Một Số Vấn đề Về Xây Dựng, Hoàn Thiện Nhà Nước Pháp Quyền Xã ...

1- Lý luận và lịch sử về nhà nước và pháp luật cho thấy, nhà nước pháp quyền là một trong những giá trị chung của nhân loại tiến bộ, đề cao pháp luật, thể hiện ước muốn, khát vọng của con người về một xã hội dân chủ và bình đẳng. Sự ra đời của mô hình nhà nước này từ nhận thức lý luận đến thực tiễn đã có những tác động tích cực, to lớn không thể phủ nhận với đời sống con người. Nhiều quốc gia tùy theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể đã kế thừa, vận dụng để xây dựng mô hình nhà nước pháp quyền ở những mức độ khác nhau.

C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V. I. Lê-nin trong các tác phẩm kinh điển của mình, mặc dù chưa sử dụng thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” nhưng đã xác lập về tư tưởng những giá trị cốt lõi, đặc trưng, đó là nhà nước chuyên chính vô sản, nhà nước kiểu mới hợp hiến, hợp pháp, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân. Theo đó, nhà nước không còn là cơ quan “đứng trên xã hội” mà là nhà nước phục tùng xã hội, “nhà nước không còn nguyên nghĩa”, “nhà nước nửa nhà nước”; nhân dân không còn là “nhân dân của nhà nước” mà tự quyết định, sáng tạo nên nhà nước, là chủ thể của quyền lực nhà nước. Nhà nước xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, mang bản chất giai cấp công nhân, vì con người, giải phóng con người, bảo vệ con người; đồng thời, tổ chức, hoạt động theo pháp luật và quản lý xã hội bằng pháp luật.

Tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi trọng, đề cao việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, được thể hiện rõ nét trong các văn kiện Hội nghị thành lập Đảng, Đại hội Đảng lần thứ I, đặc biệt, được cụ thể hóa trong bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1945). Đó là một Nhà nước với tinh thần xuyên suốt là: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”(1); “Nước ta là một nước dân chủ. Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm”(2); “Chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức là nhân dân làm chủ”(3). Tư tưởng này cũng được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta với việc hiến định quyền lực nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, để phụng sự lợi ích của nhân dân. Theo đó, bộ máy nhà nước được thiết lập là bộ máy thừa hành ý chí, nguyện vọng của nhân dân; đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước không thể là “các ông quan cách mạng” mà là “công bộc của nhân dân”, chăm lo cho sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân; pháp luật không phải là để trừng trị con người mà là công cụ để bảo vệ, thực hiện lợi ích vì con người.

Quan điểm về xây dựng và hoàn thiện nhà nước tổ chức và hoạt động theo pháp luật trong các văn kiện Đại hội II, III, IV, V, nhất là Đại hội VI, VII của Đảng được đề cập, phát triển và thể chế hóa trong các bản Hiến pháp các năm: 1959, 1980, 1992, cho dù thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” chưa được sử dụng. Đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế, nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta đã có bước phát triển mới trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, theo đó, tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VII (tháng 11-1991), lần đầu tiên thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” chính thức được Đảng ta đề cập và được khẳng định rõ hơn tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994), đồng thời, tiếp tục được bổ sung, phát triển qua các kỳ đại hội Đảng tiếp theo. Đây là cơ sở chính trị để Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), thể chế hóa tại Điều 2: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Từ khóa » Chức Năng Của Nhà Nước Pháp Quyền Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam