Một Số Bài Học Rút Ra Từ Các Vụ Cháy Nhà ở Gây Chết Người

Thứ nhất, các vụ cháy gây chết người thường hay xảy ra vào ban đêm như: Vụ cháy xảy ra rạng sáng 5/6/2021 tại căn nhà buôn bán đồ điện số 812 Quang Trung, thành phố Quảng Ngãi, làm 04 người trong một gia đình thiệt mạng gồm chồng, người vợ đang mang thai 6 tháng và 02 con nhỏ; chưa đầy hai tuần sau một vụ cháy tương tự cũng vào rạng sáng ngày 15/6/2021 tại ngôi nhà dùng làm phòng trà, số 146 đường Đinh Công Tráng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An làm 06 người chết, khi lực lượng chữa cháy tiếp cận thì cả 4 người trong gia đình vẫn nằm trên giường đã tử vong, không có biểu hiện của việc phát hiện ra cháy. Hay trước đó là vụ cháy vào khoảng 01 giờ sáng ngày 30/3/2021 tại căn nhà số 899 đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh làm chết 06 người, chỉ 01 người sống sót nhờ lực lượng chữa cháy phá tường cứu thoát kịp thời.

Có thể thấy những vụ cháy xảy ra vào ban đêm đã gây ra những hiểm họa thật khôn lường, vì trong lúc con người đang ngủ hầu như không thể nhận biết được, chưa kể thời điểm ngủ say, phòng bật máy lạnh đóng kín cửa thì càng không thể phát hiện ra có cháy; khói, khí độc từ đám cháy len lỏi vào phòng, cơ thể hít phải sẽ bị ngạt, lịm dần đi và dẫn đến tử vong. Nghiên cứu cho thấy trong sản phẩm cháy có nhiều khí độc hại có thể gây nguy hiểm cho hô hấp của con người như: Cácbonôxít(CO), Cacbonđiôxit(CO2), Lưu huỳnh điôxit(SO2), Nitơ ôxit(NO), Nitơ điôxit(NO2), Hiđrôclorua(HCl), Hiđrôxianua(HCN), Hiđrôsunphua(H2S)…, trong đó nguy hiểm nhất là khí CO chỉ với nồng độ 0,05% đã gây nguy hiểm với sự sống của con người, nếu 0,4% sẽ bị chết trong thời gian 05 phút, từ 8 – 10% con người nhanh chóng mất cảm giác và chết. Điều này giải thích vì sao khi xảy ra cháy nếu các gia đình không có phương án tự thoát nạn kịp thời thì khi lực lượng cứu hộ đến nơi đều đã quá trễ.

Thứ hai, cháy mặc dù xảy ra vào ban ngày, mọi người trong nhà sau đó đều nhận biết được nhưng do sản xuất, kinh doanh trữ chứa nhiều hàng hóa, các chất dễ cháy có tốc độ lan truyền quá nhanh nên đã không kịp thoát. Điển hình cho tai nạn kinh hoàng này chính vụ cháy tại ngôi nhà 03 tầng ở phường 1, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh vào lúc 17 giờ ngày 7/5/2021; căn nhà được kết hợp làm nơi sản xuất keo sáp, đèn cầy chứa nhiều dung môi hóa chất dễ cháy, sự việc xảy ra ngay khi một người sơ xuất làm đổ thùng hóa chất gặp nguồn lửa từ bếp khiến đám cháy nhanh chóng bùng lên và lan ra toàn bộ gian nhà; hơi nóng, khí độc xộc lên các tầng làm 08 người phải thiệt mạng vì không kịp thoát thân.

Thứ ba, đối với nhà nhiều tầng đám cháy thường xảy ra tại tầng trệt; đây là khu vực dễ xảy ra cháy nhất vì là nơi sinh hoạt hàng ngày, đun nấu, thắp hương thờ cùng (bàn thờ Thổ Địa, Thần Tài); nơi chứa nhiều thiết điện được sử dụng thường xuyên; đặc biệt đối với các hộ sản xuất, kinh doanh thì bao giờ cũng tận dụng tối đa mặt bằng để bày, bán, trữ chứa hàng hóa, thiết bị máy móc, thậm chí xếp cả trên hành lang, cầu thang, chỉ để một lối đi hẹp vào phía bên trong nhà; đường điện câu kéo phục vụ sản xuất, kinh doanh muôn thì hình vạn trạng, không bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, các hộ gia đình ở đô thị hầu như đều để các phương tiện như xe máy, ô tô ở tầng trệt, phòng khách, trong nhiều vụ cháy nguyên nhân đã phát sinh từ chính các phương tiện này.

Vụ cháy tại căn nhà số 812 Quang Trung, thành phố Quảng Ngãi (ảnh T.Trực): Tầng trệt trưng bày khối lượng lớn hàng hóa, để cả trên cầu thang.

Khi đám cháy phát sinh ở tầng trệt, ngọn lửa cùng với khói, khí độc sẽ nhanh chóng chặn lối ra duy nhất, nếu không còn lối ra nào khác thì các nạn nhân khó thoát khỏi cái chết. Điển hình là vụ cháy vào sáng ngày 4/4/2021 tại căn nhà 4 tầng kinh doanh bỉm sữa ở 311 phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội; mặc dù lực lượng chữa cháy đã có mặt khá kịp thời nhưng vẫn không thể cứu được các nạn nhân; 04 thi thể được tìm thấy trong tình trạng đã cố tìm cách thoát ra từ tầng tum nhưng lối ra đã bịt kín bằng khung sắt kiên cố.

