Một Số Quy định Mới Về Công Chức, Viên Chức
Có thể bạn quan tâm
Nghị định số 104/2020/NĐ-CP của Chính phủ : Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức.
Theo đó, Nghị định số 104/2020/NĐ-CP sửa đổi điểm a và bổ sung điểm l khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 53/2015/NĐ-CP về đối tượng áp dụng. Cụ thể, bổ sung thêm 1 trường hợp cán bộ, công chức được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn là cán bộ, công chức nữ giữ chức vụ, chức danh: Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy là người dân tộc thiểu số. Đồng thời, các trường hợp Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ không còn thuộc đối tượng được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn (do các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đã kết thúc hoạt động từ cuối năm 2017). Nghị định 104/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 04/9/2020. Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ : Về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Với việc ban hành Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020, Chính phủ đã đồng bộ nhiều quy định mới về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức so với trước đây, cụ thể:
Quy định chung kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức tại 1 Nghị định
Hiện nay, Chính phủ đang hướng dẫn xử lý kỷ luật công chức tại Nghị định 34 năm 2011; kỷ luật viên chức nêu tại Nghị định số 27/2012/NĐ-CP. Đặc biệt, cán bộ đang là đối tượng chưa có văn bản riêng quy định về vấn đề này.
Để thuận lợi cho việc áp dụng quy định của pháp luật, Nghị định 112 mới được Chính phủ ban hành đã đồng thời hướng dẫn kỷ luật cả 03 đối tượng là cán bộ, công chức và viên chức. Ngoài ra, nhằm đồng bộ với Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Nghị định 112 cũng quy định cụ thể về việc kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Có thể thấy, với sự ra đời của Nghị định 112, Chính phủ đã thống nhất và đồng bộ hóa các quy định kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức tại một văn bản. Qua đó giúp việc áp dụng vào thực tế được dễ dàng hơn.
Bổ sung quy định tái phạm khi kỷ luật cán bộ, công chức
Đây là lần đầu tiên Chính phủ quy định cụ thể về vấn đề tái phạm khi kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, khoản 8 Điều 2 Nghị định 112 nêu rõ:
Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kẻ từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm
Đồng thời, ngoài thời hạn 24 tháng thi hành thì vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét kỷ luật.
Về vi phạm lần đầu, theo Nghị định 112, Chính phủ nêu rõ tùy vào mức độ của hậu quả gây ra mà cán bộ, công chức, viên chức có thể phải chịu hình thức kỷ luật tương ứng:
- Khiển trách với cán bộ, công chức: Gây hậu quả ít nghiêm trọng về đạo đức, văn hóa giao tiếp, thực hiện trách nhiệm, kỷ luật lao động, lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi…
- Cảnh cáo với cán bộ, công chức: Gây hậu quả nghiêm trọng khi vi phạm các hành vi bị khiển trách…
- Hạ bậc lương với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo: Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp bị kỷ luật khiển trách;
- Giáng chức với công chức giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo: Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp bị khiển trách…
- Cách chức với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các hành vi bị khiển trách nhưng chưa đến mức buộc thôi việc, người vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ;
- Thôi việc với công chức: Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp bị khiển trách.
Như vậy, khi vi phạm lần đầu, cán bộ, công chức vẫn có thể bị hạ bậc lương, giáng chức hoặc cách chức, buộc thôi việc tùy vào mức độ vi phạm.
Không còn hạ bậc lương cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý
Quy định này nhằm thống nhất với quy định tại Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Cụ thể, khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi quy định:
Hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
Theo đó, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật bằng các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương và buộc thôi việc và công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật bằng các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc (đã bỏ hình thức hạ bậc lương với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP).
Như vậy, chỉ có công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mới bị hạ bậc lương. Đồng nghĩa với đó là công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không còn bị hạ bậc lương theo quy định hiện nay.
Đáng chú ý: So với các quy định trước đây, các hình thức kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức tại Nghị định 112 đã có sự thay đổi đáng kể. Thay vì nêu cụ thể hành vi vi phạm tương ứng với từng hình thức kỷ luật như Nghị định 27 và Nghị định 34 thì Nghị định 112 đã khái quát theo các tiêu chí:
- Vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước;
- Vi phạm quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;
- Vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng; đất đai, tài nguyên môi trường; tài chính, kế toán, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình thực thi công vụ…
Cán bộ, công chức, viên chức đã qua đời được miễn kỷ luật
Bởi Nghị định 112 áp dụng chung cho cả cán bộ, công chức, viên chức nên việc miễn trách nhiệm kỷ luật với các đối tượng này cũng có nhiều nội dung mới. Cụ thể, Điều 4 Nghị định 112 nêu 04 trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật gồm:
- Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm (như quy định trước đây);
- Công chức phải chấp hành quyết định của cấp trên (như quy định trước đây);
- Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo Bộ luật Dân sự năm 2015 khi thi hành công vụ (trước đây với công chức là trong tình thế bất khả kháng khi thi hành công vụ; với viên chức là trong tình thế bất khả kháng khi thực hiện công việc, nhiệm vụ);
- Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời (quy định mới được bổ sung).
