Một Tâm Hồn Hiu Quạnh - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

Dạo ấy bỗng dưng ai cũng được làm một vài điều mình muốn. Có vẻ như thời gian này đã đổi thay. Ông Nhàn từ lâu vốn chán ngán cái cảnh tù túng, nhiều dối trá và tai họa nên bỏ luôn cái nghề đi dạy và cố làm ngơ trước những chuyện chướng tai gai mắt ở đời, giờ nảy ra ý định cầm bút viết văn.

Ông sống trong một căn nhà lợp ngói âm dương kiểu cổ xưa, tường tróc lở bám đầy rêu, tại một ngõ nhỏ ngoằn nghoèo ở ngoại ô. Cạnh đó có đống rác to tập kết về, đêm mùi xú uế bốc lên có lúc đến ngạt thở. Khi tối trời, có những tên hạ đẳng làm nghề trộm cướp, những cô gái điếm, những người đi nhặt đồng nát thường qua lại. Dường như cảnh đen tối và tù đọng ấy có ảnh hưởng đến ngòi bút của ông. Những câu chuyện ông viết rặt một màu u ám.

Có người bảo, lúc đầu ngòi bút của ông còn vụng về và chẳng được ai chú ý. Một hôm, ông trèo lên cây xoan trước nhà định chặt tỉa mấy cành cong queo chĩa ra sân thì bị ngã, rơi từ trên cây xuống, đầu đập thẳng xuống nền đất ẩm thấp.

Ông nằm nghiêng, bất động, mắt nhắm nghiền. Trong cơn mê lịm ấy, ông thấy một luồng sáng phát ra từ trước trán, rồi có một vị thần mặc áo đỏ, râu dài tận ngực, trắng như cước đến bên thổi vào tai ông một cái.

Sau đó ông Nhàn tỉnh dậy, được mọi người đưa vào nhà chăm sóc cho đến khi tỉnh lại. Một chân ông Nhàn bị trẹo khiến ông phải đi cà nhắc. Nhưng cũng từ đó, ông Nhàn bỗng như nhìn mọi vật rõ hơn, thậm chí nhìn thấy cả những thứ ở thế giới vô hình, tai ông tinh hơn và sức tưởng tượng dồi dào hơn bao giờ hết.

Những câu chuyện ông Nhàn viết thời kỳ đầu kể về những tên cướp, những trò dối trá, ti tiện của người xung quanh khu bãi rác. Một vài tờ báo đã in truyện của ông. Số người đọc lớn dần. Nhiều người tỏ ra thích thú và ngợi khen ông là một cây bút dũng cảm. Họ cho rằng, từ xưa đến nay chưa từng có cây bút nào dám nhìn thẳng và tái hiện những mặt khuất lấp phía sau, những mặt tối, và phần nhiều dối trá đang hủy hoại cuộc sống con người như ông Nhàn.

Càng ngày ông Nhàn càng tự tin vào công việc của mình. Đêm đêm ông mơ thấy vị thần áo đỏ vẫn đến nói với ông những lời bí ẩn và đến lúc tỉnh dậy khỏi cơn mơ, ông lại cầm bút viết. Những câu chuyện từ một nơi bí ẩn nào trong tâm tư bỗng tuôn trào theo dòng cảm xúc hiện hình trên trang giấy trắng.

Khi ông Nhàn trở thành một cây bút vang danh khắp trong Nam ngoài Bắc, các báo tranh nhau in tác phẩm của ông và những lời ca ngợi không ngớt thì cũng là lúc đứa con ông đi phát vãng mấy năm bỗng trở về.

Hắn bảo với ông:

"Con nghe có người nói bố giàu lắm, tiền nhuận bút của bố có thể mua được cả toà lâu đài đấy, vậy nên con về xin bố một ít".

Ông nhìn hắn cười, bảo:

"Anh nghe ai nói vậy? Anh sức dài vai rộng, không cho bố tiền lại về đây xin, không biết xấu hổ à?".

Hắn lừ mắt, lên giọng:

"Bố có đưa tiền không thì nói?".

Ông Nhàn cười, dịu giọng:

"Bố có ba triệu, góp từ mấy năm nay, anh thích lấy thì cứ lấy".

Hắn giằng khoản tiền từ tay ông đút vào túi quần, rồi bảo:

"Bố có thêm nữa không, đưa con?".

