Một Số Thông Tin Về Bọ Xít Hút Máu

Thông tin về loài bọ xít này có khả năng hút máu người và truyền một bệnh nguy hiểm cho người được nhiều báo chí đăng tải đã làm “nóng” lên dư luận trong dân chúng. Trong các thông tin đã đăng tải, có thông tin chưa chuẩn, gây hoang mang lo lắng cho nhiều người dân. Tại Đà Nẵng, Trung tâm y tế dự phòng đã phải công bố số điện thoại nóng để giải đáp các ý kiến của người dân về bọ xít hút máu. Từ khoảng giữa tháng 7/2010 trở đi, dư luận về loài bọ xít hút máu đã lắng xuống. Ngày 2/8/2010 báo “Nông nghiệp Việt Nam” đưa tin về trứng bọ xít hút máu đã nở con tại Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt chương trình thời sự tối ngày 11/9/2010 đã đưa tin phát hiện được một ổ bọ xít hút máu tại một gia đình ở xã Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội). Nhân dịp này, dưới đây xin trao đổi một số thông tin về loài bọ xít hút máu vừa qua phát hiện được ở nước ta.

Tên của loài bọ xít hút máu

Tên khoa học của loài bọ xít hút máu nêu trên đã được Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật giám định là Triatoma rubrofasciata De Geer 1773 (với sự thẩm định của chuyên gia phân loại côn trùng người Nhật Bản). Vị trí phân loại của loài bọ xít hút máu như sau:

Giới: Động vật (Animalia)

Ngành: Chân khớp (Arthropoda)

Lớp: Côn trùng (Insecta)

Bộ: Cánh nửa cứng (Hemiptera)

Họ: Bọ xít bắt mồi (Reduviidae)

Phân họ: Bọ xít hút máu (Triatominae)

Giống: Bọ xít hút máu (Triatoma)

Loài: Bọ xít hút máu Triatoma rubrofasciata De Geer 1773

Hình ảnh. Bọ xít hút máu

Có một số loài côn trùng như chấy Pediculus humanus capitis Deg., rận Pediculus humanus humanus L. và rệp giường Cimex lectularius L. là những ngoại ký sinh hút máu người thì cũng chưa loài nào được gọi tên tiếng Việt với cụm từ “hút máu người”. Phân họ bọ xít Triatominae (có giống Triatoma) thuộc họ bọ xít bắt mồi Reduviidae gồm những loài hút máu động vật bốn chân. Con mồi của chúng là thú có túi, thú có sừng móng chẻ, nhóm gậm nhấm, gấu trúc, chồn hôi và có thể tấn công một số loài thuộc lớp chim, bò sát, lưỡng thể. Các loài bọ xít này không phải là những loài hút máu người bắt buộc, chúng tấn công người chỉ là ngẫu nhiên. Nhưng, loài bọ xít Triatoma rubrofasciata đã được nhiều tờ báo gọi là “bọ xít hút máu người”. Gọi tên loài bọ xít này như vậy là chưa chuẩn, đã gây ra sự hiểu nhầm, tâm lý hoang mang, hoảng sợ cho nhiều người dân. Mặt khác, báo chí đã gọi loài bọ xít Triatoma rubrofasciata với nhiều tên khác nhau như bọ xít hút máu, bọ xít hút máu người, bọ xít ám sát, bọ thích khách, hôn lỗi,... Thiết nghĩ cần gọi thống nhất một tên cho loài bọ xít Triatoma rubrofasciata và chỉ nên gọi là “bọ xít hút máu”.

Một số đặc điểm hình thái chính của trưởng thành loài bọ xít Triatoma rubrofasciata

Trưởng thành có cơ thể gần giống hình quả lê, dẹt và dài khoảng 16-19 mm (xem hình). Cơ thể nói chung có màu nâu tối phớt màu đỏ nhạt. Phần đầu hơi kéo dài, phụ miệng kiểu chích hút gọi là vòi. Vòi của họ bọ xít bắt mồi (Reduviidae) thường cong ở phía gốc và khá dài, nhưng vòi của loài Triatoma rubrofasciata thì không cong ở gốc. Mảnh lưng ngực trước hình thang, với hai mép bên và mép trước có đường viền màu hơi đỏ, bề mặt của mảnh lưng ngực trước không bằng phẳng. Cánh không vượt quá ngọn phần bụng, khi đậu cánh xếp lọt vào trong, không phủ trùm mép bên của mặt lưng phần bụng. Gần phía mép trước cánh trước có đường chỉ tiếp nối và cùngmàu với đường chỉ viền mảnh lưng ngực trước. Hai mép bên phần bụng của trưởng thành đực thường bè to hơn và hơi vênh lên phía trên. Trên mép bên phần bụng (phần bè ra) thường có các vệt ngang hẹp sáng màu. Không có mùi hôi.

