Một Số Chuẩn Mực đạo đức Của Người đảng Viên Cộng Sản Theo Tư ...

Phẩm chất trung thành

Phẩm chất trung thành của những người đảng viên cộng sản, theo Lênin được thể hiện ở chỗ: lòng trung thành tuyệt đối với Đảng; lòng trung thành với cách mạng; trung thành với sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động. Trong Diễn văn Bế mạc Đại hội IX Đảng Cộng sản (b) Nga (ngày 5/4/1920), Lênin yêu cầu: “Chỉ có những người thực sự trung thành với sự nghiệp giải phóng của nhân dân lao động, mới có thể gia nhập đảng được”. Còn trong bài Nhà nước của công nhân và tuần lễ đảng (tháng 10/1919), Người viết: “Chỉ có những người chân thành đi theo chủ nghĩa cộng sản, chỉ những ai thành tâm trung thành với nhà nước công nhân, chỉ có những người lao động trung thực, chỉ có những đại biểu thật sự của quần chúng bị áp bức dưới thời chủ nghĩa tư bản, mới vào đảng được”.

Tinh thần tự giác gánh vác nhiệm vụ và lòng hy sinh

Trong bối cảnh chính quyền Xô viết non trẻ đang phải đối phó với “thù trong, giặc ngoài”, theo Lênin, chỉ có những đại biểu ưu tú của quần chúng, những con người luôn thường trực trong mình một tinh thần tự giác “gánh một công tác gian khổ hơn lúc bình thường và lại nguy hiểm hơn” và sẵn sàng “hy sinh quên mình phục vụ chủ nghĩa cộng sản” mới xứng đáng là những đảng viên cộng sản chân chính. Trong diễn văn bế mạc Đại hội IX Đảng Cộng sản (b) Nga (ngày 5/4/1920), Lênin nêu rõ: “Bất luận thế nào cũng phải làm cho đội tiên phong của giai cấp vô sản, cái đội quân 60 vạn người ấy có thể gánh vác được những nhiệm vụ mà nó phải đảm đương, những nhiệm vụ quốc tế và trong nước cực kỳ trọng yếu mà nó phải đảm đương”.

Tận tâm, tận tụy, trách nhiệm với công việc

Lênin luôn yêu cầu người được kết nạp vào Đảng phải có “Thái độ tận tâm đối với công tác”. Để phát huy được tinh thần trách nhiệm cá nhân đối với việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bên cạnh ý thức tự giác của mỗi người, duy trì chế độ lãnh đạo tập thể là cần thiết, Lênin đòi hỏi phải thiết lập và thi hành một chế độ trách nhiệm cá nhân rõ ràng, cụ thể, chính xác, nghĩa là một người nhất định hoàn toàn chịu trách nhiệm về thực hiện một công việc nhất định.

Tinh thần gương mẫu

Trong Diễn văn tại hội nghị các Bí thư chi bộ thuộc Đảng bộ Moscow ngày 26/11/1920, Lênin yêu cầu toàn thể các đảng viên cộng sản nói chung và các Bí thư chi bộ dự Hội nghị nói riêng “phải lấy gương mẫu để tuyên truyền: phải làm gương mẫu cho người ngoài đảng”. Theo Người, tinh thần gương mẫu, nêu gương, làm gương của người đảng viên cộng sản là phải làm gương về lòng trung thành đối với lợi ích của quần chúng lao động và tinh thần kiên quyết đấu tranh, sẵn sàng hy sinh trong cuộc đấu tranh chống đế quốc; làm gương về kỷ luật lao động; nêu tấm gương lao động thật sự cộng sản chủ nghĩa…

Khiêm tốn, cầu thị, không “kiêu ngạo cộng sản”, không tự cao tự đại

Trong bài viết Về kế hoạch kinh tế thống nhất đăng báo Sự thật ngày 22/2/1921, Lênin dạy: “Phải biết quý trọng khoa học, gạt bỏ thái độ huênh hoang “cộng sản” của những nhà tài tài tử và của những anh chàng quan liêu, phải học tập làm việc một cách có hệ thống, sử dụng chính ngay kinh nghiệm của mình và thực tiễn của mình!”. Thậm chí, Người còn nhấn mạnh: “Đối với chúng ta, một “chuyên gia khoa học và kỹ thuật”, dù là chuyên gia tư sản, nhưng thạo công việc của mình, thì cũng vẫn mười lần quý hơn người đảng viên cộng sản huênh hoang, ngày hay đêm, bất cứ lúc nào cũng chỉ sẵn sàng viết “các đề cương”, đề ra “các khẩu hiệu”, đưa ra các điều hoàn toàn trừu tượng”. Trong bài viết Chính sách kinh tế mới và những nhiệm vụ của các ban giáo dục chính trị để báo cáo tại Đại hội II toàn Nga các ban giáo dục chính trị ngày 17/10/1921, Lênin đã kêu gọi kiên quyết đấu tranh tiêu diệt ba thứ kẻ thù chính - kẻ thù “nội xâm”, mà một trong ba thứ kẻ thù chính là “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa”, tức “tưởng rằng chỉ bằng những pháp lệnh cộng sản là có thể giải quyết được tất cả mọi nhiệm vụ của mình”. Lênin cảnh báo, “Không có gì nguy hại và tai hại đối với chủ nghĩa cộng sản bằng thói lên mặt ta đây là cộng sản”; rằng “nếu một người cộng sản cứ tưởng rằng ta biết tất cả rồi,… thì chính cái tâm trạng ngự trị trong chúng ta đó làm cho chúng ta thất bại”.

