Một Số Biến đổi Của Nhà Nước Và Pháp Luật Trong Bối Cảnh Toàn Cầu ...
Có thể bạn quan tâm
11 quốc gia trong đó có Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại thủ đô Santiago - Chile hôm 8-3. Ảnh: Reuters |
1. Biến đổi của nhà nước trong thế giới toàn cầu hóa từ góc độ chức năng của nhà nước
1.1 Sự phổ biến của các mô hình nhà nước
Mô hình nhà nước hiện đại được hình thành vào cuối thế kỷ XVIII-XIX ở các nước phương Tây và dần phổ biến với tư cách tổ chức quyền lực chính trị đặc biệt. Theo đó, nhà nước được thiết lập từ một cộng đồng người, có bộ máy được cấu trúc chặt chẽ, khoa học để quản lý, cai trị dân cư trên một lãnh thổ xác định. Trong phạm vi lãnh thổ xác định với khối cư dân tương đối ổn định đó, nhà nước giữ độc quyền cưỡng chế(1). Mô hình nhà nước dựa trên ba thành tố này được phổ biến khắp thế giới và phạm vi can thiệp của nhà nước không ngừng được mở rộng. Đỉnh điểm của xu hướng này là sự lên ngôi của nhà nước phúc lợi, nhưng chính mô hình nhà nước này cũng lâm vào khủng hoảng vào cuối thế kỷ XX dưới sự tác động của các nhân tố kinh tế (gánh nặng nợ công do quá trình mở rộng các dịch vụ công và phúc lợi xã hội) và chính trị (đòi hỏi về hiệu quả trong quản trị quốc gia), dẫn tới sự đánh giá lại vai trò, vị trí của nhà nước. Toàn cầu hóa đặt ra những câu hỏi về tính thích đáng của mô hình nhà nước đã tồn tại hàng trăm năm.
1.2 Sự tăng cường của các mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau
Toàn cầu hóa dẫn tới sự suy giảm phạm vi hoạt động của nhà nước do sự xuất hiện và phát triển của các chủ thể mới - thậm chí còn có tiềm lực và sức mạnh lớn hơn cả nhà nước. Bối cảnh này buộc nhà nước phải hoạt động trong một cấu trúc thể chế mới, tuân thủ một số giá trị chung (dân chủ, pháp quyền, quyền con người…). Bởi vì một số thiết chế quốc tế vượt lên cả quyền lực của nhà nước: sự củng cố và lớn mạnh của trật tự đa quốc gia ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh và chủ quyền nhà nước. Nhà nước theo đó phải chịu những ràng buộc và phải chia sẻ quyền lực với các chủ thể mới, logic đa quốc gia đòi hỏi tìm kiếm sự thỏa thuận thay vì cơ chế mệnh lệnh - phục tùng truyền thống. Nhà nước như vậy buộc phải cạnh tranh với các chủ thể kinh tế mới như các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh, nhưng cũng có thể với cả các tổ chức phi chính phủ, thậm chí là các mạng lưới đa quốc gia đủ mọi loại hình… Các nhân tố và chủ thể mới phát triển và cạnh tranh với nhà nước trong tiến trình ra các quyết định mang tầm quốc tế. Nhà nước phải đối diện phong trào khu vực hóa và đa phương hóa, các tổ chức hội nhập kinh tế khu vực được hình thành như Alena, Mercosur, Asean… và các thực thể siêu quốc gia như Liên minh châu Âu, phát triển và mở rộng không ngừng lĩnh vực hoạt động và thẩm quyền, tới mức xâm lấn một số đặc thù vốn có của quyền lực nhà nước.
1.3 Sự xáo trộn các chức năng nhà nước
Quá trình toàn cầu hóa đưa đến sự cần thiết phải hợp tác giữa các nhà nước, điều này dẫn tới sự đảo lộn tổng thể các chức năng của nhà nước.