Quan hệ dinh dưỡng của loài bọ xít hút máu Triatoma rubrofasciata

Loài bọ xít hút máu Triatoma rubrofasciata thuộc họ bọ xít bắt mồi Reduviidae. Họ bọ xít bắt mồi Reduviidae là một họ khá lớn của bộ cánh nửa cứng (Hemiptera). Trên thế giới họ bọ xít này ước tính có khoảng 6800 loài. Ở Việt Nam đã có một số ghi nhận về thành phần loài của họ bọ xít bắt mồi Reduviidae. Điều tra cơ bản côn trùng ở miền Bắc năm 1967-1968 và ở miền Nam năm 1977-1980 của Viện Bảo vệ thực vật đã ghi nhận được 75 loài bọ xít họ Reduviidae; kết quả điều tra cơ bản động vật miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn 1955-1975 của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước cũng ghi nhận được 71 loài bọ xít họ Reduviidae; nghiên cứu gần đây ở miền Bắc của Trương Xuân Lam và Vũ Quang Côn cũng chỉ ghi nhận được 69 loài bọ xít họ Reduviidae. Như vậy, đến nay ở nước ta đã phát hiện được trên dưới 100 loài thuộc họ Reduviidae.

Phần lớn các loài bọ xít của họ Reduviidae thường săn bắt các côn trùng khác làm thức ăn. Những loài bọ xít của họ Reduviidae săn bắt các côn trùng hại cây trồng làm thức ăn thì chúng là thiên địch của sâu hại. Những loài thiên địch của sâu hại nói chung và các loài thiên địch thuộc họ bọ xít bắt mồi Reduviidae nói riêng thì phải sống trong các sinh quần cây trồng, tại nơi có sự hiện diện của sâu hại là con mồi của chúng. Chỉ những loài thiên địch của sâu hại mới giúp nhà nông tiêu diệt côn trùng hại và được nghiên cứu sử dụng để phòng chống sâu hại cây trồng nông nghiệp. Chưa thấy tài liệu nghiên cứu chuyên sâu nào ghi nhận những loài bọ xít họ Reduviidae là thiên địch của sâu hại có thể chuyển sang hút máu người và ngược lại. Không nên nhầm lẫn giữa các loài bọ xít bắt mồi họ Reduviidae là thiên địch của sâu hại với các loài bọ xít bắt mồi họ Reduviidae là bọ xít hút máu động vật bốn chân. Và vì thế không thể cho rằng đôi khi bọ xít hút máu lại có lợi (với nghĩa tiêu diệt sâu hại) như một số báo đã đăng. Đã có một số nghiên cứu về các loài bọ xít bắt mồi thuộc họ Reduviidae được tiến hành ở nước ta, nhưng chỉ với các loài là bọ xít bắt mồi tấn công sâu hại (tức là thiên địch của sâu hại). Phải khẳng định rằng đến nay ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về bọ xít hút máu phục vụ trong nông nghiệp như tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng trao đổiphóng viên báo Sức khỏe và Đời sống (đăng trên trang mạng ngày 07-07-2010).

Một số ít loài của họ Reduviidae chỉ có kiểu sống hút máu động vật bốn chân và chúng không phải là thiên địch của sâu hại. Những loài này tập trung ở phân họ bọ xít hút máu (Triatominae). Tại Hoa Kỳ đã ghi nhận có 16 loài thuộc giống Triatoma (Usinger, 1944).

Tính hút máu động vật bốn chân của bọ xít bắt mồi thuộc phân họ Triatominae là một đặc tính chuyên hóa thức ăn được hình thành trong cả quá trình lịch sử tiến hóa lâu dài của loài. Sự xáo trộn môi trường sống tự nhiên không thể khiến các loài bọ xít bắt mồi họ Reduviidae không thuộc phân họ bọ xít hút máu Triatominae lại trở thành quen và thích nghi với việc tấn công gia súc hoặc tấn công con người để hút máu.

Cũng như các loài thiên địch của sâu hại, các loài bọ xít thuộc phân họ Triatominae (họ Reduviidae) hút máu động vật bốn chân phải sống ở những nơi có sự hiện diện của động vật bốn chân là vật chủ của chúng, như các nhà kho, chuồng nuôi động vật, trong các hang chuột,... Nhiều loài trong nhóm bọ xít hút máu (phân họ Triatominae) được coi là côn trùng sống gần người, tức là có nơi ở gần với nơi ở của con người. Nhưng điều này không có nghĩa con người là ký chủ bắt buộc của nhóm bọ xít hút máu thuộc phân họ Triatominae. Và cũng đừng nên nghĩ rằng loài bọ xít này thường bay vào ẩn náu trong nhà để chờ cơ hội thuận lợi sẽ xuất hiện và tấn công con người hoặc cũng đừng cho rằng bọ xít Triatoma rubrofasciata tấn công người là “để tự vệ”.

