Một Số Vấn đề Về Thị Trường Chứng Khoán Sơ Cấp

1. Khái niệm

Thị trường sơ cấp (Primary market)- thị trường cấp 1 hay thị trường phát hành - là thị trường huy động vốn thông qua phát hành chứng khoán mới. Thị trường sơ cấp là nơi phát hành lần đầu chứng khoán, qua đó tạo ra hàng hóa cho thị trường thứ cấp. Trên thị trường này, vốn từ nhà đầu tư sẽ được chuyển sang tổ chức phát hành thông qua việc nhà đầu tư mua các chứng khoán mới phát hành.

2. Đặc điểm của thị trường sơ cấp

- Thị trường sơ cấp là nơi huy động vốn cho tổ chức phát hành thông qua phát hành chứng khoán mới. Điều này thực hiện qua quá trình chu chuyển vốn trực tiếp, đưa các khoản tiền tiết kiệm trong xã hội vào đầu tư, chuyển tiền sang dạng vốn dài hạn.

- Thị trường chứng khoán sơ cấp hoạt động không liên tục: Thị trường sơ cấp là thị trường vô hình, là tập hợp của nhiều đợt phát hành. Thị trường sơ cấp chỉ hoạt động khi có tổ chức phát hành phát hành chứng khoán.

- Khối lượng và tần số hoạt động ở thị trường sơ cấp ít hơn nhiều so với thị trường thứ cấp.

- Tổ chức phát hành trên thị trường sơ cấp là các pháp nhân được quy định theo luật định, như: Kho bạc, công ty phát hành, tổ hợp bảo lãnh phát hành.

3. Vai trò của thị trường sơ cấp

* Đối với nền kinh tế quốc dân:

- Thị trường sơ cấp đóng vai trò huy động vốn cho nền kinh tế bằng việc tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho những người có tiền nhàn rỗi.

- Ngoài ra, thị trường sơ cấp còn là một kênh phân bổ vốn vô cùng hiệu quả. Dựa trên cơ chế thị trường, các nguồn vốn sẽ được phân bổ cho những dự án đầu tư có hiệu quả nhất, tạo ra nhiều giá trị kinh tế nhất.

* Đối với Chính phủ:

- Do thu hút được nguồn vốn lớn của toàn nền kinh tế và nguồn vốn từ nước ngoài qua việc phát hành trái phiếu, thị trường sơ cấp giúp chính phủ giải quyết được các vấn đề thiếu hụt ngân sách, có thêm vốn để thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà không phải phát hành thêm tiền tạo ra sức ép về lạm phát. Chính vì lẽ đó, ngày nay, ở hầu hết các quốc gia, việc Chính phủ phát hành trái phiếu qua thị trường sơ cấp để vay tiền của dân là hoạt động diễn ra rất thường xuyên, theo một kế hoạch xác định.

* Đối với doanh nghiệp:

- Thị trường sơ cấp ra đời đã tạo ra điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với kênh huy động vốn hiệu quả và linh hoạt. Đây là nguồn vốn dài hạn và ổn định, do vậy các doanh nghiệp không phải quá lo lắng về lãi suất và thời gian hoàn trả như khi đi vay vốn ngân hàng.

- Ngược lại, khi dư thừa vốn, các doanh nghiệp có thể mua chứng khoán để kinh doanh và chuyển thành tiền khi cần thiết thông qua thị trường thứ cấp.

Trên thị trường sơ cấp có nhiều loại nghiệp vụ phát hành chứng khoán theo nhiều tiêu chí khác nhau. Tổ chức phát hành có thể lựa chọn phát hành chứng khoán lần đầu (IPO) hay phát hành bổ sung chứng khoán; có thể chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ: hay chào bán, phát hành chứng khoán ra công chúng… Mặc dù vậy, các nghiệp vụ phát hành/chào bán chứng khoán trên thị trường sơ cấp đều chịu sự chi phối của luật định và giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư có thể mua chứng khoán thông qua các kênh tự phát hành của tổ chức phát hành, qua các thành viên/hoặc đại lý phân phối của các tổ hợp bảo lãnh phát hành, hoặc qua các tổ chức tham gia đấu thầu và trúng thầu chứng khoán mới bán lại… Đối với trái phiếu chính phủ, họ có thể mua tại SGDCK.

Mặc dù không thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, nhưng thị trường sơ cấp có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó tạo tiền đề cho hoạt động của thị trường chứng khoán thứ cấp, đặc biệt là các SGDCK.

Nguồn: SRTC

Từ khóa » Thị Trường Sơ Cấp Tại Việt Nam