Một Số Loài Rùa Biển Xác Nhận đã Biến Mất | Con Người Và Thiên Nhiên

Theo kết quả nghiên cứu do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Viện Nghiên cứu Môi trường biển (IMER) tại vùng biển các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Trung, một số loài rùa biển đã được xác nhận biến mất ở những vùng biển này.

Chiều 19/10, Hội thảo quốc gia về “Bảo tồn rùa biển tại Việt Nam” được tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức tại TP Đà Nẵng, xoay quanh những kế hoạch, hành động về bảo tồn rùa biển, cũng như thiết lập mạng lưới cứu hộ rùa và các sinh vật biển khác.

Trong khuôn khổ hội thảo, với các ý kiến, tham luận từ chuyên gia, đại diện các đơn vị, tổ chức Khu bảo tồn biển/ Vườn quốc gia… đã cập nhật hiện trạng bảo tồn rùa biển, thảo luận những quy định và chính sách để thực hiện hiệu quả Kế hoạch Hành động Quốc gia về Bảo tồn rùa biển. Hội thảo cũng hướng tới xây dựng mạng lưới cứu hộ rùa biển và các loài động vật có vú trên biển tại Việt Nam.

Hội thảo xoay quanh những kế hoạch, hành động về bảo tồn rùa biển…

Tại Việt Nam, có 5 loài rùa biển được biết đến bao gồm: Vích, Đồi mồi, Đồi mồi dứa, Quản đồng và Rùa da. Trước sự giảm mạnh từng ngày về số lượng, tất cả các loài này đều được liệt kê trong Sách đỏ IUCN và thuộc danh sách những loài động vật hoang dã đang gặp nguy hiểm cần được ưu tiên bảo vệ.

Theo kết quả nghiên cứu do IUCN và Viện Nghiên cứu Môi trường biển (IMER) thực hiện, số lượng rùa lên đẻ trứng tại Việt Nam đã giảm từ 10.000 cá thể mỗi năm (những năm 1980) xuống còn 450 cá thể (năm 2019). Trong đó, điều đáng lo ngại khi các bãi đẻ của rùa biển ngày càng bị xóa sổ, số liệu của IUCN cho thấy, hầu hết số lượng rùa lên đẻ trứng tập trung ở Côn Đảo (425 cá thể/năm) và hầu hết là Vích.

Theo một khảo sát được thực hiện vào năm 2017, tại vùng biển các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Trung, 2 trong số 5 loài rùa trên là Đồi mồi và Rùa da đã được xác nhận biến mất ở những vùng biển này.

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng suy giảm số lượng rùa biển là do khai thác quá tải các bãi đẻ của rùa, đánh bắt bất hợp pháp, buôn bán bất hợp pháp rùa biển và các sản phẩm làm từ rùa, mất sinh cảnh, nguồn thức ăn và sự suy giảm chất lượng môi trường.

Ô nhiễm rác thải nhựa cũng là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực đến sức khỏe các sinh vật biển. Rùa biển có nguy cơ đáng kể ăn phải mảnh vụn nhựa ở tất cả các giai đoạn trong vòng đời của chúng và hậu quả có thể gây tử vong.

Rùa biển được ấp nở theo phương pháp chuyển vị tại Cù Lao Chàm được thả về với đại dương

Trước những con số đáng báo động, nhiều hoạt động đã được các địa phương tiến hành nhằm giảm thiểu các tác nhân gây tử vong cho rùa biển, thiết lập các khu bảo vệ và nơi sinh của rùa biển; nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo tồn rùa biển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng Kế hoạch Hành động Bảo tồn rùa biển Việt Nam (MTCAP) giai đoạn 2016 – 2025 nhằm bảo tồn, bảo vệ hiệu quả cá quần thể rùa biển và nơi sinh sống của chúng tại Việt Nam. Trong năm 2019, một trong những mục tiêu quan trọng của MTCAP đã đạt được đó là Vườn Quốc gia Côn Đảo đã được chấp thuận trở thành thành viên Mạng lưới các khu bảo tồn rùa biển IOSEA.

Nguồn: Lan Anh/Báo Tài nguyên và Môi trường

Bài liên quan:

  1. Các loài rùa nguy cấp trước mối đe dọa từ buôn bán và tiêu thụ
  2. Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
  3. Nhâm Dần 2022: Năm Hổ và câu chuyện nuôi hổ để “bảo tồn” tại Việt Nam
  4. Rùa bản địa đối mặt với nguy cơ cao từ những chợ ảo thời 4.0
  5. Một ngày đỡ đẻ cho rùa biển
  6. Quản lý động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm: Bất cập và khuyến nghị
  7. Nan giải vấn nạn mua, bán rùa trên Internet
  8. Gần 5.000 m2 rừng phòng hộ tại Bình Định bị đốn hạ, ai chịu trách nhiệm?

Từ khóa » Các Loài Rùa Biển ở Việt Nam