Một Số Tính Chất Vật Lý Và Cơ Lý Của đất - Tài Liệu, Ebook

  • Đăng ký
  • Đăng nhập
  • Liên hệ

Thư viện tài liệu, ebook tổng hợp lớn nhất Việt Nam

Website chia sẻ tài liệu, ebook tham khảo cho các bạn học sinh, sinh viên

  • Trang Chủ
  • Tài Liệu
  • Upload
Trang ChủKhoa Học Tự NhiênMôi TrườngMột số tính chất vật lý và cơ lý của đất Một số tính chất vật lý và cơ lý của đất

Ðất có một số tính chất vật lý và tính chất cơ lý chủ yếu như tỷ trọng, dung trọng, độ xốp, tính dính, tính dẻo, độ chặt, sức cản . Những tính chất này thường được quyết định bởi các thành phần khoáng vật (nguyên sinh, thứ sinh), thành phần các cấp hạt .

doc9 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 20708 | Lượt tải: 1download Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số tính chất vật lý và cơ lý của đất, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trênChương XI  MỘt sỐ tính chẤt vẬt lý và cơ lý cỦa đẤt 1. Khái niệm chung về tính chất vật lý và cơ lý của đất Ðất có một số tính chất vật lý và tính chất cơ lý chủ yếu như tỷ trọng, dung trọng, độ xốp, tính dính, tính dẻo, độ chặt, sức cản... Những tính chất này thường được quyết định bởi các thành phần khoáng vật (nguyên sinh, thứ sinh), thành phần các cấp hạt (cát, limon, sét), thành phần chất hữu cơ có trong đất và tính liên kết giữa các thành phần trên để tạo ra kết cấu của đất. Trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp những tính chất vật lý và cơ lý tính luôn là những yếu tố chi phối trực tiếp đến quá trình canh tác như khả năng làm đất cày, bừa, xới xáo, sức kéo của máy móc công cụ làm đất... ngoài ra các tính chất trên còn đặc biệt có liên quan và ảnh hưởng đến một số đặc tính lý học khác của đất như chế độ nước, chế độ không khí và khả năng sinh trưởng cũng như phát triển của cây trồng, do đó trong nghiên cứu đất cần xác định và tìm hiểu rõ về chúng. 2. Một số tính chất vật lý cơ bản của đất  2.1. Tỷ trọng của đất Ðịnh nghĩa: Tỷ trọng của đất là tỷ số khối lượng của một đơn vị thể tích đất ở trạng thái rắn, khô kiệt với các hạt đất xếp sít vào nhau so với khối lượng nước cùng thể tích ở điều kiện nhiệt độ 4oC.  Ðể tính tỷ trọng người ta áp dụng công thức: d= P / P1 Trong đó: d- Tỷ trọng của đất. P- Khối lượng các hạt đất (khô kiệt, xếp xít vào nhau và không có khoảng hổng không khí) trong một thể tích xác định (thường được đo bằng g/cm3). P1- Khối lượng nước được chứa trong cùng thể tích ở điều kiện T0: 4oC (g/cm3). Tỷ trọng của các loại khoáng vật khác nhau có sự giao động khá lớn song nhìn chung biến động trong phạm vi từ 2,40 - 2,80 (bảng 11.1) Bảng 11.1. Tỷ trọng của một số khoáng vật có trong đất Khoáng vật Tỷ trọng Thạch anh tinh khiết Canxít Canxít tinh khiết Fenspat K- Na Dolomit Gypxít Mica Khoáng sét Bốcxít (Nhôm ôxit) Ôlivin, pyrôxen, amphibole (có chứa sắt) Hêmatít Quặng chì 2,65 2,60 - 2,80 2,72 2,60 - 2,80 2,80- 2,90 2,32 2,80- 3,10 2,60 - 2,90 2,09 2,90 - 3,50 5,30 7,60   Tỷ trọng của đất được quyết định chủ yếu bởi các loại khoáng nguyên sinh, thứ sinh và hàm lượng chất hữu cơ có trong đất. Nhìn chung do tỷ lệ chất hữu cơ trong đất thường không lớn nên tỷ trọng đất sẽ phụ thuộc chủ yếu vào thành phần khoáng vật của đất. Các loại đất có thành phần cơ giới khác nhau có tỷ trọng khác nhau: Loại đất Tỷ trọng Ðất cát 