Mụ Cọp - Báo Sức Khỏe & Đời Sống

Thuở ấy làng Phú Đại còn hoang vắng, nhà cửa thưa thớt, thôn xóm ở gần rừng già, muông thú thường về tận trong làng. Thỉnh thoảng cọp vồ chết người. Tết năm Canh Dần cả làng náo động đánh trống nổi lửa sáng trời vì cọp về vồ xác bà Sáu Mụ mang đi. Vào canh một giờ khuya bà ra ngoài đi tiểu nhưng không thấy vào nhà. Chờ mãi không thấy vợ trở vào, ông Sáu bưng đèn dầu ra dòm thì thấy dấu chân cọp ngay nơi bà Sáu Mụ ngồi tiểu. Theo kinh nghiệm đi rừng, ông Sáu giật mình kinh hoàng, cái dấu chân này là cọp đực, lại thuộc loại cọp dữ. Cứ ba chụm lớn lại chen một chụm nhỏ, có một chụm cấm chốt sau gót chân, như nốt chai sần thăng hàm lên chức anh đại.

Hết cơn bàng hoàng, ông Sáu khóc la nấc nghẹn từng hồi, trong giàn giụa nước mắt, tạ từ người vợ công dung ngôn hạnh nhất đời ông:

- Mẹ nó ơi! bà đâu có làm điều chi ác mà ông cọp vồ xác kéo bà đi, cả làng Phú Đại chỉ mỗi mình bà đón tiếng chào đời trẻ khóc. Ông cọp bắt bà đi rồi lấy ai đỡ cho cái khoai con xoài con mít ngày mai nó sanh...

Xóm làng thức dậy xóc xới tới lui nhà ông Sáu. Đàn ông thanh niên cuộn vải vào đầu cây dâu, châm dầu đốt đuốc, chạy khắp các hẽm trong làng, đến tận bìa rừng. Tiếng thùng thiếc, mâm thao, xoong nồi của phụ nữ trẻ con, vang sáng cả làng nhưng âm thanh nhỏ dần, vô vọng! Mọi người lo nấu cơm luộc trứng, hái trái cây đơm cúng bà Sáu Mụ. Ông Biện Cúc viết vội bài vị chữ Hán lồng que tăm cắm giữa bàn. Bài vị chỉ có hai chư “Tam Tòng” thờ bà Sáu Mụ. Những người biết chữ Hán thì nghĩ, bà Sáu Mụ là phụ nữ vẹn toàn có bốn đức tính Công Dung Ngôn Hạnh, cả làng này chỉ mỗi mình bà làm nghề sanh đẻ, ai gọi bà đều có mặt, dù xa cả chục cây số đi bộ đường trơn. Hơn 30 năm làm nghề hộ sinh, khi bà chưa gặp ông Sáu, mà nay đã có ba mặt con khôn ngoan, cả làng Phú Đại này chưa thấy ai chê bà Sáu Mụ câu nào! Sản phụ thấy bà là yên tâm vượt cạn.

Ông Biện Kỳ đến thắp hương cho bà Sáu Mụ, thấy trên bàn thờ chữ Tam Tòng, đem lòng thắc mắc: Hết chữ cho hay sao mà cho thờ chữ Tam Tòng ý lớn lại chung chung. Tam Tòng là Tại gia tòng phụ. Trong gia đình phải thờ cha kính mẹ, tùng mẹ theo cha làm điều hay lẽ tốt việc nghĩa cho gia đình. Xuất giá tòng phu, lấy chồng thì tùng phục theo chồng, trong gia đình tổ ấm riêng lấy nghĩa phu xướng phụ tùy làm trọng, chồng nói vợ nghe, vợ nói chồng hiểu. Phu tử tòng tử, chồng chết thì theo con, trông nom gia đình nuôi dạy con cái thay chồng, tôn vinh dòng họ bên chồng.

Thầy giáo Tròn ngồi cuối bàn lớn tiếng chen vào:

- Đó là ngày xưa, còn bây giờ là ngũ tòng Tử tử tòng tộc, con cái mà lỡ có bề nào, thì theo tộc họ nhà chồng, mà phụng thờ sự kính nghĩa tình phu thê tộc họ nhà chồng mà rủi có chổng mui xui dốc! thì theo tổ, ở đây không phải là tổ tiên nữa mà là tổ chức, con người trong xã hội mới phải có tổ chức.

Ông Biện Cúc nửa đùa nửa thật:

- Các ông chữ Hán rộng quá thành liên tưởng suy diễn đủ điều, lại hẹp đường suy dụng thực tế. Bà Sáu là thầy đỡ đẻ độc nhất, lại tài nhất làng này cho dù Tam Tòng, Tứ Đức hay là gì đi nữa thì bà vẫn xứng đáng được dân làng dâng gán danh xưng. Đằng này bà Sáu Mụ bị cọp beo tha đi mất, beo tha nói ngược lại là ba theo, ba là tam, theo có nghĩa là tùng hay tòng. Tùng quân nhập ngũ hay tòng quân nhập ngũ. Mỗi người có một cách sống. Mỗi người có một nghiệp chết. Bà Sáu Mụ chết vì cọp beo tha thì thờ chữ Tam Tòng là hợp lý có gì các ông lại cứ bàn cãi. Cả nhà được trận cười vui như Tết.

