườn cam nằm ở xã Quảng Châu, TP Hưng Yên. Cam Hưng Yên có chất lượng vượt trội, vỏ mỏng, vị ngọt thanh, mùi thơm mát đặc trưng so với cam trồng ở vùng khác. Ảnh: Ngọc Diệp

Nằm cách Hà Nội 60 km về phía đông, Hưng Yên là vùng đất giàu văn hóa với hàng loạt di tích, đền chùa. Đường đi khá gần và bằng phẳng, nên phương tiện di chuyển hợp lý nhất là ôtô. Hưng Yên có 1.802 di tích trong đó có 2 khu di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 172 di tích, cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 400 lễ hội truyền thống, các loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc như hát trống quân, ca trù...

Du khách có thể tham quan các điểm du lịch và trở về trong ngày từ Hà Nội. Nếu có ý định ở qua đêm, du khách nên dừng chân tại trung tâm thành phố Hưng Yên để được lựa chọn đa dạng về ẩm thực, nơi lưu trú.

Ngọc Diệp

Hội nghị Xúc tiến điểm đến và kích cầu Du lịch tỉnh Hưng Yên do Tổng cục Du lịch phối hợp với Sở VHTTDL Hưng Yên diễn ra vào 6/11. Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch Hà Văn Siêu kỳ vọng tỉnh sẽ giữ chân du khách ở lại qua đêm bằng các chiến lược thúc đẩy du lịch về đêm.

Các đóng góp trọng tâm được đưa ra như: Ưu tiên xác định sản phẩm du lịch chủ lực; Đẩy mạnh kích cầu, xây dựng chính sách quảng bá bài bản, phát triển gói sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày; Khắc phục những khó khăn về cơ sở hạ tầng, dịch vụ lưu trú; Tăng cường quảng bá du lịch an toàn, biến Hưng Yên trở thành điểm đến thân thiện của du khách trong và ngoài nước.

Dẫn chứng từ mô hình du lịch cộng đồng tại Đồng bằng sông Cửu Long, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Tầm nhìn Việt nói: "Một đoạn mương nhỏ có thể được phân đoạn, thả cá nuôi, cho du khách lội bắt cá, làm nông, đạp xe trải nghiêm bên cạnh thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp phụ trợ đi kèm".

Kết thúc hội nghị, diễn ra Lễ ký kết hỗ trợ cung cấp thông tin và phát triển dịch vụ du lịch giữa các Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong vùng đồng bằng sông Hồng và phụ cận.

  • Nghề bồi giấy làm mặt nạ Trung Thu ở Hưng Yên
  • Cúc 'tiến vua' vàng rực ở Hưng Yên dịp giáp Tết
  • Văn miếu Xích Đằng, niềm tự hào của người Hưng Yên
  • Hương xuân trên làng quất cảnh Hưng Yên

Từ khóa » Các đền Thờ Tại Hưng Yên