Một Số điểm Mới Về Kiểm Soát Tài Sản, Thu Nhập Theo Nghị định Số ...

I. KIỂM SOÁT TÀI SẢN, THU NHẬP

1. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong Công an nhân dân

- Thanh tra Bộ Công an là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (TS, TN) Bộ Công an. - Thanh tra Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan kiểm soát TS, TN Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. - Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan kiểm soát TS, TN được quy định tại Điều 31, Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018.

2. Thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập

- Ủy ban kiểm tra Trung ương kiểm soát TS, TN của các đồng chí lãnh đạo Bộ, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương. - Thanh tra Chính phủ kiểm soát TS, TN của các đồng chí Cục trưởng và tương đương, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. - Cơ quan kiểm soát TS, TN Bộ Công an kiểm soát TS, TN của các đồng chí Phó Cục trưởng và tương đương ở các đơn vị trực thuộc Bộ, Phó Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. - Cơ quan kiểm soát TS, TN Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm soát TS, TN của các đồng chí Trưởng phòng và tương đương, Trưởng Công an huyện và tương đương trở xuống.

II. KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP

1. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập trong Công an nhân dân

1.1. Người có nghĩa vụ kê khai lần đầu - Sỹ quan Công an nhân dân (CAND). - Người giữ chức vụ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên ở các đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức vụ quản lý tương đương Phó trưởng phòng trở lên ở các doanh nghiệp và các dự án trong CAND; người cử làm đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghhiệp.

1.2. Người có nghĩa vụ kê khai bổ sung Là người có nghĩa vụ kê khai lần đầu mà có biến động về TS, TN có giá trị từ 300 triệu trở lên.

1.3. Người có nghĩa vụ kê khai hàng năm - Giám đốc Công an tỉnh, Cục trưởng và tương đương trở lên. - Cán bộ giữ chức danh Điều tra viên, Thanh tra viên, Kiểm tra viên của Đảng; cán bộ làm nhiệm vụ kế toán; người được cử làm vốn nhà nước tại doanh nghiệp. - Cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên trong các lĩnh vực (theo danh mục của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ).

1.4. Kê khai phục vụ công tác cán bộ Được thực hiện trong các trường hợp sau: Cán bộ dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; cử giữ chức vụ khác; người ứng cử Đại biểu Quốc hội, người ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

2. Tài sản, thu nhập phải kê khai

2.1. Tài sản, thu nhập phải kê khai: Thực hiện theo quy định tại Điều 35, Luật PCTN năm 2018.

2.2. Mẫu kê khai và thực hiện việc kê khai: Thực hiện theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ.

3. Trình tự, thủ tục thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập

3.1. Trình tự, thủ tục kê khai

- Tháng 11 hàng năm Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức kê khai TS, TN theo quy định: + Bộ phận tổ chức cán bộ rà soát, lập danh sách cán bộ có nghĩa vụ kê khai TS, TN trình Thủ trưởng Công an cấp huyện và phòng để phê duyệt và gửi cơ quan kiểm soát TS, TN có thẩm quyền; thông báo danh sách, gửi kèm mẫu kê khai TS, TN đến cán bộ có nghĩa vụ kê khai TS, TN để thực hiện. + Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được bản kê khai, cán bộ phải hoàn thành việc kê khai. Nộp một bản chính về bộ phận tổ chức cán bộ, cá nhân lưu bản sao. + Cán bộ tiếp nhận bản kê khai phải kiểm tra tính đầy đủ về nội dung kê khai; trong trường hợp kê khai không đầy đủ thì yêu cầu kê khai lại, thời hạn kê khai lại không quá 07 ngày. - Bộ phận tổ chức cán bộ ở các đơn vị trực thuộc Bộ, Phòng tổ chức cán bộ ở Công an tỉnh chịu trách nhiệm lập danh sách, tổ chức thực hiện vệc kê khai của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3.2. Sao, nộp và quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập

- Các đồng chí trực thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý: Văn phòng Bộ và bộ phận tổ chức cán bộ ở các đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm nộp bản chính về Cục tổ chức cán bộ; Cục tổ chức cán bộ có trách nhiệm tổng hợp bản kê khai tài sản của các đồng chí thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nộp một bản sao cho Ủy ban kiểm tra Trung ương, bản chính lưu hồ sơ cán bộ. - Các đồng chí Cục trưởng và tương đương, Giám đốc Công an tỉnh: Bộ phận tổ chức cán bộ ở các đơn vị trực thuộc Bộ, Phòng tổ chức cán bộ ở Công an tỉnh có trách nhiệm nộp bản chính về Cục tổ chức cán bộ; Cục tổ chức cán bộ có trách nhiệm tổng hợp bản kê khai nộp một bản sao cho Thanh tra Chính phủ, bản chính lưu hồ sơ cán bộ. - Các đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó cục trưởng và tương đương: Phòng tổ chức cán bộ, bộ phận tổ chức cán bộ ở các đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm tổng hợp bản kê khai, nộp một bản sao cho Thanh tra Bộ, bản chính nộp Cục tổ chức cán bộ để lưu hồ sơ cán bộ. - Các đồng chí là Trưởng phòng và tương đương, Trưởng Công an cấp huyện trở xuống: Phòng tổ chức cán bộ có trách nhiệm tổng hợp bản kê khai, nộp một bản sao cho Thanh tra Công an tỉnh, bản chính lưu hồ sơ cán bộ.

