Một Số Loài động Vật Biển độc Gây Tử Vong Nhanh Có ở Biển Việt Nam

Ngành sứa (Cnidaria), phân ra nhiều loại, trong đó có sứa Bắp cày (Chironex fleckeri). Là loài sống trôi nổi ở vùng biển ven bờ Việt Nam, khi thời tiết xấu, nhiều mây, chúng di chuyển đến vùng nước nông, gần bờ, khó phát hiện vì có màu xanh lẫn với nước biển. Nó có dạng hình hộp, kích thước từ 2-20 cm (không kể xúc tu), tròn như cái chậu úp, màu sắc trong suốt hơi ánh xanh với 15 xúc tu dài (có thể tới 3m) kèm theo hàng nghìn nang trâm chứa nọc độc, có khả năng tấn công hệ tim mạch, hệ thần kinh ngoại biên và biểu bì gây trụy tim dẫn đến tử vong.

Sứa Bắp cày Sứa Lửa Tổn thương do sứa

Khi sứa đốt, các tế bào chứa nọc độc sẽ dính chặt vào da nạn nhân, vỡ ra và tiết độc tố vào cơ thể thông qua vết thương, gây bỏng nặng, tổn thương da, hoại tử rất lâu lành và gây ngứa ngáy khó chịu. Cảm giác đầu tiên khi bị đốt là đau buốt, bỏng rát, tại chỗ da đỏ, phù nề và xuất hiện những vệt nâu đỏ đan chéo, ngang dọc. Ở dưới nước, nạn nhân có khả năng bị đuối nước do tinh thần hoảng loạn hoặc ngưng thở do độc tố tấn công hệ tim mạch. Trong vài phút đến 1 giờ đầu, nếu nạn nhân qua được thì cơ hội sống sót cao hơn. Vì vậy, khi tắm biển hoặc hoạt động trong môi trường nước, bộ đội nên chọn nơi an toàn, làm việc theo nhóm, có sự giám sát nhau. Không tắm biển sau bão, mùa mưa, lúc thủy triều lên, ngày trời nhiều mây.

Khi có người bị sứa bắp cày đốt, cách xử trí là nhanh chóng đưa nạn nhân lên khỏi mặt nước, Sau đó lau rửa nhẹ vết thương bằng nước biển (dấm, chanh, rượu nhẹ), nhẹ nhàng gỡ các xúc tu và lấy ngòi ra khỏi vết cắn. Không được làm gãy các xúc tu sứa đang bám vào da nạn nhân, không lau rửa bằng nước ngọt, nước nóng hoặc cồn. Nếu nạn nhân ngừng thở phải tiến hành hô hấp nhân tạo và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Sứa Lửa-sứa Đỏ (Physalia physalis).Có thân hình dài, mỏng, giống "những chai nhựa xanh", trong suốt, nổi lập lờ trên mặt nước nên rất khó phát hiện. Chúng có các xúc tu chứa nọc độc màu xanh, hồng tím óng ánh hoặc màu cam hay đỏ khi sống ở vùng nước sâu. Nọc độc của sứa lửa rất mạnh, có thể làm hoại tử vết thương và kích thích giải phóng histamin rất nhanh gây shock phản vệ.

Sứa Lửa đốt gây cảm giác bỏng, đau rát, tê bì toàn thân, yếu cơ, vã mồ hôi, sốt và buồn nôn, chóng mặt, khó thở, suy thận hoặc biến chứng như nhồi máu cơ tim, viêm phổi dẫn đến tử vong. Khi gặp trường hợp bị sứa Lửa đốt, quan trọng nhất là phải thực hiện các biện pháp cứu hộ dưới nước đối với nạn nhân tránh đuối nước. Yêu cầu nạn nhân thả lỏng, hạn chế cử động để tránh tăng cảm giác đau đớn. Sau đó tiến hành lau rửa vết thương bằng nước biển, dấm hoặc chanh, nhẹ nhàng lấy các xúc tu khỏi vết cắn và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Bạch tuộc Đốm (Vòng) xanh (Blue ringed octopus), thường gặp ở các rạn đá nước nông ven bờ, vùng triều rạn san hô tại Bình Thuận, Khánh Hòa và Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu). Chúng có kích thước nhỏ 12-20 cm, mang áo hình trứng, đầu hẹp, có 8 xúc tu ngắn, ngọn xúc tu thon nhỏ và rất mảnh; lớp da màu vàng và những đốm vòng xanh biển có thể thay đổi màu sắc đột ngột khi bị đe dọa.

