Một Vài Cách Nói độc đáo Của Người Việt - Công An Nhân Dân
- Cái cầu cũng còn cần cái cột
Trong đó, có đặc tính ông đề cập đến: "Cũng có lối suy tưởng một tiếng đồng âm mà dùng, như "lãnh lương" thì "lương lịch" là gì? "Con lươn" giọng miền Nam đồng âm với "tiền lương" và lươn với lịch cùng một loại, nên mới nói như thế" (Tầm nguyên tự điển Việt Nam, Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh -1993, tr.66).
Tương tự, ta có thể kể đến cách nói khác, chẳng hạn sau khi sự việc bê bối nào đó bung bét ra, một người phân bua mình không hề liên quan: "Nói thế, oan quá. Tớ có ăn nhậu gì đâu". Nếu không rõ ngữ cảnh ắt ta hiểu, họ đang đề cập tới chuyện ăn và bia bọt rượu chè bê tha chăng? Chẳng phải đâu, "ăn nhậu" này chính là "ăn nhập", hiểu theo nghĩa: "Hòa nhập, phù hợp với điều, sự việc đang được đề cập hoặc đang thực hiện", “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) giải thích và ghi nhận "ăn nhậu" cũng như "ăn nhập". Tại sao? Đơn giản, ăn nhậu là từ đã quá quen thuộc, phổ biến, do đó, nhậu đẩy nhập đi chỗ khác. Hơn nữa, còn cả hai từ này đều bắt đầu từ "nh", nhờ thế phát âm suôn sẻ hơn. Cách nói này cũng tựa như ta có từ nhạc nhẽo, ấy là do nhạc/ âm nhạc cùng trùng âm với nhạt/ nhạt nhẽo v.v…
Lại còn có trường hợp "tinh nghịch" nữa, người ta đã "sáng chế" 2 từ trở thành 4 từ mà nghĩa không thay đổi, chỉ nhằm gợi lên sắc thái hài hước, bông phèn, châm chọc. Ở miền Nam có chức danh hương hào nhằm chỉ các vị hương chức trong ban hội tề đảm nhiệm việc làng xã, từ đó, có cách nói "hương hào hương vũng". Hào này hiểu theo nghĩa mương to mà dài, nó đã hùa theo, choàng theo từ cũng có vai trò na ná là vũng "chỗ trũng sâu giữa đồng có đọng nước", “Việt Nam tự điển” (1970) giải thích. Thế thì "hương hào hương vũng" là cách nói cà khịa, nói đía, nói biếm dành cho các vị này.
Tương tự, ta còn có thêm giám đốc giám xúi (giám cũng phát âm là dám), văn nghệ văn gừng, trí thức trí ngủ, học giả học thiệt, năm mới năm mẻ, làm giá làm hẹ, làm eo làm xách, làm hành làm tỏi… Xét ra, cách nói này, không phải bây giờ mới có, khảo sát lời ăn tiếng nói xưa nay, ta đã bắt gặp láu tôm láu cá, làm mình làm mẩy, tác oai tác quái, ăn sống ăn sít, ba cọc ba đồng, tầm bậy tầm bạ, tán hươu tán vượn v.v…
Thế nhưng, trải theo thời gian "hậu sinh khả úy" đã sử dụng những cụm từ mới, nói như ngôn ngữ @ là "bá cháy con bọ chét"/ "hết xẩy con bà bảy". Cực hóm. Cực kỳ lắt léo. Chỉ có thể là độc đáo của người Việt sử dụng tiếng Việt. Thí dụ, một khi nói đến trang phục hội hè, tiệc tùng, cần phải diện bảnh tỏn, đứng đắn, trang nghiêm và thanh lịch ắt phải chọn bộ đồ vía com lê - cà ra vách/ cà ra oách (complet - cravate). Vậy mà tùy ngữ cảnh, nó lại trở thành cách nói tinh quái nhưng không xỏ xiên, chỉ đùa cho vui, chẳng hạn, anh A cười cười: "Chà, o mèo hay sao mà bữa nay bồ lại diện cà lê mỏ lết?".
Nhại âm ở đây rõ như ban ngày là com lê thành cà lê do cả hai cùng có "lê". Mà, đã cà lê thì dứt khoát phải đi chung với mỏ lết (2 từ này vay mượn từ tiếng Pháp clé/ clef - molette) - vốn là dụng cụ không thể thiếu của thợ máy. Dù phải chọn chữ lòng vòng như vậy, nhưng ai nghe cũng hiểu. Lý thú là chỗ đó.