Nhà nước vẫn hiện diện mạnh mẽ trong đời sống xã hội, nhưng vai trò và vị trí của nó đã khác trước. Mặc dù nhà nước vẫn là thực thể bảo đảm sự gắn kết xã hội và đảm bảo an ninh, nhưng hoạt động này đã phải tiến hành trong một khuôn khổ khác trước, nhà nước phải điều đình, dàn xếp với các chủ thể khác để giải quyết nhiều công việc thay vì áp đặt một chiều bằng các mệnh lệnh hành chính. Có thể thấy, vai trò và vị trí của nhà nước trong các mối quan hệ xã hội đã thay đổi, nhà nước không còn là bề trên mà trở thành đối tác của các chủ thể khác, đây chính là quan niệm mới về nhà nước, quan niệm hậu hiện đại.
Với tư cách là một chủ thể kinh tế, nhà nước phải chịu những biến đổi sâu rộng: các chính sách tư hữu hóa tác động làm kìm hãm các dịch vụ công kinh tế, trong khi đó sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa là dấu chấm hết cho mô hình kinh tế chỉ huy. Nhà nước chỉ còn đơn thuần là người điều hành và là trọng tài của sự vận hành kinh tế, trong lĩnh vực này nhà nước cũng phải điều đình, phối hợp, hợp tác với các chủ thể mới.
Cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, dưới sự tác động của xu hướng khủng hoảng ngân sách và nợ công, nhà nước buộc phải chuyển từ mô hình nhà nước phúc lợi sang mô hình nhà nước điều tiết. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhà nước đóng vai trò ổn định và hoạch định kinh tế vĩ mô, tái thiết quốc gia và tái phân phối, cung cấp phúc lợi cho công dân. Để đảm đương được vai trò này, nhà nước cần kiểm soát nguồn lực thông qua vai trò sở hữu những ngành công nghiệp quan trọng, can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế. Từ những năm 1970, vai trò này của nhà nước giảm sút do lạm phát, thất nghiệp, quá tải ngân sách. Do vậy, quá trình tư nhân hóa xuất hiện và chuyển đổi vai trò cung cấp dịch vụ từ công quyền sang khu vực tư. Quá trình này đòi hỏi sự giám sát của bên thứ ba và sự tham gia của khối tư nhân vào việc hoạch định và thực thi chính sách. Nhà nước phải tạo điều kiện cho chủ thể mới ngoài nhà nước tham gia cuộc chơi, luật chơi. Điều này buộc nhà nước phải chuyển đổi mô hình từ nhà nước mệnh lệnh, nhà nước phúc lợi sang nhà nước điều tiết(2).
Những năm 1970 ở châu Âu, trước thách thức của cạnh tranh quốc tế và gánh nặng tài chính ngày càng tăng của mô hình nhà nước phúc lợi, các quốc gia châu Âu đã buộc phải chuyển đổi mô hình quản trị, theo đó giảm vai trò chủ động, can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế và gia tăng vai trò của nhà nước điều tiết – đặt ra luật chơi thay vì đánh thuế và chi tiêu(3). Nhà nước buộc phải tìm kiếm các nguồn lực khác từ thị trường, kêu gọi sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước. Có quan điểm cho rằng mô hình quản trị truyền thống dựa trên các quy tắc do giới chuyên gia xây dựng (hay còn gọi là mô hình quản trị theo chế độ đại diện lợi ích) cần phải được thay thế bằng một mô hình mới – mô hình quản trị hợp tác. Theo đó, mô hình này đòi hỏi sự tham gia rộng rãi, linh hoạt của các chủ thể và chia sẻ thông tin, chia sẻ trách nhiệm giữa chủ thể công (nhà nước) và các chủ thể tư trong việc xây dựng và điều chỉnh các quy tắc, quy định (lập quy hay còn gọi là điều tiết – Regulatory). Nhà nước thu hút sự tham gia của các chủ thể khác vào việc lập quy như là một nhiệm vụ quan trọng, vì những nhóm bên ngoài nhà nước có thể đóng góp năng lực cho quá trình lập quy, điều tiết các quan hệ xã hội(4). Giới khoa học đề xuất một mô hình quản trị công mới thể hiện nỗ lực nhận thức lại về mối quan hệ giữa nhà nước – kẻ cai trị và kẻ bị trị trong xã hội(5). Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự chuyển dịch sang mô hình nhà nước điều tiết là tác động của quá trình toàn cầu hóa dẫn đến sự thay đổi không gian, đối tượng điều tiết của nhà nước từ trong phạm vi quốc gia đến toàn cầu và sự thay đổi cách thức tác động đến thị trường toàn cầu hóa do sự phát triển của khoa học và công nghệ.