Vợ ông đứng cạnh đó, méo mặt lại, giọng rền rĩ:

"Bố mày phải nhịn ăn, tằn tiện từng đồng mới cóp được từng ấy, định lợp lại cái nhà, thế mà mày nỡ lấy của ông ấy".

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Hắn cau mặt, im lặng bỏ đi.

Vợ ông thở dài than:

"Nó hỏng mất rồi!".

Chiều hôm ấy có tin phát trên loa của xóm bốn tên cướp bị bắt vì tội giết người cướp của. Lúc đó ông mới nói với bà:

"Thôi bà ạ, bà đừng buồn quá, nó không lấy ba triệu của mình thì có khi bây giờ đã tham gia vào vụ giết người này cũng nên. Đời có cái rủi cũng có cái may, chẳng biết thế nào là hơn đâu".

Bà không nói gì thêm với ông. Thực lòng bà tiếc khoản tiền như đứt từng khúc ruột. Cả đời bà có bao giờ dám chi tiêu một cái gì cho thoải mái đâu. Nhưng thằng con hư đốn ấy thì lúc nào cũng chỉ tìm cách mang đi của ông bà cả những đồng tiền cuối cùng.

Khi tiếng tăm của ông nổi như cồn thì cũng là lúc các nhà phê bình lên tiếng phê phán. Một vị đức cao vọng trọng, tự xưng là người giữ cho thời đại mình những vẻ đẹp thuần khiết, ông ta chỉ trích ông Nhàn là một cây bút nghiệp dư đã tiến thân trong làng văn bằng cách trưng bày trong các câu chuyện của mình sự thô thiển, bần tiện và đểu cáng của một bộ phận con người. Rằng tất cả những sự xấu xa đó được đề cập trong tác phẩm là sản phẩm của trí tưởng tượng đen tối và vô trách nhiệm của cá nhân ông, nó đã góp phần hủy hoại mĩ cảm của độc giả và làm suy tàn các giá trị đạo đức xã hội.

Ông Nhàn cười, ông ném tờ báo xuống nền nhà.

Ông Nhàn vẫn tiếp tục viết. Các câu chuyện của ông càng lúc càng dữ dội. Ông dự cảm về sự thống soái của đồng tiền, về mặt trái xã hội, đó là sự vô luân, sự mất trí, về bạo lực đen tối, về sự lên ngôi của cái ác, của những tên cướp bóc mang gương mặt đạo đức… Các báo săn lùng tác phẩm của ông. Các nhà xuất bản tranh nhau mua bản quyền xuất bản các bản thảo chưa ráo mực. Ông được một số người mệnh danh là vua truyện ngắn, là một tài năng kỳ lạ đã thắp sáng văn đàn. Nghe những lời khen, ông chỉ mỉm cười và không bao giờ bình luận đúng hay sai.

Trong hàng năm trời ông ít ngủ. Đêm nào ông cũng viết. Chưa xong câu chuyện này thì câu chuyện khác đã hiện ra trong óc. Lúc đầu chỉ vài chục truyện, rồi lên một trăm, hai trăm truyện ngắn… Bản thảo viết tay đã dày lên thành cả mấy gang tay.

Nhưng lẽ đời không phải dễ dàng xuôi thuận. Một lần nữa, các ý kiến phê bình lại bùng lên càng lúc càng gay gắt trên mặt báo. Có nhà phê bình cho rằng ông Nhàn là hiện thân của ma quỷ đang cất lên lời ma quỷ. Nhà phê bình cũng lên án văn đàn đang để cho những kẻ xấu xa hắc ám lộng quyền. Trong các salon văn chương, người ta bắt đầu cãi vã, thậm chí từ mặt nhau vì những tác phẩm của ông. Trong các giảng đường đại học, các quan điểm chia thành các phái khác nhau ủng hộ hoặc lên án ông. Thậm chí có những lời đe dọa nặng nề và phao tin rằng ông sẽ bị tống vào tù vì tội hủy hoại phong hóa.

Nhà ông Nhàn dạo đó không mấy khi vắng khách. Có hôm trời chưa sáng đã có người gọi cửa, ông bật bóng đèn vàng quạch ở sân, mang thêm cây gậy đề phòng kẻ gian và bước ra cổng. Ông tròn mắt, ngạc nhiên vì thấy một bà già còm cõi, lưng còng sát đất.

"Cụ hỏi ai?" - Ông cất giọng ôn tồn.