Hình ảnh. Bọ xít hút máu người tại Hà Nội

Như vậy, bọ xít hút máu người được phát hiện trong đầu tháng 7/2010 ở một số nơi chưa hẳn do môi trường sống tự nhiên của chúng bị xáo trộn. Phải chăng sự xuất hiện của loài bọ xít hút máu Triatoma rubrofasciata ở một số nơi vừa qua cũng có nguyên nhân tương tự như sự xuất hiện với số lượng nhiều của rầy xám Laodelphax striatellus trên lúa ở đồng bằng sông Hồng vụ xuân năm 2009 và sâu sa Cephonodes hylas L. trên cây cà phê ở Tây Nguyên trong tháng 4/2010.

“Dịch thuật” và cung cấp thông tin về bọ xít hút máu

Trên một trang mạng (xin được không nêu tên trang mạng này) đã đăng tải bài“Hôn lỗi (Triatoma) và da” dịch Rick Vetter MS 1Dermatology Online Journal 7(1):6từ bài “Kissing bugs (Triatoma) and the skin” của Rick Vetter [Dermatology Online Journal 7(1): 6]. Tên bài báo dịch như trên đọc lên rất khó hiểu, thậm chí không hiểu gì cả. Trong nội dung bài dịch có rất nhiều từ/cụm từ/câu đã được dịch theo kiểu ghép nghĩa từ điển, khiến cho các từ/cụm từ/câu này trở thành “ngớ ngẩn”, thậm chí có chỗ “sai nghĩa”. Thí dụ, cụm từ “the large order of insects” đã dịch là “thứ tự lớn của côn trùng” đáng lẽ phải dịch là “một bộ lớn của lớp côn trùng”; hay “The family Reduviidae”đã dịch là “Reduviidae gia đình” đáng lẽ phải dịch là “họ bọ xít Reduviidae”; “Chagas' disease” đã dịch là “Chagas' bệnh” (tiếng Việt không có kiểu viết này) đáng lẽ phải dịch là “bệnh Chagas”. Có vô số những từ/cụm từ dịch ngớ ngẩn như vậy trong bài dịch nêu trên. Như vậy, giỏi tiếng Anh là một việc khác hoàn toàn với dịch tiếng Anh chuyên môn. Nếu chỉ giỏi tiếng Anh mà chưa có hiểu biết gì về chuyên môn thì hãy thận trọng khi dịch các bài chuyên môn sâu tung lên mạng. Bởi vì như vậy sẽ cung cấp thông tin khó hiểu hoặc thông tin sai lệch cho những độc giả phổ thông.

Hãy coi bọ xít hút máu là những côn trùng bình thường, cũng như các loài côn trùng khác. Việc đưa tin về bọ xít hút máu cũng nên theo quan điểm như vậy cho nhẹ nhàng, không gây tâm lý lo sợ đối với các độc giả phổ thông của các báo và trang mạng. Tránh tình trạng đưa tin về bọ xít hút máu mà đưa hình ảnh về nhiều loài bọ xít bắt mồi khác thuộc họ Reduviidae như một số báo đã làm. Mặt khác, không phải chỉ có một loài, mà có nhiều loài bọ xít hút máu thuộc phân họ Triatominae. Các loài khác nhau tất nhiên sẽ có đặc điểm sinh vật học và sinh thái học khác nhau. Vì vậy, khi cung cấp các thông tin về thời gian vòng đời, khả năng đẻ trứng, phát triển hay khả năng truyền bệnh cho người của bọ xít hút máu cần có tên loài cụ thể để tránh nhầm lẫn đó là thông tin về loài bọ xít hút máu Triatoma rubrofasciata được ghi nhận có ở nước ta.

Vấn đề nghiên cứu bọ xít hút máu ở nước ta

Như trên đã nêu cho đến nay chưa có một nghiên cứu chuyên sâu nào về nhóm bọ xít hút máu này được tiến hành ở nước ta (trừ những ghi nhận một cách tản mạn về sự hiện diện của một số loài bọ xít hút máu ở nước ta trong nghiên cứu khu hệ côn trùng). Thiết nghĩ, cần phải tiến hành những nghiên cứu cơ bản về nhóm bọ xít hút máu như là những côn trùng sống gần người. Trước mắt nên có các nghiên cứu sau:

- Điều tra xác định thành phần loài bọ xít hút máu thuộc phân họ Triatominae ở Việt Nam, xác định sự phân bố, ký chủ và ý nghĩa y học của những loài phổ biến ở nước ta (chúng có khả năng truyền bệnh Chagas ở nước ta không ?);

- Nghiên cứu đặc điểm sinh vật học, sinh thái học của những loài bọ xít hút máu phổ biến (gồm cả loài Triatoma rubrofasciata);

- Tìm hiểu nguyên nhân xuất hiện rộ tại nhiều nơi của loài bọ xít hút máu Triatoma rubrofasciata ở nước ta trong tháng 7/2010. Sự xuất hiện này có liên quan gì đến biến đổi khí hậu ?

Trưởng thành cái

Trưởng thành đực

Trưởng thành nhìn nghiêng

Bọ xít hút màu Triatoma rubrofasciata De Geer 1773

Từ khóa » Họ Bọ Xít Bắt Mồi