Đồng thời, về các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức, Nghị định 112 cũng có những quy định mới như sau:
- Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép (như quy định trước đây);
- Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền (trước đây công chức đang trong thời gian điều trị; viên chức đang trong thời gian điều trị, chữa bệnh);
- Cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (như quy định trước đây);
- Cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (bổ sung mới);
- Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền (bổ sung thêm trường hợp đang bị khởi tố trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền).
Có thể thấy, việc bổ sung các trường hợp miễn hoặc chưa xem xét trách nhiệm kỷ luật tại Nghị định 112 nêu trên đã bao quát các trường hợp, tạo sự thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền áp dụng với từng đối tượng cán bộ, công chức, viên chức.
Trình tự, thủ tục kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu
Từ ngày 01/7/2020 khi Luật sửa đổi năm 2019 chính thức có hiệu lực thì cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu hoặc nghỉ việc cũng “hết thời hạ cánh an toàn”.
Nếu phát hiện cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mà có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì phải chịu một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức kỷ luật đó (theo khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi).
Với viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà phát hiện hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì thực hiện theo quy định của Luật sửa đổi năm 2019.
Do đó, việc xử lý kỷ luật các đối tượng này được Chính phủ hướng dẫn cụ thể như sau:
Thẩm quyền xử lý kỷ luật
- Kỷ luật xóa tư cách chức vụ, chức danh: Cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh cao nhất ra quyết định kỷ luật;
- Kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo: Cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh ra quyết định xử lý kỷ luật.
Riêng với người giữ chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính Nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng ra quyết định xử lý kỷ luật.
Trình tự, thủ tục kỷ luật
- Bước 1: Căn cứ quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ đề xuất hình thức, thời điểm và thời gian thi hành kỷ luật.
- Bước 2: Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
Viên chức bị buộc thôi việc vẫn được thi công chức
Trước đây tại điểm c khoản 2 Điều 23 Nghị định 34, công chức bị buộc thôi việc được quyền đăng ký dự tuyển vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước sau 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật buộc thôi việc có hiệu lực.
Riêng trường hợp bị buộc thôi việc do tham nhũng, tham ô hoặc vi phạm đạo đức công vụ thì không được đăng ký dự tuyển vào cơ quan hoặc vị trí công tác có liên quan đến nhiệm vụ, công vụ đã đảm nhiệm trong thời gian có hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, với viên chức thì Nghị định 27 chưa quy định. Do đó, để phù hợp với tình hình thực tế, Nghị định 112 đã bổ sung quy định này. Cụ thể:
Sau 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật buộc thôi việc có hiệu lực, viên chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc được quyền đăng ký dự tuyển vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước.
Trường hợp bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc do tham nhũng, tham ô hoặc vi phạm đạo đức công vụ thì không được đăng ký dự tuyển vào vị trí công tác có liên quan đến nhiệm vụ đã đảm nhiệm.
Kéo dài thời hạn kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức
Ngoài rút hình thức hạ bậc lương với công chức giữ chức vụ lãnh đạo như Luật sửa đổi 2019, Nghị định 112 cũng quy định thời hạn, thời hiệu kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức theo Luật này. Cụ thể:
- Thời hạn: Không quá 90 ngày (quy định cũ là 02 tháng); nếu có tình tiết phức tạp cần thanh tra, kiểm tra để xác minh, làm rõ thì không quá 150 ngày (quy định cũ là 04 tháng);
- Thời hiệu: 02 năm nếu vi phạm ít nghiêm trọng đến mức bị khiển trách; 05 năm với các hình vi vi phạm còn lại (quy định cũ là 24 tháng).
Đặc biệt, khoản 4 Điều 5 Nghị định 112 còn nêu các trường hợp không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật gồm:
- Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật;
- Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự (nếu có);
- Thời gian thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án về quyết định xử lý kỷ luật cho đến khi ra quyết định xử lý kỷ luật thay thế theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Văn bản có hiệu lực từ ngày 29/9/2020 gồm nhiều quy định mới liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức với 14 điểm mới sau đây:Sửa đổi tiêu chí phân loại viên chức
Điều 3 Nghị định 115 nêu 02 tiêu chí phân loại viên chức gồm:
- Theo chức trách, nhiệm vụ: Viên chức quản lý và viên chức không giữ chức vụ quản lý;
- Theo trình độ đào tạo: Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp.
