Một Số Vấn đề Về Các Tình Tiết Giảm Nhẹ, Tăng Nặng Trách Nhiệm Hình ...

1. Một số khó khăn vướng mắc

Thứ nhất, tại khoản 2 Điều 51 BLHS “khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”. Như vậy, chỉ quy định cụ thể một tình tiết là “Đầu thú”, còn lại việc áp dụng tùy thuộc vào sự đánh giá của Hội đồng xét xử. Việc trao quyền chủ quan cho Hội đồng xét xử xem xét xác định và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp này cũng dễ dẫn đến việc áp dụng không thống nhất, từ đó dẫn đến quyết định của Tòa án không nghiêm.

Chẳng hạn như tình tiết bị cáo có ông bà là liệt sĩ, có công với cách mạng có lúc Thẩm phán áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS, có lúc lại không áp dụng để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Tại bản án hình sự sơ thẩm số02/2019/HS-ST của Tòa án quân sự Khu vực M: Trong vụ án bị cáo Phạm Phúc S phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 BLHS, bị cáo S có ông ngoại là liệt sĩ nên Tòa án sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS cho bị cáo; Bản án hình sự sơ thẩm số 04/2019/HS-ST cũng của Tòa án quân sự Khu vực M: Trong vụ án Vũ Xuân H và 06 đồng phạm phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS, bị cáo H cũng có ông ngoại là liệt sĩ nhưng Tòa án không cho bị cáo được áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS.

Theo hướng dẫn tại Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của TANDTC quy định những trường hợp cụ thể được áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS… “Ngoài ra, khi xét xử tùy từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án. Vấn đề đặt ra là “các tình tiết khác” thể hiện trong Công văn còn chung chung, dễ dẫn đến việc lạm dụng hoặc không dám áp dụng

Ngoài ra, trong thực tế, có nhiều trường hợp người phạm tội có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS theo khoản 2 Điều 51 BLHS, nhưng khi áp dụng, trong phần quyết định cũng chỉ xác định là áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS; trong khi đó, người chỉ có một tình tiết cũng áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS (tuy đối với người có nhiều tình tiết ở khoản 2 thì xem xét giảm nhẹ nhiều hơn, nhưng trong thực tế vẫn chưa thật phù hợp). Tất cả các trường hợp vừa nêu đều dẫn đến quyết định trong bản án của Tòa án không đảm bảo tính thuyết phục và tính công bằng trong lượng hình đối với người phạm tội.

Thứ hai, với trường hợp quy định là nhóm các tình tiết khi người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ trong nhóm đó, nhưng chỉ được xem là một tình tiết giảm nhẹ để áp dụng dẫn đến chưa thật sự có lợi cho người phạm tội. Ví dụ, người phạm tội là người có công với cách mạng và cũng là cha của liệt sỹ, nhưng theo quy định chỉ áp dụng tình tiết quy định tại điểm x khoản 1; hoặc người phạm tội vừa có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, vừa có thành tích xuất sắc trong công tác, nhưng chỉ áp dụng điểm v khoản 1 của Điều 51 BLHS; Trong khi đó, đối với người phạm tội chỉ thỏa mãn một tình tiết trong nhóm các tình tiết này thì cũng được áp dụng như đối với những người có nhiều tình tiết trong nhóm…

Thứ ba, về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”

+ Tại điểm o khoản 1 Điều 52 của BLHS năm 2015 quy định “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Theo quan điểm của tác giả, điều luật quy định như vậy vẫn chưa đầy đủ dẫn đến bỏ lọt một số trường hợp lẽ ra cần phải được áp dụng.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015, thì đối tượng gây án là người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong giới hạn 28 tội danh. Như vậy, người chưa đủ 16 tuổi có thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà BLHS quy định là tội phạm, nhưng ngoài 28 tội danh này thì hành vi của họ chưa cấu thành tội phạm. Vì vậy, theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015, có thể hiểu người xúi giục người dưới 16 tuổi thực hiện hành vi phạm tội ngoài 28 tội danh theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015, kể cả đối với trẻ em dưới 14 tuổi thực hiện bất kỳ hành vi nguy hiểm cho xã hội nào thì cũng không phải chịu tình tiết tăng nặng này, vì đối tượng họ xúi giục không phạm tội.

Qua phân tích như trên, có thể thấy điểm o khoản 1 Điều 52 của BLHS năm 2015 còn bỏ lọt đối tượng phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “xúi giục trẻ em thực hiện hành vi phạm tội ít nghiêm trọng”. Trong khi đó, xét về tính chất nghiêm trọng thì đối tượng là trẻ em bị xúi giục thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và các hành vi phạm tội nói riêng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển tâm, sinh lý của các em, dẫn dắt các em theo một lối xấu, khó khắc phục…

+ Về chủ thể thực hiện việc “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” vẫn còn có quan điểm khác nhau khi áp dụng.

