Một Ngày Hai Nhà Máy Phát điện được Khánh Thành

Dự lễ khánh thành nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn; Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành; Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm; Bi thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải; Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm đầu tư, được khởi công xây dựng năm 2015, có công suất 1.200 MW (2x600 MW) đã hoàn thiện thủ tục liên quan, được công nhận và đưa vào vận hành thương mại từ ngày 6/5. Đến nay đã phát điện, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 2 tỷ kWh.

Dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 là dự án nhiệt điện than có công suất tổ máy lớn, khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,2 tỷ kWh/năm, góp phần đáp ứng nhu cầu của phụ tải của khu vực Tây Nam bộ và Hệ thống điện Quốc gia.

Doanh thu hằng năm của nhà máy dự kiến khoảng 15-20 nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng vào tổng doanh thu của Tập đoàn, đóng góp đáng kể cho khoản thu ngân sách của Trung ương và địa phương.

Mặc dù dự án được triển khai trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương, cùng với sự nỗ lực của chủ đầu tư, tổng thầu, các nhà thầu và tập thể cán bộ, người lao động trực tiếp trên công trường đã từng bước vượt qua khó khăn để thi công hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình theo thiết kế.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi cán bộ, kỹ sư, công nhân nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cùng với nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 hoàn thành, hiện nay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đưa vào vận hành an toàn, ổn định 2 dự án nhà máy nhiệt điện than (tổng công suất 2.400 MW), 4 nhà máy nhiệt điện khí (tổng công suất 2.700 MW), 2 nhà máy thủy điện (tổng công suất 305 MW), với tổng công suất 5.405 MW, chiếm hơn 7% tổng công suất lắp đặt và chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống điện quốc gia.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc khánh thành, đưa nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng; góp phần vào đảm bảo an ninh năng lượng; đảm bảo một trong 5 cân đối lớn của nền kinh tế; nhất là việc chủ đầu tư, các đơn vị đã vượt qua nhiều khó khăn để có dòng điện hòa vào hệ thống điện quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành những nước đứng đầu ASEAN trong cung cấp nguồn điện; phục vụ đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng.

Đặc biệt, nhà máy này có chủ đầu tư và nhà thầu đều là của Việt Nam. Qua đó vui mừng và khẳng định người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn làm chủ các công nghệ, dự án lớn.

Thủ tướng nhấn mạnh, điều đáng mừng là Nhà máy được xây dựng đảm bảo chất lượng, tiết kiệm 500 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư; an toàn, sạch sẽ; đảm bảo môi trường ở mức tốt nhất, trong bối cảnh phải xử lý các vấn đề phát sinh, nhất là ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Việc triển khai xây dựng nhà máy góp phần giải quyết công ăn, việc làm; đóng góp cho tăng trưởng kinh tế; đặc biệt là đã thí điểm hiệu quả một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập sâu rộng, hiệu quả.

“Kết quả này nhờ nỗ lực của Chính phủ qua các thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Ban Quản lý dự án, cũng như quân và dân tỉnh Hậu Giang,” Thủ tướng khẳng định.

Qua việc xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm là phải xây dựng công nghiệp nền tự chủ, trong đó có công nghiệp năng lượng; mạnh dạn giao các cho các công ty, tập đoàn lớn làm những công trình lớn, dự án lớn cho đất nước.

Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trưởng thành hơn và có thêm kinh nghiệm để thực hiện các dự án, xử lý những vấn đề phát sinh; dù có khó khăn, phức tạp, song thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đều hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại biểu xem quy trình vận hành nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 tại trung tâm điều hành. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, từ kinh nghiệm xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiếp tục tập trung xử lý các khó khăn tại các dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn và khai thác khí Lô B.

Đối với Tập đoàn Điện lực, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch về nguồn điện, tải điện, phân phối điện và giá điện, phù hợp với nền kinh tế; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; chỉ đạo các nhà máy điện hoạt động hết công suất; xây dựng kế hoạch sử dụng điện thông minh.

Đối với Hậu Giang và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng đề nghị tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện để các nhà đầu tư giải quyết các vấn đề liên quan nguyên vật liệu, hạ tầng, giải phóng mặt bằng... để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư; vận hành Nhà máy an toàn, hiệu quả.

Tại buổi lễ Thủ tướng Chính phủ đã trao các phần thưởng tặng các tập thể, cá nhân có nhiều nỗ lực, có thành tích xuất sắc góp phần hoàn thành xây dựng Nhà máy đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, tiết kiệm.

Khánh thành nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 trị giá 4.300 tỷ đồng

Ngày 16/7, tại tỉnh Quảng Nam, Công ty Cổ phần Năng lượng Agrita - Quảng Nam đã tổ chức lễ khánh thành nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 có công suất 147MW.

Đây là một trong những dự án năng lượng lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, góp phần ổn định và cung cấp sản lượng điện năng lớn cho lưới điện quốc gia.

Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 nằm trên thượng nguồn sông Đăk Mi, thuộc địa bàn 2 xã Phước Công và Phước Lộc, huyện Phước Sơn, với tổng mức đầu tư 4.300 tỷ đồng.

 Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2. (Ảnh: TTXVN)

Nhà máy được xây dựng theo dạng thủy điện đường dẫn, quy mô đập bê tông cốt thép trọng lực với chiều cao lớn nhất 37m, 1 tháp điều áp và 3 tổ máy Francis trục đứng của hãng Andritz (Cộng hòa Áo)... giúp nâng cao hiệu suất phát điện, tiết kiệm tài nguyên, đồng thời, góp phần vào việc đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Dự kiến, mỗi năm nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 sẽ cung cấp sản lượng điện khoảng 440 triệu KWh, mang lại doanh thu khoảng 500 tỷ đồng.

Nhà máy đi vào vận hành không chỉ bổ sung nguồn điện cho lưới điện quốc gia mà còn mang lại công ăn việc làm ổn định, dài hạn cho một bộ phận người dân bản địa, đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 175 tỷ đồng mỗi năm.

Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 được thi công gần 30 tháng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 kéo dài, đặc biệt là thiệt hại nặng nề do trận lũ và sạt lở đất đá lịch sử vào cuối tháng 10/2020.

Tháng 10/2021, nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 chính thức phát điện tổ máy số 1, và chỉ sau 1 tháng, tổ máy số 2 cũng được vận hành thương mại. Tổ máy số 3 hòa lưới phát điện vào tháng 2/2022.

H.C - N.T

Từ khóa » Nhà Máy Phát điện