MRI Tuyến Vú | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
Có thể bạn quan tâm
Tìm hiểu thêm: Khi nào cần chụp MRI vú?
Khái quát cộng hưởng từ tuyến vú
Chụp cộng hưởng từ tuyến vú hay MRI tuyến vú là một cận lâm sàng dùng để phát hiện ung thư vú và các bất thường khác ở vú. MRI tuyến vú chụp lại nhiều hình ảnh mô vú, sử dụng máy tính để kết hợp những hình ảnh này lại thành hình ảnh chi tiết tuyến vú.
MRI tuyến vú thường được chỉ định sau khi sinh thiết có kết quả ung thư và bác sĩ cần nhiều thông tin hơn về mức độ của bệnh. Đối với một số đối tượng, MRI tuyến vú có thể kết hợp với chụp nhũ ảnh để tầm soát ung thư vú. Nhóm đối tượng này là những phụ nữ có nguy cơ cao ung thư vú như có tiền căn gia đình có khả năng rất cao ung thư vú hay mang đột biến gen di truyền liên quan ung thư vú.
Tại sao cần thực hiện MRI tuyến vú
MRI tuyến vú được dùng để xác định mức độ ung thư vú và tầm soát ung thư vú ở phụ nữ có nguy cơ cao.
Bác sĩ có thể chỉ định chụp MRI tuyến vú nếu:
- Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư vú và cần xác định mức độ ung thư.
- Nghi ngờ rò rỉ hay vỡ túi ngực
- Bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư vú, tức nguy cơ mắc bệnh suốt đời là từ 20% trở lên, được tính toán dựa trên tiền sử gia đình và các yếu tố nguy cơ khác
- Có tiền sử gia đình khả năng cao bị ung thư vú và ung thư buồng trứng
- Bệnh nhân có mô vú rất dày, chụp nhũ ảnh không thể phát hiện được ung thư trước đó
- Bệnh nhân có tiền căn thay đổi mô vú tiền ung thư – như tăng sản không điển hình hoặc ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ - với tiền căn gia đình khả năng cao bị ung thư vú và mô vú dày
- Bệnh nhân mang đột biến gen di truyền ung thư vú, như BRCA1 hoặc BRCA2
- Bệnh nhân từng xạ trị ở vùng ngực trước 30 tuổi
Nếu không chắc mình có thể thuộc nhóm nguy cơ cao không, nên hỏi bác sĩ để giúp xác định yếu tố nguy cơ của bản thân. Hãy tìm đến một phòng khám hay chuyên gia về vú để giúp bạn hiểu hơn về các nguy cơ của mình và đưa ra chọn lựa tầm soát bệnh thích hợp.
MRI tuyến vú có thể được dùng kết hợp với nhũ ảnh hoặc phương pháp chẩn đoán hình ảnh vú khác nhưng vẫn không thay thế được cho nhũ ảnh. Mặc dù độ nhạy cao nhưng MRI tuyến vú có thể vẫn bỏ sót một số ung thư vú mà nhũ ảnh xác định được.
Nguy cơ khi chụp MRI tuyến vú
Chụp MRI tuyến vú là một quy trình an toàn vì không phải phơi nhiễm với tia xạ. Nhưng cũng như các phương pháp khác, MRI tuyến vú cũng có vài rủi ro như:
- Kết quả dương tính giả. MRI tuyến vú có thể xác định khu vực nghi ngờ nhưng sau khi đánh giá thêm bằng siêu âm vú hay sinh thiết thì kết quả là lành tính. Kết quả này gọi là dương tính giả. Dương tính giả có thể làm bệnh nhân lo lắng không cần thiết nếu phải làm cận lâm sàng thêm như sinh thiết để đánh giá khu vực nghi ngờ.
- Phản ứng với thuốc cản từ. MRI tuyến vú có tiêm thuốc cản từ để dễ chẩn đoán. Thuốc này có thể gây phản ứng dị ứng và các biến chứng nghiêm trọng trên bệnh nhân bị bệnh thận.
Chuẩn bị bệnh nhân
Để chuẩn bị chụp MRI tuyến vú cần thực hiện các bước sau:
- Lên lịch chụp MRI vào đầu chu kỳ kinh nguyệt. Nếu đang ở giai đoạn tiền mãn kinh, nơi chụp MRI có thể lên lịch hẹn vào thời điểm nhất định trong chu kỳ kinh nguyệt, khoảng từ ngày 3 đến ngày 14. Ngày đầu tiên hành kinh chính là ngày đầu chu kỳ kinh nguyệt.
- Thông báo với bác sĩ về tiền căn dị ứng của bản thân. Phần lớn quá trình chụp MRI sử dụng thuốc cản từ để dễ chẩn đoán hơn. Thuốc này thường dùng qua đường tĩnh mạch ở cánh tay. Vì vậy, bệnh nhân cần cho bác sĩ biết về tiền căn dị ứng để tránh những biến chứng với thuốc cản từ.
