Một Số điểm Mới Về Quản Lý Người Giữ Chức Danh, Chức Vụ Và Người ...
Có thể bạn quan tâm
Ngày 31/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 159/2020/NĐ-CP quy định về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 106/2015/NĐ-CP ngày 23/10/2015 của Chính phủ về quản lý người đại diện trên 50% phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, với một số điểm mới, như sau:
Ảnh sưu tầm
1. Bổ sung mức xếp loại chất lượng
Nghị định số 159/2020/NĐ-CP, quy định 04 mức độ xếp loại chất lượng đối với người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước gồm: (1) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; (2) Hoàn thành tốt nhiệm vụ; (03) Hoàn thành nhiệm vụ; (4) Không hoàn thành nhiệm vụ.
Như vậy, Nghị định số 159/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm mức xếp loại chất lượng là “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”, thay vì trước đây, Nghị định số 97/2015/NĐ-CP, Nghị định số 106/2015/NĐ-CP, chỉ quy định có 03 mứcxếp loại chất lượng.
2. Thời điểm đánh giá
a) Đối với người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên:Nghị định số 159/2020/NĐ-CP, quy định thời điểm đánh giá được thực hiện sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp theo quy định pháp luật, so với trước đây, Nghị định số 97/2015/NĐ-CP, quy định sau khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính năm theo quy định.
Đồng thời, Nghị định số 159/2020/NĐ-CP bãi bỏ quy định“trước khi thực hiện quy trình quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp”, thì không cần thực hiện đánh giá.
b) Đối với người đại diện phần vốn nhà nước:Nghị định số 159/2020/NĐ-CP giữ nguyên thời điểm đánh “sau khi công bố báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của doanh nghiệp”.
Đồng thời, Nghị định số 159/2020/NĐ-CP bãi bỏ quy định “trước khi thực hiện quy trình cử, cử lại, khen thưởng, kỷ luật người đại diện”, thì không cần thực hiện đánh giá.
c) Nghị định số 159/2020/NĐ-CP, quy định cụ thể: Người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước là đảng viên thì đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên trước; đánh giá, xếp loại chất lượng quản lý sau.
3. Nội dung và tiêu chí đánh giá
Nghị định số 159/2020/NĐ-CP, quy định 02 nội dung đánh giá người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước gồm: (1) Kết quả hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp; (2) Kết quả công tác của cá nhân (chi tiết xem tại Điều 12).
Tại từng tiêu chí đánh giá, Nghị định số 159/2020/NĐ-CP quy đinh theo hướng cụ thể, phân định rõ 02 nội dung đánh giá cần đạt được (chi tiết xem tại Điều 14, 15, 16, 17).
4. Trình tự, thủ tục đánh giá
Nghị định số 159/2020/NĐ-CP không quy định bắt buộc “Cơ quan đại diện chủ sở hữu lấy ý kiến nhận xét, đánh giá Hội đồng quản trị đối với người đại diện phần vốn nhà nước”, trước khi đánh giá, xếp loại chất lượng người đại diện vốn nhà nước. Trường hợp cần thiết, cơ quan đại diện chủ sở hữu lấy ý kiến nhận xét, đánh giá Hội đồng quản trị, thay vì trước đây, Nghị định số 106/2015/NĐ-CP bắt buộc chủ sở hữu tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị về nhận xét, đánh giá người đại diện phần vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, Nghị định số 159/2020/NĐ-CP bãi bỏ quy định: “Cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ tổng hợp ý kiến của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, báo cáo chủ sở hữu”.
Hiện nay, trình tự, thủ tục đánh giá người đại diện vốn nhà nước gồm trình tự theo 03 bước (nếu lấy ý kiến của Hội đồng quản trị) hoặc theo 02 bước (không lấy ý kiến của Hội đồng quản trị), cụ thể như sau:
a) Trình tự 03 bước
- Bước 1: Người đại diện phần vốn nhà nước viết bản tự nhận xét, đánh giá theo nội dung, tiêu chí đánh giá và tự nhận mức độ xếp loại chất lượng gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu;
- Bước 2: Cơ quan đại diện chủ sở hữu lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của Hội đồng quản trị;
- Bước 3: Căn cứ vào tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng quy định tại Nghị định 159/2020/NĐ-CP và nhiệm vụ được giao theo kế hoạch hàng năm, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định mức xếp loại chất lượng đối với người đại diện phần vốn nhà nước.
b) Trình tự 02 bước
- Bước 1: Người đại diện phần vốn nhà nước viết bản tự nhận xét, đánh giá theo nội dung, tiêu chí đánh giá và tự nhận mức độ xếp loại chất lượng gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu;
- Bước 2: Căn cứ vào tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng quy định tại Nghị định 159/2020/NĐ-CP và nhiệm vụ được giao theo kế hoạch hàng năm, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định mức xếp loại chất lượng đối với người đại diện phần vốn nhà nước.
