Một Số Hiện Tượng Không Bình Thường Trong ấp Nở Trứng Gia Cầm Và ...
Có thể bạn quan tâm
1. Đặt vấn đề
[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Đối với những hộ chăn nuôi gia cầm công đoạn ấp trứng là khâu quan trọng nhất. Nhưng nếu như ấp trứng theo phương pháp truyền thống trước đây tỉ lệ gà nở rất thấp sẽ khiến cho người chăn nuôi thiệt hại nặng nề. Với công nghệ kỹ thuật ngày càng hiện đại đã cho ra đời máy ấp trứng giúp người chăn nuôi có thể ấp cùng lúc rất nhiều trứng với tỉ lệ trứng nở cao và nguồn giống đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên việc đảm bảo tỷ lệ ấp nở cao, hạn chế những hiện tượng không bình thường trong ấp nở trứng gia cầm là một điều vô cùng cần thiết.
2. Một số hiện tượng không bình thường trong ấp nở trứng gia cầm
2.1. Tỷ lệ trứng không phôi cao (Trứng không có trống)
Thường do những nguyên nhân sau:
– Tỷ lệ trống/mái không phù hợp, số lượng trống quá ít hoặc quá nhiều;
– Gà trống không được cắt móng cựa, làm gà mái bị rách lưng, đau và không cho phối hoặc gà trống có ngón chân bị dị tật, khó bám thăng bằng trên lưng gà mái khi phối giống;
– Do con gà trống, gà mái vô sinh hoặc bị mắc bệnh;
– Do gà trống quá nặng ảnh hưởng tới phối giống;
– Quá trình nuôi dưỡng đàn bố mẹ không đúng quy trình kỹ thuật làm cho gia cầm quá béo hoặc thành thục muộn. Đặc biệt là gà trống nên ảnh hưởng tới chất lượng trứng giống;
– Thiết kế chuồng nuôi không đúng kỹ thuật làm ảnh hưởng đến con trống. Ví dụ: nhu cầu của vịt là xuống nước không nên quá dốc hoặc có bậc cao sẽ ảnh hưởng tới việc đi lại, gây tổn thương gai giao cấu của vịt đực.
Trứng gia cầm có phôi và không có phôi
2.2. Chết phôi sớm
Chết phôi sớm trong khi ấp có thể do những nguyên nhân sau:
– Đàn bố mẹ bị bệnh;
– Thức ăn cho đàn bố mẹ bị mốc hoặc dinh dưỡng kém, thiếu vi chất;
– Nhiều trứng bị rạn, vỡ, bẩn hoặc bị ướt;
– Rửa và xông khử trùng trứng quá dài (hơn 1 tuần) hoặc điều kiện bảo quản trứng không tốt;
– Chế độ ấp trứng không đúng, không phù hợp với các loại trứng như nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp hoặc đảo trứng không đủ trong khi ấp.
Trứng không nở được do nhiệt độ cao
2.3. Tỷ lệ trứng thối cao
Trong quá trình ấp trứng có thể bị thối hoặc bị nổ do một số nguyên nhân sau:
– Trứng bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm từ đàn bố mẹ (vi khuẩn gây bệnh thương hàn);
– Chất độn chuồng, chất đệm lót ổ đẻ bị ướt, bẩn làm trứng dễ nhiễm khuẩn gây thối trứng;
– Trứng bị ướt trước khi đưa vào ấp;
– Rửa trứng sai kỹ thuật: rửa trứng trong nước có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ trứng hoặc trong dung dịch khử trùng pha không đúng nồng độ khuyến cáo của nhà sản xuất;
– Bảo quản trứng ở độ ẩm quá cao.
Trứng bị ung thối
2.4. Tỷ lệ trứng tắc cao
Trong khi ấp trứng, trứng bị tắc (sát vỏ) có thể do các lý do sau:
– Bảo quản trứng quá lâu hoặc bảo quản ở độ ẩm, nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao;
– Xếp trứng vào khay không đúng kỹ thuật (xếp đầu nhỏ lên trên);
– Chế độ ấp trứng nhiệt độ quá cao;
– Do máy ấp, máy nở độ thông thoáng kém;
– Đàn bố mẹ bị mắc các bệnh truyền nhiễm: thương hàn, hen, E.Coli, …
Trứng bị sát vỏ, gà con đã phát triển đủ lông nhưng bị chết không thoát ra ngoài được.
2.5. Thời gian nở kéo dài
Thời gian nở kéo dài do các nguyên nhân sau:
– Do trứng đưa vào ấp có thời gian bảo quản khác nhau;
– Trứng bảo quản thời gian quá dài (hơn 1 tuần)
– Do một số trứng có phôi đã phát triển trước khi đưa vào máy ấp;
– Do nhiệt độ thấp ở giai đoạn ấp đầu (thấp hơn 37,20C).