Sự giao duyên "Pháp-Việt đề huề" xét ra duyên dáng tệ, do đó, ta còn có thêm từ cũng tréo ngoe không kém. Thí dụ, ta thử đọc câu văn của nhà văn Lê Văn Nghĩa: "Năm nào tôi cũng đi chợ hoa nên tôi rành khu chợ hoa này thuộc loại vào hàng sáu câu "vặn cổ bù lon" (Báo Sài Gòn giải phóng - Xuân 2021, tr.57). Vặn cổ là nhại theo phát âm của vọng cổ. Mà, vặn cổ cái gì? Phải vặn cổ cái bù lon thì mới bất ngờ dẫn tới động tác trái khoáy, ngộ nghĩnh, chẳng khác gì "chạch đẻ ngọn đa/ sáo đẻ dưới nước" tức không thể xảy ra.
Bù lon (vay mượn từ boulon của Pháp) là một loại đinh ốc bằng kim loại dùng để vặn, siết cho chặt, cho khít chứ không ai có thể "vặn cổ". Thế nhưng tại sao phải "bù lon" mà không gì khác, có phải nhại theo "hoài lang" của bản “Vọng cổ hoài lang”? Dù sao người nghe/ đọc vẫn hiểu rành "vặn cổ bù lon" là rành rẽ như "Rành sáu câu vọng cổ" được diễn tả hài hước. Nói một cách chắc nịch, chắc nụi nhưng không hề tỏ ra "ta đây" là nhờ cụm từ đó đã hàm ý nói giỡn chơi, nói cho vui, thế thì, bắt bẻ nhau làm chi?
Lại nữa, ta thường nghe nói la hoảng/ la làng/ la hét nhằm ngụ ý cất tiếng kêu to, hoảng hốt, hoảng sợ khi bất ngờ gặp điều/ chuyện gì đó. Cách nói này, trong Nam lại có "la tiều la quảng/ la quảng la tiều", xin nói ngay, "quảng" ở đây chính là "hoảng" nhưng phát âm theo lối người Nam, lại ngầm hiểu là người Quảng Đông, vì thế nó mới níu theo tiều nhằm chỉ người Triều Châu. Cả hai đi chung với từ “la” nhằm ngụ ý họ có nghe nhưng vẫn không hiểu trong lúc hoảng sợ ấy, người kia muốn nói cái gì, tựa như lúc họ nghe người Tiều và người Quảng nói xì xà xì xồ.
Lại nữa, đi vào miền Nam, ta còn nghe câu cửa miệng "Tam hoàng ngũ đế". Hiểu ra làm sao? Xin dẫn chứng văn liệu, năm 1888, nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký thực hiện tờ Thông loại khóa trình, có thể xem là tờ báo tư nhân đầu tiên của làng báo Việt Nam, trong lời phi lộ, ông cho biết mục đích: "Coi sách dạy lắm, nó cũng nhàm; nên phải có cái chi vui pha vào một hai khi, nó mới thú. Vậy ta tính làm ra một tháng đôi ba kì, một tập mỏng mỏng nói chuyện sang đàng, chuyện Tam hoàng cuốc chí, pha phách lộn lạo xào bần để cho học trò coi chơi cho vui. Mà chẳng phải chơi không vô ích đâu, cũng là những chuyện con người ta ở đời nên biết cả".
Gần đây, trong hồi ký “Hơn nửa đời hư” (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh - 1992), học giả Vương Hồng Sển viết: "Mua một món đồ lạ, rồi đắc ý gặp ai đến nhà cũng lấy ra khoe, quên rằng ép người ta nghe mình nói chuyện Tam hoàng cuốc chí, người ta mau chán ngán" (tr. 501).
Độc đáo của câu Tam hoàng cuốc chí là cách nói ghép từ hai chuyện: 1. Khi nói về lịch sử xa xưa, xa lắc xa lơ của Trung Quốc, người ta thường bắt đầu từ thời Tam hoàng, ngũ đế; 2. Tam quốc chí là tiểu thuyết chương hồi nhiều tập, phải đọc/ kể ròng rã nhiều ngày mới xong. Khi kết hợp cả hai, từ "ngũ đế" bị loại bỏ; Tam quốc chí, chỉ lấy "quốc chí" đơn giản đã có tam/ Tam hoàng rồi, thế thì nó phải là Tam hoàng quốc chí mới đúng catalogue, không đâu, nếu thế, có gì vui, có gì lắt léo? Quốc đã thay thế bằng cuốc mới gợi lên sự trào lộng, bỡn cợt. Từ hai nghĩa trên, câu này hàm ý muốn nó là chuyện xa xửa xa xưa, từ đời bà cố Hỷ không ăn nhậu gì với hiện đại, có thể nhiều người cho rằng vô ích, nghe nhàm tai, không thiết thực, đã thế nó còn được kể lại một cách dông dài, dài dòng, tràng giang đại hải, nói cà kê, dây cà ra dây muống, không có trọng tâm… Nghe chán ngán là phải rồi.