Không ngừng học tập

Lênin có một câu nói nổi tiếng, trở thành kim chỉ nam cho tất cả chúng ta: Học, học nữa, học mãi. Trong tác phẩm Làm gì (1901 – 1902), Người viết: “Riêng đối với những người lãnh đạo, nhiệm vụ của họ là phải học tập, ngày càng nhiều hơn, tất cả các vấn đề lý luận; phải tự giải thoát, ngày càng nhiều hơn, khỏi ảnh hưởng của những câu cổ truyền của thế giới quan cũ, và không bao giờ được quên rằng chủ nghĩa xã hội, từ khi đã trở thành một khoa học, đòi phải được coi là một khoa học, nghĩa là phải được nghiên cứu”.

Phải có tính kỷ luật cao

Kỷ luật là một vấn đề được Lênin nhắc đến nhiều lần trong các tác phẩm của Người. Theo Lênin, những người cộng sản chân chính phải không ngừng rèn luyện cho mình “một tinh thần giác ngộ cao, một tính kỷ luật cao, một lòng trung thành cao độ”. Trong tác phẩm Một bước tiến, hai bước lùi (năm 1904), Người viết: “Tôi muốn và tôi đòi hỏi đảng, đội tiên phong của giai cấp, phải hết sức có tổ chức, rằng đảng chỉ nên thu nhận những phần tử ít nhất cũng phải chấp nhận một tính tổ chức tối thiểu”. Cũng trong tác phẩm này, Người nhấn mạnh: “Hiện nay, chúng ta đã trở thành một đảng có tổ chức, điều đó có nghĩa là chúng ta đã tạo ra một quyền lực, biến uy tín về tư tưởng thành uy tín về quyền lực, khiến cấp dưới phải phục tùng cấp trên”.

Tiết kiệm, tránh lãng phí

Phát biểu tại Đại hội VII bất thường của Đảng (tháng 3-1918), Lênin kêu gọi việc tổ chức thi đua giữa tất cả các công xã tiêu dùng và sản xuất trong nước không chỉ để nhằm nâng cao không ngừng tính tổ chức, tính kỷ luật, năng suất lao động, nhằm chuyển lên một trình độ kỹ thuật cao hơn, mà còn nhằm tiết kiệm lao động và sản phẩm. Ở tác phẩm Thà ít mà tốt (năm 1923), Lênin căn dặn những người cộng sản phải thực hành tiết kiệm nghiêm ngặt để trừ bỏ được cả đến những lãng phí nhỏ nhất trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, phải thực hành tiết kiệm tột mức trong bộ máy nhà nước. Tiết kiệm để không ngừng tăng năng suất lao động, để tăng kinh phí cho các trường học, tổ chức nhà đọc sách nhằm xóa bỏ nạn mù chữ hay cho các chuyến thâm nhập thường xuyên của giáo viên về nông thôn để thông qua họ làm cho giai cấp nông dân ngày càng liên minh chặt chẽ hơn với giai cấp công nhân…

Tôn trọng, gần gũi, tin tưởng và phục vụ lợi ích của nhân dân

Trong tác phẩm Nhà nước của công nhân và tuần lễ đảng (tháng 10/1919), Lênin lưu ý, tìm ra được những tài năng mới và lôi cuốn những người công nhân và nông dân bình thường tham gia công tác nhà nước không phải là việc dễ dàng. Nhưng những người cộng sản nhất thiết phải tiến hành công việc không dễ làm đó để khai thác những lực lượng mới trong giai cấp công nhân và nông dân lao động vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để thắt chặt hơn nữa mối liên hệ với quần chúng lao động, Lênin cho rằng cần đưa những người không đảng xuất thân từ quần chúng công nhân và nông dân thường tham gia công tác của các xô viết, mà trước hết là các công tác kinh tế. Dựa vào quần chúng, phát huy vai trò của quần chúng còn thể hiện trong việc “thu hút những người không đảng phái, làm cho những người không đảng phái kiểm soát hoạt động của các đảng viên để đẩy mạnh hoạt động của các xô viết. Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (b) Nga tại Đại hội lần thứ XI, ngày 27/3/1922, Lênin nhấn mạnh: “Trong quần chúng nhân dân, chúng ta chỉ tựa như một giọt nước trong đại dương, và chỉ khi nào biểu hiện được đúng ý nguyện của nhân dân, thì chúng ta mới quản lý nhà nước được”…

Những chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản theo tư tưởng của Lênin đến nay vẫn có ý nghĩa và còn nguyên giá trị đối với tất cả các cán bộ, đảng viên cũng như các quần chúng ưu tú của Đảng. Học tập và vận dụng các quan điểm chỉ đạo này gắn việc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự là một đòi hỏi cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Từ khóa » Những Phẩm Chất Cần Có Của Người đảng Viên