Một Số Lưu ý Khi Kiểm Sát Giải Quyết Các Vụ án Theo Thủ Tục Rút Gọn

Thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) là một “thủ tục đặc biệt” của tố tụng hình sự, là sự thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp; đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn giải quyết vụ án một cách nhanh chóng đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng ở nước ta hiện nay.

Trong áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn để giải quyết vụ án, Kiểm sát viên (KVS) giữ vai trò rất quan trọng; tuy nhiên, do số lượng các vụ án áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn để giải quyết hiện nay còn tương đối ít nên kinh nghiệm kiểm sát giải quyết vụ án còn hạn chế (nhất là đối với KSV cấp huyện), trong quá trình giải quyết gặp phải một số hạn chế, khó khăn nhất định.

Kiểm sát căn cứ, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng thủ tục rút gọn

- Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn: Cơ quan điều tra (CQĐT), Viện kiểm sát (VKS) phải áp dụng thủ tục rút gọn đối với việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Chương XXXI BLTTHS và những quy định khác của BLTTHS không trái với quy định của Chương XXXI nêu trên.

- Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thực hiện theo quy định tại Điều 456 BLTTHS và Mục I.4, Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017.

- Thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn: CQĐT phải áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án trong giai đoạn điều tra; VKS phải áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án trong giai đoạn điều tra nếu VKS đã yêu cầu mà CQĐT không áp dụng và áp dụng trong giai đoạn truy tố.

Sau khi Kiểm sát viên (KSV) kiểm sát chặt chẽ căn cứ, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng thủ tục rút gọn của CQĐT hoặc VKS (khi KSV kiểm tra từng điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo nội dung Mục I.4 Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 nếu vụ án có đủ điều kiện và thuộc thẩm quyền của VKS thì KSV báo cáo, đề xuất lãnh đạo Viện, lãnh đạo đơn vị ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn theo mẫu số 163/HS, Quyết định số 15 và giao, gửi quyết định đó cho người tham gia tố tụng theo quy định tại khoản 2 Điều 457 BLTTHS).

Trường hợp CQĐT ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì KSV phải chú ý kiểm sát hình thức (có đúng mẫu 237 kèm theo Thông tư số 61/2017/TT-BCA), thời hạn giao, gửi quyết định áp dụng thủ tục rút gọn cho bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ, người bào chữa, VKS cùng cấp (trong thời hạn 24 giờ kể từ khi CQĐT ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn).

KSV cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Nếu xét thấy vụ án hình sự có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 456 BLTTHS mà CQĐT không ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, KSV báo cáo, đề xuất lãnh đạo Viện, lãnh đạo đơn vị yêu cầu CQĐT áp dụng thủ tục rút gọn; kiểm sát thời hạn và việc thực hiện yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 28 TTLT số 04/2018 và khoản 2 Điều 75 Quy chế số 111.

- Nếu thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của CQĐT không có căn cứ và trái pháp luật hoặc nếu thấy không còn một trong các điều kiện quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 456 của BLTTHS hoặc vụ án, bị can được tạm đình chỉ điều tra hoặc VKS ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, KSV báo cáo, đề xuất lãnh đạo Viện, lãnh đạo đơn vị quyết định việc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn được thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 TTLT số 04/2018; khoản 2, khoản 5, khoản 6 Điều 75 Quy chế số 111. - VKS đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra hoặc truy tố hoặc VKS ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì VKS ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn (mẫu số 163/HS Quyết định số 15).

- Thời hạn tố tụng của vụ án được tính tiếp theo thủ tục chung quy định tại BLTTHS kể từ khi có quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

Kiểm sát các hoạt động điều tra của cơ quan điều tra

Trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với các vụ án theo thủ tục rút gọn KSV kiểm sát hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại… được thực hiện như các vụ án thông thường, tuy nhiên về mặt thao tác thì cần khẩn trương hơn vì thời hạn điều tra là rất ngắn.