- Thông báo với bác sĩ nếu có bệnh thận. Thuốc cản từ thường dùng trong MRI là gadolinium, có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng ở người bị bệnh thận. Hãy nói với bác sĩ nếu có tiền căn về bệnh thận.
- Thông báo với bác sĩ nếu đang mang thai. Chụp MRI thường không được khuyến cáo đối với phụ nữ có thai vì nguy cơ gadolinium có thể ảnh hường đến thai nhi.
- Thông báo với bác sĩ nếu đang cho con bú. Nếu đang cho con bú, bác sĩ có thể khuyên bạn ngưng cho bú 2 ngày sau khi chụp MRI. Theo Hiệp hội Xquang Hoa Kỳ, thuốc cản từ có nguy cơ ảnh hưởng đến em bé rất thấp. Tuy nhiên, nếu lo lắng có thể ngưng cho bú từ 12 đến 24 tiếng sau khi chụp MRI để cơ thể có thời gian đào thải thuốc cản từ. Có thể hút và bỏ sữa trong khoảng thời gian này đi hoặc trước khi chụp MRI, có thể hút và trữ sữa cho con bú.
- Đừng mang bất cứ thứ gì bằng kim loại khi chụp MRI. Những vật dụng kim loại như trang sức, hoa tai và đồng hồ có thể bị hư hỏng khi chụp MRI. Hãy để những vật kim loại ở nhà hoặc tháo ra trước khi chụp.
- Thông báo với bác sĩ về các thiết bị y tế cấy ghép trên người. Nếu có thiết bị y tế cấy ghép như máy tạo nhịp tim, máy khử rung, khớp nhân tạo… hãy nói cho bác sĩ biết trước khi chụp MRI.
Quá trình chụp MRI diễn ra như thế nào
Khi chụp MRI, bệnh nhân được hướng dẫn thay quần áo và trang sức. Nếu có chứng sợ không gian hẹp, hãy thông báo với bác sĩ trước khi tiến hành chụp MRI vú. Bác sĩ có thể tiêm thuốc an thần nhẹ giúp bệnh nhân thoải mái hơn.
Thuốc cản từ có thể được tiêm qua tĩnh mạch ở cánh tay để các mô và mạch máu dễ nhìn thấy hơn trên hình MRI. Máy chụp MRI có lỗ tròn lớn ở trung tâm. Trong khi chụp MRI tuyến vú, bệnh nhân nằm úp mặt xuống bàn quét có đệm. Ngực của bệnh nhân để vừa vào một lỗ trống trên bàn, nơi chứa bộ phận phát tín hiệu từ trường từ máy MRI. Sau đó cả bàn quét sẽ trượt vào trong lỗ tròn trung tâm của máy.
Máy MRI tạo ra một vùng từ trường xung quanh và song radio hướng trực tiếp vào cơ thể. Bệnh nhân sẽ không cảm thấy vùng từ trường và song radio nhưng có thể nghe thấy những âm thanh lớn phát ra từ bên trong máy. Có thể đeo tai nghe trong suốt quá trình chụp để giảm tiếng ồn này.
Trong khi chụp, kỹ thuật viên vận hành máy có thể nói chuyện qua micro. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn để thở bình thường nhưng vẫn nằm yên nhất có thể. Quá trình chụp MRI có thể mất 30 phút đến 1 giờ.
Kết quả chụp MRI
Bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh xem xét hình chụp MRI tuyến vú đồng thời có thể liên hệ để thảo luận thể kết quả chụp.
Xem thêm: Siêu âm tuyến vú
Có thể bạn quan tâm: Điều trị đích trong ung thư vú
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp
Từ khóa » Chụp Mri Vú
-
Tại Sao Bạn Cần Chụp MRI Vú? | Vinmec
-
Kỹ Thuật Chụp MRI Tuyến Vú | Vinmec
-
Những Chỉ định Cộng Hưởng Từ (MRI) Tuyến Vú Hiện Nay
-
KHI NÀO CẦN CHỤP MRI VÚ? | BvNTP
-
Chụp Cộng Hưởng Từ Vú – Khi Nào Nên?
-
Dịch Vụ Chụp MRI Tuyến Vú - ISofHcare
-
Chụp Cộng Hưởng Từ Tuyến Vú Có Tiêm Thuốc động Học đối Quang Từ
-
Tìm Hiểu Về Kỹ Thuật Chụp MRI Tuyến Vú
-
Khi Nào Nên Chụp Cộng Hưởng Từ Tuyến Vú?
-
Các Phương Pháp Chẩn đoán Hình ảnh Tuyến Vú Tại Khoa C8-A Bệnh ...
-
Cộng Hưởng Từ Tuyến Vú
-
Chụp Cộng Hưởng Từ (MRI): Quy Trình, Giá, ưu Nhược điểm
-
[PDF] MRI Vú Lợi ích Và Giới Hạn