2,65 ± 0,01 Ðất cát pha 2,70 ± 0,017 Ðất thịt 2,70 ± 0,02 Ðất sét 2,74 ± 0,027 Dựa vào tỷ trọng đất, Katrinski đã đưa ra mức đánh giá chung khi xác định tỷ trọng của đất trồng như sau: Tỷ trọng Loại đất <2,50 Ðất có lượng mùn cao 2,50 - 2,66 Ðất có lượng mùn trung bình >2,70 Ðất giàu sắt Fe2O3 Ý nghĩa thực tiễn: Tỷ trọng đất được sử dụng trong các công thức tính toán độ xốp, công thức tính tốc độ, thời gian sa lắng của các cấp hạt đất trong phân tích thành phần cơ giới. Thông qua tỷ trọng đất người ta cũng có thể đưa ra được những nhận xét sơ bộ về hàm lượng chất hữu cơ, hàm lượng sét hay tỷ lệ sắt, nhôm của một loại đất cụ thể nào đó. 2.2. Dung trọng của đất Ðịnh nghĩa: Dung trọng của đất là khối lượng (g) của một đơn vị thể tích đất (cm3) ở trạng thái tự nhiên (có khe hở) sau khi được sấy khô kiệt. Dung trọng của đất được người ta xác định bằng cách đóng ống kim loại hình trụ có thể tích bên trong 100 cm3 thẳng góc với bề mặt đất ở trạng thái hoàn toàn tự nhiên, sau đó đem sấy khô kiệt rồi tính theo công thức sau: D = P / V   Trong đó: D - Dung trọng của đất (g/cm3); P - Khối lượng đất tự nhiên trong ống trụ đóng sau khi đã được sấy khô kiệt (được tính theo g). V - Thể tích của ống đóng (được tính theo cm3). Như vậy dung trọng của đất thường nhỏ hơn so với tỷ trọng vì thể tích đất khô kiệt được xác định ở đây bao gồm cả các hạt đất rắn và các khe hở tự nhiên trong đất. Bảng 11.2. Quan hệ giữa dung trọng đất với thành phần cơ giới và thành phần vật liệu cấu tạo ở một số loại đất TPCG đất Dung trọng Thành phần vật liệu cấu tạo đất Dung trọng Cát Thịt pha cát Cát mịn Ðất thịt Ðất thịt mịn Ðất thịt pha sét Sét Sét vón cục 1,55 1,40 1,30 1,20 1,15 1,10 1,05* 1,00 Tro núi lửa Vật liệu hữu cơ Tảo cát Can xít mềm, xốp Than bùn 0,85 0,50- 0,60 0,60- 0,90 1,60 0,50 * Khi sấy khô bị mất nhiều nước dẫn đến sét có tỷ trọng bé. Như vậy dung trọng của đất phụ thuộc vào cấp hạt cơ giới, độ chặt và kết cấu của đất. Các loại đất tơi xốp, giàu chất hữu cơ và mùn thường có dung trọng nhỏ và ngược lại những loại đất chặt bí kém tơi xốp và nghèo chất hữu cơ thường có dung trọng lớn (bảng 11.2). Trong phẫu diện đất của phần lớn các loại đất, dung trọng có chiều hướng tăng dần khi xuống tầng đất dưới sâu, vì càng xuống sâu hàm lượng mùn của đất càng giảm, mặt khác do quá trình tích tụ sét và các vật liệu mịn bị rửa trôi từ trên xuống lấp đầy các khe hở và bị nén đã làm cho đất bị chặt gí hơn các tầng trên. Katrinski đã đưa ra đánh giá dung trọng của một số loại đất có thành phần cơ giới từ thịt và sét như sau: Dung trọng (g/cm3) Ðánh giá <1 Ðất giàu chất hữu cơ 1,0 - 1,1 Ðất trồng trọt điển hình 1,2 Ðất bị nén ít 1,3 - 1,4 Ðất bị nén chặt 1,4 - 1,6 Những tầng đất bị nén chặt dưới tầng canh tác 1,6 - 1,8 Tầng tích tụ bị nén mạnh Ý nghĩa: Dung trọng của đất được sử dụng trong việc tính độ xốp của đất, tính khối lượng đất canh tác trên 1 ha để xác định trữ lượng các chất dinh dưỡng, lượng vôi cần bón cho đất hay trữ lượng nước có trong đất... Dựa vào đặc tính nén của đất dung trọng còn được dùng để kiểm tra chất lượng các công trình thủy lợi, đê, bờ mương máng... để đảm bảo độ vững của các công trình trên đòi hỏi dung trọng cần đạt được tối thiểu phải lớn hơn 1,5 g/cm3.  