Chúa sơn lâm gầm vang núi rừng, vì nghe biết những gì người làng bàn tán nghĩ sai về vụ bà Sáu Mụ mất tích, vô cùng tức giận nhưng cọp chỉ gầm gừ rồi rảy tai cố quên, tai cọp rất thính, ai nói lén xa vài chục cây số cọp đều biết. Chúa sơn lâm có tật, cứ rảy tai là quên ráo trọi, nếu cọp có trí nhớ đem lòng nhỏ nhen, thì mỗi ngày trả thù xé xác hàng trăm người chuyên ngồi lê tám chuyện thiên hạ. Trên lưng cọp là bà Sáu Mụ. Chạy qua khỏi cánh đồng Bàu Dừng là đến rừng già nhiều tầng lớp cây to, dây leo chằng chịt. Cọp đực phải luồn lách đi từng bước, tay phải lo giữ bà Mụ trên lưng, tay trái rẽ lối bẻ cây dọn đường, hai chân đi như đếm bước sợ bà Mụ té. Cọp leo lên ngọn núi cao, dừng lại trước hang có cửa quay về hướng Đông, nhẹ nhàng đặt bà Mụ ngồi trên phiến đá rộng. Bà Sáu Mụ nghe văng vẳng tiếng rên quen thuộc, bà đã từng nghe hơn 30 năm qua: tiếng rên của người mẹ đau bụng chuyển dạ sắp sanh. Chốc chốc tiếng cọp cái gầm rú cạn dần như muốn đứt hơi lòng bà Sáu nao nao, bà không sợ chi nữa vì đã hiểu ra sự việc, vợ đang chuyển dạ sanh nên chồng đi mời thầy thuốc. Bà Sáu Mụ nhanh chân bước vội vào hang, cọp cái nằm quay mặt vào trong, giọng kêu thều thào nhỏ dần, mồ hôi vã ra ướt lá cây rơm rạ, nơi cọp nằm như tưới nước. Mùi thơm tỏa ra từ trong hang, hương quen thuộc của lá cây ngũ trảo, bạch đàn, lá quế, lá sả, cây kinh giới, thuốc cứu... Cọp đực hái mang về lót ổ cho vợ đẻ.

Bà Sáu Mụ đưa tay xem mắt bắt mạch, cọp đực quỳ bên cạnh chăm chú từng cử chỉ nét mặt thầy thuốc. Bà Mụ xoa bụng nắn hông, vuốt ngực, đưa tay thăm khám cửa mình, cọp đực lại quỳ sát mặt đất hơn, như van xin vì nhận biết điều lạ, sinh đôi lại ngôi ngược. Bà Mụ lấy lá cây đu đủ, ngũ trảo, thảo ma... hơ nóng vò nát xoa khắp cơ thể cọp cái, đoạn đắp lên đầu, chườm lên trán. Cứ mỗi lần sản phụ cựa mình, thầy thuốc xoa bụng nắn dạ, người mẹ quặn mình, một chú cọp con ra đời. Bà Sáu Mụ dùng lá dâu lau cho cọp con, rồi đặt bên cạnh mẹ. Cọp cái đưa lưỡi liếm toàn cơ thể chú bé, nhất là trên mặt, hai bên nách, hai bên bẹn, chú cọp con kêu lên bảy tiếng rồi đi từng bước chập chững, quanh mình mẹ. Cọp bé chui vào rúc vú mẹ như đói lắm. Dòng sữa từ bộ vú căng cứng có dịp tuôn trào như suối khai thông hơn bảy ngày bị đắp chặn. Cọp cha luýnh quýnh chạy lòng vòng, ra ngoài phóng nhanh vào rừng, mang về đủ loại trái cây: Xoài mít mận cam bưởi, có cả nước dừa dâng mời bà thầy đỡ đẻ.

Bà Mụ lại hơ nóng khắp thân sản phụ, cọp mẹ lại quặn mình, chú cọp con lại kêu lên ừm ừm bảy tiếng bước đi. Bỗng chúa sơn lâm gầm bảy hồi vang rền trời đất nghe rợn cả người, quỳ sụp xuống bên chân bà Sáu Mụ, chấp tay khấn bốn mươi chín lạy, nước mắt chảy dài theo khoé mi. Bà Sáu Mụ ra dấu cho chúa sơn lâm đứng lên đến bên vợ con, không khí đầm ấm vui vầy bao trùm cả khu rừng. Bà Sáu Mụ theo hướng mé rừng, tìm hái cây chó đẻ răng cưa, cây ích mẫu, nhân trần, nghệ xanh, ba tròng đem về để dành cho sản phụ.

Chúa sơn lâm nâng bà Sáu Mụ trên lưng, miệng tha con nai tơ mởn lông mọng thịt, bước từ từ theo sườn triền xuống núi. Cả nhà hú vía bởi sự xuất hiện của bà Sáu Mụ ngồi trên lưng cọp to kềnh dữ tợn đang quỳ chầu trước sân. Chúa sơn lâm lễ phép nhẹ nhàng mang nai rừng từng bước đến hè nhà sau, rồi quỳ sụp trước mặt mọi người, lùi sau bảy bước, nhanh chân thoáng biến về hướng núi ông Bành Già. Đám ma chuyển ra đám tiệc mừng. Đám tiệc say nghiêng ngã, có món lạ do cọp đực dâng biếu nhớ ơn bà thầy cứu sống vợ con.

Tết Canh Dần ở làng Phú Đại, mỗi nhà đều có thịt nai ướp nướng, thịt heo rừng kho chung hột vịt. Ông Biện Tàu nói ăn heo rừng may mắn, lông heo ba gốc lồng tụ tam tài Phước Lộc Thọ vào nhà. Đường làng sáng rực muôn màu áo dài khăn hoa, hướng về nhà bà Sáu Mụ, trọn lời hoa mỹ chúc phúc sống khoẻ, vững vàng như núi ông Bành Đại thọ dài ngàn năm!

Lý Nam

Từ khóa » Bà Mụ Cọp