Một Số Lưu ý Khi Kiểm Sát Việc áp Dụng Các Biện Pháp Tư Pháp Theo ...

Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS) thì các biện pháp tư pháp được quy định tại Chương VII và Mục 3 Chương XII, bao gồm 2 nhóm: Nhóm các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người phạm tội hoặc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự và nhóm biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Để thực hiện các biện pháp tư pháp được tuân thủ đúng quy định của pháp luật, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần lưu ý một số vấn đề về các biện pháp tư pháp như sau:

Nhóm các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người phạm tội hoặc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự gồm các biện pháp sau: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; Bắt buộc chữa bệnh; Giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Mỗi biện pháp tư pháp khi được áp dụng có những trình tự, cách thức thi hành khác nhau và được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Trong các biện pháp trên, Luật thi hành án hình sự (Luật THAHS) chỉ quy định trình tự, thủ tục thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh (Điều 116 Luật THAHS), biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng (Điều 124 Luật THAHS).

Đối với biện pháp “Giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội” đã chuyển thành “biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự” (quy định có lợi cho người phạm tội). Như vậy, biện pháp “Giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội” không còn là biện pháp tư pháp mà chuyển thành biện pháp giám sát và Tòa án chỉ áp dụng trong trường hợp người phạm tội dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự.

Những biện pháp tư pháp còn lại được điều chỉnh bởi pháp luật thi hành án dân sự hoặc được thực hiện ngay tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự.

+ Về biện pháp bắt buộc chữa bệnh (Điều 49 BLHS).

Bắt buộc chữa bệnh được thực hiện như sau:

Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của BLHS, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt tù, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt. Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Theo đó, biện pháp bắt buộc chữa bệnh do Viện kiểm sát và Tòa án áp dụng đối với người phạm tội hoặc người có hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự trong các giai đoạn giải quyết vụ án hình sự hoặc thi hành án hình sự. Người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh phải điều trị bệnh tại cơ sở chữa bệnh bắt buộc theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của Viện kiểm sát. Sở dĩ quy định căn cứ “Kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần” là để phù hợp với Luật giám định tư pháp năm 2012.

Biện pháp bắt buộc chữa bệnh là biện pháp đặc biệt, không phải là biện pháp nhằm giáo dục, cải tạo người bị áp dụng biện pháp tư pháp mà là biện pháp mang tính chất cưỡng chế nhằm điều trị, chăm sóc phục hồi sức khỏe cho người bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Sau khi khỏi bệnh, người bị áp dụng sẽ có thể tiếp tục bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải tiếp tục chấp hành hình phạt tù theo bản án. Do đó, thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh phải tuân thủ theo nguyên tắc bảo đảm việc điều trị, chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho người bị áp dụng biện pháp tư pháp và ngăn ngừa họ tiếp tục thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.

+ Về biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng

Biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội quy định tại Điều 96 BLHS là biện pháp do Tòa án quyết định áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, nếu xét thấy không cần thiết áp dụng hình phạt đối với họ nhưng do tính chất của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó không bảo đảm việc tự cải tạo nên cần đưa người đó vào Trường giáo dưỡng. Người được giáo dục tại trường giáo dưỡng phải chịu sự giám sát, quản lý, giáo dục của nhà trường và phải học tập, rèn luyện, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, hướng dẫn của cán bộ, giáo viên Trường giáo dưỡng với thời hạn từ 1 năm đến 2 năm. Do đó, thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật THAHS đưa người dưới 18 tuổi phạm tội nhưng không phải chịu hình phạt tù vào Trường giáo dưỡng để giáo dục theo bản án, quyết định của Tòa án.

Nhóm các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội gồm các biện pháp sau: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm;Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;Khôi phục lại tình trạng ban đầu;Thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.

+ Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là việc Tòa án quyết định tịch thu vật, tiền do pháp nhân thương mại đã sử dụng vào việc thực hiện tội phạm hoặc có được khi thực hiện tội phạm. Đây là những công cụ, phương tiện hoặc lợi ích vật chất, tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội nếu được tịch thu sung công quỹ nhà nước. Biện pháp tư pháp này bảo đảm việc xử lý tội phạm một cách triệt để, có tính răn đe và phòng ngừa tội phạm cao.

+ Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi: là việc Tòa án buộc pháp nhân thương mại phạm tội phải trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự cho chủ sở hữu hợp pháp đã bị mất, hư hỏng tài sản hoặc bị thiệt hại về thể chất, tinh thần do hành vi phạm tội của pháp nhân gây ra.

+ Khôi phục lại tình trạng ban đầu là việc Tòa án quyết định buộc pháp nhân thương mại phạm tội phải khắc phục thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra bằng biện pháp khôi phục nguyên trạng tình trạng ban đầu của thiệt hại.

+ Thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra là việc Tòa án quyết định buộc pháp nhân thương mại phạm tội phải khắc phục hậu quả đã xảy ra do hành vi phạm tội của mình, có những hoạt động ngăn chặn thiệt hại tiếp tục xảy ra sau khi hành vi phạm tội đã chấm dứt.

Các biện pháp áp dụng với pháp nhân phạm tội là những quy định mới, lần đầu tiên quy định trong BLHS nên Kiểm sát viên, Kiểm tra viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự cần lưu ý để tránh xảy ra sai sót./.

Thanh Nghị

Từ khóa » Các Biện Pháp Tư Pháp Là Gì