Một Số Bệnh Thường Gặp Có Liên Quan đến Nguồn Nước Bị ô Nhiễm

Nước dùng trong sinh hoạt bị nhiễm bẩn sẽ gây bệnh cho người khi tắm rửa, giặt giũ, sử dụng nước để chế biến thức ăn,… và một số bệnh thường gặp như:

Viêm ruột:thường kéo dài 24 - 72 giờ kèm theo buồn nôn, nôn mữa, tiêu chảy. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, trầm trọng nhất là ở trẻ nhỏ và người già khi bị bệnh thì tình trạng mất nước và rối loạn cân bằng điện giải có thể xảy ra nhanh chóng và đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.

Bệnh tả: là bệnh truyền nhiễm cấp tính do phẩy khuẩn tả (Vibrrio Cholerae) gây ra và bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá. Bệnh có biểu hiện là đi tiêu phân lỏng nhiều, ói nhiều lần,... sẽ nhanh chóng mất nước - điện giải, truỵ tim mạch, suy kiệt và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh có thể gây thành dịch, bệnh thường xảy ra vào mùa hè, sau những đợt thiên tai lớn (bão, lụt,..) và ở những nơi có vệ sinh kém, không đủ nước sạch cung cấp, xử lý phân, rác chưa tốt,...

Bệnh thương hàn: là bệnh nhiễm trùng toàn thân do Salmonella Typhi hoặc Salmonella Patatyphi A, B, C gây ra. Bệnh lây qua đường tiêu hoá và có đặc điểm lâm sàng là sốt kéo dài, gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết tiêu hóa, viêm não, nhiễm trùng huyết,... Đa số các trường hợp mắc phải là do ăn, uống phải các loại thực phẩm mang vi trùng, nước sinh hoạt bị nhiễm phân có vi khuẩn thương hàn không được nấu chín, hoặc do ăn phải thức ăn tươi sống được rửa bằng nguồn nước đã bị nhiễm khuẩn thương hàn.

Bệnh lỵ trực khuẩn: là bệnh viêm đại tràng cấp tính gây ra bởi vi khuẩn Shigella. Bệnh lây qua đường tiêu hoá theo cơ chế phân - miệng hoặc từ người sang người hoặc từ bàn tay bẩn nhiễm khuẩn, lây gián tiếp chủ yếu qua nước uống, thức ăn. Ở nước ta, nước uống là trung gian truyền bệnh tả, lỵ hàng đầu do nước không được đun sôi trước khi uống,…

Bệnh lỵ Amib: gây ra do vi khuẩn Etamoeba Histolytica. Tổn thương xảy ra chủ yếu ở đại tràng (bệnh lỵ Amib) và có thể ngoài đại tràng (bệnh Amib ở gan, phổi, não, da,...). Kén Amib nhiễm vào người qua đường tiêu hoá, qua ăn rau sống, uống nước lã,...

Nhiễm giun: bệnh do giun đũa, giun tóc, giun kim,… lây truyền qua nước. Do phân có mang ấu trùng của giun nhiễm vào nước gặp điều kiện thuận lợi thì nhiễm qua người. Bệnh thường gặp ở trẻ em, do đi chân đất hoặc chơi đùa dưới đất,... Ấu trùng của các loại giun này sẽ chui vào ruột, mật, não, mắt,... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Các bệnh nêu trên gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và môi trường cộng đồng. Vì vậy, công tác xử lý và khử trùng nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong các nhà máy nước. Điều này góp phần tích cực trong việc ngăn ngừa các vi sinh vật xâm nhập vào nguồn nước, hạn chế tối đa các bệnh lây truyền qua nguồn nước, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ nguồn nước. Đồng thời, mỗi cá nhân phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường như không vứt rác, đổ chất thải bừa bãi; nên sử dụng nguồn nước sạch; cần chú ý hơn việc sử dụng nguồn thực phẩm, rau tươi, hoa quả bảo đảm chất lượng, không có thuốc trừ sâu; rửa rau quả dưới vòi nước chảy để loại trừ trứng giun sán và các chất ô nhiễm; ăn chín, uống chín,... Bên cạnh đó, mỗi người phải tự đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và chữa bệnh kịp thời.

Từ khóa » Các Bệnh Liên Quan đến ô Nhiễm Nguồn Nước