Cụ già hướng đôi mắt kèm nhèm nhìn ông:

"Có phải nhà văn Nhàn đó không?".

"Vâng tôi đây ạ. Mời cụ vào nhà!".

Cụ già bước vào nhà:

"Tôi xin lỗi ông vì đã đến sớm quá. Nhưng ông thông cảm cho tôi. Tôi có chuyện cần nói với ông ngay lúc này".

Cụ già đưa mắt nhìn xung quanh:

"Ông sống với những ai ở đây?".

"Có vợ tôi. Bà ấy đi chợ sớm rồi".

"Con tôi hôm qua về nhà lúc nửa đêm, nó kể là vừa phát hiện có một âm mưu thủ tiêu ông đấy!".

"Ai thủ tiêu tôi?".

"Bọn du đãng, trộm cướp, bọn dối trá khốn nạn nó họp nhau lại định thừa dịp là giết chết ông vì đã làm cho chúng phải khốn khổ, bị xã hội lên án và công an lùng bắt. Cứ chỗ nào bàn đến sách của ông là y như người ta nhắc đến chuyện phải xử lý bọn rác rưởi đang làm ô uế cái xứ này".

Nói xong bà già đứng lên:

"Tôi xin phép, tôi đi đây".

Ông Nhàn tò mò, không giấu vẻ lo lắng:

"Con bà làm gì mà biết chúng định giết tôi?".

Bà già không trả lời, đứng lên đi ngay ra cổng. Trước khi chào và quay đi, bà già còn dặn thêm:

"Ông đừng cho ai biết tôi đã báo cho ông tin dữ này nhé. Hãy liệu mà trốn đi ông ạ!".

Ông Nhàn chẳng có ý định đi trốn như lời khuyên của cụ già. Mà ông còn biết chạy trốn vào đâu được nữa? Dù vậy, từ sáng đến chiều hôm đó ông ngồi suy nghĩ mông lung. Hóa ra những cuốn sách của ông còn được cả bọn lưu manh quan tâm nữa đấy. Có lẽ đó là câu chuyện cổ tích lạ lùng nhất mà cả đời này ông không bao giờ nghĩ đến.

Ôi cái xứ của ông! Cái xứ mà có một bộ phận người bị tha hóa, đó là những người có ngôi vị đến những kẻ hạ đẳng đều sợ người khác vạch trần cái xấu của mình, đều muốn che đậy những sự thật trớ trêu và đều muốn trả thù người khác khi dám nói lên sự thật. Ông nghĩ khi con người cố tình quay mặt với sự thật thì hàng vạn năm nữa người ta cũng không thể giải quyết triệt để những vấn đề nhức nhối đang hủy hoại cuộc sống tốt đẹp. Ở đâu đó, khi sự dối trá lên ngôi thì con người không bao giờ có tự do và lương thiện thực sự.

Chiều hôm ấy mưa. Trời đặc mây đen. Một trận mưa lớn nước ngập cả các con đường, các cánh đồng và khu bãi rác. Nước bẩn dâng lên tràn vào các ngôi nhà. Ông Nhàn khóa cổng ngồi lỳ trong nhà để tránh mưa và cũng để tránh bọn lưu manh tìm cách hãm hại mình. Mỗi lần nghe tiếng gọi cửa, ông đều cẩn thận quan sát, hỏi rõ danh tính mới cho vào.

Cũng hôm đó, các bài phê bình trên báo chí trở nên dày đặc hơn với những lời lẽ nặng nề. Các báo vừa tranh nhau in truyện của ông với những lời ca tụng lại bỗng quay sang đăng những bài phê phán. Mấy ông chủ bút bảo làm thế để rộng đường dư luận, thực chất là để thu hút người đọc về một đề tài nóng. Ông Nhàn cố bình tâm để lắng nghe những ý kiến trái chiều với mình. Thì ra đó cũng không phải là điều dễ dàng.

Ông nghiệm ra rằng, chính ông cũng đã quen với thói tụng ca một chiều và không dễ dàng chấp nhận những lời phê phán mình. Ông tự nhủ, phải thay đổi, phải hoán cải những nếp nghĩ, những thói quen, phải chấp nhận sự thật khách quan và điều chỉnh những sai lầm, đó là điều cốt yếu để phát triển và hòa nhập. Có lẽ đó là điều căn bản trong tư duy mà ông và mọi người xung quanh ông phải thay đổi để thích nghi. Thế giới đã đi những chặng đường dài tiến đến văn minh và tiến bộ chỉ vì họ biết lắng nghe và can đảm từ bỏ những lối nghĩ, cách làm đã lạc hậu.

