Mùa Cà Ra - Báo Thái Bình điện Tử - .vn
Có thể bạn quan tâm
Cà ra là một loại cua to gần bằng con ghẹ, trông giống cua đồng nhưng chân dài, mình to gấp ba, bốn lần cua đồng và mang một số đặc điểm khác biệt với họ nhà cua với hai càng cua có hai lớp lông như rêu bám vào, yếm cua cũng có lớp diềm rêu. Sông Hóa và sông Luộc chảy qua huyện Quỳnh Phụ có tổng chiều dài 35,5km. Mặc dù chảy qua các xã Quỳnh Giao, Quỳnh Lâm, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Hoa, An Khê, An Đồng, An Ninh nhưng chỉ có ở một số địa phương có cà ra sinh sống. Tháng 8 âm lịch đến cũng là lúc mùa cà ra bắt đầu. Có câu “cua tháng ba, cà ra tháng tám” là bởi tháng 8 âm lịch là thời điểm cà ra chớm mùa. Nhưng cà ra thực sự rộ nhất là vào tháng 9 và tháng 10 âm lịch bởi lúc này cà ra sẽ béo ngậy và thơm ngon nhất. Anh Nghiêm Xuân Hùng, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở vùng quê gắn liền với sông nước nên tôi khá hiểu con nước sông Luộc.
Trong ngôi nhà nhỏ của anh Hùng vừa là nơi tiếp khách vừa là nơi để anh bày đồ nghề bắt cà ra, đó là những chiếc lồng dài từ 4 - 5m, khi cần có thể gập gọn lại được. Anh bảo đây là “lồng bát quái”, chỉ loại ngư cụ này mới có thể giam được con cà ra suốt đêm trong lồng, khi chúng chui vào đó. Anh kể: Thường thì buổi tối, sau khi xếp gọn những chiếc lồng thành 2 chồng lớn tôi mang ra bờ sông, lái thuyền đến những nơi mà người trong nghề cho là nhiều cà ra. Trong lồng có mồi là cá khô, đó là “món ăn khoái khẩu của cà ra”.
Theo anh Hùng, người làm nghề tự phân định với nhau khu vực thả lồng. Công việc của anh thường kết thúc lúc nửa đêm. Sáng sớm hôm sau ra thu lồng về. Vào thời điểm này là mùa nước lớn, lại chớm mùa nên cà ra bắt được không nhiều và không đều nhau, mỗi ngày anh bắt được khoảng 3 - 5kg. Bên cạnh cà ra, mỗi buổi đêm như thế, anh còn bắt được tôm, cá bống, cá ngạnh. Với giá cà ra sông hiện nay dao động từ 230.000 - 300.000 đồng/kg, đời sống gia đình anh đã được cải thiện rõ rệt.
Cua cà ra chớm mùa vào tháng bảy, tháng tám âm lịch nhưng rộ nhất là khi đông đến tức tháng chín, tháng mười, rất béo và đầy thịt. Lúc đó, cà ra sông vỡ tổ, không ở cố định trong hang mà đi từng đàn. Việc đặt bẫy đánh bắt cũng dễ hơn rất nhiều. Một con cà ra to có thể có trọng lượng lên đến 200g. |
Người dân xã Quỳnh Hoàng và nhiều xã khác kể lại rằng, ngày xưa, khi cà ra còn nhiều, từng đám trẻ trong làng thường không ngủ trưa, mặc quần cộc rủ nhau đi đào cà ra. Lúc ấy cà ra ở trong đồng nhiều vô kể, chúng đào hang làm tổ hệt như cua. Để phân biệt hang cà ra và cua đồng rất dễ, cứ sáng ra, nhìn hang nào mà mụn nổi to bằng hạt đậu đen là hang cà ra còn mụn nổi to bằng hạt đậu tằm là hang cua đồng. Hang cà ra vừa sâu lại nhiều ngách thoát hiểm, phải đào bằng thuổng. Nhiều khi hang không thông nên đám trẻ thường cho một nắm vôi vào khiến chúng xót mình phải bò ra. Xưa cà ra nhiều lắm, có hang đếm được đến trên mười con. Đó là cách bắt cà ra ở đồng còn trên sông hồi ấy hầu như không có ai đi bắt cả bởi chưa có dụng cụ đánh bắt. Thân cà ra to, càng sắc nhọn lại hung dữ nên dễ làm rách lưới của ngư dân. Bên cạnh đó, ngày ấy giá cà ra cũng rất rẻ, thậm chí mời mãi cũng không có ai mua. Bởi vậy, khi cà ra mắc lưới họ chỉ giữ lại những con to, con nhỏ thả lại xuống nước.
