Một Thời Bát Mẻ Vẫn Vui - Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Qua rồi, bình tĩnh lại, người ta thường kể, kể say sưa, không ít người ứa nước mắt về cái ngày xưa ấy.

Có người đến giờ vẫn chưa hết sợ hãi và bảo chẳng hiểu sao mình lại đi qua được. Là nghị lực hay chỉ là nước nổi bèo nổi không biết nữa.

Thời mà đáng ra không phải thế, nhưng đã lại được chấp nhận như thế. Gần như ai cũng từng đói, từng lạnh, niềm vui chỉ xoay quanh chuyện cơm áo theo đúng nghĩa đen của nó. Thời của những cái bát mẻ ngự trên chựng, trên mâm.

Những tưởng khi mâm xô, bát mẻ, đĩa sứt thì bát đĩa ấy phải vứt ra bờ rào, rặng tre mới phải. Thế nhưng khi nghèo đói, khốn khó, cái lon, cái phạng sành mua còn khó thì cái bát mẻ chưa thể bỏ được.

Nó sẽ được dùng kì cùng trên cái chựng tre mỗi ngày như chưa từng bị mẻ, dễ dàng gây đứt tay hay rách môi. Người ta điềm nhiên chấp nhận nó với số đông chứ không phải thảng hoặc mới có người dùng thế.

Nghèo nên cái bát mẻ đã chẳng thể vứt đi mà nó vẫn được dùng trong mỗi bữa ăn của gia chủ. Ăn xong rửa, úp lên cái chựng mà phơi nắng sau mỗi bữa ăn đạm bạc. Nhiều nhà cả cái chựng bát phơi có khi chỉ còn một đôi cái lành lặn. Bát mỗi cái mỗi hoa, miệng méo, chôn méo lại mẻ, úp lên cái chựng long chân, tuột dây mây lấn nhìn đã thấy thảm. Cảnh nghèo nhìn thấy mình, thấy người mà khó nói, khó giải quyết.

Vẫn đi làm, vẫn có công điểm, nhưng ăn còn không no bụng, thì lấy đâu tiền mà mua sắm. Thôi thì bát mẻ, bát sứt dùng ráo. Hàng xóm cũng như thế cả, người thành phố cũng vàng mắt vì đói, mong có đất tăng gia trồng cây, nuôi lợn như người quê thì chắc gì đã có cái bát lành mà ăn.

Cho mãi sau này, những tưởng khi có nhà máy sứ quốc doanh lại các làng nghề gốm truyền thống bao đời đỏ lửa thì bát đĩa nhiều, nhưng chưa phải, cái bát mẻ vẫn ngự chỗm trệ trên mâm nhiều nhà từ thành thị đến nông thôn.

Có cái bát sứt nhỏ bằng hạt đậu hạt lạc, cái lại mẻ chữ vê bằng cả đốt ngón tay cũng đều chưa thể vứt bỏ được. Người ta vẫn để dùng mỗi bữa, thường thì người mẹ, hay người chị sẽ xới cơm cho mình vào bát ấy, không sợ đám trẻ con ăn không khéo sẽ rách mồm.

Nhà có người già mẹ luôn phải dặn kĩ các con không được xới cơm cho ông bà vào bát ấy, không ông bà lại tủi thân nghĩ các con khinh bố mẹ nên cho ăn bát sứt. Nhất là hàng xóm mà trông thấy thì có khi thành chuyện ầm làng.

Bát mẻ thường được dùng để đựng tương chấm, hay đựng cà muối, đựng thức ăn để tránh sơ ý khi ăn lỡ mà rách miệng. Nhưng chỉ là khi nhà có một đôi cái bát mẻ thì mới có thể tránh thế được. Nhưng nhà đã ít bát thì chớ mà dăm cái sứt mẻ thì đương nhiên cũng phải dùng mãi thành quen.

Quen đến nỗi mua được chục bát mới về người ta tiếc rẻ chẳng dám dùng, sợ rồi lại vỡ, lại sứt mẻ mất. Thà cứ để dành trong buồng thì còn nguyên, những dịp tết nhất hay có khách mới đem ra dùng cho sang. Ăn bát mẻ lâu, đến khi được ăn bát mới trẻ con sướng lắm, có khi chỉ vì cái bát hoa mới mà chúng ăn hết bát cơm ngon lành.

Nhà nào dư dả lại kĩ tính có thể bỏ cái bát mẻ ấy cho mèo ăn. Thế mà gặp bà hàng xóm hay để ý nhìn thấy, bà ấy cũng phải buông một câu mát mẻ, kiểu như’’ Đến con mèo nhà này cũng sướng, cái bát mẻ có một tý cũng bỏ, phí thế. Nhà này mẻ cả miếng to, cũng chưa dám vứt’’…

Tuổi tôi, chặng đã qua tôi có biết, lại nghe kể thêm bao điều xung quanh mâm bát mỗi nhà, nên phần nào tôi hiểu cơ sự về cái bát mẻ thời đã qua. Tôi ngẫm ngợi, so sánh và tôi nhận ra rằng, tôi cũng lựa cách ‘’cho nhau’’ và ‘’với nhau’’ giống như những người từng đi chặng ấy.

Họ đã mỉm cười và bước qua, lẽ nào tôi lại không thể.

Từ khóa » Cái Bát Mẻ