Thứ tư, qua thống kê các vụ cháy nhà ở phần lớn phát sinh từ hệ thống điện. Đây chính là nguyên nhân gây cháy khó kiểm soát nhất bởi nhu cầu sử dụng điện là không thể thiếu, nó luôn thường trực; đáng chú ý các thiết bị điện ở trạng thái cấp nguồn 24/24 giờ (tủ lạnh, đèn thờ, máy đun nước, mô tơ cửa, thiết bị điện thông minh…) hoặc do thói quen sử dụng không ngắt hoàn toàn thiết bị ra khỏi nguồn điện (ti vi, máy lạnh…), quá trình sử dụng đến một thời điểm nào đó thiết bị bị lão hóa, xuống cấp hư hỏng dẫn đến phát sinh sự cố cháy, nổ.

Để có thể phòng ngừa hạn chế thấp nhất rủi ro và thiệt hại do cháy gây ra, cần chú ý một số vấn đề sau:

1. Lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy sớm: Đây là việc làm rất cần thiết, giúp chúng ta có thể phát hiện sớm và kịp thời xử lý dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh hoặc ít nhất giúp còn đủ thời gian để tìm các thoát thân. Tại các gian phòng, khu vực kinh doanh, buôn bán, trữ chứa hàng hóa nên lắp đặt các đầu báo cháy tự động cảm biến khói loại có dây hoặc không dây, có thể kết nối Wifi, kết nối với điện thoại thông minh hoặc có thể lắp đặt hệ thống báo cháy tích hợp với hệ thống camera giám sát của nhà; khi cháy thiết bị sẽ báo động toàn bộ ngôi nhà giúp mọi người có thể nhận biết xử lý.

2. Không trữ, chứa các chất có nguy cơ cháy, nổ cao như: Xăng dầu, dung môi pha sơn, hóa chất nguy hiểm, bình gas mini sử dụng một lần…; đối với nhà có sản xuất, kinh doanh cần bố trí thiết bị máy móc, sắp xếp hàng hóa gọn gàng, ngăn nắp, tạo lối đi thuận lợi, thông thoáng; cần thiết phải bố trí khu sản xuất, kinh doanh cách ly ngăn cháy, ngăn khói đối với khu vực ở của gia đình, phòng ngủ không nên bố trí bên trong hay trên các phòng chứa hàng hóa; đây cũng là điều kiện an toàn về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh được quy định trong Luật phòng cháy và chữa cháy.

3. Bố trí lối thoát nạn thứ hai cho ngôi nhà: Trước hết đối với cửa chính của ngôi nhà cần được lắp đặt để làm sao có thể mở được nhanh nhất đặc biệt chú ý khi sử dụng cửa cuốn, đây là loại cửa thao tác mở rất chậm, chưa kể khi cháy sẽ mất điện không vận hành được. Tiếp đến tính toán bố trí lối ra khẩn cấp qua mái nhà, ban công, lên sân thượng… mà bất kỳ thành viên nào trong nhà có thể dễ dàng thao tác mở lối để thoát nạn ngay cả trong tình huống hoảng loạn.

4. Loại trừ nguy cơ sự cố từ hệ thống, thiết bị điện: Bên cạnh phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng sửa chữa, thay thế hệ thống, thiết bị điện để phòng ngừa sự cố, cần chú ý ngắt các thiết bị điện không cần thiết phải cấp nguồn 24/24h khi không có nhu cầu sử dụng hay trước khi đi ngủ; nên đặt các thiết bị điện ở vị trí cô lập mà khi xảy ra sự cố không thể cháy lan sang các vật dụng, hàng hóa khác trong nhà dẫn đến cháy lớn…; cầu dao, aptomat phải phù hợp với dây dẫn diện; nên sử dụng các thiết bị bảo vệ chống rò điện, sử dụng các ổ cắm an toàn có tích hợp cầu chì chất liệu chống cháy; điện thoại, laptop, các phương tiện có pin, ắc quy cần hết sức thận trọng kiểm soát trong quá trình sử dụng, sạc nạp điện, bởi chúng đã từng bị sự cố gây ra không ít vụ cháy nổ trong thời gian qua.

Ngoài ra cần ghi nhớ các khuyến cáo an toàn trong sử dụng bếp, bình gas, thắp hương thờ cúng, an toàn khi sử dụng các hóa chất dễ cháy; ghi nhớ các số máy của lượng lực cứu nạn, cứu hộ ở địa phương, kể cả của hàng xóm, láng giềng cạnh nhà để khi cần thiết có sự trợ giúp kịp thời. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án xử lý, thoát nạn khi xảy ra cháy tại ngôi nhà của mình; trang bị cho mỗi thành viên một khẩu trang lọc độc, đặt các bình chữa cháy, vật dụng (búa, rìu, xà beng,…) tại các vị trí thích hợp để kịp thời chữa cháy, phá dỡ để thoát nạn trong tình huống khẩn cấp./.

Huy Thông

Từ khóa » Chuyện Gì Xảy Ra Khi Trường đại Học Bị Cháy