1.4 Giảm bớt tính đặc thù của nhà nước
Sự phân chia truyền thống giữa hai lĩnh vực công pháp và tư pháp như là một mô hình chuẩn tắc có xu hướng mờ nhạt đi, ảnh hưởng tới thành tố truyền thống mang tính biểu tượng của nhà nước.
Một mặt, lý thuyết “lợi ích công cộng” - dựa trên đó nhà nước tạo lập tính chính danh của mình đã phần nào mất đi sức mạnh của nó: bộ máy hành chính không còn hành động vì lợi ích công cộng, mà phải chứng minh tính hiệu quả của hoạt động, tính hiệu quả này diễn ra thông qua việc tạo dựng một hình thức quản trị công mới, dựa trên mô hình quản trị của doanh nghiệp tư nhân - hướng tới mục tiêu hiệu quả và chất lượng. Qua đó, một số chính sách cải cách hành chính được tiến hành để tạo điều kiện cho việc đánh giá và hợp lý hóa các lựa chọn ngân sách, dẫn đến hình thức quản trị công mới phải dựa theo mô hình doanh nghiệp như các công cụ kiểm toán, các cơ quan hành chính giám sát hiệu suất quản trị...(6).
1.5 Sự xé nhỏ của cấu trúc nhà nước
Nhà nước vốn dựa trên một nguyên tắc thống nhất về bộ máy có cấu trúc chặt chẽ, thống nhất từ trên xuống dưới, nhưng trước đòi hỏi của tình hình mới, phải có những thay đổi trong quản trị nhà nước. Nguyên tắc này của nhà nước đơn nhất bị lung lay bởi xu hướng phi tập trung hóa và tản quyền, phân tán quyền lực từ nhà nước trung ương đến các đơn vị hành chính và từ nhà nước đến các chủ thể phi nhà nước. Ví dụ điển hình nhất là việc trao cho chính quyền địa phương những thẩm quyền rộng lớn, thậm chí là xu hướng tự trị địa phương ở châu Âu với Hiến chương về tự quản địa phương(7), xu hướng này đôi khi được nhìn nhận như một hình thức của chủ nghĩa liên bang.
Nhà nước và pháp luật là hai thực thể có liên hệ chặt chẽ không thể tách rời. Nhà nước hành động thông qua pháp luật, xây dựng và ban hành các quy tắc mang tính bắt buộc và được bảo đảm thực thi chúng bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước. Nhà nước là một thực thể pháp lý, được quản lý và điều hành bằng pháp luật và tốt hơn nếu nhà nước được kiềm chế, kiểm soát bằng pháp luật. Sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước và pháp luật mạnh mẽ đến mức một số nhà lý luận pháp luật đã khẳng định sự đồng nhất tuyệt đối của nhà nước và pháp luật, tạo nên một “trật tự cưỡng chế”(8) duy nhất.
2. Một số biến đổi của pháp luật trong bối cảnh toàn cầu hóa
Pháp luật truyền thống được hình thành dựa trên quan niệm mang tính nhất nguyên: nhà nước là cội nguồn duy nhất của pháp luật, là chủ thể có được độc quyền xác định quy phạm pháp luật, xây dựng nên một trật tự pháp lý thống nhất, logic, hợp lý.