5. Quy trình quy hoạch hoặc rà soát, bổ sung người quản lý doanh nghiệp
a) Quy trình quy hoạch
Nghị định số 159/2020/NĐ-CP quy định cụ thể tại các Điều 20, 21, 22, 23, so với trước đây, Nghị định số 97/2015/NĐ-CP chỉ quy định tại Điều 22 (nội dung chi tiết xem tại Nghị định số 159/2020/NĐ-CP). Đồng thời, có một số điểm mới, như sau:
Thứ nhất, tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng lấy ý kiến về danh sách nhân sự dự kiến đưa vào quy hoạch. Đây là quy định mới của Nghị định số 159/2020/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Nghị định số 159/2020/NĐ-CP bãi bỏ quy định: “Trên cơ sở kết quả tổng hợp phiếu giới thiệu tại hội nghị, cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ báo cáo Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty danh sách những người được hội nghị giới thiệu. Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy cùng cấp. Trường hợp cấp ủy địa phương là cấp trên của cấp ủy tập đoàn, tổng công ty, công ty thì lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy địa phương”.
Thứ hai, Nghị định số 159/2020/NĐ-CP, quy định thẩm quyền quyết định quy hoạch gồm: (1) Tập thể lãnh đạo doanh nghiệp (gồm Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty và cấp ủy cùng cấp);(2) Cấp có thẩm quyền.
So với Nghị định số 97/2015/NĐ-CP, Nghị định số 159/2020/NĐ-CP bổ sung “cấp ủy cùng cấp” được quyền tham gia quyết định quy hoạch.
b) Nghị định số 159/2020/NĐ-CP, quy định thời điểm rà soát, bổ sung tiến hành sau khi có kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm hoặc theo quyết định của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, so với Nghị định số 97/2015/NĐ-CP, quy định thực hiện trong tháng 4 hàng năm.
6. Bổ sung thành phần hồ sơ quy hoạch
Nghị định số 159/2020/NĐ-CP bổ sung 05 thành phần trong hồ sơ quy hoạch cần có, gồm:
(1) Sơ yếu lý lịch do cá nhân tự khai theo mẫu quy định, được cấp có thẩm quyền xác nhận, có dán ảnh màu khổ 4x6 cm, chụp trong thời gian không quá 06 tháng;
(2) Nhận xét của chi ủy nơi cư trú đối với bản thân và gia đình. Trường hợp nơi cư trú của bản thân khác với nơi cư trú của gia đình thì phải lấy nhận xét của chi ủy nơi bản thân cư trú và nơi gia đình cư trú;
(3) Bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu quy định;
(4) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức vụ, danh bổ nhiệm. Trường hợp nhân sự có bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thì phải được công nhận tại Việt Nam theo quy định;
(5) Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 06 tháng.
7. Tăng/giảm thời hạn giữ chức vụ
- Thời hạn giữ chức vụ đối với người quản lý doanh nghiệp là 05 năm, so với Nghị định số 97/2015/NĐ-CP, không thay đổi. Đồng thời, bổ sung trường hợp thời hạn giữ chức vụ dưới 05 năm thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Thời hạn giữ chức vụ đối với kiểm soát viên tăng từ 03 năm lên thành 05 năm, so với Nghị định số 97/2015/NĐ-CP, tăng lên 02 năm. Đồng thời, bổ sung trường hợp thời hạn giữ chức vụ dưới 05 năm thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
8. Không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẫn được xem xét cử lại người đại diện vốn
Đây là một trong những điều kiện để xem xét cử lại người đại diện vốn. Theo đó, Nghị định số 159/2020/NĐ-CP, quy định: “Được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trong thời hạn làm nhiệm vụ người đại diện phần vốn nhà nước”, so với Nghị định số 106/2015/NĐ-CP, phải được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 03 năm liên tiếp trước khi được cử lại làm đại diện.