Như vậy, so với 02 tiêu chí trước đây là vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP, thông qua Nghị định 115 này, Chính phủ đã phân loại viên chức theo 02 tiêu chí mới nêu trên. Bổ sung thêm 1 hạng chức danh nghề nghiệp
Không chỉ thay đổi tiêu chí phân loại viên chức, Nghị định 115 này còn điều chỉnh về chức danh nghề nghiệp của viên chức. Cụ thể, tại Điều 28, căn cứ vào mức độ phức tạp công việc của chức danh nghề nghiệp trong cùng một lĩnh vực sự nghiệp, viên chức được xếp thành 05 hạng thay vì 04 hạng như trước đây.
Theo đó, Nghị định 115 đã bổ sung thêm chức danh nghề nghiệp hạng V bên cạnh 04 chức danh cũ hiện đang áp dụng là chức danh nghề nghiệp hạng I, hạng II, hạng III, hạng IV.
Đồng thời, Chính phủ cũng quy định chi tiết tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức gồm các nội dung: Tên của chức danh nghề nghiệp, nhiệm vụ gồm những công việc cụ thể phải thực hiện có mức độ phức tạp phù hợp với hạng tương ứng, tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ... Phải từ đủ 15 tuổi trở lên mới được dự tuyển viên chức
Hiện nay, nếu muốn đăng ký dự tuyển viên chức thì người có nguyện vọng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 22 Luật Viên chức năm 2010. Trong đó, điều kiện về độ tuổi được quy định như sau: Từ đủ 18 tuổi trở lên. Với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn theo quy định của pháp luật. Đồng thời phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.
Tuy nhiên, quy định này trước đây chưa được Chính phủ hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 29/2012 mà chỉ được đề cập đến tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 15/2012/TT-BNV. Do đó, tại Điều 5 Nghị định 115, Chính phủ đã quy định rõ hơn các điều kiện dự tuyển viên chức đã nêu tại Điều 22 Luật Viên chức về độ tuổi: Người đăng ký dự tuyển vào vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao có thể có tuổi thấp hơn 18 nhưng phải từ đủ 15 tuổi trở lên và được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.
Đồng thời, cơ quan, đơn vị được bổ sung các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không dược phân biệt loại hình đào tạo.
Có thể thấy, theo quy định này, hiện nay, chỉ người từ đủ 15 tuổi trở lên mới được đăng ký dự tuyển viên chức.
Thêm đối tượng được ưu tiên trong tuyển dụng viên chức
Về ưu tiên trong tuyển dụng viên chức, Nghị định 115 kế thừa hầu hết các quy định trước đây tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngoại trừ việc bổ sung thêm trường hợp được cộng điểm ưu tiên trong thi tuyển là học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã…
Đồng thời, Nghị định này cũng loại bỏ khỏi danh sách ưu tiên 02 đối tượng là con của người hoạt động Cách mạng trước tổng khởi nghĩa từ ngày 19/8/1945 và đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.
Quy định mới về tuyển dụng viên chức
Nghị định 115 về cơ bản đều giữ nguyên các quy định về tuyển dụng viên chức như: Thực hiện theo 02 hình thức là thi tuyển và xét tuyển; mỗi hình thức lại thực hiện theo 02 vòng.
Dù vậy, Nghị định này lại có một số thay đổi quan trọng so với quy định trước đây về việc tuyển dụng viên chức, có thể kể đến:
- Bổ sung quy định thời gian thi thực hành khi thi tuyển viên chức do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng quyết định căn cứ vào tính chất, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của vị trí việc làm cần tuyển;
- Bổ sung hình thức thi viết tại vòng 02 của kỳ thi tuyển dụng viên chức (trước đây chỉ có phỏng vấn hoặc thực hành)...
4 loại hồ sơ người được đề nghị vào viên chức phải có
Hiện nay, Chính phủ không còn quy định các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức mà thay vào đó là quy định về trường hợp xem xét tiếp nhận vào làm viên chức.
Theo đó, Điều 13 Nghị định 115 đã bổ sung thêm trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng được xem xét tiếp nhận vào viên chức người đang làm việc trong các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp.
Đồng thời, khoản 3 Điều 13 Nghị định này cũng quy định chi tiết hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận vào làm viên chức gồm:
- Sơ yếu lý lịch viên chức có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác;
- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;
- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp;
- Bản tự nhận xét, đánh giá của người được đề nghị tiếp nhận về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.