Lại nữa, thí dụ, anh A bịn rịn chia tay chị B. do không muốn như nhân vật trong “Quốc văn giáo khoa thư” đã than thở: "Ôi! Cái cảnh biệt ly sao buồn quá vậy", anh A bèn bông đùa: "Cưng ơi, ô rờ lui nhá". Cách nói này, "quái" chỗ khi sử dụng tiếng Pháp "au revoir": hẹn gặp lại, lời chào tạm biệt nhưng họ chỉ vay mượn "au re" (phát âm ô rờ), và gắn nó vào với "lui". Như vậy, thành phần còn lại "voir" trong "revoir" đã bị "thiến" gọn băng. Sở dĩ, lui chen ngang chình ình ra đó, bởi nó nghĩa là ngược trở lại vị trí đã xuất phát, tức đi về.
Nghe câu đùa duyên dáng ấy, chị B cười mà rằng: "Dạ anh, hẹn ngày tái nạm". Ta hiểu "tái nạm" đích thị từ "tái ngộ" mà ra. Sao không tái gì khác mà phải tái nạm? Cái này, là… do ăn món phở quá nổi tiếng với những "phụ tùng" đặc trưng như tái nạm giòn, tái nạm mỡ... Ngon phải biết. Thế thì, sắc thái câu từ biệt ấy nhộn hẳn lên.
Sử dụng lối chơi chữ kiểu này, không phải bây giờ mới có, từ đầu thế kỷ XX đã xuất hiện. Ta hãy đọc một đoạn ngắn trong “Tuấn, chàng trai nước Việt” của Nguyễn Vỹ: "Đàn bà con nít trong xóm làng và trong thành phố nghe chú nói tiếng Tây rằng, chú là lính "deuxième classe", họ cười rộ lên, và gọi ngạo chú là "đơ dem cùi bắp" (bản in năm 1969, tr.152-153). Ta biết "deuxième classe" dùng chỉ hạng lính binh nhì, khi nhảy vào tiếng Việt, thương cảm thay, "classe" đã bị hoán đổi thành "cùi bắp" để có sắc thái mỉa mai, trào lộng. Bởi trong tâm thức người Việt, cùi bắp là thứ hạng bét, chỉ vứt đi, chẳng nên tích sự gì. Nhưng khi nghe câu cửa miệng: "Giận lẫy xẩy cùi", thì cùi này cũng cùi bắp chứ gì? Không, nó chính là... cùi chỏ.
Lại nữa, có lúc người ta còn mượn sự đồng âm nhưng khác nghĩa, nhằm tạo ra cụm từ mới. Chẳng hạn, tro/ gio và do, có nghĩa hoàn toàn khác nhau nhưng tùy vùng miền lại phát âm na ná, thế thì, khi dùng từ "lý do", người ta cố tình hiểu "do" là "tro/ gio" nên nói trại "lý tro". Mà, đã tro ắt đi chung với trấu, bởi lẽ trấu thường đem rấm bếp ắt thành tro. Cụm từ "lý tro lý trấu" ra đời ý nói cái lý do đưa ra biện mình cho điều gì đó cực kỳ vớ vẩn, không thuyết phục, khó có thể chấp nhận.
Lại nữa, trong khẩu ngữ, ta thường nói thế nọ, thế kia nhưng "nọ" cũng có vùng miền phát âm thành "lọ", dù vậy người nghe vẫn hiểu. Mà, đã nhắc đến lọ ắt ai ai cũng liên tưởng tới chai bởi cả hai cặp kè khít khịt khìn khin như ta vẫn thường gọi chung chai lọ/ lọ chai do cả hai cùng là vật dụng bằng sành, sứ, thủy tinh… dựng chất lỏng. Thế thì, từ đó, mới có câu nói tréo ngoe theo "công thức": thế nọ thành thế lọ và cuối cùng là "thế lọ thế chai" là vậy.