2.3. Ðộ xốp của đất   Ðịnh nghĩa: Ðộ xốp của đất là tỷ lệ % các khe hở chiếm trong đất so với thể tích chung của đất (ký hiệu P). Công thức tính độ xốp của đất: Do các khe hở trong đất có các hình dạng phức tạp và kích thước rất khác nhau nên việc tính toán trực tiếp thể tích của các khe hở trong đất là rất khó, do đó để xác định được độ xốp của đất người ta phải tính một cách gián tiếp từ tỷ trọng và dung trọng của đất theo công thức sau: P(%) = (1 - D/ d) x 100 Trong đó: P - Ðộ xốp của đất (%); D - Dung trọng đất; d - Tỷ trọng đất. Ðộ xốp của đất có thể biến động từ 30-70% tùy thuộc vào đất rời rạc không có kết cấu như đất cát, đất bạc màu cho đến những loại đất có kết cấu viên như đất đỏ vàng đồi núi. Như vậy độ xốp phụ thuộc vào kết cấu, tỷ trọng và dung trọng của đất. Ðộ xốp của đất thường được phân cấp như sau: P (%) Mức độ 60 - 70 Ðất rất xốp 50 - 60 Ðất khá xốp 40 - 50 Ðất xốp trung bình 30 - 40 Ðất ít xốp <20 Ðất chặt bí (do hiện tượng glây) Ý nghĩa thực tiễn: Ðộ xốp của đất rất có ý nghĩa đối với sản xuất nông nghiệp và các loại cây trồng vì nước và không khí di chuyển được trong đất nhờ vào những khoảng trống hay độ xốp của đất. Các chất dinh dưỡng của đất có thể huy động được cho cây trồng, các hoạt động của vi sinh vật đất chủ yếu cũng diễn ra ở đây, chính bởi vậy mà người ta nói độ phì đất phụ thuộc đáng kể vào độ xốp của đất. Ngoài ý nghĩa trên chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy nếu đất tơi xốp thì làm đất cũng dễ dàng, rễ cây phát triển tốt, khả năng thấm, thoát nước và trao đổi không khí diễn ra cũng hết sức thuận lợi và nhanh chóng. Vùng đồi núi nếu đất có độ xốp cao thì phần lớn nước mưa được thấm xuống sâu, hạn chế hiện tượng nước chảy tràn trên mặt đất và do đó hạn chế được xói mòn trên bề mặt. Bảng 11.3 biểu diễn quan hệ giữa dung trọng, tỷ trọng và độ xốp của một số loại đất. Bảng 11.3 Dung trọng, tỷ trọng và độ xốp của một số loại đất ở việt nam Loại đất (theo phát sinh) Dung trọng (g/cm3) Tỷ trọng Ðộ xốp (%) Ðất cát biển 1,48 - 1,55 2,62 - 2,65 41 - 44 Ðất mặn 0,97 - 1,22 2,43 - 2,65 54 - 61 Ðất phèn 0,64 - 1,07 2,30 - 2,40 55 - 73 Ðất lầy và than bùn 0,12 - 0,74 1,66 - 2,63 72 - 92 Ðất phù sa 0,79 - 1,40 2,41 - 2,75 40 - 69 Ðất bạc màu 1,20 - 1,31 2,52 - 2,66 51 - 53 Ðất đen nhiệt đới 0,80 - 1,18 2,45 - 2,54 53 - 68 Ðất đỏ vàng Feralit 0,76 - 1,30 2,50 - 2,90 51 - 74 Ðất mùn trên núi cao 0,62 - 0,79 1,34 - 1,75 66 - 90 3. Một số tính chất cơ lý của đất 3.1. Tính liên kết của đất Ðịnh nghĩa: Tính liên kết của đất là sự dính kết giữa các phần tử đất với nhau (khi đất khô tính chất này biểu hiện rõ) những loại đất có tính liên kết lớn thường tạo thành trong đất những kiểu kết cấu tảng cục lớn. Ðơn vị đo tính liên kết của đất được xác định bằng lực ấn vào đất (G/cm2). Những yếu tố ảnh hưởng đến tính liên kết của đất là: thành phần cơ giới, độ ẩm đất, cấu trúc của đất, hàm lượng mùn và thành phần cation hấp phụ trong đất. Ðất có thành phần cơ giới nặng do chứa nhiều sét nên tính liên kết của chúng rất lớn, ngược lại đất có thành phần cơ giới nhẹ như đất cát, do có tỷ lệ các hạt cát cao nên có tính liên kết kém. Ðộ ẩm đất chi phối đến khả năng liên kết của đất, ở những loại đất có tính liên kết lớn như đất sét nếu đất càng khô thì tính liên kết của đất thể hiện càng mạnh. Hàm lượng mùn cao trong đất có tác động dung hòa rất tốt