Một Số Bệnh Dị ứng Hay Gặp ở Trẻ Em Và Cách Xử Trí

Thời tiết đang giao mùa, là cơ hội cho các chứng bệnh dị ứng phát triển và gia tăng.

Để dị ứng xuất hiện cần phải có một tác nhân gây bệnh và tác nhân gây dị ứng được gọi là dị nguyên. Đây là những chất có tính kháng nguyên, khi vào cơ thể sẽ sinh ra các dị ứng ở những bệnh nhân có yếu tố di truyền, cơ địa dị ứng trong môi trường sống và sản xuất. Tuy nhiên, trong cơ thể chúng ta cũng có những kháng thể có tên IgE làm nhiệm vụ chống lại những loại dị nguyên xâm nhập. Khi 2 loại này gặp nhau sẽ tạo ra một phức hợp tổ hợp kháng nguyên và sinh ra một loại chất gọi là histamin. Chất histamin sẽ sinh ra ngoài cơ thể người bệnh những triệu chứng ngứa, sưng đỏ ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể như: Các phản ứng hắt hơi, chảy nước mắt, nước mũi... xảy ra ở niêm mạc miệng, niêm mạc mắt, niêm mạc mũi. Ở đường hô hấp sẽ xảy ra viêm tai, viêm xoang... Ở phổi và phế quản sẽ gây bệnh hen suyễn, sưng phù các đường thở, có thể gây tắc thở. Ở da sẽ có những biểu hiện như: mạch máu sưng to gây ra hiện tượng ngứa ngáy, nổi mề đay. Biểu hiện ở ruột gây tiêu chảy.

Và khi các biểu hiện này không được điều trị mà để tiếp diễn nhiều lần thì phản ứng dị ứng sẽ xảy ra càng lúc càng nhiều và cuối cùng có thể dẫn đến một phản ứng rất nguy hiểm chính là sốc phản vệ. Đây là một phản ứng cơ thể cực kỳ nguy hiểm, bắt buộc người bệnh phải được cấp cứu ngay lập tức.

mot-so-benh-di-ung-hay-gap-o-tre-em-va-cach-xu-tri-1

Viêm mũi dị ứng rất hay gặp ở trẻ, nhất là khi thời tiết giao mùa.

Dấu hiệu nhận biết bé đang bị ứng

Dị ứng có thể bị di truyền từ thế hệ này đến thế hệ kia. Nếu trong gia đình có cha mẹ hoặc mẹ bị dị ứng thì đứa trẻ sinh ra có khoảng 30% sẽ bị dị ứng. Và nếu cả cha lẫn mẹ đều bị dị ứng thì tỷ lệ đứa trẻ sinh ra bị dị ứng sẽ tăng lên gấp đôi (60%). Do đó, với những cha, mẹ có tiền sử bị dị ứng thì hãy lưu tâm đến bé bởi khả năng bé bị dị ứng là rất cao.

Trong 6 tháng đầu đời, cha mẹ sẽ rất khó phát hiện được các triệu chứng con bị dị ứng bởi hệ miễn dịch của con vẫn đang sử dụng từ bố mẹ (được truyền qua trong quá trình mang thai) nên những biểu hiện dị ứng thường nhẹ. Những trường hợp trẻ bị dị ứng nặng mới có những biểu hiện sớm như: Khi bé từ 1 - 2 tháng tuổi da bé thường bị khô ráp. Khi bé từ 2 tháng tuổi trở lên thì da mặt bé thường bị ửng hồng, hai bên má xuất hiện những đốm đỏ, các khe tay - chân thường khô ráp, hay bị ngứa. Khi bé từ 6 tháng trở lên thì các triệu chứng sẽ bắt đầu nặng dần lên.

Những bệnh dị ứng hay gặp ở trẻ

Viêm da cơ địa (chàm thể tạng): Bệnh xuất hiện các mụn nước nhỏ li ti tập trung trên vùng da đỏ ở vùng mặt, cánh tay hoặc rải rác toàn thân. Các mụn nước thường gây ngứa rát, khi vỡ chảy dịch đồng thời là đường vào của vi khuẩn gây các bệnh nhiễm khuẩn ở trẻ. Bệnh có thể tái phát sau nhiều năm hoặc biến mất hoàn toàn.

Hen phế quản: Là tình trạng viêm mạn tính đường thở của trẻ và phản ứng quá mức với các tác nhân bên ngoài. Trẻ cần được khám loại trừ hen nếu trẻ có trên một trong các triệu chứng: nặng ngực, ho, khò khè, khó thở tái diễn nhiều lần. Các nguyên nhân khởi phát hoặc làm nặng cơn hen hay gặp gồm có: Hoạt động thể lực gắng sức, khói bụi, phấn hoa và các dị nguyên đường hô hấp, thức ăn khác, thuốc, nhiễm trùng hô hấp, viêm mũi dị ứng. Bệnh hen phế quản ngày càng phổ biến ở trẻ em, trẻ có các cơn khó thở dẫn tới giới hạn hoạt động của trẻ như học tập và giải trí, mất ngủ, thậm chí ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe nếu không được kiểm soát tốt.

Viêm mũi dị ứng và viêm kết mạc dị ứng: Viêm mũi dị ứng là bệnh dị ứng rất hay gặp ở trẻ, tuy triệu chứng không nặng nề nhưng thường dai dẳng, gây khó chịu cho trẻ. Các triệu chứng bao gồm: hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi và ngạt mũi khiến trẻ thường xuyên gãi mũi, thở bằng miệng và ngủ không yên giấc. Trong khi đó, trẻ bị viêm kết mạc dị ứng sẽ bị ngứa mắt, hay thấy trẻ dụi mắt, chảy nước mắt. Triệu chứng viêm mũi dị ứng hoặc viêm kết mạc dị ứng thường xuất hiện tái diễn theo mùa trong năm hoặc quanh năm.

Dị ứng thức ăn: Có thể khởi phát ở trẻ bú mẹ (dị ứng sữa) hoặc khởi phát muộn ở trẻ lớn tuổi hơn và có thể gặp ở bất kỳ thực phẩm nào, tuy nhiên hay gặp ở các loại thức ăn từ: lạc, các loại hạt quả, cá, tôm, trứng, đậu nành, sữa và lúa mì. Triệu chứng xuất hiện sau khi trẻ ăn từ vài phút đến vài giờ, bao gồm: ngứa rát, phù nề lưỡi hoặc miệng, ban đỏ có thể rải rác toàn thân kèm ngứa; buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng; trong trường hợp nặng có thể có khó thở, tụt huyết áp và mất ý thức, đe dọa tính mạng.

Mày đay cấp và mạn: Mày đay là tình trạng ban đỏ ngứa xuất hiện rải rác trên da do nguyên nhân dị ứng, các ban này xuất hiện trong thời gian ngắn (mày đay cấp) hoặc tái diễn kéo dài trên 6 tuần (mày đay mạn). Mày đay xuất hiện đơn độc sau khi cơ thể tiếp xúc dị nguyên lạ hoặc xuất hiện trong hoàn cảnh các bệnh lý dị ứng nói trên.

Khi trẻ có dấu hiệu dị ứng thì nên đưa trẻ đi khám để được tư vấn và dùng thuốc cụ thể, tránh tình trạng bệnh nặng lên. Không nên tự ý mua thuốc cho trẻ dùng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Nguồn SKĐS

Từ khóa » Cách Chữa Bệnh Dị ứng ở Trẻ Em