Bạch tuộc Đốm (Vòng) xanh

Bạch tuộc Đốm xanh có phần mỏ, có thể chích qua da và bơm nọc gây độc. Nó là động vật biển độc duy nhất gây độc cho người bằng cả hai con đường tiếp xúc và do ăn (nhiều người ăn phải bạch tuộc này và tử vong do nhầm lẫn với mực). Nếu nạn nhân tiếp xúc phần vùng mặt với bạch tuộc Đốm xanh có thể tử vong ngay do ngừng tim phổi.

Vết cắn của bạch tuộc Đốm xanh rất nhỏ với 2 lỗ thủng do răng sắc nhọn và thường không gây đau đớn mà chỉ hơi ngứa nên nhiều người không hề nhận ra cho tới khi suy hô hấp và tê liệt (sau 20 phút). Khi bị chích (cầm, nắm hoặc da tiếp xúc trực tiếp), nạn nhân có cảm giác hơi khó chịu ở da, sau đó có vệt đỏ, căng và ngứa; tê hay rát bỏng môi, miệng, liệt cơ lan xuống, đau bụng quằn quại, nôn mửa, chóng mặt, đau đầu, toát mồ hôi; khi ngộ độc nặng, nạn nhân sẽ bị cứng hàm, cứng lưỡi, mất khả năng vận động, cơ, co giật, trụy tim mạch và tử vong.

Cách xử trí khi tiếp xúc với bạch tuộc Đốm xanh là dùng than hoạt tính súc rửa dạ dày cho nạn nhân nếu do ăn phải; băng ép bất động vùng chi bị nhiễm độc, nếu ngừng thở tiến hành hô hấp nhân tạo và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Ốc Cối-ốc Nón/Cù Đèn (Cone snails), sống ở đáy cát khu vực rạn san hô, có màu sặc sỡ, hấp dẫn nên thường dùng làm đỗ mỹ nghệ. Chúng có vòi rỗng, bên trong có răng tẩm nọc độc (chứa conotoxin).

Các loài ốc cối độc

Vết chích của ốc Cối thường nhỏ, khó phát hiện nhưng khá đau tại chỗ, thiếu máu, sưng đỏ và tê bì; sau 20-30 phút vã mồ hôi, yếu cơ, nhìn mờ, nói khó, khó nuốt, liệt toàn thân, suy hô hấp, trụy tim mạch và tử vong trong vòng 40 phút đến 2 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.

Tuy nhiên, loài ốc này chỉ tự vệ mà ít khi tấn công người. Những nạn nhân bị chích chủ yếu do cầm ốc bất cẩn, đào bới cát và hoạt động trên biển vào ban đêm.

Cách xử trí khi bị ốc Nón (Cối) chích, thực hiện băng ép bất động vùng chi bị cắn, ngâm vết thương trong nước nóng (40-450C) để giảm đau nhức, tìm và lấy gai bị gãy, theo dõi liên tục mạch, huyết áp và đưa tới cơ sở y tế gần nhất.

Rắn biển (Đẻn), thường sống ở các vùng đáy bùn nước ven bờ, xung quanh các đảo và cửa sông. Rắn biển có đầu và mắt nhỏ, thân hơi dẹp, đuôi dẹp, lỗ mũi chuyển lên phía đầu mút mõm. Độc tố của rắn biển có khả năng tác động lên hệ tuần hoàn, thần kinh và hủy hoại các tế bào cơ, gây liệt cơ hô hấp, có thể tử vong nhanh.

