Một Số Vấn đề Về Rủi Ro Tín Dụng Của Ngân Hàng Thương Mại

  1. Chứng khoán

Rủi ro tín dụng và những hệ quả

Rủi ro tín dụng (RRTD) là rủi ro phát sinh do khách hàng vay không thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng tín dụng, với biểu hiện cụ thể là khách hàng chậm trả nợ, trả nợ không đầy đủ hoặc không trả nợ khi đến hạn các khoản gốc và lãi vay, gây ra những tổn thất về tài chính và khó khăn trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại (NHTM).

Các nguyên nhân dẫn đến RRTD được phân loại gồm:

Nhóm nguyên nhân từ môi trường: Cũng như hoạt động của các chủ thể kinh tế khác, hoạt động tín dụng của NHTM chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khách quan từ môi trường kinh tế, môi trường chính trị, đặc điểm văn hóa – xã hội, môi trường pháp lý và các tác động chung của khu vực và địa phương…

Nhóm nguyên nhân từ phía ngân hàng: Khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng phản ánh thái độ đối với việc chấp nhận rủi ro ở giới hạn/mức độ nhất định.Trong giới hạn đó, ngân hàng có khả năng và sẵn sàng để hứng chịu, khắc phục và vượt qua các rủi ro. Đây là một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến RRTD. Thêm vào đó, việc mở rộng tín dụng quá mức đồng nghĩa với việc lựa chọn khách hàng kém kỹ càng, khả năng giám sát của cán bộ tín dụng đối với việc sử dụng khoản vay giảm xuống đồng thời cũng làm cho việc tuân thủ chặt chẽ theo quy trình tín dụng bị lơi lỏng. Cùng với sự yếu kém của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng là nguy cơ rất cao xảy ra RRTD.

Nhóm nguyên nhân từ phía khách hàng: Nhiều khoản vay của khách hàng với mục đích đầu tư vào các danh mục đầu tư nhạy cảm với những biến động của thị trường; khách hàng cố tình lừa đảo để chiếm dụng vốn ngân hàng.

Một nguyên nhân khác dẫn đến RRTD cho NHTM là một số công ty, tổng công ty đứng ra bảo lãnh hoặc uỷ quyền cho các chi nhánh trực thuộc thực hiện vay vốn của NHTM để tránh sự kiểm tra giám sát của ngân hàng cho vay chính. Khi đơn vị vay vốn mất khả năng thanh toán, bên bảo lãnh và uỷ quyền không chịu thực hiện việc trả nợ thay.

RRTD dẫn đến nhiều hệ quả, cụ thể:

Đối với bản thân ngân hàng: Nếu một NHTM có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ lớn, có những thông tin về việc ngân hàng có nhiều món vay không thu hồi được hoặc ngân hàng đó bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt thì uy tín của ngân hàng đó bị giảm sút nghiêm trọng. Thêm nữa, RRTD xảy ra sẽ làm giảm khả năng thanh toán của NHTM đối với các nguồn tiền gửi.

Đối với nền kinh tế: Một khi RRTD xảy ra, uy tín và khả năng thanh toán của ngân hàng ảnh hưởng đầu tiên. Tiếp đó, người dân và các tổ chức đang có tiền gửi tại ngân hàng kéo đến ồ ạt đến rút tiền và chấm dứt quan hệ.

Do đó, phòng ngừa và hạn chế RRTD không những là vấn đề sống còn đối với ngân hàng mà còn là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế, góp phần vào sự ổn định và phát triển của toàn xã hội. Mục tiêu của quản lý RRTD là tối đa hóa lợi nhuận sau khi đã điều chỉnh rủi ro của ngân hàng với mức độ rủi ro trong giới hạn cho phép.