4. Trình tự, thủ tục, hình thức, phạm vi công khai bản kê khai

Bản kê khai được công khai chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày cơ quan, bộ phận tổ chức cán bộ bàn giao bản kê khai cho cơ quan kiểm soát TS, TN. Việc công khai bản kê khai TS, TN trước ngày 01/3 hàng năm; quyết định chọn một trong hai hình thức công khai sau đây.

a. Niêm yết bản kê khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị: Thời gian niêm yết bản kê khai là 15 ngày.

- Các đồng chí lãnh đạo Bộ niêm yết tại trụ sở Bộ Công an. - Các đồng chí lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, lãnh đạo Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương niêm yết tại trụ sở của đơn vị. - Lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ thuộc đơn vị cấp phòng và tương đương không có tổ chức đội, trạm hoặc biên chế của đơn vị dưới 50 cán bộ thì niêm yết tại trụ sở đơn vị cấp phòng. - Đối với lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ thuộc Công an huyện, cấp phòng và tương đương có tổ chức đội, phường, trạm hoặc có biên chế trên 50 CBCS thì: + Lãnh đạo cấp huyện, phòng niêm yết tại trụ sở Công an cấp huyện, phòng. + Chỉ huy, cán bộ Công an phường, đội, trạm niêm yết tại trụ sở Công an phường, đội, trạm.

b. Công khai bản kê khai tại cuộc họp đơn vị: Phải đảm bảo đúng thành phần cán bộ dự họp tối thiểu 2/3 số cán bộ thuộc phạm vi triệu tập, phân công cán bộ đọc từng bản kê khai hoặc từng cán bộ tự đọc bản kê khai của mình. Có biên bản cuộc họp, biên bản họp phải ghi lại những ý kiến thắc mắc, giải trình về nội dung kê khai (nếu có).

- Bộ trưởng công khai trước Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm hàng năm theo Quy định số 165-QĐ/TW ngày 18/02/2013 của Bộ Chính trị. - Các đồng chí Thứ trưởng công khai trước Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ. - Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công khai trước Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị, địa phương và Trưởng các phòng thuộc đơn vị. - Lãnh đạo Công an cấp huyện và tương đương công khai trước lãnh đạo Công an huyện và tương đương, Đội trưởng các đội nghiệp vụ (nếu đơn vị có từ 50 CBCS trở lên). Công khai trước toàn thể CBCS (nếu đơn vị có dưới 50 CBCS). - Chỉ huy Công an phường, đội, trạm và tương đương công khai trước chỉ huy Công an phường, đội, trạm và các tổ công tác (nếu đơn vị có từ 50 CBCS trở lên); công khai trước toàn thể CBCS (nếu đơn vị có dưới 50 CBCS). - Cán bộ phường, đội, trạm công khai trước toàn thể CBCS đơn vị (nếu đơn vị dưới 50 CBCS). Công khai trước tổ, nhóm công tác (nếu đơn vị có từ 50 CBCS trở lên). - Cán bộ thuộc cấp phòng, tương đương không có cấp đội, trạm thì công khai trước toàn thể CBCS trong đơn vị.

III. XÁC MINH TÀI SẢN, THU NHẬP

1. Xây dựng Kế hoạch xác minh hàng năm

- Thanh tra Bộ xây dựng Kế hoạch trình Bộ trưởng phê duyệt hàng năm, trong đó có nội dung xác minh TS, TN đối với người có nghĩa vụ kê khai TS, TN thuộc thẩm quyền kiểm soát của cơ quan kiểm soát TS, TN của Bộ Công an. - Thanh tra Công an tỉnh xây dựng Kế hoạch trình Giám đốc Công an tỉnh phê duyệt; Kế hoạch công tác thanh tra hàng năm, trong đó có nội dung xác minh TS, TN đối với người có nghĩa vụ kê khai TS, TN thuộc thẩm quyền kiểm soát của cơ quan kiểm soát TS, TN của Công an tỉnh.

2. Phê duyệt Kế hoạch xác minh tài sản hàng năm

- Trước ngày 31/01 hàng năm Bộ trưởng Bộ Công an, Công an tỉnh phê duyệt Kế hoạch xác minh hàng năm. - Kế hoạch xác minh hàng năm của cơ quan kiểm soát TS, TN phải đảm bảo số Công an đơn vị, địa phương được tiến hành xác minh tối thiểu bằng 10% số đơn vị, địa phương thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình. - Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Kế hoạch được duyệt, cơ quan kiểm soát TS, TN tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên cán bộ được xác minh. Việc lựa chọn được thực hiện bằng hình thức bốc thâm hoặc phần mềm máy tính. Số cán bộ được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải đảm bảo tối thiểu 10% số cán bộ có nghĩa vụ kê khai TS, TN hàng năm tại mỗi đơn vị, địa phương được xác minh, trong đó có ít nhất 1 cán bộ là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu. Cơ quan kiểm soát TS, TN mời đại diện Ủy ban kiểm tra cùng cấp dự chứng kiến lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh.

Trên đây là một số điểm mới của nội dung kiểm soát tài sản, thu nhập theo theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ và Hướng dẫn số 4362/BCA-X05 ngày 16/12/2020 của Bộ Công an./.

Minh Quốc

Từ khóa » Cục X05