Theo quy định của Điều 460 BLTTHS thì thời hạn điều tra là 20 ngày, trong khi có hàng loạt công việc phải làm như ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xác minh lý lịch, tiền án, tiền sự, ra quyết định tạm giam, đề nghị VKS phê chuẩn lệnh tạm giam, tiến hành hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, làm các thủ tục khác như định giá tài sản, trưng cầu giám định…Đặc biệt đối với vấn đề thời hạn giám định; định giá tài sản; trích lục tiền án, tiền sự có thể kéo dài mà chưa có những quy định riêng đối với các hoạt động trên trong trường hợp vụ án hình sự được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Chính vì vậy, KSV cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên trong quá trình điều tra thì mới đảm bảo kết thúc vụ án đúng thời hạn.

Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra không phải làm bản kết luận điều tra mà ra Quyết định đề nghị truy tố và gửi kèm theo hồ sơ vụ án đến VKS (Điều 460 BLTTHS). Sau khi tiếp nhận được quyết định đề nghị truy tố và hồ sơ vụ án, KSV tiến hành những việc sau đây:

- Kiểm tra hồ sơ: Kiểm tra hồ sơ xem có bao nhiêu bút lục, việc đánh bút lục có đúng với quy định hay không, có phù hợp với bảng kê tài liệu do Điều tra viên lập không; kiểm tra thủ tục tố tụng của vụ án. Sau khi kiểm tra nếu phát hiện ra thiếu sót nhỏ có thể khắc phục được thì phối hợp với Điều tra viên khắc phục ngay.

- Nghiên cứu, đánh giá hồ sơ, tài liệu: KSV phải nghiên cứu nắm vững quyết định đề nghị truy tố; nghiên cứu kỹ hồ sơ và phải trả lời được các câu hỏi sau: Có tội phạm xảy ra hay không? Ai là người thực hiện hành vi phạm tội? Sau đó đánh giá hậu quả của vụ án; xác định giữa hậu quả và hành vi phạm tội có mối quan hệ nhân quả không; xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can; kiểm tra việc thu giữ, xử lý vật chứng.

Trong quá trình điều tra theo thủ tục rút gọn, nếu phát hiện Cơ quan điều tra vi phạm pháp luật, VKS có quyền huỷ bỏ, thay đổi các quyết định đó và quyết định áp dụng việc điều tra theo thủ tục chung để đảm bảo việc điều tra đúng pháp luật.

KSV cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Trường hợp áp dụng theo thủ tục rút gọn thì KSV không cần thiết phải xây dựng kế hoạch THQCT, KSĐT theo quy định tại Điều 48 Quy chế số 111.

- Một vụ án có thể không áp dụng thủ tục rút gọn ở giai đoạn điều tra, do cần nhiều thời gian để thu thập chứng cứ về nhân thân, lai lịch… nhưng vụ án đó sau đó lại có thể áp dụng thủ tục rút gọn ở giai đoạn truy tố hoặc xét xử, nếu như đáp ứng đủ điều kiện của Điều 456 BLTTHS.

Kiểm sát tạm giữ, tạm giam để điều tra, truy tố khi áp dụng thủ tục rút gọn

Thủ tục rút gọn được áp dụng đối với các vụ án phạm tội quả tang nên trong thực tế tạm giữ sẽ là biện pháp được áp dụng phổ biến đối với các vụ án.

Các quy định về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục áp dụng biện pháp tạm giữ trong thủ tục rút gọn cũng được tiến hành theo thủ tục chung. Thời hạn tạm giữ tối đa không quá 03 ngày, kể từ ngày Cơ quan điều tra nhận người bị bắt; không được gia hạn tạm giữ.

Khi kiểm sát về tạm giam, KSV lưu ý trong việc áp dụng thủ tục rút gọn, biện pháp tạm giam cũng phải tuân thủ các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền như trường hợp tạm giam thông thường. Về nguyên tắc, thời hạn tạm giam không được vượt quá thời hạn tiến hành điều tra, truy tố, xét xử. BLTTHS năm 2015 quy định thời hạn tiến hành tố tụng theo thủ tục rút gọn là 42 ngày; trong đó điều tra 20 ngày, truy tố 05 ngày; xét xử sơ thẩm 17 ngày, xét xử phúc thẩm 22 ngày. Do đó, thời hạn tạm giam tối đa là 64 ngày (Điều 459BLTTHS).

Kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của VKS khi giải quyết các vụ án theo thủ tục rút gọn

Khi giải quyết các vụ án rút gọn mà có khiếu nại, tố cáo thì KSV chú ý nếu: Khiếu nại cáo trạng, quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì không áp dụng quy định về giải quyết khiếu nại theo Chương XXXIII mà xử lý, giải quyết theo quy định tại các Chương tương ứng (khoản 2 Điều 469 và khoản 5 Điều 457 BLTTHS; mục II.2 Hướng dẫn số 04/HD-VKSTC).

Thời hiệu khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thực hiện theo khoản 5 Điều 457 BLTTHS là 05 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Theo quy định tại khoản 2 Điều 471 BLTTHS: Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu, KSV thực hiện việc kiểm tra, xác định cụ thể lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan căn cứ trên cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 156 BLDS năm 2015 và báo cáo với lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện việc không tính thời gian này vào thời hiệu khiếu nại.

Thời hạn giải quyết khiếu nại đối với từng trường hợp được VKS thực hiện theo quy định tại các Điều 474, 475 và 476 BLTTHS. Quy trình, thủ tục giải quyết khiếu nại trong giai đoạn khởi tố, điều tra và truy tố theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Quy chế số 51/2016 và Quyết định số 546/QĐ-VKSTC ngày 03/12/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Một số khó khăn, vướng mắc, kiến nghị kiểm sát giải quyết các vụ án theo thủ tục rút gọn

Một là, có rất nhiều vụ án tuy không phải thuộc trường hợp phạm tội quả tang, song sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, căn cước người phạm tội rõ ràng, song lại không được áp dụng thủ tục rút gọn vì không phải là trường hợp phạm tội quả tang.

Hai là, có những trường hợp người phạm tội đầu thú về hành vi phạm tội của mình mà hành vi phạm tội đó cũng rất đơn giản, chứng cứ rõ ràng, tội phạm được thực hiện cũng là tội phạm ít nghiêm trọng, lai lịch, căn cước rõ ràng, nhưng vì không phải là trường hợp phạm tội quả tang hoặc người đó tự thú nên cũng không được áp dụng thủ tục rút gọn.

Ba là, có nhiều vụ án phạm tội nghiêm trọng, hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện tại điểm a, b, d khoản 1 Điều 456 BLTTHS, song không thể áp dụng được thủ tục rút gọn vì không thỏa mãn với điều kiện tại điểm c khoản 1 Điều 456 BLTTHS là “Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng”.

Như vậy, để có thể mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn nhằm giảm bớt thời gian giải quyết, tiết kiệm chi phí vật chất, lợi ích của các chủ thể tham gia tố tụng hình sự, hạn chế lượng án tồn đọng; hạn chế được những vi phạm về thời hạn tạm giữ, tạm giam, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Theo ý kiến cá nhân của tác giả, Điều 456 BLTTHS nên quy định theo hướng “mở” để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, cụ thể:

“Điều 456. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn

1. Thủ tục rút gọn được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ ít nhất ba điều kiện:

a) Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú;

b) Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;

c) Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;

d) Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.

….”

Ngoài ra, toàn bộ quy định tại Chương XXXI của BLTTHS về thủ tục rút gọn không có điều luật đề cập đến vấn đề bào chữa. Giả sử trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu mời luật sư bào chữa thì giải quyết thế nào? thời hạn ra sao?

Ví dụ: Theo quy định tại khoảng 2 Điều 462 BLTTHS nếu sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, tới ngày thứ 6 hoặc tại phiên tòa bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu mời luật sư thì giải quyết thế nào, thời hạn là bao nhiêu? (vì theo quy định thì khi áp dụng thủ tục rút gọn không được gia hạn). Nếu Tòa án không chấp nhận yêu cầu mời luật sư vì cho rằng vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng thì sẽ vi phạm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; nếu chấp nhận thì có thể vi phạm về thời hạn...

Vấn đề trên hiện có nhiều quan điểm giải quyết khác nhau; cần sớm ban hành Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành về vấn đề bào chữa trong thủ tục rút gọn để việc áp dụng quy định này được thống nhất.

Từ khóa » điều Kiện án Rút Gọn