Các chỉ tiêu đánh giá rủi ro tín dụng

Nợ quá hạn: Là chỉ tiêu cơ bản phản ánh RRTD. Nợ quá hạn sẽ phát sinh khi đến thời hạn trả nợ theo cam kết, người vay không có khả năng trả được nợ một phần hay toàn bộ khoản vay cho người cho vay. Tùy theo thời gian quá hạn, khoản nợ này sẽ được xác định là nợ đủ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, hoặc là nợ có khả năng mất vốn... Nợ quá hạn được phản ánh qua 2 chỉ tiêu sau:

Tỷ lệ nợ quá hạn = Số dư nợ quá hạn/Tổng dư nợ

Tỷ lệ khách hàng có nợ quá hạn = Số khách hàng có nợ quá hạn/Tổng số khách hàng có dư nợ

Nếu ngân hàng có chỉ tiêu nợ quá hạn và số khách hàng có nợ quá hạn lớn thì ngân hàng đó đang có mức rủi ro cao và ngược lại.

Nợ xấu: Là các khoản nợ quá hạn trên 90 ngày và bị nghi ngờ về khả năng trả nợ lẫn khả năng thu hồi vốn của chủ nợ do con nợ làm ăn thua lỗ liên tục, tuyên bố phá sản hoặc đã tẩu tán tài sản, mất khả năng thanh toán... Nợ xấu sẽ phản ánh một cách rõ nét chất lượng tín dụng của ngân hàng, căn cứ vào thời gian quá hạn và khả năng trả nợ của khách hàng để phân loại nợ xấu thành 3 nhóm: nhóm 3 (dưới chuẩn), nhóm 4 (nghi ngờ) và nhóm 5 (có khả năng mất vốn).

Các chỉ tiêu phản ánh nợ xấu bao gồm:

Tỷ lệ nợ xấu = Nợ xấu/Tổng dư nợ. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ này ở mức dưới 5% là có thể chấp nhận được và tốt nhất là ở mức 1-3%.

Tỷ trọng nợ xấu theo nhóm nợ = Dư nợ xấu nhóm (3,4,5)/Tổng dư nợ xấu

Tỷ lệ nợ xấu trên vốn chủ sở hữu = Nợ xấu/Vốn chủ sở hữu

Tỷ lệ nợ xấu trên quỹ dự phòng tổn thất = Nợ xấu/Quỹ dự phòng tổn thất

Dự phòng rủi ro tín dụng: Dự phòng rủi ro là số tiền được trích lập và hạch toán vào chi phí hoạt động để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra đối với nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Dự phòng RRTD được tính trên số dư nợ gốc của khách hàng bao gồm: (i) Dự phòng cụ thể - để bảo hiểm rủi ro cụ thể cho từng khoản vay; (ii) Dự phòng chung - bảo hiểm các rủi ro chung không xác định trong danh mục tín dụng và toàn bộ dự phòng được tính vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Các biện pháp phòng ngừa rủi ro tín dụng

Để phòng ngừa RRTD, nhiều biện pháp cần được áp dụng gồm:

Thứ nhất, thiết lập chính sách tín dụng phù hợp: Chính sách tín dụng bao gồm: Chính sách khách hàng, chính sách quy mô và giới hạn tín dụng và chính sách lãi suất. Xây dựng chính sách tín dụng phù hợp giúp tăng cường chuyên môn hóa trong phân tích tín dụng, tạo sự thống nhất chung trong hoạt động tín dụng nhằm hạn chế rủi ro, và nâng cao khả năng sinh lời.

Thứ hai, phân tích tín dụng và thẩm định dự án đầu tư: Việc này nhằm đánh giá tính khả thi của phương án sản xuất kinh doanh và dự án đầu tư mà khách hàng xin vay vốn, đồng thời đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, góp phần làm giảm thiểu RRTD.

Thứ ba, xếp hạng tín dụng: Hệ thống xếp hạng tín dụng phải được xây dựng cho từng đối tượng khách hàng làm cơ sở cho việc xét duyệt cấp tín dụng, quản lý chất lượng tín dụng.