Rắn biển (Đẻn)

Khi bị rắn biển cắn, thoạt đầu không thấy đau hoặc chỉ đau nhẹ, ngứa ở vết cắn; sau đó đau cơ lớn, cơ cổ, lưỡi tê bì, toát mồ hôi, khó nuốt, co giật cơ hàm, liệt cơ, khó thở, giãn đồng tử; da lạnh, tím tái, liệt hô hấp, rối loạn cơ trơn, hôn mê và tử vong.

Cách xử lí: Rửa vết thương bằng dung dịch thuốc tím 1%; băng ép vết cắn, bất động, thực hiện hô hấp nhân tạo và vận chuyển về trung tâm y tế gần nhất.

 Cá Đá (Synanceja), thường gặp ở các rạn san hô hoặc vùng biển có nền đáy cát, khó phát hiện do có tài ngụy trang. Chúng có hình dạng xù xì, chắc chắn như cục đá, da tróc lở với nhiều tảo bám bên ngoài tạo nên sự đa dạng về màu sắc từ xanh lá, xám, nâu… lẫn vào màu sắc môi trường. Cá có miệng rộng, mắt gần như nằm ở phía trên đầu, vây ngực rất rộng và chỉ có một vây duy nhất ở lưng. Hầu hết các vụ tai nạn là do nạn nhân đi bộ trên nền đáy biển, vô tình dẫm phải cá đá đang ngụy trang hoặc  đang vùi mình dưới đáy cát, sỏi, khi bị chạm phải chúng giương vây lưng đâm và tiết chất độc vào cơ thể đối phương.

Cá Đá (Synanceja)

Độc tố cá Đá có thể làm rối loạn nhịp tim gây tụt huyết áp, choáng và trụy tim mạch, có thể tử vong. Khi bị tấn công, ngay lập tức có cảm giác vô cùng đau đớn, kéo dài hàng giờ đến vài ngày, vùng tổn thương sưng to và phù nề lan đến bàn chân và bàn tay, phồng rộp và hoạt tử. Do đau đớn nạn nhân có thể yếu toàn thân, ngất.

Cách xử trí khi bị cá Đá đâm, lập tức rửa vết thương bằng nước biển, gắp nhẹ nhàng các gai hay mảnh gãy của nó ra khỏi vùng bị thương và cầm máu. Không gãi hoặc chà khi ngứa vì sẽ khiến vết thương sưng nhiều hơn và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Cá Mao Tiên-cá Sư Tử (Pterois), chủ yếu sống ở các rạn san hô có màu sắc nâu đậm hoặc xám trắng với nhiều vằn trắng ngang khắp thân, các vây cũng có các vằn trắng hoặc chấm tròn màu trắng hay nâu, xanh (chúng có khả năng thay đổi màu sắc tùy vùng phân bố; thẫm màu khi sống ven bờ và rất sặc sỡ khi sống ở rạn san hô), trên các gai có tia màu vàng, trên vây lưng trước có tuyến chất độc.

Cá Mao Tiên

Nọc độc của cá Mao Tiên tác động lên hệ thần kinh cơ, thậm chí kể cả sau 24-48 giờ khi cá chết. Khi bị gai của cá đâm, nạn nhân có cảm giác đau buốt vết thương dữ dội, đau bỏng rát và lan tỏa rất nhanh ở các chi; tại vết thương phù nề kéo dài trong nhiều ngày, xuất hiện các nốt ban đỏ và phồng rộp; xuất hiện triệu chứng đau đầu, nôn, đau bụng, loạn nhịp tim, nguy hiểm có thể tử vong do chất độc gây liệt hệ cơ hô hấp, ngất và co giật nên nguy cơ chết đuối rất cao.

Cách xử trí: Garo vùng tay chân bị tổn thương, ngâm nước nóng 40-500C, kháng sinh.

Xuân Hương tổng hợp

Từ khóa » Các Con Vật Cắn đá Là Gì