đến tính liên kết của một số loại đất có kết cấu kém hoặc không có kết cấu như đất cát và đất sét nặng. Ngoài ra thành phần cation hấp phụ trong đất cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tính liên kết của đất, ví dụ: Ðất mặn do hấp phụ nhiều cation Na+ đã tạo cho đất sức liên kết lớn khi khô do đó đã làm loại đất này thường bị chai cứng khi khô hạn nhưng tính liên kết này cũng dễ dàng bị mất đi khi đất bão hòa nước. Ý nghĩa thực tiễn: tính liên kết của đất ảnh hưởng rất lớn đến việc làm đất và áp dụng các biện pháp canh tác. Ðất có kết cấu tốt (như dạng kết cấu viên) lực liên kết giữa các hạt đất không lớn, do đó rất dễ cày, bừa và xới xáo. Ngược lại ở những đất loại đất sét có kết cấu tảng lớn thì việc làm đất rất khó khăn, đặc biệt là khi đất bị khô vừa phải cày bừa và vừa phải đập cho đất vỡ vụn ra. 3.2. Tính dính của đất Ðịnh nghĩa: Tính dính của đất là khả năng kết dính của đất với những vật tiếp xúc với chúng. Tính dính của đất thường làm tăng lực cản đối với các công cụ làm đất như cày bừa, những máy móc và công cụ phay, đập đất... do vậy đất có tính dính càng cao thì việc làm đất càng khó khăn và càng đòi hỏi phải tiêu tốn nhiều năng lượng cho việc làm đất. Giống như tính liên kết của đất, tính dính phụ thuộc thành phần các cấp hạt trong đất, kết cấu và độ ẩm đất. Những loại đất có tỷ lệ các cấp hạt sét cao với các thành phần khoáng sét càng cao thì tính dính của chúng càng lớn, trong các thành phần khoáng sét thì montmorilonit, illit có tính liên kết và tính dính cao hơn hẳn các khoáng sét kaolinit và các hydroxit sắt. Ngược lại với tỷ lệ sét, khi đất có hàm lượng mùn càng lớn thì càng làm giảm tính dính của đất. Hầu hết đất bắt đầu có tính dính cao khi độ ẩm trong đất đạt 60 - 80% độ trữ ẩm cực đại. Ðộ dính được đo bằng lực cần thiết (G/cm2) để làm dứt rời, tách phần tiếp xúc của đất ra khỏi đĩa, chúng được xác định bằng công thức sau: r = P / S Trong đó: r - độ dính (G/cm2); P - lực hao tổn để làm rơi phần đất tiếp xúc với đĩa (G); S - diện tích của đĩa kim loại (cm2).  3.3. Tính dẻo của đất   Tính dẻo hay độ dẻo của đất thường thể hiện khi đất ở trạng thái ẩm, có khả năng nặn tạo được những hình dạng nhất định và có thể giữ nguyên được hình dạng đó khi không có lực bên ngoài tác động. Ðất có chứa 15% hàm lượng sét trở lên thì bắt đầu có biểu hiện tính dẻo rõ, tính chất này có liên quan đến bản chất tự nhiên của các hạt sét khi chúng hấp phụ nước. Tính dẻo của đất chỉ thể hiện khi đất có phạm vi độ ẩm nhất định, đất quá khô hay bão hòa nước đều không có tính dẻo. Nếu khô, hòn đất chỉ có thể nứt vỡ ra còn nếu ẩm quá thì khoảng cách giữa các hạt đất sẽ lớn, đất bị nhão hay bị lỏng như "cháo" không còn tính dẻo nữa. Tính dẻo của đất phụ thuộc vào thành phần cơ giới đất và thành phần khoáng sét của đất. Ðất càng giàu sét, đặc biệt là nhóm khoáng sét montmorilonit, illit thì đất càng dẻo và ngược lại ở những đất nghèo sét như đất cát hoàn toàn không có tính dẻo. Phạm vi xuất hiện tính dẻo của đất được xác định bởi hai giới hạn (các giới hạn này có liên quan tới độ ẩm của đất). Giới hạn dưới thể hiện đặc tính đất bắt đầu nặn được hay vê thành dạng như con giun và giới hạn trên (vượt quá tính dẻo), là đất bắt đầu không thể nặn được nữa, ở mức giới hạn trên này thường bất lợi cho sản xuất nông nghiệp (trừ đất trồng lúa nước).  