Tuy nhiên, với sự tác động của toàn cầu hóa, nhà nước không còn xuất hiện như là cội nguồn duy nhất của pháp luật, là thiết chế duy nhất của điều chỉnh pháp luật, xuất hiện những chủ thể mới của sản xuất pháp luật. Bên cạnh pháp luật nhà nước dần hình thành các cơ chế sản sinh pháp luật khác. Dưới góc độ lý luận về pháp luật thì đây là xu hướng đa nguyên về nguồn pháp luật. Từ quan niệm nguồn pháp luật phải gắn chặt với nhà nước - nguồn pháp luật là nơi chứa đựng quy phạm (nguồn hình thức) sang nguồn pháp luật là nơi xuất phát, khởi nguyên của pháp luật (nguồn nội dung). Sự đa dạng về nguồn pháp luật thay thế cho quan niệm nhất nguyên truyền thống.
2.1 Luật pháp hình thành ngoài khuôn khổ nhà nước
Quan niệm truyền thống về pháp luật dựa trên nguyên tắc chủ quyền, nhà nước như là nguồn độc quyền của pháp luật: công pháp quốc tế được tạo ra như một thứ luật pháp liên nhà nước, dựa trên sự thỏa thuận của các nhà nước(9); tư pháp quốc tế được coi như là sản phẩm từ sáng kiến của các nhà nước khác nhau, mỗi nhà nước tự mình xác định các quy phạm có thể áp dụng trong trường hợp xung đột pháp luật hoặc xung đột thẩm quyền.
Mô hình truyền thống này dần bị lạc hậu do sự tác động của toàn cầu hóa: sự vận hành của một thị trường ngày càng toàn cầu hóa đòi hỏi việc thiết lập các quy tắc mới phù hợp với các đòi hỏi của các chủ thể của toàn cầu hóa (các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, các tổ chức quốc tế…), những quy định này không thể chỉ là sản phẩm của riêng nhà nước.
Do đó, một thứ pháp luật mới được tạo ra bên cạnh luật pháp truyền thống có nguồn gốc nhà nước để đáp ứng những thách thức của toàn cầu hóa.
Thứ nhất, quá trình toàn cầu hóa tất yếu sẽ dẫn tới sự xuất hiện một thứ “luật pháp toàn cầu”, được thiết kế, xây dựng và thực hiện ngoài khuôn khổ nhà nước: sự trao đổi giữa các chủ thể kinh tế quốc tế sẽ dẫn tới sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn sự hình thành các quy định mới cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp phi nhà nước.
Thứ hai, pháp luật toàn cầu hóa được hình thành từ các thông lệ thương mại quốc tế(10), các thực tiễn pháp lý quốc tế từng bước được hợp nhất thông qua sự trao đổi, giao thương của các chủ thể kinh tế quốc tế, các thông lệ thương mại này được hình thành dựa trên sự đồng thuận của các bên.