Đêm muộn hôm ấy có điện thoại. Những hồi chuông đổ dồn khiến ông giật mình. Choàng khỏi một cơn ác mộng ông chộp lấy máy:

"Alô, tôi nghe đây".

Đầu dây bên kia, một giọng cứng cỏi:

"Có phải nhà văn Nhàn đấy không ạ?".

"Tôi, chính tôi đây. Anh gọi có chuyện gì đấy?".

"Xin báo với bác, anh Hoàng Công Nghiệp con của bác đã chết rồi ạ".

"Sao, sao mà chết?…".

Ông hỏi dồn, tai như ù đi:

"Hiện xác nó ở đâu?...".

Không có tiếng trả lời. Ông buông máy thấy lòng hoang lạnh.

"Ai nói gì với ông đó?".

Vợ ông đứng bên cạnh, hỏi ông bằng giọng hoảng hốt.

Ông bảo:

"Có người báo thằng Nghiệp gặp chuyện chẳng lành. Bà ở nhà, tôi đi đến chỗ công an xem sao. Tôi đi và sẽ sớm quay về".

Ông lôi chiếc xe máy cũ ra đạp một hồi mới phát được ra tiếng nổ xành xạch rồi vội nhấn ga lao đi. Đến đồn công an ông được đưa vào một căn phòng trống. Chờ một lúc thì có một Trung tá ra thông báo:

"Con trai bác tham gia đánh bạc bị công an vây bắt. Trong đám đánh bạc ấy có kẻ dùng súng ngắn chống lại công an nên buộc những người thi hành công vụ phải nổ súng tự vệ và trấn áp. Trong lúc hỗn loạn, con bác đã bị dính đạn của chính đồng bọn. Hiện chúng tôi đang niêm phong hiện trường và mở rộng điều tra. Xác nạn nhân đã được đưa đến nhà xác bệnh viện để tiến hành khám nghiệm. Mọi việc chi tiết sẽ thông báo sau cho bác. Chúng tôi thành thật chia buồn với bác và gia đình".

Ông Nhàn thấy người lạnh toát. Thằng Nghiệp là con trai độc nhất của ông. Tuổi trẻ nó cũng ngoan ngoãn học hành, nhưng lớn lên thất nghiệp, bị bạn bè rủ rê và bỏ nhà đi. Nhiều lần nó đã công khai cãi lại ông, nó nói lấp liếm, ngụy biện cho cái sự hư hỏng của nó, rằng cuộc sống hiện tại của nó, mọi cố gắng là vô nghĩa, cái nghèo nàn, sự thành kiến xấu xa cứ vây bọc lấy con người ta, chẳng thấy đâu là lối thoát. Vì những ý nghĩ ấy mà nó ngày càng ăn chơi, hư hỏng, giao du với những loại người bất hảo trong xã hội.

Gần sáng thì ông Nhàn về đến nhà và thông báo tin dữ cho vợ. Bà ngồi im trong xó nhà, mặt hóp lại, hai dòng nước mắt rỉ ra.

Mùa thu năm ấy, sau những đợt mưa rả rích và những ngày u buồn dằng dặc, ông lại ngồi viết. Những truyện ngắn của ông vốn dĩ sắc sảo, giờ thêm cái vị buồn, lắng sâu và da diết. Các báo lại tiếp tục đăng truyện và các độc giả lại sôi sục tìm mua. Để tránh ngồi quá lâu và u ám trong nhà, nhiều lần ông đồng ý tham gia lời mời đến nói chuyện ở các trường đại học, các câu lạc bộ văn chương. Ông bảo, giao lưu với mọi người sẽ làm thay đổi bản thân mình.

Một hôm từ trường đại học ra, ông đang cho xe máy chạy chậm bên phải đường thì một cậu thanh niên phóng xe ngược chiều cứ nhắm thẳng vào ông. Chưa kịp phản ứng gì, ông đã nghe một tiếng kịch thật lớn rồi cả người và xe ngã nhào xuống. Chiếc xe đè ngang người ông, bánh xe quay tít mù. Cậu thanh niên dừng xe ngó vào mặt ông rồi cau mặt quát lớn:

"Đồ nhà quê. Muốn xuống lỗ hả?".