Ý nghĩa thực tiễn: đất có tính dẻo cao thường có những ảnh hưởng không tốt đến việc làm đất vì ở trạng thái ẩm, ướt khi cày bừa đất sẽ tạo thành tảng lớn chứ không không tơi vỡ tạo ra các kết cấu thích hợp cho cây trồng. Còn ngược lại ở trạng thái đất khô thì lại rất cứng, làm tăng lực cản của đất đối với các công cụ làm đất và làm tiêu tốn nhiều năng lượng trong làm đất. Tuy nhiên tính dẻo của đất rất có ý nghĩa trong việc phân loại đất, trong kỹ thuật xây dựng, vì chúng liên quan tới sức chống nén khi xây dựng nhà ở và đường giao thông.  3.4. Tính trương và tính co của đất  Tính trương và tính co của đất là đặc tính thể tích của đất tăng lên khi ẩm và bị co lại khi khô. Tính trương co của đất có liên quan đến sự xâm nhập và mất nước giữa các tinh tầng khoáng sét do đó đặc tính này phụ thuộc chủ yếu vào thành phần và hàm lượng sét có trong đất và thành phần các cation hấp phụ trong đất. Ví dụ: Ðất có nhiều thành phần khoáng kaolinit thì ít bị trương co hơn so với đất chứa nhiều khoáng sét montmorilonit, smectit, trong khi đó đất có chứa nhiều khoáng hydrôxit sắt thì hầu như rất ít bị trương co. Ðất hấp phụ nhiều ion Na+ có tính trương co mạnh hơn so với đất hấp phụ ion Ca2+. Tính co của đất được Till phân cấp ở bảng 11.4 Bảng 11.4 Phân cấp tính co của đất có thành phần cơ giới khác nhau (theo Till) Mức co Thành phần cơ giới đất 0,5 - 1,0% 0,5 - 1,5% 3,0 - 4,5% 4,5 – 6,0% 6,0 - 8,0% 8,0 - 10% Ðất cát Ðất cát pha, thịt nhẹ Ðất thịt trung bình Ðất thịt nặng Ðất sét Ðất sét nặng Ý nghĩa thực tiễn: những loại đất có tính trương và tính co mạnh đều gây ra những bất lợi cho sản xuất. Ðất thịt nặng và sét khi bão hòa nước, đất sẽ bị trương rất nhanh lấp hết các khe hở trong đất làm giảm và mất khả năng thấm theo chiều sâu, tạo nên dòng chảy trên bề mặt gây xói mòn rửa trôi mạnh (thường xảy ra ở miền núi). Trong khi ở vùng đồng bằng và vùng ven biển trên những đất phù sa thành phần cơ giới nặng trồng lúa khi bị khô hạn đất sẽ bị co mạnh làm mặt đất bị nứt nẻ với những kẽ nứt rộng hàng vài ba cm, hiện tượng nứt nẻ bề mặt càng làm tăng quá trình bốc hơi nước trong đất và làm đất mất ẩm nhanh chóng, bốc mặn lên lớp đất mặt và ngoài ra hiện tượng co mạnh còn làm đứt rễ các cây trồng gây ra ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng của cây. 3.5. Sức cản của đất Khi chuẩn bị đất canh tác cần phải tiến hành cày, bừa, phay đất cho tơi nhỏ nhằm tạo ra kết cấu đất thích hợp cho cây trồng. Ðể làm được các công việc trên, các công cụ làm đất phải tạo ra được những lực cần thiết để thắng sức cản của đất và lực này được đặc trưng bởi lực cản riêng của đất. Lực cản riêng của đất là lực cần để cắt mảnh đất có tiết diện ngang là 1cm2 và được biểu thị là Kg/cm2. Việc nghiên cứu sức cản của đất để nhằm mục đích giảm chi phí và nâng cao chất lượng làm đất. Sức cản (P) có thể đo bằng lực kế lắp sau máy kéo. P = k.a.b   Trong đó: k - Hệ số chỉ sức cản riêng của từng loại đất, cụ thể: đất cát 0,2 - 0,3 Kg/cm2, đất thịt 0,6 Kg/cm2, đất sét 0,9 Kg/cm2. a - Chiều sâu cày (cm). b - Chiều rộng hoạt động của lưỡi cày (cm). Có nhiều yếu tố chi phối và ảnh hưởng đến lực cản riêng của đất như: thành phần cấp hạt, độ ẩm, hàm lượng mùn và kết cấu đất... Về ảnh hưởng của thành phần cơ giới được thể