Hướng dẫn về hợp đồng của viên chức tuyển trước 01/7/2020
Điều 20 Nghị định 115 hướng dẫn chi tiết các nội dung liên quan đến hợp đồng làm việc của viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020 nhưng đang thực hiện hợp đồng làm việc xác định thời hạn:
- Tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết;
- Sau khi kết thúc thời hạn của hợp đồng làm việc đã ký thì được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định.
Ngoài ra, về các nội dung liên quan đến hợp đồng làm việc khác, Điều 20 Nghị định này cũng quy định:
- Hợp đồng làm việc của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sẽ do cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập ký;
- Trong quá trình thực hiện hợp đồng làm việc, nếu có thay đổi về nội dung thì có thể thỏa thuận để ký phụ lục hoặc ký hợp đồng làm việc mới có những nội dung thay đổi đó;
- Viên chức được chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập khác thì không tuyển dụng mới và không giải quyết chế độ thôi việc nhưng phải ký hợp đồng làm việc mới với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghỉ ốm đau dưới 14 ngày vẫn tính vào thời gian tập sự
Về thời gian tập sự của viên chức, khoản 2 Điều 21 Nghị định 115 vẫn quy định như trước đây tại Nghị định 29/2012:
- 12 tháng: Viên chức được tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học. Riêng bác sĩ là 09 tháng;
- 09 tháng: Viên chức được tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng;
- 06 tháng: Viên chức được tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp.
Trong đó, thời gian không tính vào thời gian tập sự gồm: Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, nghỉ không hưởng lương, bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác.
Đồng thời, Nghị định 115 có bổ sung thêm 01 nội dung mới đáng chú ý mà trước đây chưa có quy định:
Người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi người được tuyển dụng vào viên chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự
Như vậy, Nghị định 115 đã nêu rõ trường hợp nghỉ do ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày cũng được tính vào thời gian tập sự. Đây là một tình huống thực tế mà rất nhiều viên chức tập sự gặp phải nhưng trước đây pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể.
Không chuyển viên chức đang tập sự sang đơn vị khác
Một nội dung đáng chú ý khác để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của viên chức đang trong thời gian tập sự đã được Chính phủ đề cập đến tại Nghị định 115: Không bố trí, phân công công tác đối với người được tuyển dụng đang trong thời gian thực hiện chế độ tập sự sang vị trí việc làm khác vị trí được tuyển dụng ở trong cùng đơn vị sự nghiệp công lập hoặc sang đơn vị sự nghiệp công lập khác
Viên chức được tuyển dụng và thực hiện chế độ tập sự gắn với vị trí việc làm được tuyển dụng nhằm làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm này.
Sau khi được tuyển dụng và đang thực hiện tập sự với vị trí việc làm này nếu bị chuyển sang vị trí việc làm khác hoặc chuyển sang đơn vị sự nghiệp công lập khác sẽ gây khó khăn rất lớn cho viên chức mới được tuyển dụng trong việc làm quen với môi trường làm việc.
Quy định mới về việc không tuyển dụng viên chức tập sự
Trước đây, người tập sự bị chấm dứt hợp đồng làm việc khi không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự hoặc bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên. Thì nay, tại Điều 25 Nghị định 115, người tập sự bị chấm dứt hợp đồng làm việc và hủy bỏ quyết định tuyển dụng khi:
- Không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự (như quy định trước đây);
- Có hành vi vi phạm đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Quy định này đồng nghĩa với việc, viên chức tập sự chỉ cần có hành vi vi phạm đến mức kỷ luật đã có thể bị chấm dứt hợp đồng làm việc mà không cần phải đến mức bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên như quy định cũ.
Như vậy, có thể thấy, hiện nay điều kiện thực hiện tập sự của viên chức đã bị “siết chặt” hơn so với quy định trước đây.
Không nâng bậc lương khi chuyển chức danh nghề nghiệp
Đây là khẳng định nêu tại khoản 4 Điều 30 Nghị định 115. Trước đây, Nghị định 29/2012 quy định việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp được đặt ra khi chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng.
Tuy nhiên, Nghị định 29 chỉ dừng ở đó mà không quy định chi tiết hơn. Nội dung này chỉ được hướng dẫn cụ thể tại Điều 6 Thông tư 12/2012/TT-BNV sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 2 Thông tư số 03/2019/TT-BNV:
Khi viên chức xét chuyển sang chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng không kết hợp nâng bậc lương.