Nói xong cậu ta phóng xe đi thẳng. Ông phải cố gắng lắm mới thoát khỏi chiếc xe đè nặng trên mình và lồm cồm bò dậy. Từ hôm đó bà vợ không cho ông đi xe máy ra đường.

Một hôm ông ngồi xem lại các truyện ngắn đã viết trong mười lăm năm trời. Cứ nhìn vào bảng mục lục đã thấy dài đến mấy trang giấy. Ông lẩm nhẩm đếm tất cả đã có trên hai trăm truyện ngắn được viết ra. Chính ông cũng ngạc nhiên vì mình đã viết nhiều như thế. Ngẫm lại, ông toàn viết những điều mà xưa kia người ta né tránh. Thế mới biết, làm văn chương cũng phải có gan to, dám đối mặt với những thách thức, dám tấn công vào cái xấu, cái ác, cái bảo thủ trì trệ đã giam hãm trong xã hội.

Ngoài cổng có tiếng gọi. Ông bước ra thấy một người ngoại quốc cao lớn, da trắng, tóc bạch kim và một người Việt là một phụ nữ xinh đẹp làm phiên dịch.

Ông đón hai người khách vào nhà. Qua người phiên dịch, ông biết người ngoại quốc kia là nhà văn Michel Hazanavicius đến từ nước Pháp đang muốn chọn và giới thiệu tác phẩm của ông cho độc giả châu Âu và thế giới.

Michel Hazanavicius nói:

"Tôi có nghiên cứu văn học Việt Nam. Trong quá trình đó tôi đã được nghe nhiều nhà nghiên cứu có tinh thần cấp tiến nói về tác phẩm của ông. Tôi cũng đề nghị họ dịch cho chúng tôi một số tác phẩm tiêu biểu của ông sang tiếng Pháp và tiếng Anh. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên với những ý tưởng độc đáo, những vấn đề đặc sắc mang tính bản địa nhưng vẫn có ý nghĩa lớn lao với văn học thế giới trong việc mở ra cánh cửa nhìn vào không gian u tối đã kìm hãm con người trong hàng thế kỷ ở các nước kém phát triển. Tôi thấy tác phẩm của ông chính là một lời thúc bách sự đổi thay trong bản thân con người và bản thân nền văn hóa để hướng đến sự hòa nhập cùng nhân loại".

Ông Nhàn bỗng thấy run lên vì mừng vui và cảm động. Ông chưa bao giờ nghe một ai nói về tác phẩm của ông vắn tắt mà sâu sắc như thế. Bản thân ông khi cầm bút viết cũng chỉ bắt đầu từ một dự cảm và khát vọng hướng đến sự đổi mới, chứ không nghĩ ra được một thiên hướng, không hình thành rõ ràng một mệnh đề có tính tư tưởng như vậy.

"Tôi chỉ là một người viết nghiệp dư, không hoàn hảo. Tôi không đặt vấn đề gì to tát cả. Có thể ông chưa đọc kỹ, hoặc chưa đọc hết những tác phẩm của tôi. Sợ rằng sau khi đọc hết ông sẽ thất vọng".

Michel Hazanavicius mỉm cười ý nhị:

"Ông quá khiêm tốn. Tôi thực sự kính trọng những nhà văn lặng lẽ sáng tác và bản thân họ là hiện hữu của tinh thần thời đại như chính ông đây. Tôi đến với ông lúc này để biểu lộ lòng ngưỡng mộ và cũng đề nghị ông cho phép xuất bản những tác phẩm của ông tại Pháp. Tôi nghĩ rằng văn học thế giới sẽ phong phú thêm khi có sự góp mặt một phong cách độc đáo toát ra từ tác phẩm của ông".

Sau đó độ nửa năm, tác phẩm của ông được xuất bản ở Pháp và châu Âu. Người Pháp đã trân trọng mời ông tham gia chương trình giới thiệu sách trước hàng trăm độc giả trong một chương trình giao lưu văn hóa đặc biệt tại thủ đô Paris.

Ông bước lên khán đài, cất giọng lập cập không được tự nhiên:

"Tôi là một người quê mùa có tâm hồn hiu quạnh như chính những con người bé nhỏ của xứ sở tôi. Tôi chỉ mong cất lên tiếng nói u buồn của một con người nhỏ bé với mong muốn gửi thông điệp của mình rằng con người phải thay đổi mạnh mẽ, và tự hoàn thiện mình để mọi thứ tốt đẹp hơn".