hiện qua hệ số chỉ sức cản riêng của các loại đất cát, thịt, sét... Ðộ ẩm đối với sức cản của đất được thể hiện đất ở trạng thái khô hay ướt, đất khô có lực cản lớn hơn nhiều so với đất ướt. Ðất có kết cấu thích hợp ở dạng viên thường có sức cản giảm so với đất có kết cấu dạng tảng. Ngoài ra các biện pháp canh tác bón vôi và đặc biệt là phân hữu cơ cho đất có tác dụng làm giảm lực cản của đất một cách rõ rệt. Ý nghĩa thực tiễn: việc nghiên cứu lực cản có ý nghĩa rất lớn đối với các biện pháp canh tác vì dựa trên những số liệu đo lực cản có thể nhận định về mức độ làm đất dễ hay khó, thành phần cơ giới đất và khả năng phát triển của bộ rễ cây trồng. Ðặc biệt trong vịec làm đất người ta thường dùng trị số về lực cản để lựa chọn các máy móc, công cụ làm đất cho phù hợp. 4. Ảnh hưởng của biện pháp canh tác tới tính chất vật lý và cơ lý tính của đất Khi đề cập đến các biện pháp canh tác nông nghiệp có nghĩa là nói tới các hoạt động cụ thể trong sản xuất như việc làm đất (cày, bừa, đập, xới xáo đất), bón vôi, bón phân, xây dựng các công thức luân canh cây trồng, thủy lợi... tất cả các biện pháp canh tác trên đều có ảnh hưởng rất lớn đến các tính chất vật lý và cơ lý tính của đất. Cụ thể khi làm đất, cày bừa quá kỹ sẽ làm phá vỡ tính liên kết của đất do đó dần dần làm đất bị mất kết cấu, thay đổi độ xốp và dung trọng. Ngược lại việc bón đầy đủ phân hữu cơ và vôi cho đất canh tác sẽ làm đất tăng độ xốp, giảm tính liên kết và giảm dung trọng đất. Các biện pháp tưới, tiêu hợp lý sẽ đảm bảo duy trì được độ ẩm thích hợp cho đất và các tính chất cơ lý khác như tính dính, tính dẻo, tính trương và co cũng như sức cản khi làm đất. Việc bố trí các hệ thống cây trồng và các hệ thống canh tác luân canh hay độc canh liên tục trên một mảnh đất cụ thể nào đó cũng sẽ tác động và dần dần ảnh hưởng đến các tính chất lý tính và cơ lý tính của đất. Một ví dụ về ảnh hưởng của làm đất bằng máy ở các mức độ nhiều, trung bình, ít và bằng tay đến dung trọng của đất canh tác ở Gana (Bafoe- Bonnie và Quansah. 1975) trên đất sét pha cát có độ dốc 3,5% được trình bày ở bảng 11.5 Bảng 11.5. Ảnh hưởng của các hệ thống làm đất đến dung trọng của đất Cách làm đất Dung trọng đất khô (1) g/cm3 Ðộ sâu 0- 7,5cm Ðộ sâu 7,5- 15cm Làm đất kỹ (bằng máy) 1,53 1,56 Làm đất trung bình (bằng máy) 1,36 1,46 Làm đất ít (bằng máy) 1,29 1,35 Làm đất bằng tay 1,52 1,50 LTI (0,05) 0,05 0,11 (1) Trị số được xác định sau khi xử lý, làm đất. Ðể điều tiết và cải thiện những tính chất lý học và cơ lý tính của đất người ta có thể áp dụng một số biện pháp canh tác chính dưới đây: Biện pháp thủy lợi: là biện pháp ảnh hưởng và chi phối rất lớn đến tính dính, tính dẻo, tính trương và co cũng như sức cản đất. Ðất thừa hay thiếu ẩm (khô) đều không tốt cho các đặc tính chất cơ lý trên do đó việc sử dụng chế độ tưới tiêu hợp lý để điều tiết độ ẩm đất ở mức độ thích hợp cho làm đất nhằm duy trì những đặc tính tốt về cơ lý của đất và không phá vỡ kết cấu đất là điều rất cần thiết. Biện pháp sử dụng phân bón: trong các loại phân bón cho cây, phân hữu cơ và vôi có ảnh hưởng rất tốt cho kết cấu đất, tăng cường khả năng liên kết giữa các hạt đất qua đó cải thiện dung trọng, tỷ trọng và đồng thời hạn chế sức cản của đất đối với các công cụ làm đất. Biện pháp cây trồng: Các hệ thống cây