Thứ tư, bảo đảm tín dụng: Việc áp dụng các biện pháp bảo đảm tín dụng bằng tài sản nhằm phòng ngừa rủi ro cho ngân hàng, tạo cơ sở kinh tế và pháp lý để thu hồi được các khoản nợ đã cho khách hàng vay.

Thứ năm, mua bảo hiểm tín dụng: Đây cũng là một biện pháp phòng ngừa RRTD khá phù hợp với điều kiện ở Việt Nam hiện nay. Nếu khách hàng không may rơi vào tình trạng thất nghiệp, không có thu nhập để trả nợ thì công ty bảo hiểm sẽ chi trả.

Thứ sáu, lập quỹ dự phòng RRTD: Tất cả các NHTM đều phải lập quỹ dự phòng RRTD nhằm khắc phục các rủi ro nếu có các tình huống xấu xảy ra.

Các biện pháp xử lý khi rủi ro tín dụng đã xảy ra

Khi RRTD đã xảy ra, các biện pháp cần được thực hiện bao gồm:

Thứ nhất, biện pháp khai thác: Khi người vay gặp khó khăn về tài chính do tình hình kinh doanh không thuận lợi, ngân hàng có thể sử dụng các biện pháp như: Đưa ra lời khuyên giúp người vay khôi phục tình hình kinh doanh dựa trên sự am hiểu về khách hàng và thị trường; Gia hạn nợ cho khách hàng: Gia hạn nợ vay là việc kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc (gốc, lãi) vượt quá thời hạn cho vay đã thỏa thuận trước đó trong hợp đồng tín dụng đã ký.

Trong những trường hợp khách hàng có khả năng khôi phục tình hình kinh doanh, các ngân hàng có thể xem xét áp dụng biện pháp cấp phát thêm vốn để “nuôi nợ”. Bên cạnh đó, chuyển tín dụng ngân hàng thành vốn cổ phần của doanh nghiệp cũng là một trong những biện pháp khai thác được áp dụng.

Thứ hai, biện pháp thanh lý: Các biện pháp thanh lý thường được áp dụng gồm: Ngân hàng thuyết phục khách hàng tự bán tài sản thế chấp; Ngân hàng bán tài sản tài chính để thu nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng; Sử dụng biện pháp pháp lý để thu hồi nợ vay...

Thứ ba, bán nợ: Bán nợ là việc chuyển nhượng khoản nợ, theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền chủ nợ của khoản nợ cho bên mua nợ và nhận thanh toán từ bên mua nợ.

Thứ tư, xóa nợ: Xóa nợ (gốc, lãi) là biện pháp không thu hồi nợ gốc, nợ lãi đối với khách hàng gặp rủi ro không còn khả năng trả nợ sau khi đã áp dụng mọi biện pháp thu hồi và xử lý nợ theo quy định.

Các quy định liên quan đến phòng, ngừa rủi ro tín dụng tại Việt Nam

Để phòng ngừa RRTD, hạn chế các tác động của nó, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tất cả các khoản nợ xấu ngân hàng đều phải trích lập dự phòng RRTD, tỷ lệ trích lập dự phòng tùy thuộc theo mức độ nợ xấu và tài sản bảo đảm. Số tiền trích lập dự phòng được tính vào chi phí vốn của ngân hàng.

Cụ thể, theo Thông tư 09/2014/TT – NHNN ngày 18/03/2014, Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2013/TT-NHNN, tỷ lệ trích lập dự phòng RRTD cụ thể đối với từng nhóm nợ: Nhóm 1: 0%; Nhóm 2: 5%; Nhóm 3: 20%; Nhóm 4: 50%; Nhóm 5: 100%. Mức trích lập dự phòng chung: Số tiền dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4.