Thực khách thích thú với chiếc “lồng bát quái” của anh Hùng.
Vài năm trở lại đây, cà ra sông lại trở thành món ăn đặc sản bởi chúng được gọi là thực phẩm sạch, chế biến được nhiều món ăn. Đôi khi, chỉ là món cà ra nấu canh đã làm mâm cơm gia đình thêm phần ấm cúng. Nhiều người lại thích món cà ra được bóc vỏ, bỏ càng, chặt đôi, rồi cho vào chảo chao mỡ. Những miếng cà ra đầy ắp gạch vàng thật thơm, chỉ nhìn thôi đã không thể cưỡng được ý muốn thưởng thức. Tháng 8, tháng 9 âm lịch cũng là lúc tiết trời mát mẻ, nhiều gia đình thích làm món lẩu cho những hôm sum vầy nên cà ra lại là một món ăn được các bà nội trợ yêu thích. Nước gạch óng vàng, thơm mùi hành phi với vị chua thanh dịu của dấm bỗng và ngọt ngào của gạch cua, nhưng đặc biệt hơn là thịt cà ra béo ngậy trong nồi lẩu nghi ngút khói. Cà ra được thả vào nồi nước lẩu khi vẫn còn sống hoặc bóc mai, xào gạch. Do vỏ cà ra mềm nên rất nhanh chín và khi ăn không cần dùng đến kìm kẹp như khi ăn các loại cua, ghẹ nên được rất nhiều người ưa thích. Bên cạnh đó, cà ra được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như cà ra rang me, cà ra hấp…
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, hiện nay nhiều người đã nhân giống và nuôi thành công cà ra. Bởi vậy, hiện nay, ngoài thị trường gần như lúc nào cũng có cà ra. Cà ra đã trở thành đặc sản của những tỉnh sông nước như Thái Bình.
Đặng Anh
Từ khóa » Giá Cà Ra Sông
-
Hải Dương: Con Cà Ra - Loài Cua đặc Sản Nhiều Người Tìm Mua
-
Hải Dương: Bắt Con Cà Ra-loài Cua đặc Sản Có Cái Tên Là Lạ Sống ở ...
-
Cua Cà Ra (cua Lông, Cua Da, Cua Sông) - HẢI SẢN BIÊN HÒA
-
Cà Ra được Mùa, Giá Cao - BaoHaiDuong - Báo Hải Dương
-
Độc đáo Cà Ra Sông - Báo Quảng Ninh điện Tử
-
Lạ Mà Quen Với Các Món Ngon Từ Cà Ra Sông - Thái Hà Boutique
-
Cua Cà Ra Sông - Tin đăng ID: 3000583 | ÉnBạ
-
Cua Lông Giá 45.000 đồng Một Con
-
Hốt Bạc Triệu Mỗi Ngày Từ Nghề Săn Cà Ra Trên Sông Lạch Tray
-
Bỏ Gần Triệu ăn 'cua Lông Thượng Hải', Gần Như Chắc Chắn Bị Lừa
-
Xưa Con Này đầy Nhóc Chạy Như Cua, Giờ Bán 230 Ngàn/kg - Gia đình
-
Ngư Dân Bắt Cà Ra Bỏ Túi Hàng Triệu Mỗi Ngày - Nguoi Dua Tin
-
Mùa Cà Ra ở Ba Chẽ (Quảng Ninh) - Tạp Chí Thủy Sản
-
Giá Bán Cua Cà Ra , Cua Sông Tại Hà Nội - Quận Hai Bà Trưng