2.6. Gia cầm nở ra bị dính bẩn
Gia cầm con nở ra bị dính bẩn là do các nguyên nhân sau:
- Ẩm độ quá cao trong máy ấp, máy nở làm ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi, gia cầm con khi mổ vỏ không nở ra được chảy ra rất nhiều dịch nhầy làm dây bẩn sang gia cầm khác;
- Trứng thối không được loại bỏ, khi nổ trong khay nở làm dây bẩn sang các quả trứng khác và gia cầm con;
- Đàn bố mẹ bị mắc các bệnh truyền nhiễm như thương hàn, hen, bệnh do E.Coli
2.7. Gia cầm nở ra bị khoèo chân, hở rốn
Gia cầm con khi mới nở ra đôi khi có hiện tượng khoèo chân hoặc hở rốn. Các lý do chính dẫn đến hiện tượng này là:
– Nhiệt độ trong máy ấp không phù hợp, có thời điểm cao quá (cao hơn 380C), có thời điểm thấp quá (thấp hơn 380C) ở giai đoạn sau của quá trình ấp và trong thời gian nở;
– Do xếp trứng ngược đầu nhỏ lên trên;
– Dinh dưỡng đàn bố mẹ không phù hợp, thức ăn bị thiếu vi chất, bị mốc hoặc nhiễm độc tố;
– Đàn bố mẹ bị ảnh hưởng của việc dùng thuốc thú y không phù hợp: dùng sai thuốc hoặc dùng liều lượng thuốc cao hơn so với hướng dẫn của nhà sản xuất.
Gà con bị khoèo chân khi vừa nở ra
2.8. Gia cầm chết nhiều và hao hụt cao trong tuần tuổi đầu tiên
Trong tuần tuổi đầu tiên, tỷ lệ chết và hao hụt cao của gia cầm có thể do các nguyên nhân:
– Nhiệt độ nuôi úm quá thấp (dưới 200C) làm cho gia cầm con nhiễm lạnh, sức đề kháng giảm dễ mắc các bệnh truyền nhiễm;
– Gia cầm con đã bị nhiễm bệnh ngay từ khi trong máy ấp nở hoặc nhiễm các bệnh truyền nhiễm dọc từ mẹ sang (thương hàn, hen);
– Gia cầm nở kéo dài, những con nở trước đã bị mất nước và kiệt sức;
– Cho gia cầm con ăn uống quá muộn dẫn đến mất nước, khô chân;
– Cho ăn trước khi cho uống nước;
– Quá trình vận chuyển quá dài hoặc trong khi vận chuyển gia cầm bị lạnh quá hoặc nóng quá (nhiệt độ vận chuyển phù hợp là 28 – 320C).
- Một số biện pháp khắc phục
3.1. Lựa chọn trứng giống đạt tiêu chuẩn
Trứng đạt tiêu chuẩn trứng giống là trứng:
– Lấy từ đàn gia cầm bố mẹ đảm bảo tiêu chuẩn giống, được nuôi dưỡng theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo tỷ lệ trống/mái theo tiêu chuẩn kỹ thuật từng loại gia cầm và từng loại trứng giống;
– Có khối lượng phù hợp với tiêu chuẩn giống, không to hoặc nhỏ quá;
– Hình dạng, màu sắc đặc trưng giống, không dị dạng;
– Vỏ không bẩn, không sần sùi, không mỏng hoặc dày quá;
– Không có vết máu, không có bọt khí, không bị rạn nứt.
3.2. Bảo quản trứng giống đúng kỹ thuật
Để có được tỷ lệ ấp nở cao và gia cầm con khỏe mạnh, trứng giống cần được bảo quản đúng kỹ thuật:
– Nơi bảo quản khô, thoáng và sạch;
– Nhiệt độ và ẩm độ phòng bảo quản phải phù hợp để trứng không bị hỏng và phôi không chết hoặc phát triển sớm.
Bảng chỉ số nhiệt độ và độ ẩm phù hợp nhất để bảo quản trứng giống
Thời gian bảo quản | Nhiệt độ (0C) | Ẩm độ (%) |
7 ngày | 15 – 18 | 75 – 80 |
4 ngày | 18 – 24 | 75 – 80 |
Lưu ý:
– Không bảo quản trứng ở nhiệt độ dưới 120C và trên 260C;
– Bảo quản trứng càng sớm càng tốt để tránh phôi phát triển sớm;
– Trứng để trong phòng lạnh, phòng điều hòa phải để ra ngoài tăng dần nhiệt độ và khô vỏ trứng sau đó mới đưa vào máy ấp;
– Nếu không có phòng bảo quản trứng thì phải xếp trứng vào khay, để nơi thoáng mát, khô ráo, không có ánh nắng chiếu vào;
– Không bảo quản trứng trong phòng lạnh khi phôi đã phát triển để tránh phôi bị chết;
– Không nên bảo quản trứng quá 7 ngày.
Xếp trứng vào khay, đầu to quay lên trên
3.3. Chế độ ấp đúng
* Nhiệt độ
Trứng gà | Trứng vịt | ||
Ngày ấp | Nhiệt độ | Ngày ấp | Nhiệt độ |
1 – 15 | 37,80C | 1 – 7 | 37,6 – 37,80C |
16 – 18 | 37,50C | 8 – 24 | 37,6 – 37,80C |
19 – 21 | 36,8 – 37,10C | 25 – 28 | 37,20C |
Ngày ấp thứ 21 (trứng gà), ngày ấp thứ 28 (trứng vịt) trứng ấp được chuyển sang máy nở.