Thứ ba, trong lĩnh vực thương mại quốc tế, phương thức điều chỉnh pháp luật truyền thống biểu hiện qua việc nhà nước áp đặt cho các doanh nghiệp và công dân của mình các chuẩn mực có xu hướng nhường chỗ cho phương thức “cùng điều chỉnh” (các bộ quy tắc ứng xử do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD và Tổ chức lao động quốc tế - ILO thông qua) hay thậm chí là “tự điều chỉnh” như các thỏa ước về đạo đức và trách nhiệm xã hội do các doanh nghiệp tự đặt ra. Chúng ta ghi nhận xu hướng này qua các chủ đề pháp luật như “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, “kinh doanh có đạo đức” nhằm hướng tới việc bảo đảm cho người tiêu dùng các chuẩn mực như tôn trọng nhân quyền, các quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường…
Thứ tư, biểu hiện của dạng “pháp luật” ngoài nhà nước còn là các dạng quy chuẩn do các hiệp hội nghề nghiệp đặt ra như: Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế ISO do Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (một tổ chức phi chính phủ) xác lập ra các tiêu chuẩn công nghiệp và thương mại trên toàn thế giới, có giá trị “ràng buộc” hơn cả các tiêu chuẩn quốc gia; quy chuẩn về kế toán do Hội đồng quốc tế về quy chuẩn kế toán – International Accounting Standards Board (IASB) đưa ra nhằm “tạo ra một tập hợp thống nhất các chuẩn mực quốc tế chất lượng cao” đề xuất cho các doanh nghiệp áp dụng…
Việc sử dụng trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại cũng là một biểu hiện dễ thấy của hiện tượng pháp luật được hình thành ngoài khuôn khổ ngoài nhà nước.
2.2. Mở rộng và gia tăng điều chỉnh bằng pháp luật quốc tế
Quan niệm truyền thống xem luật quốc tế được tạo nên từ các cam kết tự nguyện giữa các quốc gia - nhà nước, được xây dựng hoàn toàn tương thích với nguyên tắc chủ quyền nhà nước - chủ quyền tối thượng, dẫn đến việc nhà nước không thể bị ràng buộc nếu nó không mong muốn. Tuy nhiên, cách nhìn truyền thống này dần thay đổi trong bối cảnh ngày nay. Dù được tạo nên thông qua sự cam kết tự nguyện giữa các quốc gia thành viên, nhưng một khi đã được thiết lập và đi vào hoạt động thì các thiết chế liên nhà nước này có được hoạt động và ảnh hưởng vượt ra ngoài ý chí của các thành niên đã tạo ra nó, cùng với đó là các quy tắc luật pháp có tính ràng buộc với các quốc gia thành viên. Liên minh châu Âu hiện đã có những cơ chế ảnh hưởng sâu rộng nhất trong số các hệ thống hội nhập khu vực hiện nay, trong đó Ủy ban châu Âu vừa là cơ quan hành pháp vừa là cơ quan hành chính của EU. Ủy ban này có quyền đưa ra sáng kiến, có nghĩa là quyền đưa ra dự thảo luật của EU, đồng thời thực hiện nhiệm vụ giám sát các quốc gia thành viên thực hiện luật của EU. Từ đó, có thể khiển trách một quốc gia thành viên bằng các yêu cầu chấm dứt vi phạm, hoặc đưa vấn đề ra Tòa án Công lý châu Âu (European Court of Justice). Tòa án này có nhiệm vụ giải thích luật Liên minh châu Âu và đảm bảo việc áp dụng luật Liên minh châu Âu một cách công bằng đối với tất cả các quốc gia thành viên. Như vậy, các thể chế quốc tế có thể thực hiện sự áp đặt đối với các quốc gia thiếu quản lý hay chưa tuân thủ hệ thống quốc tế; có thể sử dụng lực lượng và quyền lực được trao bởi nhà nước thành viên để đạt mục tiêu của mình. Ở một chừng mực nhất định, các luật lệ, chuẩn mực và thủ tục được hình thành bởi các thể chế quốc tế sẽ thay thế ở mức độ nào đó luật pháp quốc gia.
2.3 Luật pháp hình thành từ các thiết chế thấp hơn nhà nước
Sự thống nhất của cơ chế điều chỉnh pháp lý nhà nước vốn được bảo đảm bằng trật tự quy phạm pháp luật: quy phạm pháp luật ở cấp thấp hơn phải phù hợp và tuân thủ quy phạm có hiệu lực cao hơn. Việc tuân thủ trật tự quy phạm pháp luật được đảm bảo bằng cơ chế hành chính và cả bằng tố tụng (tòa án hành chính, tòa án bảo hiến). Sự thống nhất của các quy định pháp lý nhà nước dựa trên việc xây dựng thống nhất của bộ máy nhà nước. Việc trao cho chính quyền địa phương ngày càng nhiều quyền hạn dẫn tới việc tăng cường năng lực pháp lý cho các thể chế này. Xu hướng tự chủ địa phương dẫn tới việc trao cho chính quyền địa phương các chức năng điều chỉnh pháp luật vốn trước đây thuộc nhà nước trung ương.