Đây cũng là quy định tại khoản 4 Điều 30 Nghị định số 115/2020. Không chỉ vậy, Chính phủ còn không giới hạn ở việc chuyển sang chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng như quy định hiện nay.
Đồng thời, việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp tại quy định của Nghị định 115 được thực hiện khi viên chức thay đổi vị trí việc làm mà chức danh nghề nghiệp đang giữ không phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm mới và viên chức được xét chuyển phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp được chuyển.
Điều kiện mới về đăng ký thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Viên chức được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện nêu tại Điều 32 Nghị định 115:
- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật…
- Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;
- Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng;
- Đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học của chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng nếu được miễn thi môn ngoại ngữ, tin học;
- Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng…
Trong khi trước đây, Nghị định 29 không quy định điều kiện chung để viên chức được xét hoặc thi thăng hạng mà những điều kiện này được nêu cụ thể tại các văn bản chuyên ngành quy định riêng cho từng đối tượng viên chức khác nhau.
Như vậy, việc quy định một “tiêu chuẩn khung” để viên chức đăng ký thi hoặc xét thăng hạng tạo điều kiện cho viên chức đồng thời cũng giúp cấp có thẩm quyền dễ dàng quản lý, sử dụng viên chức hơn.
3 trường hợp viên chức không được thực hiện thôi việc
Khoản 4 Điều 57 Nghị định 115 bổ sung quy định không thực hiện chế độ thôi việc khi viên chức thuộc trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc tại khoản 2 Điều 29 Luật Viên chức:
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải báo cho viên chức biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng làm việc xác định thời hạn.
Đối với viên chức do cơ quan quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tuyển dụng, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.
Như vậy, từ 29/9/2020, viên chức không được thực hiện chế độ thôi việc trong trường hợp nêu trên và khi:
- Viên chức được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị;
- Viên chức đã có thông báo nghỉ hưu hoặc thuộc đối tượng tinh giản biên chế.
Viên chức được giải quyết thôi việc trong thời gian ngắn hơn
Cũng quy định về vấn đề thôi việc của viên chức, Nghị định 115 đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục thôi việc cho viên chức. Cụ thể, khoản 3 Điều 57 Nghị định 115 quy định các bước viên chức xin thôi việc cụ thể như sau:
Bước 1: Viên chức làm thông báo bằng văn bản gửi đến người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nếu muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.
Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị nghỉ việc của viên chức, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức .
Nếu không đồng ý thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do vì sao không đồng ý cho viên chức biết.
Theo quy định này, viên chức xin thôi việc được giải quyết chế độ trong thời gian 05 ngày kể từ ngày người đứng đầu đơn vị sự nghiệp nhận được văn bản đề nghị của viên chức (giảm 15 ngày so với quy định trước đây tại Nghị định số 29 năm 2012).
Từ khóa » Xét Viên Chức Sau 1/7/2020
-
Mọi Viên Chức Tuyển Dụng Sau 01/7/2020 đều Không được Biên Chế?
-
Viên Chức Tuyển Dụng Sau 1/7/2020, Ký Hợp đồng Thế Nào?
-
Viên Chức Tuyển Dụng Sau Ngày 01/7/2020: Ký Hợp đồng Làm Việc ...
-
10 điểm Mới Cán Bộ, Công Chức, Viên Chức Cần Biết Từ 01/7/2020
-
Được Tuyển Dụng Vào Viên Chức Sau 01/7/2020, Giáo Viên Ký Hợp ...
-
Viên Chức Tuyển Dụng Sau Ngày 1/7 Không được Biên Chế - Vietnamnet
-
Từ 1-7-2020, Nhiều Chính Sách Mới Liên Quan đến Cán Bộ, Công ...
-
Chỉ Còn 3 Trường Hợp Viên Chức Ký Hợp đồng Làm Việc Không Thời Hạn
-
Những điểm Mới Của Luật Sửa đổi Luật Cán Bộ Công Chức Và Luật ...
-
Chỉ Còn 3 Trường Hợp Viên Chức Có Biên Chế Suốt đời
-
Những điểm Mới, Sửa đổi, Bổ Sung Về Tuyển Dụng Và Tiếp Nhận Vào ...
-
Quy Trình Xét Tuyển Viên Chức Sang Công Chức Mới Nhất - Chi Tiết Tin Tức
-
Viên Chức Tuyển Dụng Trước 1.7.2020 Vẫn Hưởng Biên Chế Suốt đời
-
Từ 1/7: Chỉ Còn 3 Trường Hợp Viên Chức Ký Hợp đồng Làm Việc Không ...