Ông trở về sau chuyến đi dài và lặng lẽ sống trong căn nhà cũ kỹ quen thuộc của mình. Cảm nhận rõ nhất của ông là những người xung quanh, kể cả những người từng ca ngợi ông, giờ nhìn ông với ánh mắt là lạ. Hình như họ có phần ganh ghét mà cho rằng ông đã tự đánh giá mình cao quá. Các báo vẫn tiếp tục đăng truyện của ông, nhưng lời khen thưa vắng dần. Điều khó hiểu là không hề có tổ chức nào trao cho ông một giải thưởng và trên các diễn đàn chính thức người ta thường tránh nhắc đến những tác phẩm của ông.

Niềm hi vọng lớn nhất của ông chỉ còn là ở các độc giả. Nhưng thời gian trôi đi, các nhà xuất bản cứ giảm dần kỳ tái bản, sách của ông cũng nguội đi trên thị trường. Ông Nhàn buồn lắm và quyết định ngừng viết. Ông tuyên bố giải nghệ. Những thông tin ấy được đăng trên báo khiến cho một số người nuối tiếc nhưng không tạo nên một làn sóng dư luận như ông trông đợi. Chỉ có một niềm an ủi là từ châu Âu, sách của ông vẫn thỉnh thoảng được tái bản và được đánh giá như một đặc sản độc đáo, một điểm sáng của nền văn học Á Đông.

Nghe nói có một tổ chức văn học ở nước ngoài đã đưa ông vào đề cử giải Nobel văn học. Suốt một đêm khó ngủ trôi qua đối với ông. Ở đất nước ông từ mấy chục năm trước đã có những bậc văn tài mơ đến giải Nobel. Trong cảm nhận của ông, văn tài của các vị ấy không thua kém những người từng được giải Nobel vinh danh. Nhưng niềm hy vọng với các vị ấy nhanh chóng trở thành chuyện hão huyền bởi vì ở cái thế giới rộng lớn ngoài kia, người ta không thể tưởng tượng được trong một xứ thuộc địa chịu nhiều áp bức, nhỏ hẹp nghèo nàn lại có những văn tài kiệt xuất đến mức có thể khiến nhân loại sững sờ. Đó là một định mệnh truyền kiếp của các nhà văn trên xứ sở ông.

Dù nghĩ vậy, nhưng lần này ông vẫn thấp thỏm mong cái định mệnh đen tối kia chấm dứt. Ông mơ một ngày kia sẽ có một cuộc điện thoại lúc nửa đêm báo tin vinh quang dành cho ông. Cái tin ấy không chỉ làm sáng danh cho riêng ông mà còn làm cho cả nhân loại nhìn vào nền văn chương của xứ ông với một con mắt trầm trồ.

Một năm. Hai năm. Mười năm…

Ông Nhàn giờ đã trở thành một cụ già tóc trắng gày gò, chân đi không vững. Hằng ngày ông ăn chay, niệm Phật và tránh xa mọi cuộc giao du, gặp gỡ ồn ào. Ông cũng tìm cách quên đi những mong cầu ở đời, lánh xa mọi sự khen chê của đồng nghiệp và người hâm mộ.

Thỉnh thoảng có người trong ngõ nhỏ vẫn gặp ông bước đi chậm chạp, dáng gày gò, lưng khòng, tay chống gậy. Người ta cũng chỉ lướt qua ông, dường như không còn nhớ ông từng là nhà văn gây dậy sóng văn đàn một thời gian dài.

Còn ông, với sự từng trải ở đời, ông thấy thanh thản và thầm bằng lòng với sự quên lãng của người đời. Ông hiểu thấu sự hư vô của cuộc đời và những danh vị trên đời. Con người ta không sống mãi. Tài năng rồi cũng phôi pha. Những thần tượng, những vĩ nhân cũng chỉ tồn tại một thời gian nào đó thôi. Ông không thể và không có quyền gì bắt buộc cái đám đông kia vẫn giữ nguyên lòng ngưỡng mộ với mình khi năm tháng đã trôi đi, biết bao nhiêu điều đã đến và thay đổi.

Văn Quán, 13-2-2020

Từ khóa » Một Quạnh