Cụ thể vụ án như sau: Theo hồ sơ vụ án, lúc 20 giờ ngày 4/12/2019, sau khi bị Nguyễn Tr (SN 2005, trú tại phường Ngô Mây, thảnh phố QN) và một số người khác đánh, Đinh Thanh T (SN 2005, trú tại phường Ngô Mây) đã rủ Thiều Công V (SN 2005) cùng 3 người khác tìm đánh Nguyễn Tr để trả thù. Sau đó, cả nhóm dùng gậy, côn đánh Tr gây thương tích 15%.

Ngày 5/11/2020, TAND thành phố QN đã đưa vụ án ra xét xử, đại diện VKSND thành phố QN đề nghị xử phạt các bị cáo Đinh Thanh T, Thiều Công V phạm “tội cố ý gây thương tích”. Riêng Đinh Thanh T, VKSND còn đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử TAND thành phố QN cho rằng, việc kiểm sát viên đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng đối với bị cáo T là không phù hợp, vì khi thực hiện việc xúi giục người khác phạm tội, bị cáo T cũng đang là người chưa thành niên (lúc phạm tội, bị cáo T chỉ mới hơn 16 tuổi).

Xung quanh việc vận dụng pháp luật của TAND thành phố QN đã nảy sinh những quan điểm khác nhau.

Trong đó, có ý kiến đồng tình với việc đề nghị của Kiểm sát viên, cần phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với T, bởi theo quy định tại Điều 90, chương XII, BLHS quy định: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này. Đồng thời, tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS chỉ quy định “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội, chứ cũng không quy định người xúi giục phải là người đã đủ 18 tuổi nên phải được áp dụng đối với bất cứ người phạm tội nào có tình tiết này, mà không quy định người xúi giục phải là người thành niên. Do đó, nếu người chưa thành niên phạm tội mà có hành vi xúi giục người chưa thành niên khác phạm tội thì phải áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS.

Trong khi đó, có quan điểm cho rằng theo quy định tại khoản 1 Điều 91 BLHS quy định “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm”. Theo quy định trên, thì việc áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là không phù hợp với nguyên tắc xử lý và khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi phạm tội.

Măt khác, tại khoản 3 Điều 416 BLTTHS năm 2015 quy định những vấn đề cần xác định khi tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi:… “3. Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục”. Như vậy, theo nội hàm quy định này, pháp luật tố tụng hình sự chỉ buộc các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải chứng minh “có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục” chứ không yêu cầu chứng minh “có hay không có người dưới 18 tuổi xúi giục”. Theo đó, quy định này mặc nhiên thừa nhận việc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ tồn tại đối với người đã đủ 18 tuổi. Nếu người dưới 18 tuổi có hành vi “xúi giục” người dưới 18 tuổi khác phạm tội thì chỉ chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm, chứ không bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”

Qua phân tích ở trên, mặc dù bị cáo T rủ rê bị cáo V là người chưa thành niên đi đánh nhau, nhưng khi phạm tội bị cáo cũng là người chưa thành niên nên không thể áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS. Và đây cũng là quan điểm của tác giả.

2. Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, đối với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo hướng “mở”, BLHS năm 2015 đã đưa ra quy định mang tính “mở” cho việc áp dụng “có thể coi… tình tiết khác” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015). Để có cách hiểu và áp dụng thống nhất cần có văn bản hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn như: Quy định thêm các tình tiết, hướng dẫn theo tiêu chí… để phù hợp với “tính mở” của quy định của BLHS năm 2015, thì cơ quan hướng dẫn cần đưa ra các “tiêu chí” để chủ thể áp dụng xác định tình tiết nào là biểu hiện tích cực cho xã hội được xem là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, để xử lý triệt để và thống nhất các hành vi xúi giục người dưới 18 tuổi tham gia các hành vi phạm tội, phục vụ tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần sửa đổi điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 theo hướng “Người đã thành niên xúi giục người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được quy định trong BLHS” sẽ đầy đủ hơn và phù hợp với khái niệm tội phạm quy định tại Điều 8 của BLHS. Người đã thành niên có hành vi xúi giục người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (tức là tham gia vào tội họ đã phạm), chứ không cần người bị xúi dục phải phạm tội thì người xúi giục cũng bị áp dụng tình tiết tăng nặng này.

Trên đây, là ý kiến của tác giả rất mong được sự quan tâm thảo luận của bạn đọc.

Tòa án nhân dân huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk xét xử vụ án trộm cắp tài sản - Ảnh: Đỗ Cường

NGUYỄN TẤT TRÌNH (TAQS khu vực 1 Quân khu 5)

Từ khóa » điểm I Khoản 1 điều 51 Blhs 2015