trồng dài ngày, cây trồng ngắn ngày độc canh, đa canh, luân canh... và các biện pháp quản lý chúng đều có ảnh hưởng rất lớn các tính chất vật lý và cơ lý của đất. Nên đối với các hệ thống cây trồng khác nhau cần có những biện pháp quản lý đất thích hợp nhằm duy trì, cải thiện và không gây ra các tác hại làm ảnh hưởng xấu đối với các đặc tính vật lý và cơ lý của đất. Biện pháp làm đất: Cần phải xác định các biện pháp làm đất thích hợp cho từng loại đất khác nhau, có những loại đất cần được cày bừa nhiều lần hay cày bừa kỹ (như đất sét, đất thịt nặng) và có những loại nên cày bừa vừa phải như với các loại đất có thành phần cơ giới nhẹ (đất thịt nhẹ, đất cát pha) để vừa nhằm đạt được các mục đích của việc làm đất là tạo ra các kết cấu thích hợp đối với cây trồng vừa đồng thời duy trì bảo vệ được kết cấu và cải tạo được các hạn chế về lý tính của đất. Cày, bừa đất ngoài việc xác định được mức độ cần phải tiến hành cho thích hợp với từng loại đất và cây trồng cần phải biết xác định lựa chọn thời điểm đất có độ ẩm thích hợp để tiến hành làm đất nhằm giảm được công và năng lượng chi phí cho việc làm đất đồng thời không làm ảnh hưởng nhiều đến kết cấu và một số đặc tính vật lý của đất canh tác. Hiện nay trên thế giới đang có xu hướng áp dụng các biện pháp làm đất tối thiểu nhằm bảo vệ đất canh tác, thực chất của biện pháp này là hạn chế tới mức thấp nhất các tác động cơ giới đối với đất. Trong thực tế, làm đất tối thiểu là chỉ cày, xới đất ở mức độ hạn chế nhất song vẫn đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng, phát triển được. Vì việc làm đất phá vỡ kết cấu và gây xáo trộn đất ít nhất cho nên tác động của các yếu tố canh tác đối với tính chất vật lý (kết cấu, dung trọng...) và cơ lý tính (tính liên kết, tính dính, dẻo...) và đặc biệt là hiện tượng xói mòn trên đất dốc được hạn chế ở mức thấp nhất. Các biện pháp này đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước tiên tiến như Mỹ, Canađa và ở những nước có nhiều diện tích đất canh tác. Tuy nhiên ở một số nước đang phát triển như Việt Nam biện pháp này mới chỉ được áp dụng cho các vùng đồi dốc, còn đối với những vùng đồng bằng khó có thể áp dụng do diện tích canh tác rất hạn chế, làm đất tối thiểu làm năng suất cây trồng trên một đơn vị diện tích có thể thấp đi và gặp nhiều khó khăn trong việc khống chế cỏ dại do đó chưa được hưởng ứng rộng. Trên thực tế việc cải tạo các đặc tính vật lý - cơ lý của đất là không đơn giản và dễ dàng, tuy nhiên bằng những biện pháp tác động tổng hợp thì từng bước cũng sẽ dần cải thiện và làm thay đổi được những đặc tính vật lý và cơ lý cơ bản của đất. Câu hỏi ôn tập 1. Tỷ trọng của đất là gì? Hãy nêu tỷ trọng của một số loại đất chính? Ý nghĩa thực tiễn của tỷ trọng đất? 2. Dung trọng của đất là gì? Hãy nêu dung trọng của một số loại đất chính? Ý nghĩa thực tiễn của dung trọng đất? 3. Ðộ xốp của đất là gì? Hãy nêu độ xốp của một số loại đất chính? Ý nghĩa của độ xốp đối với đất và cây trồng? 4. Thế nào là tính dính, tính dẻo của đất, ảnh hưởng của chúng đến các tính chất đất? 5. Thế nào là tính trương, tính co của đất, ảnh hưởng của chúng đến các tính chất đất và biện pháp làm đất? 6. Ðể cải thiện một số tính chất vật lý và cơ lý của đất trong các biện pháp canh tác người ta thường áp dụng các biện pháp gì?