9. Thêm thành phần hồ sơ cử lại người đại diện phần vốn nhà nước
Nghị định số 159/2020/NĐ-CP, bổ sung thêm 03 thành phần hồ sơ cử lại người đại diện phần vốn nhà nước cần có, gồm:
(1) Kết luận của cấp ủy có thẩm quyền về tiêu chuẩn chính trị;
(2) Nhận xét của chi ủy nơi cư trú đối với bản thân và gia đình. Trường hợp nơi cư trú của bản thân khác với nơi cư trú của gia đình thì phải lấy nhận xét của chi ủy nơi bản thân cư trú và nơi gia đình cư trú;
(3) Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 06 tháng.
Như vậy, hiện nay có 08 thành phần hồ sơ cần có, trước khi quyết định cử lại người đại diện phần vốn nhà nước cần có (chi tiết xem tại Điều 51).
10. Tăng thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật
- Thời hiệu: So với 02 Nghị định số: 97/2015/NĐ-CP, 106/2015/NĐ-CP, Nghị định số 159/2020/NĐ-CP, phân định cụ thể thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm có thời hiệu là 02 năm; hành vi vi phạm có thời hiệu là 05 năm (chi tiết xem tại Điều 57). Thay vì trước đây, quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng.
- Thời hạn: Nghị định số 159/2020/NĐ-CP quy định thời hạn kỷ luật không quá 90 ngày, tăng thời gian hơn, so với trước đây, chỉ quy định 02 tháng.
11. Bổ sung/bãi bỏ hình thức kỷ luật
- Bãi bỏ hình thức kỷ luật “Hạ bậc lương” đối với kỷ luật người quản lý doanh nghiệp nhà nước, kiểm soát viên. Hiện tại, có 04 hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.
- Bổ sung hình thức kỷ luật “Bãi nhiệm” đối với kỷ luật người đại diện phần vốn nhà nước. Đây là quy định mới của Nghị định số 159/2020/NĐ-CP. Như vậy, hiện nay có 04 hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, bãi nhiệm, buộc thôi việc.
12. Rút ngắn trình tự, thủ tục kỷ luật
Nghị định số 159/2020/NĐ-CP quy định cụ thể trình tự, thủ tục kỷ luật như sau: (1) Tổ chức họp kiểm điểm; (2) Thành lập Hội đồng kỷ luật; (3) Ra quyết định kỷ luật, giảm 01 thủ tục là Thông báo xem xét xử lý kỷ luật.
13. Điều chỉnh, bổ sung một số trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật
a) Nghị định số 159/2020/NĐ-CP bổ sung thêm trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật, gồm: (1) Bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Nghị định này; (2) Có quyết định xử lý kỷ luật Đảng.
b) Đối với người đại diện phần vốn nhà nước, trường hợp đã có kết luận về vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì không thành lập Hội đông kỷ luật, thay vì trước đây, Nghị định số 106/2015/NĐ-CP bắt buộc phải có thêm “đề nghị xử lý kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền”.
(Chi tiết các nội dung xem tại Nghị định số 159/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp).
Hữu Bình – Phòng TCBC Và CCVC, Sở Nội vụ
Từ khóa » Thay Thế Nghị định 97/2015/nđ-cp
-
Quy định Mới Về Quản Lý Người Giữ Chức Danh, Chức Vụ Và Người đại ...
-
Nghị định 97/2015/NĐ-CP Quản Lý Người Giữ Chức Danh Công Ty ...
-
Nghị định 159/2020/NĐ-CP Quản Lý Người Giữ Chức Vụ Tại Doanh ...
-
Sơ Đồ Văn Bản 'Nghị định 97/2015/NĐ-CP' - Công Báo
-
Nghị định 159/2020/NĐ-CP Về Người Quản Lý Giữ Chức Danh, Chức ...
-
Nghị định 97/2015/NĐ-CP Về Quản Lý Người Giữ Chức ... - LawNet
-
Không Có Tiêu đề
-
Chính Phủ Ban Hành Nghị định Về Quản Lý Người Giưc Chức Danh ...
-
MỤC LỤC NGHỊ ĐỊNH 97/2015/NĐ-CP - CÔNG TY LUẬT DAZPRO
-
Kế Hoạch Xây Dựng Các Nghị định Quy định Chi Tiết Luật Sửa đổi, Bổ ...
-
Những Quy định Mới Về Tiền Lương, Thù Lao, Tiền Thưởng đối Với ...
-
Sẽ Nghiên Cứu Sửa đổi Quy định Về đánh Giá Người Quản Lý Doanh ...
-
Quyết định 69/QĐ-BNV Nghị định Luật Sửa đổi, Bổ Sung Luật Cán ...
-
CSDLVBQPPL BTP - Nghị định - Bộ Tư Pháp