2.4 Sự phổ biến của nhà nước pháp quyền, sự trỗi dậy của xã hội luật pháp và xu hướng tư pháp hóa
Toàn cầu hóa thúc đẩy sự phổ biến của các luồng tư tưởng về nhà nước và pháp luật. Một trong những biểu hiện rõ nét của hiện tượng này là sự phổ biến của mô hình nhà nước pháp quyền từ những năm 1990 dẫn tới việc trao cho pháp luật vị trí ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội. Pháp luật hiện diện ở khắp nơi: pháp luật không chỉ là phương tiện quản lý đời sống xã hội, điều chỉnh quan hệ giữa các cá nhân mà còn thiết lập nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc, kiểm soát, hạn chế quyền lực nhà nước nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Điều này dẫn tới xu hướng phổ biến ở nhiều quốc gia là sự bùng nổ của các quy phạm và quy tắc pháp lý liên quan tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở Việt Nam vẫn thường gọi đây là hiện tượng “có cả một rừng luật”(11), với sự xuất hiện ngày càng nhiều quy định pháp luật, nhiều khi chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Xu hướng “lạm phát pháp luật” khiến cho pháp luật đánh mất hiệu quả điều chỉnh xã hội vốn có của nó. Việc gia tăng các quy phạm pháp luật có nguy cơ làm cho hệ thống pháp luật trở nên phức tạp, thành một trở lực cho việc tiếp cận, nắm bắt và hiểu rõ pháp luật của những người chịu trách nhiệm thực thi pháp luật cũng như chính công dân. Khi các chủ thể này không nắm bắt và hiểu rõ pháp luật một cách xác đáng thì họ không thể hành xử theo các quy tắc, chuẩn mực đã được pháp luật đề ra.
Trong thế giới toàn cầu hóa, vai trò của pháp luật ngày càng được mở rộng, các văn bản pháp luật bùng nổ với đối tượng điều chỉnh không ngừng được mở rộng và đa dạng hóa, các quy định pháp luật chuyển tải ngày một chi tiết và cụ thể. Chúng ta đang chứng kiến tiến trình “quy phạm hóa không ngừng các hành xử”. Theo đó, quy phạm pháp luật trở thành công cụ ưu tiên trong điều chỉnh, định hướng các hoạt động cá nhân và cộng đồng. Trong một thời gian dài sự chuyển đổi này được xem như là một sản phẩm phái sinh từ sự trỗi dậy của mô hình nhà nước phúc lợi tại các nước phương Tây; pháp luật được quan niệm như là một công cụ phục vụ nhà nước, phục vụ cho việc thực thi chính sách công, luật pháp bùng nổ để phục vụ sự bành trướng nhà nước.
Ngoài ra, mô hình nhà nước pháp quyền dành cho tư pháp (thẩm phán) một vị trí lớn trong việc đảm bảo tính thượng tôn pháp luật(12). Tòa án có xu hướng trở thành nơi cầu viện tối cao, được trao cho chức năng giải quyết mọi vấn đề khúc mắc của xã hội. Một số học giả gọi đây là xu hướng tư pháp hóa(13) xã hội, hiện tượng gắn liền với sự trỗi dậy của nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Dĩ nhiên, xu hướng này tự thân nó có những giới hạn: luật pháp không mang tới giải pháp cho mọi vấn đề.