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docMột số tính chất vật lý và cơ lý của đất.doc
Tài liệu liên quan
  • Đánh giá tình hình sử dụng đất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long

    7 trang | Lượt xem: 635 | Lượt tải: 0

  • Quản lý tài nguyên nước- Một số nhiệm vụ trước mắt

    8 trang | Lượt xem: 1955 | Lượt tải: 3

  • Công trình xử lý nước thải bằng cơ học

    22 trang | Lượt xem: 2210 | Lượt tải: 2

  • Air quality meso-Scale modeling in Ho Chi Minh city evaluation of some strategies’ efficiency to reduce pollution

    9 trang | Lượt xem: 507 | Lượt tải: 0

  • Hệ thống đường thủy nội địa Việt Nam

    27 trang | Lượt xem: 7846 | Lượt tải: 1

  • Xử lý nước thải bệnh viện bằng bể sinh học tiếp xúc hiếu khí

    7 trang | Lượt xem: 2663 | Lượt tải: 2

  • Bài giảng kỹ thuật môi trường

    90 trang | Lượt xem: 910 | Lượt tải: 0

  • Hệ thống chỉ thị và chỉ số môi trường để đánh giá và so sánh hiện trạng môi trường giữa các thành phố trên lưu vực sông

    9 trang | Lượt xem: 577 | Lượt tải: 0

  • Xây dựng bản đồ phân bố hiện trạng cây xanh đô thị và ước lượng khí nhà kính thành phố Cần Thơ

    10 trang | Lượt xem: 752 | Lượt tải: 0

  • Nghiên cứu khả năng hấp thụ co2 của các trạng thái rừng tại huyện A Lưới, tỉnh thừa Thiên Huế

    9 trang | Lượt xem: 558 | Lượt tải: 0

Copyright © 2024 TaiLieu.tv - Tổng hợp luận văn mẫu tham khảo cho sinh viên, Những bài sáng kiến kinh nghiệm hay nhất, Thư viện đề thi. Chia sẻ: TaiLieu.tv on Facebook Follow @TaiLieuTV

Từ khóa » Tính độ Xốp Của đất