Một Số Nội Dung Về Thẩm Quyền Công Chứng, Chứng Thực - Sở Tư Pháp

  • Giới thiệu
  • Dịch vụ công, TTHC
  • Chuyên trang truyền thông
  • Đăng nhập
Tìm kiếm tin tức
Thông tin chỉ đạo điều hành Thông tin dự án Kết quả đánh giá Bộ phận TN&TKQ Tin tức - Sự kiện Niêm yết thông báo Chiến lược, QH, KH Giới thiệu văn bản pháp luật Hướng dẫn nghiệp vụ Nghiên cứu - Trao đổi Bổ trợ tư pháp Hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa Bản tin tư pháp Cải cách hành chính, ISO Rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật Danh bạ cơ quan Lịch công tác ký tự Tiếp nhận ý kiến Theo chuyên đề Văn bản pháp luật

Liên kết website Chính phủCác Bộ, Ngành ở TWTỉnh ủy, UBND TỉnhSở, Ban, NgànhSở Nội vụSở Thông tin Truyền thông
Nghiên cứu - Trao đổiMột số nội dung về thẩm quyền công chứng, chứng thựcNgày cập nhật 09/03/2022

Để đảm bảo hồ sơ, giấy tờ trong thực hiện các giao dịch của tổ chức, cá nhân, pháp luật quy định về công chứng, chứng thực các văn bản, giấy tờ. Một số trường hợp người dân được lựa chọn thực hiện công chứng/chứng thực tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng.

1. Các việc liên quan đến công chứng, chứng thực

Trong thực tế thường phát sinh các việc liên quan cần được công chứng hoặc chứng thực, có thể liệt kê như sau:

+ Chứng thực bản sao từ bản chính: Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận.

+ Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản.

+ Chứng thực/công chứng Bản dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài.

+ Công chứng/chứng thực Hợp đồng, giao dịch.

+Công chứng/chứng thực các văn bản liên quan đến di chúc: Di chúc; văn bản từ chối nhận di sản; văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản.

Trong đó, một số việc pháp luật cho phép được lựa chọn để thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Thực hiện chứng thực tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Theo quy định tại khoản 1, 2, 5, 6 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, người yêu cầu chứng thực được đề nghị chứng thực tại các cơ quan nhà nước như sau:

“1. Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Phòng Tư pháp) có thẩm quyền và trách nhiệm:

a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;

b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản;

c) Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài;

d) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;

đ) Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là động sản.

Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp thực hiện chứng thực các việc quy định tại Khoản này, ký chứng thực và đóng dấu của Phòng Tư pháp.

2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:

a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;

b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch;

c) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;

d) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;

đ) Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở;

e) Chứng thực di chúc;

g) Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản;

h) Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là tài sản quy định tại các Điểm c, d và đ Khoản này.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã.

5. Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc quy định tại Điều này không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.

6. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà”.

2. Thực hiện công chứng, chứng thực tại tổ chức hành nghề công chứng

a) Về chứng thực

- Điều 77 Luật Công chứng năm 2014 về việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản của công chứng viên quy định Công chứng viên được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản. Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực.

- Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, quy định thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực của công chứng viên. Theo đó, Công chứng viên có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực các việc: (i) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận; (ii) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch. Công chứng viên ký chứng thực và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

Như vậy, công chứng viên có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực 02 nhóm việc như trên. Thủ tục thực hiện theo quy định về chứng thực, cụ thể là Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2022 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

b) Về công chứng

Theo quy định tại Chương V Luật Công chứng năm 2014, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch. Trong đó, Luật quy định cụ thể thủ tục chung về công chứng và thủ tục cụ thể trong các trường hợp: Thế chấp bất động sản; hợp đồng ủy quyền; di chúc; văn bản thỏa thuận phân chia di sản; văn bản khai nhận di sản; văn bản từ chối nhận di sản; nhận lưu giữ di chúc; Công chứng bản dịch.

Việc thực hiện công chứng theo quy định của Luật Công chứng.

3. Công chứng, chứng thực ở nước ngoài

- Về chứng thực: Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định, Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là Cơ quan đại diện) có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực các việc:

+ Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;

+ Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản;

+ Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài.

- Về công chứng: Khoản 1 Điều 78 Luật Công chứng năm 2014 quy định Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền và các hợp đồng, giao dịch khác theo quy định của Luật Công chứng và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam.

4. Giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch được công chứng và văn bản được chứng thực

Như vậy, thực tế một số hợp đồng, giao dịch, người yêu cầu có thể yêu cầu chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, cần hiểu rõ giá trị pháp lý của văn bản được công chứng và văn bản được chứng thực là khác nhau.

a) Văn bản được chứng thực

- Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định: “Chứng thực hợp đồng, giao dịch” là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

- Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định: Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

- Điều 7 Thông tư 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2022 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản đã được chứng thực không đúng quy định pháp luật: Các giấy tờ, văn bản được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký không đúng quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và Thông tư này thì không có giá trị pháp lý.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực không đúng quy định đối với giấy tờ, văn bản do Phòng Tư pháp chứng thực. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực không đúng quy định đối với giấy tờ, văn bản do cơ quan mình chứng thực. Sau khi ban hành quyết định hủy bỏ giấy tờ, văn bản chứng thực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đăng tải thông tin về giấy tờ, văn bản đã được chứng thực nhưng không có giá trị pháp lý lên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và các cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực không đúng quy định đối với giấy tờ, văn bản do cơ quan mình chứng thực và đăng tải thông tin về giấy tờ, văn bản đã được chứng thực nhưng không có giá trị pháp lý lên Trang thông tin điện tử của cơ quan mình.

Việc ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý và đăng tải thông tin thực hiện ngay sau khi phát hiện giấy tờ, văn bản đó được chứng thực không đúng quy định pháp luật.

b) Văn bản được công chứng

- Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014 quy định: Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

- Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 khẳng định giá trị pháp lý của văn bản công chứng: “1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. 2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác. 3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu. 4. Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch”.

- Theo quy định tại Điều 51 Luật Công chứng năm 2014 về công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch, việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch.

- Điều 52 Luật Công chứng năm 2014 quy định người có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu: Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.

Theo các quy định trên, hợp đồng, giao dịch được chứng thực thì chỉ có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Trong khi đó, văn bản được công chứng thì được bảo đảm cả về nội dung của văn bản. Do đó, Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, và chỉ có Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố vô hiệu.

5. Một số vấn đề trao đổi

Từ quy định về giá trị pháp lý của văn bản được công chứng, chứng thực và thực tiễn thực hiện, cho thấy:

- Đối với các hợp đồng, giao dịch, nhất là liên quan đến vấn đề di chúc, có những phức tạp trong xác định nội dung văn bản, thực tiễn có thể phát sinh những tranh chấp nếu nội dung không được thẩm tra, xác minh đầy đủ. Trong khi đó, việc chứng thực các văn bản này theo quy định chỉ có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Do đó, dẫn đến giá trị pháp lý của văn bản được chứng thực không cao, người thực hiện chứng thực có lúc cũng không “mặn mà” với nhiệm vụ này. Từ thực tế đó, nên xem xét không quy định việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch mà thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch để bảo đảm tính pháp lý cao cũng như phù hợp với trình độ, kỹ năng hành nghề của công chứng viên.

- Đối với bản dịch: Trường hợp công chứng bản dịch thì văn bản được chứng nhận cả về nội dung, trong khi đó, công chứng viên lại không có trình độ ngoại ngữ nên việc chứng nhận nội dung bản dịch là không phù hợp. Thiết nghĩ, đối với bản dịch, không quy định việc công chứng, mà quy định chứng thực chữ ký của người dịch trên bản dịch sẽ phù hợp với thực tế và chuyển thẩm quyền này đề Phòng Tư pháp thực hiện.

Gửi tin qua email In ấnCác tin khácHội đồng đấu giá quyền sử dụng đất (18/02/2022)Chế độ, chính sách thu hút chuyên gia; tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp của Thừa Thiên Huế (09/02/2022)Tìm hiểu quy định về cá nhân, tổ chức giám định tư pháp (09/02/2022)Pháp luật phòng, chống tham nhũng của nước ta từ 1945 đến nay (09/02/2022)Tiêu chí nào thể hiện vai trò then chốt, chủ đạo của Phòng Công chứng trong thị trường dịch vụ công chứng? (26/01/2022)Xác định một số thời điểm liên quan đến thay đổi thành viên hợp danh trong Văn phòng công chứng (26/01/2022)Một số trao đổi về công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (21/01/2022)Vi bằng và những vấn đề cần lưu ý (14/01/2022)Quy định về sở hữu chung và sở hữu chung trong thừa kế (05/01/2022)Từ chối nhận di sản theo di chúc có đồng thời mất đi quyền được chia thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản đã từ chối không? (05/01/2022)« Trước12345678910...12Sau »
Xem tin theo ngày
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Sở Tư Pháp tỉnh Thừa Thiên Huế 09 Tôn Đức Thắng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 0234. 3849036 Email: stp@thuathienhue.gov.vn Người chịu trách nhiệm: Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Sở - Trưởng ban biên tập Thống kê truy cậpTổng truy cập 22.795.699Lượt truy cập hiện tại 10.278

Từ khóa » Sổ Chứng Thực Là Gì