Hay quá, đi chứ. Được trớn, cho tôi đây nói thêm chút tẹo nữa nhá? Nào, ai cấm. Xin mời. Rằng, những lối nói bắt quàng như trên, ta còn có thể suy luận, chứ nói theo kiểu này, chắc chắn 99% bạn đọc mến yêu của tôi khi nghe/ đọc như thế này chỉ còn có nước bù trất. Thế nào? Nói thử đi. Thì dây, ta thử đọc câu văn trong tập sách “Phong lưu cũ mới” (NXB TP. Hồ Chí Minh tái bản năm 1991) của học giả Vương Hồng Sển, ngữ cảnh này là lúc tay này chơi đá gà thua cháy túi, nôn nóng muốn gỡ gạc lại bèn năn nỉ bên kia cáp độ tiếp, dù trời sắp sụp tối là rã đám. Tay kia: "lại giả bộ chần chừ, muốn thôi không đá nữa cho nên "chín hấu mại hơi" cố ý lánh đàng kia làm sao cho gà mình lấn lông lấn cựa chắc ăn mới nghe cho" (tr. 184).
Từ mại hơi có thể hiểu là dù muốn, dù thích nhưng mồm mép lại cứ như cậu Phước - đứa con cầu tự của bà Phó Đoan trong kiệt tác “Số đỏ”, dù thèm nhỏ dãi vẫn cứ "em chả em chả", bụng thì muốn nhưng cứ cái đầu cứ lắc, chê ỏng chê eo… Còn "chín hấu" là sao? Cụ Sển giải thích, đây là tên gọi của loại bài mà ngày xưa người Triều Châu ở miền Nam ưa chơi, còn gọi bài "cảo hấu/ cửu hảo"; trong khi đó nhiều từ điển ghi là bài "cá hẩu". Chuyện này bình thường, chỉ do khác biệt phát âm.
Thế nhưng tại sao chín hẩu lại đi chung với mại hơi? Chịu chết. Khó có thể suy luận, chỉ còn cách nghe nhà sưu tập đồ cổ ngoạn thuộc hàng bậc nhất miền Nam giải thích là lúc chơi bài này: "Khi bài chia rồi thấy bài không liền, thì hô lên "mại" (không), nếu có thêm hai người đồng hô như mình thì xóa bài chia lớp khác. Trong khi ấy người cầm bài tốt không chịu sẽ "xin đánh" và nếu thua sẽ chung tiền gấp hai. Nên khi bài tốt sẵn mà còn "mại hơi" để dụ địch. Tỷ như cô gái, cha mẹ kêu cho hay sẽ gả cho trai nào đó mà còn vùng vằng chưa ưng, thì sẽ nghe bà mẹ nhiếc: "Chịu thì chịu phức, lại còn chín hẩu mại hơi" (tr. 184). Nay, loại bài này chẳng còn ai chơi nữa, tất nhiên, tên gọi nói mai một dần rồi mất hút là lẽ thường tình. Chẳng mấy ai nhớ đến câu cửa miệng này nữa, còn chăng chỉ là từ mại hơi.
- Từ nghèo cháy nóp đến nghèo kiết xác
- Bóc phốt… phớt tỉnh Ăng-lê
Từ khóa » đắc ý Vong Ngôn Là Gì
-
Tự điển - Vong Ngôn - .vn
-
Tự điển - đắc Ngư Vong Thuyên - .vn
-
10 Câu Thành Ngữ Thể Hiện Trí Tuệ Thiên Cổ Của Người Xưa, Hậu Thế ...
-
Wsc Wingchunspiritclub - ĐẮC Ý VONG HÌNH Đắc Nghĩa Là đạt ...
-
Wsc Wingchunspiritclub - Facebook
-
“Vô Ngôn” (無 言) Trong Quan Niệm Văn Học Cổ điển Các Nước Đông Á ...
-
Đắc ý Là Gì - Hàng Hiệu Giá Tốt
-
Về Những Cốt Lõi Trong Tư Tưởng Hồ Chí Minh
-
đắc ý Tiếng Trung Là Gì? - Từ điển Số
-
Nghênh Ngang đắc ý Tiếng Trung Là Gì? - Từ điển Số
-
Đừng Vì đắc ý Mà đánh Mất Chính Mình Bởi Trăng Tròn Thì Sẽ Khuyết ...
-
Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải - Thuyet Phap Thien Tong Viet Nam