TS. Nguyễn Văn Quân - Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội
ThS. Đào Thu Hà - Khoa Luật, Đại học Kinh tế quốc dân.
------------------------
Ghi chú:
(1) Hans Kelsen, General Theory of Law and State, Harvard University Press, 1949 Sđd, tr.181.
(2) Michael Moran (2000), The Frank Stacey Memorial Lecture: From Command State to Regulatory State? Public Policy and Administration, vol 15, no 4.
(3) Xem: Giandomenico Majone (1997), From Positive State to The Regulatory State: Cause And Consequence Of Changes In Modern Governance, Journal of Public Policy, Vol. 17, No. 2, pp. 139-167; John Braithwaite (2006), The Regulatory State?, trong R. A. W. Rhodes, Sarah A. Binder and Bert A. Rockman (eds), The Oxford Hanbook of Political Institutions, Oxford University Press, chapter 21.
(4) Jody Freeman (1997), Collaborative Governance in the Administrative State, 45 UCLA L. REV. 1, 3.
(5) Jason M. Solomon (2008), Law and Governance in the 21st Century Regulatory State, Texas Law Review, Vol. 86.
(6) John Pitseys, Le concept de gouvernance, Revue interdisciplinaire d’études juridiques, 2000, volume 62, tr. 221.
(7) Hiến chương Châu Âu về chính quyền tự quản địa phương, Strasbourg, 15.X.1985 Strasbourg, 15.10.1985.
(8) Hans Kelsen, General Theory of Law and State, Sđd, Harvard University Press, 1949, tr.190.
(9) Xem: E. Tourme-Jouannet, Le droit international, Nxb. PUF, 2013, coll “Que sais-je”.
(10) Xem: J. Shapira, C. Leben, Le droit international des affaires, 4è éd. Nxb. PUF, 2001.
(11) Thuật ngữ “rừng luật” không chỉ được dùng ở nước ta mà nhiều nước cũng dùng khái niệm tương tự. Ví dụ: “Trop de loi tue la loi… la jungle législative” (“Quá nhiều luật lệ giết chết luật pháp… hiện tượng rừng luật” (Báo Le Monde, ngày 23/01/2007).
(12) Xem sự phân tích chi tiết về tư pháp độc lập trong nhà nước pháp quyền trong: Geoffrey de Q.Walker, The Rule of Law – Foundation of Constitutional Democracy, Melbourne University Press, 1988, pp.29-36; Khoa Luật, ĐHQG (Chủ biên), Về pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến – Một số tiểu luận của các học giả nước ngoài, Nxb Lao động-Xã hội, 2012, tr. 306-326.
(13) Xem: Martin Sapiro, Alec Stone Sweet, On Law, Politics, and Judicialization, Nxb. Oxford University Press, 2002./.
tcnn.vn
Từ khóa » Toàn Cầu Sụp đổ Raw
-
Toàn Cầu Sụp Đổ - NetTruyen
-
Toàn Cầu Sụp Đổ [Tới Chap 75] - Cmanga
-
Toàn Cầu Sụp Đổ - Say Truyện
-
Truyện Tranh Toàn Cầu Sụp đổ - Comics24h
-
TOÀN CẦU SỤP ĐỔ [Tới Chapter 75] Tiếng Việt
-
Toàn Cầu Sụp Đổ - Chapter 14 | Cmanga
-
Đọc Truyện Tranh Online Toàn Cầu Sụp Đổ
-
Đọc Truyện TOÀN CẦU SỤP ĐỔ Chapter 40 - BaoTangTruyenTranh
-
Toàn Cầu Sụp Đổ Chap 69 - NhatTruyen
-
Gốc Truyện Tranh Toàn Cầu Sụp Đổ Mới Nhất - Bật Bảo Vệ Avatar Fb
-
Toàn Cầu Sụp Đổ [Tới Chapter 75] [Next Chapter 77]
-
Danh Sách Truyện (3392) - Blogtruyen Mobile