* Ẩm độ
– Nửa chu kỳ đầu nên duy trì độ ẩm trong máy khoảng 60 – 65% để giảm độ bay hơi nước trong trứng;
– Nửa chu kỳ sau nên duy trì độ ẩm 70 – 75% để đủ bay hơi nước nội sinh tạo ra trong quá trình trao đổi chất của phôi.
Lưu ý: Việc thay đổi độ ẩm chỉ áp dụng cho máy ấp đơn kỳ. Nếu máy ấp đa kỳ thì chỉ thay đổi độ ẩm ở mẻ ấp đầu tiên, những mẻ ấp tiếp theo giữ nguyên độ ẩm đã đặt sẵn.
* Đảo trứng và làm mát
– Yêu cầu mỗi giờ đảo trứng 1 lần (máy ấp đảo tự động hoặc bằng tay;
– Đối với trứng vịt hướng thịt, trứng ngan, trứng ngan lai vịt, ngoài việc máy ấp đảo trứng mỗi giờ một lần, phải chuyển trứng ra ngoài máy để đảo trứng bằng tay (đảo từng quả), đồng thời kết hợp phun nước dưới dạng sương mù để làm mát trứng.
Lưu ý: Đảo xong khay nào làm mát luôn khay đó, thời gian làm mát mỗi lần 5 – 15 phút (thời gian làm mát tăng dần theo ngày ấp).
* Kiểm tra, soi trứng trong khi ấp
Loại trứng | Thời gian trứng trong máy ấp | Thời gian trứng trong máy nở |
Trứng gà | Ngày ấp 1 – 18 | Ngày ấp 19 – 21 |
Trứng vịt | Ngày ấp 1 – 24 | Ngày ấp 25 – 28 |
Trứng ngan | Ngày ấp 1 – 30 | Ngày ấp 31 – 34 |
Trứng ngan lai vịt | Ngày ấp 1 – 26 | Ngày ấp 27 – 30 |
– Thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến của nhiệt độ, ẩm độ trong máy, cần thiết phải điều chỉnh kịp thời.
– Soi trứng:
+ Lần 1: Ngày ấp thứ 7, loại bỏ trứng không phôi, chết phôi;
+ Lần 2: Ngày ấp thứ 18, loại bỏ trứng chết phôi, trứng cùi dừa cạnh (loại trứng mà phôi không hấp thu hết lòng trắng, lòng trắng dính vào vỏ, không có khả năng nở, nếu nở gia cầm cũng bị hở rốn);
+ Kỹ thuật soi trứng: Soi từng quả hoặc soi cả khay; dùng đèn chuyên dụng hoặc đèn soi có ánh sáng tập trung.
3.4. Thực hành tốt an toàn sinh học trong cơ sở ấp nở
Nguyên tắc chính trong an toàn sinh học:
– Cách ly và kiểm soát ra vào nhằm cách ly ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ sở ấp trứng và ngược lại, cách ly riêng khu ở của người và cơ sở ấp nở, cách ly máy ấp và máy nở, …
– Vệ sinh làm sạch để loại bỏ mầm bệnh bám trên dụng cụ, tường, sàn, nhà ấp nở và các dụng cụ, phương tiện vận chuyển;
– Khử trùng trứng, cơ sở ấp nở để tiêu diệt các mầm bệnh còn sót lại sau quá trình vệ sinh.
ThS. Vũ Thị Nguyện
Giảng viên ngành Chăn nuôi – Trường Đại học Hải Dương
Từ khóa
- ấp nở trứng gia cầm
Để lại comment của bạn
Nhấp chuột vào đây để hủy trả lời.Họ tên:
Email:
Bình luận
Từ khóa » Vịt Bị Hở Rốn
-
Tại Sao Một Số Gia Cầm Con Khi Nở Ra Có Hiện Tượng Khoèo Chân, Hở ...
-
Cách Cứu Gà Con Mới Nở Bị Hở Rốn - YouTube
-
Gà Con Bị Hở Rốn - Agriviet
-
[PDF] Bệnh Của Vịt Và Biện Pháp Phòng Trị
-
Gà Con Hở Rốn, Khèo Chân, Chết Khi Khè Mỏ Nguyên Nhân Là Gì?
-
Sự Phát Triển Của Rốn ảnh Hưởng Như Thế Nào Với Chất Lượng Gà Con?
-
Gà Bị Hở Rốn Khi ấp Nở Bằng Máy - Gà Thả Vườn
-
KHẮC PHỤC VẤN ĐỀ GÀ VỊT CON ĐANG NỞ BỊ BẾT LÔNG
-
Một Số Nguyên Nhân Thời Gian Nở Trúng Kéo Dài Và Gà Nở Ra Khoèo ...
-
Chọn Gà, Vịt Mới Nở Như Thế Nào - Cây Trồng Vật Nuôi
-
Hiện Tượng Quá Nhiệt Khi ấp Trứng Gà Và Cách Xử Lý
-
Hướng Dẫn Kỹ Thuật Chăn Nuôi Giống Vịt Biển