Theo quy định tại Thông tư 09/2014/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để xếp hạng khách hàng theo định kỳ hoặc khi cần thiết, làm cơ sở cho việc xét duyệt cấp tín dụng; Quản lý chất lượng tín dụng, xây dựng chính sách dự phòng rủi ro phù hợp với phạm vi hoạt động và tình hình thực tế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Như vậy, tất cả các NHTM đều phải lập quỹ dự phòng RRTD định kỳ từ lợi nhuận của ngân hàng trước khi nộp thuế thu nhập, nhằm khắc phục rủi ro nếu những tình huống này xảy ra.

Để xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) được thành lập và hoạt động theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 1459/QĐ-NHNN của NHNN.

NHNN cũng đã ban hành nhiều văn bản, quyết định, thông tư liên quan đến việc hình thành thị trường mua bán nợ xấu. Tiêu biểu như: Thông tư 08/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC theo cơ chế thị trường giúp tăng tính chủ động và quyền hạn cho VAMC; Quyết định 618/QĐ-NHNN cho phép VAMC chính thức được triển khai phương án mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường.

Theo thống kê của NHNN, đến 30/11/2016, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ước tính còn khoảng 2,46%. Còn theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tính đến thời điểm 31/12/2016, chưa có một ngân hàng nào công bố tỷ lệ nợ xấu của mình vượt quá ngưỡng 3%.

Để giải quyết nợ xấu, các tổ chức tín dụng được sử dụng bằng tổng hợp các giải pháp: phát mại tài sản, cùng khách hàng xử lý tài sản, xiết nợ... trong đó, nhiều khoản nợ xấu được các tổ chức tín dụng bán cho VAMC. Trong năm 2016, theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý khoảng 95.000 tỷ đồng nợ xấu.

Trong đó, xử lý qua thu hồi nợ, bán tài sản bảo đảm chiếm khoảng 52,6% tổng giá trị nợ xấu được xử lý, bằng nguồn dự phòng rủi ro chiếm 26,6%, bán cho VAMC chiếm 21%. Chất lượng tín dụng theo báo cáo cũng cho thấy đã có những cải thiện nhất định...

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Minh Kiều (2012), Quản trị rủi ro tài chính. Đại học mở TP. Hồ Chí Minh và chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, NXB Tài chính;

2. Peter S. Rose (2001), Quản trị ngân hàng thương mại. NXB Tài chính;

3. Thông tư 09/2014/TT-NHNN ngày 18/3/2014 của Ngân hàng Nhà nước;

4. Các Website: sbv.gov.vn, tapchitaichinh.vn, thainguyen.gov.vn...

Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng 60%
2025 - năm đầy hứa hẹn của thị trường chứng khoán Việt Nam
3 điểm tác động nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025
UPCoM nhận thêm 2 mã cổ phiếu những ngày cuối năm
VN-Index sẽ đảo chiều tăng mạnh nửa trong cuối năm 2025
Nâng cao năng lực giám sát, đảm bảo thông suốt, an toàn, hiệu quả, đáp ứng lộ trình nâng hạng thị trường
Chung cư và đất nền có “tăng nhiệt” trong năm 2025?
Cấp thiết tăng cung nhà ở xã hội
Nhiều giải pháp hỗ trợ của Bộ Tài chính tạo niềm tin, động lực cho doanh nghiệp phát triển
Doanh nghiệp “bật mí” bí quyết thành công trong áp dụng 5S
Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng 60%
Phát triển kinh tế tuần hoàn mang đến cơ hội, giải pháp cho vấn đề môi trường
Quy định về đấu giá biển số xe
Tiêu hủy hơn 10 ngàn đơn vị hàng hóa
8 bước đăng ký, bấm biển xe qua VNeID áp dụng từ ngày 1/1/2025
3 huyện của tỉnh Tuyên Quang nhận hỗ trợ hơn 366 tấn gạo dự trữ quốc gia
"Nóng bỏng" cuộc đua kinh tế không gian
Nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường tài chính châu Á 2025

Từ khóa » Hệ Số Rủi Ro Cho Vay Là Gì