Một Số Nét Văn Hóa đặc Sắc Trong Nghi Lễ Thờ Cúng Thần Linh Của ...

Dân tộc Sán Dìu có nhiều tên gọi khác nhau như San Dáo Nhín (Sơn Dao Nhân tức người Dao ở trên núi), Trại đất (người Trại ở nhà đất), người Trại ruộng (người Trại làm ruộng), Trại cộc, Mán cộc, Mán váy xẻ hay Slán Dao… Đến tháng 3 năm 1960, Tổng cục thống kê ghi nhận tên gọi của tộc người này là Sán Dìu. Từ đây, Sán Dìu là tên gọi chính thức trong các văn bản của Nhà nước. Ở Tuyên Quang, người Sán Dìu sống tập trung chủ yếu tại một số xã thuộc hạ huyện Sơn Dương, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Ninh Lai, Thiện Kế và Sơn Nam. Tại đây, đồng bào dân tộc Sán Dìu sống quần tụ với nhau thành những làng, bản và luôn đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.

Lễ hội cầu an đầu năm của người Sán Dìu. Ảnh minh họa

Trong văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu, các nghi lễ truyền thống gia đình có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh. Giống như người Kinh, đồng bào Sán Dìu cũng thờ cúng tổ tiên (hay còn gọi là chú công) bởi tổ tiên chính là thần linh bảo hộ cho tộc người mình. Bàn thờ tổ tiên được người Sán Dìu kê ở vị trí sát tường - nơi gian chính giữa của ngôi nhà. Lễ thờ cúng tổ tiên thường được tổ chức vào dịp Tết, tuần tiết hoặc khi có nhà có việc quan trọng. Người Sán Dìu rất coi trọng tổ tiên, họ thường làm lễ tạ mộ để giải hạn, cầu an đồng thời để cầu cho những người đã khuất được bình yên ở thể giới bên kia. Lễ tạ mộ của người Sán Dìu mang nhiều bản sắc đặc trưng gắn với nét văn hóa ẩm thực thể hiện trong mâm cỗ cúng và những nghi thức phức tạp của thầy cúng khi tiến hành lễ tạ mộ.

Ngoài thờ cúng tổ tiên, đồng bào dân tộc Sán Dìu Tuyên Quang còn thờ nhiều vị thần khác như Táo Quân (Chạo kun), Thổ công (Thú sín), thần Cửa (Môn Sằn), Tổ sư (Say hu)…Do sự giao thoa văn hóa, trong nghi lễ thờ các vị thần này có chứa đựng những nét văn hóa thờ cúng thần linh của người Kinh nhưng vẫn mang đậm nét bản sắc riêng có của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Lễ cúng Táo Quân được cúng vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Vào ngày lễ đó, họ không cúng cá chép như người Kinh mà cúng các lễ vật như thịt lợn, thịt gà, bánh dợm, bánh giò và hoa quả. Người Sán Dìu thờ cúng Táo Quân với mong muốn gia đình luôn được hạnh phúc, đầm ấm và thuận hòa.

Dân gian có câu “đất có Thổ công, sông có Hà Bá” vì vậy người Sán Dìu rất coi trọng việc thờ cúng Thổ Công. Người Sán Dìu thờ cúng Thổ công bằng một ống hương bằng tre được đặt dưới bàn thờ tổ tiên. Họ thờ Thổ công quanh năm để mong vị thần phù hộ, che chở cho gia đình được an lành.

Với quan niệm, ở cửa của mỗi ngôi nhà đều có một vị Thần cửa để bảo vệ ngôi nhà và mọi người trong gia đình nên người Sán Dìu còn thờ Thần cửa. Để thờ Thần cửa, họ sử dụng một ống hương bằng tre gài ngay cạnh cửa chính. Vào dịp lễ tết hoặc khi gia đình có việc quan trọng, người ta lại thắp hương trong ống hương để thờ Thần cửa. Ý nghĩa của sự thờ cúng này là Thần cửa sẽ canh giữ cửa, không cho tà ma, quỷ dữ làm hại mọi người trong nhà và trông giữ phần hồn của các thành viên trong gia đình không đi lang thang kẻo lạc đường về.

Cuối cùng, có thể kể đến một nét văn hóa cũng rất nổi bật trong nghi lễ thờ cúng thần linh của người Sán Dìu, đó là nghi lễ thờ Tổ sư. Tổ sư ở đây được hiểu là ông tổ của nghề cúng bái. Vì vậy bàn thờ Tổ sư chỉ xuất hiện ở những gia đình có người làm nghề cúng bái. Họ quan niệm, nếu không quan tâm, chăm lo đến bàn thờ Tổ sư thì sẽ bị mất lộc, mất phép màu, thậm chí bị phạt nặng thì có thể chết.

Những nghi lễ thờ cúng thần linh của đồng bào dân tộc Sán Dìu đã có từ xa xưa nhưng đến nay vẫn được bảo tồn và duy trì. Do cuộc sống ngày càng hiện đại cùng với sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đã tác động không nhỏ tới đời sống của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Vì vậy, không thể tránh khỏi một số thay đổi trong quan niệm cũng như trong các nghi lễ thờ cúng thần linh. Việc giữ gìn những nét văn hóa truyền thống văn hóa nói chung của đồng bào dân tộc Sán Dìu nói chung và văn hóa trong nghi lễ thờ cúng thần linh nói riêng góp phần làm phong phú hơn bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh Tuyên Quang.

Theo tuyenquang.gov.vn

Từ khóa » Dân Tộc Sán Dìu