Một Số Tác Dụng Chữa Bệnh Tuyệt Vời Của đơn Lá đỏ

Đơn lá đỏ từ lâu được dân gian dùng để trị các bệnh mụn nhọt, mẩn ngứa. Ngoài ra, đơn lá đỏ còn có tác dụng điều trị tiêu chảy rất hiệu quả.

Nội dung bài viết

Toggle
  • 1. Nhận biết đơn lá đỏ
  • 2. Công dụng chữa bệnh của đơn lá đỏ
  • 3. Một số chứng bệnh thường dùng đơn lá đỏ:

1. Nhận biết đơn lá đỏ

Đơn lá đỏ còn gọi là đơn mặt trời (Excoecaria cochinchinensis Lour.), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Là cây nhỏ, cao độ 0,5 – 1m. Cành nhỏ vươn dài màu đỏ tía. Lá mọc đối, mép khía răng, cuống dài, mặt trên xanh sẫm bóng, mặt dưới màu đỏ tía. Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành. Quả nang, có cạnh. Đơn lá đỏ cũng là một cây vừa làm cảnh vừa làm thuốc. Có hầu hết ở các địa phương trong nước ta: Thái Bình, Hải Dương, Tuyên Quang…

2. Công dụng chữa bệnh của đơn lá đỏ

Trong lá chứa nhiều thành phần hóa học khác nhau: flavonoid, saponin, coumarin, anthranoid, tanin…. Thường thu hái lá vào lúc cây sắp ra hoa, phơi khô. Một số địa phương có tập quán thu hái lá cây đơn lá đỏ vào dịp tết Đoan Ngọ (tết 5/5 âm lịch). Chính vì thế mà cây này còn mang tên cây “chè 5 tháng 5”, sau đó phơi khô, bảo quản vào các dụng cụ chống ẩm để dùng quanh năm. Trước khi dùng cần sao vàng.

Hình ảnh cây đơn lá đỏ Hình ảnh cây đơn lá đỏ (Ảnh: Internet)

Theo YHCT , đơn lá đỏ có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thông kinh, hoạt lạc, chỉ thống. Dùng trị mụn nhọt, mẩn ngứa, đơn độc, nhất là các nhọt lớn, nhọt vú… mà người ta gọi là chứng “đơn”; cũng chính vì lẽ đó, tên cây mang chữ “đơn”. Và vì lá của nó có màu đỏ, nên ghép lại thành đơn lá đỏ.

Liều dùng, ngày 6 – 9g, dạng thuốc sắc, trước bữa ăn. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

3. Một số chứng bệnh thường dùng đơn lá đỏ:

– Trị mụn nhọt, dị ứng: ngứa: đơn lá đỏ (sao vàng), hoa kim ngân, mỗi vị 10g, sắc uống.

– Trị tiêu chảy lâu ngày , hoặc chữa kiết lỵ ở trẻ em: đơn lá đỏ, kim ngân hoa, (kim ngân đằng), ké đầu ngựa, liên kiều, mỗi vị 8 – 12g, dưới dạng nước sắc, ngày một thang, chia 3 lần uống, trước bữa ăn.

– Dùng ngoài, sắc nước rửa mụn nhọt, lở ngứa.

GS.TS Phạm Xuân Sinh

Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược học cổ truyền, Trường Đại học Dược Hà Nội

(Theo Nội khoa Việt Nam)

Từ khóa » Hình ảnh Lá đơn Mặt Trời